Có thật cả cuộc đời Van Gogh chỉ bán được một bức tranh?
Hậu thế đánh giá Vincent Van Gogh như một thiên tài bị ngó lơ một cách khốn khổ trong suốt cuộc đời mình, chi tiết “cả cuộc đời chỉ bán được một bức tranh” được nhắc đi nhắc lại để tô đậm sự khốn khổ của ông lúc sinh thời – một họa sĩ nghèo khó, gần như vô danh. Chỉ sau khi đã qua đời, Van Gogh mới nổi danh trong thế giới, tác phẩm bán ra lập nên những kỷ lục về giá.
Danh tiếng của Van Gogh bắt đầu gia tăng ở đầu thế kỷ 20. Càng về sau, mức độ thành công của di sản hội họa mà Van Gogh để lại càng mở rộng cả về giá trị nghệ thuật, giá trị thương mại, mức độ nổi tiếng và đến gần với đại chúng.
Van Gogh được nhớ tới như một danh họa vĩ đại nhưng cuộc đời đầy bi kịch, sức khỏe tinh thần bất ổn, rối loạn về tâm lý – tính cách, khiến công chúng hình dung về ông như một người họa sĩ khốn khổ chịu một định mệnh khắc nghiệt. Chính điều này cũng làm nên… sức hấp dẫn lâu dài của tên tuổi và sự nghiệp Van Gogh đối với công chúng.
Hậu thế đánh giá Vincent Van Gogh như một thiên tài bị ngó lơ một cách khốn khổ trong suốt cuộc đời mình (Ảnh minh họa: Một bức tranh tự họa được Van Gogh thực hiện năm 1889).
Người ta hay nói rằng bức “Vườn nho đỏ ở Arles” là bức tranh duy nhất mà Van Gogh từng bán được trong đời. Bức tranh hiện trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Pushkin ở Moscow, Nga. Dù vậy, thông tin này gặp phải một số sự phủ nhận, bởi kỳ thực có những bức tranh khác cũng đã từng được Van Gogh bán ra.
Nhưng cần phải hiểu rằng, “Vườn nho đỏ ở Arles” là bức tranh duy nhất được Van Gogh bán đi một cách “chính thống” lúc sinh thời, có những thông tin được lưu lại rõ ràng về tên tác phẩm, thời điểm bán, giá bán…
Vì vậy, đây vẫn là bức tranh duy nhất của Van Gogh được bán ra trong một cuộc giao dịch chính thức lúc Van Gogh còn sống, giới hội họa cũng xác nhận cuộc bán mua này, và vì vậy mà câu “cả cuộc đời chỉ bán được một bức tranh” cũng có nét nghĩa đúng của nó.
Van Gogh bắt đầu vẽ tranh khi ông đã 27 tuổi, một lứa tuổi khá muộn màng đối với một người theo đuổi sự nghiệp hội họa. Sau này, ông qua đời ở tuổi 37, chỉ có 10 năm cầm cọ để gây dựng một sự nghiệp ngắn ngủi, việc Van Gogh không thể bán được nhiều tranh lúc sinh thời cũng là dễ hiểu bởi tên tuổi, sự nghiệp của ông khi ấy chưa thể thu hút nhiều người tìm mua tranh.
Hơn thế, những bức tranh khiến ông bắt đầu được biết tới được thực hiện sau khi ông đã chuyển tới Arles, Pháp hồi năm 1888, tức chỉ 2 năm trước khi ông qua đời. Điều đáng kể là chỉ vài thập kỷ sau khi mất, phong cách hội họa của Van Gogh đã trở nên nổi tiếng và sau cùng, ông trở thành một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa.
Bức “Vườn nho đỏ ở Arles” – bức tranh duy nhất được Van Gogh bán ra chính thức
Năm 1889, Van Gogh được mời tham gia một triển lãm ở Brussels, Bỉ. Van Gogh đã đề nghị em trai – Theo van Gogh, một nhà buôn nghệ thuật, đồng thời là người bảo trợ cho ông, gửi 6 bức tranh của ông tới tham dự triển lãm, trong đó có bức “Vườn nho đỏ ở Arles”.
Bức “Vườn nho đỏ ở Arles” – bức tranh duy nhất được Van Gogh bán ra chính thức.
Bà Anna Boch, một họa sĩ người Bỉ kiêm nhà sưu tập tranh đã mua bức tranh này với giá 400 franc Bỉ, lý do mua tranh chỉ có thể hiểu là bởi bà thích bức tranh và muốn thể hiện sự ủng hộ dành cho Van Gogh, người vốn phải chịu nhiều sự chê bai từ giới hội họa đương thời, hơn thế, cậu em trai của bà – họa sĩ Eugène Boch – vốn là một người bạn của Van Gogh.
Eugène Boch đã quen Van Gogh tại Arles, Pháp hồi năm 1888. Họ trở thành bạn và Van Gogh thực hiện một bức tranh chân dung khắc họa Eugène Boch, bức tranh có tên “Nhà thơ”. Hiện tại, bức họa này đang được trưng bày tại bảo tàng Musée d’Orsay, Paris, Pháp.
Bà Anna Boch bán bức “Vườn nho đỏ ở Arles” hồi năm 1906 với giá 10.000 franc Bỉ. Ngay trong năm đó, tranh được bán cho doanh nhân ngành dệt người Nga – ông Sergei Shchukin. Bức tranh sau cùng được tặng lại cho Bảo tàng Pushkin hồi năm 1948.
Van Gogh đã vẽ bức “Vườn nho đỏ ở Arles” bằng trí nhớ hồi tháng 11/1888. Đó là quang cảnh một vườn nho lúc vào thu với những sắc màu rực rỡ hiện diện trong khu vườn.
Trong những lá thư gửi cho em trai Theo, Van Gogh đã từng có vài lần đề cập tới bức tranh này, trong đó có đoạn: “Anh sẽ vẽ bằng trí nhớ nhiều hơn, khi ấy các tác phẩm được thực hiện bằng ký ức sẽ bớt đi sự ngượng nghịu và thêm vào cái nhìn nghệ thuật, giống như bức “Vườn nho đỏ ở Arles””.
Những bức tranh để đổi lấy đồ ăn và dụng cụ vẽ
Theo thông tin từ phía Bảo tàng Van Gogh, lúc sinh thời, Van Gogh đã từng bán hay có thể hiểu theo một cách thực tế hơn, đó là đổi tranh để nhận về thực phẩm và dụng cụ vẽ. Việc trao đổi này được thực hiện đầu tiên giữa Van Gogh và người bác họ vốn cũng là một nhà buôn nghệ thuật.
Người bác muốn giúp đỡ cháu trai trong bước đầu khó khăn nên đã từng đặt hàng cháu trai thực hiện 19 bức tranh khắc họa quang cảnh thành phố La Hay (Hà Lan) để đổi lại những nhu yếu phẩm trong cuộc sống thường ngày và dụng cụ, màu vẽ…
Bức “Hoa hướng dương” được Van Gogh thực hiện hồi tháng 8/1889.
Trong những năm tháng đầu thử làm họa sĩ, Van Gogh từng đổi tranh để nhận về hiện vật như vậy, điều này vốn không xa lạ gì đối với các họa sĩ trẻ mới gây dựng sự nghiệp thời bấy giờ.
Thực tế, dựa trên các thư từ giữa Vincent van Gogh và em trai (hiện các thư từ này được lưu trữ tại Bảo tàng Van Gogh), có thể kết luận rằng lúc sinh thời, Van Gogh đã bán được nhiều tranh cho những người họ hàng vốn am hiểu về nghệ thuật và mua tranh như một sự đầu tư. Tranh của Van Gogh cũng được đánh giá cao bởi một số họa sĩ và nhà buôn nghệ thuật.
Nhưng những cuộc trao đổi này diễn ra không chính thức, không có những thông tin lưu lại về tên tranh, giá cả, thời điểm và các bên bán mua. Số tiền mà em trai Theo định kỳ gửi tới cho Vincent van Gogh để dùng làm sinh hoạt phí và mua các dụng cụ vẽ, thực ra chính là một sự trao đổi, để khi Van Gogh hoàn thành xong các tác phẩm sẽ gửi tới cho Theo.
Là một nhà buôn nghệ thuật, Theo lưu giữ một lượng tranh lớn của anh trai, chờ khi thị trường có tín hiệu tích cực, khi giá tranh được đẩy lên cao, khi tài năng của Van Gogh được nhìn nhận, lúc ấy, Theo sẽ bán ra thị trường.
Vincent van Gogh qua đời hồi tháng 7/1890. Tham vọng lớn nhất của người em trai Theo sau khi Vincent qua đời là khiến cho các tác phẩm của anh trai được biết tới rộng rãi hơn và từ đó đẩy cao giá trị sự nghiệp hội họa của người anh trai xấu số, đoản mệnh. Nhưng điều đáng buồn là chính Theo cũng qua đời ở thời điểm 6 tháng sau vì bệnh tật.
Theo để lại một bộ sưu tập hội họa rất lớn cho vợ – bà Jo van Gogh-Bonger. Sau đó, người phụ nữ này đã bán một số tác phẩm của Van Gogh, gửi nhiều tác phẩm khác tới các triển lãm, công khai các lá thư của Vincent gửi cho em trai Theo…
Thực tế, chính nhờ sự nỗ lực của bà Jo van Gogh-Bonger mà sự nghiệp của Vincent van Gogh đã được biết tới nhiều hơn, nếu không có sự nỗ lực tận tụy của bà, sự nghiệp hội họa của Van Gogh đã không được biết đến như ngày hôm nay.
Sau này, người con trai của ông Theo và bà Jo – Vincent Willem van Gogh lại chăm sóc cho bộ sưu tập tranh mà mẹ để lại và góp công thành lập nên Viện bảo tàng Van Gogh, nơi lưu giữ bộ sưu tập tranh Van Gogh lớn nhất thế giới.
Van Gogh từng đi qua rất nhiều nghề nhưng không một lần thành công
Van Gogh từng thử qua rất nhiều nghề, như buôn tranh, giảng dạy, thuyết pháp… nhưng đều thất bại. Trong lúc thất vọng và nghi ngờ bản thân, Van Gogh đã tìm tới hội họa. Một quyết định trong lúc “đường cùng” đã đưa lại cho hậu thế một danh họa.
Năm 1878, Vincent Van Gogh 25 tuổi – một độ tuổi chưa phải là già, nhưng cũng không còn quá trẻ, nhìn lại cuộc đời mình tới thời điểm bấy giờ, Van Gogh tự thấy không có thành tựu nào, sự nghiệp chưa ổn định và theo đánh giá của giới trung lưu bấy giờ, Van Gogh là một người đàn ông thất bại.
Từng có một thời gian làm việc cho một nhà buôn nghệ thuật ở thành phố La Hay (Hà Lan), rồi London (Anh) và Paris (Pháp), nhưng ở đâu, Van Gogh cũng không thể làm tốt công việc của mình. Nhút nhát và ngượng nghịu, Van Gogh không thể nào đạt tới tầm chuyên nghiệp của một chuyên gia trong lĩnh vực buôn bán nghệ thuật. Vì vậy, ông nhanh chóng bị sa thải.
Sau đó, Van Gogh có thử công việc giảng dạy ở Anh, làm việc trong một hiệu sách ở Dordrecht (Hà Lan), rồi chuyển tới Amsterdam (Hà Lan) để học làm mục sư với hy vọng nối nghiệp cha…
Bức “Người đàn ông buồn bã” được Van Gogh vẽ năm 1890.
Nhưng dù ở công việc nào, Van Gogh cũng không bao giờ nỗ lực hết mình, không có đủ sự kiên nhẫn và quyết tâm để nắm vững những hiểu biết cần có trong công việc. Đến năm 1878, vài tháng sau sinh nhật thứ 25, Van Gogh quyết định tới Brussels (Bỉ) tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn dành cho người muốn làm nghề truyền giáo.
Tuy vậy, công việc này cũng lại vượt quá khả năng của ông. Sau 3 tháng thử thách, ông thể hiện quá tệ và không được chấp nhận vào học.
Tuy vậy, Van Gogh vẫn rất tin tưởng vào khả năng truyền giáo của mình. Cuối năm 1878, ông lên đường tới vùng mỏ Borinage nằm ở phía tây thành phố Mons (Bỉ). Van Gogh quyết định trở thành người truyền giáo tự phong, đến thuyết pháp cho những người lao động nghèo khó.
Ông ở lại đây tới tháng 10/1880 mới quay trở về thành phố Brussels (Bỉ), dù cuối cùng mục tiêu trở thành người truyền giáo cũng thất bại, nhưng việc đến Borinage đã đưa lại những tác động rất lớn đối với Van Gogh.
Chính thời gian làm một nhà truyền giáo thất bại ở Borinage đã đưa lại cho Van Gogh những đề tài và mô-típ hội họa. Sau khi rời Borinage, Van Gogh tới Brussels (Bỉ), học vẽ tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia.
Van Gogh từng viết trong một lá thư rằng: “Chính tại Borinage, lần đầu tiên trong đời tôi đã bắt đầu lao động chăm chỉ một cách thực chất nhất”. Rất ít tác phẩm được Van Gogh thực hiện từ thời còn ở Borinage tồn tại cho tới hôm nay, bởi tự tay Van Gogh đã hủy hoại những tác phẩm này, như ông đã tiết lộ trong một lá thư gửi cho người bạn.
Có thể Van Gogh cảm thấy những tác phẩm thuở mới cầm cọ quá vụng về, cũng có thể những bức tranh đó gợi lại những cảm xúc quá mãnh liệt về một giai đoạn mông lung với quá nhiều nỗi thất vọng vì liên tiếp gặp phải quá nhiều thất bại.
Trong suốt một thập kỷ cầm cọ của mình, Van Gogh chỉ chính thức bán được một bức tranh. Nghề họa sĩ – nghề nghiệp gắn bó với ông trong những năm tháng cuối đời – cũng không đem lại cho Van Gogh một sự nghiệp thành công khi ông còn sống. Ông phải dựa vào sự chu cấp của em trai để có tiền sinh sống, để mua dụng cụ vẽ, màu vẽ.
Bức “Đêm đầy sao” được Van Gogh vẽ năm 1889.
Sau hàng loạt những khốn khổ trong đời, Van Gogh dừng cuộc đời mình lại ở tuổi 37, đến nay, Van Gogh – người họa sĩ khốn khổ, đoản mệnh, bất hạnh hàng đầu của thế giới hội họa – đã được hậu thế nhìn nhận như một vị danh họa vĩ đại, có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 trong lĩnh vực hội họa.
Sau cùng, cuộc sống vẫn luôn có những nghịch cảnh trớ trêu để làm nên những câu chuyện huyền thoại được nhắc nhớ mãi như vậy.
Don McLean – Vincent ( Starry, Starry Night)
Bích NgọcTheo Thought Co/Van Gogh Museum