Cô dâu Ấn Độ muốn vùng lên
Ngày càng nhiều cô dâu Ấn Độ chấp nhận rủi ro hay đối đầu với gia đình để thay đổi những thủ tục, nghi lễ lạc hậu, bất bình đẳng trong đám cưới truyền thống.
Priya Aggarwal, sinh viên vừa tốt nghiệp ngành luật ở phía bắc thành phố Ambala, bang Haryana, trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi đi ngược với các nguyên tắc trong đám cưới diễn ra đầu năm 2022. Cô cưỡi ngựa, cầm kiếm sang nhà trai xin rể trong ngày kết hôn – vai trò vốn là của đàn ông.
Trong chế độ phụ hệ, các nghi thức của đám cưới luôn đề cao quyền thống trị của nam giới. Ví dụ, bố mẹ vợ phải rửa chân cho con rể. Thậm chí khi người cha dẫn con gái vào lễ đường, chú rể và gia đình nhà trai coi cô dâu là vật sở hữu.
Nhưng điều này dần được thay đổi, khi các nàng dâu bắt đầu có cách riêng để hôn lễ trở nên khác biệt và đề cao sự bình đẳng giới.
Parthip Thiagarajan, người điều hành nền tảng trực tuyến Wedding Sutra, chuyên cung cấp dịch vụ cưới, cho biết dù nhiều gia đình vẫn giữ nguyên các nghi thức truyền thống nhưng đã xuất hiện ngày càng đông các cặp đôi sắp cưới muốn loại bỏ và thay đổi các tục lệ cổ hủ này.
“Tôi thường khuyên họ phải nói chuyện với người lớn. Nhưng nhiều cô gái không thành công, bởi truyền thống rất quan trọng với người Ấn Độ nên rất khó để thuyết phục những thế hệ đi trước”, Thiagarajan nói.
Ở mức độ sâu hơn, các cô dâu muốn thay đổi đám cưới để phản ánh vai trò của họ trong hôn nhân. “Nhiều cặp đôi đã chọn cách đeo nhẫn cho nhau để biểu thị sự bình đẳng, thay vì chỉ có nữ giới phải đeo mangalsutra (vòng cổ) và sindoor (đỏ son)”, Shruti Singh, chuyên gia quảng cáo ở Bangalore, nói.
Shruti Kumar, kỹ sư phần mềm ở Bangalore, vẫn giữ họ của mình sau khi kết hôn. Cô cho rằng tên tuổi là một phần trong danh tính và là cách để bạn bè, gia đình, đồng nghiệp nhớ đến Shruti thay vì chồng.
Avanee Kapoor, sống tại Gurugram, chuyên gia nhân sự, cũng muốn có đám cưới hiện đại, từ bỏ lời thề lạc hậu hoặc phân biệt giới tính, bao gồm cả việc vợ không được bước ra khỏi nhà nếu không được chồng cho phép. Cặp đôi đã điều chỉnh hình thức tổ chức bằng cách để những người đàn ông bên nhà gái chào đón nhà trai bằng quà tặng. “Tôi và chồng cũng chia đều chi phí cho đám cưới để thể hiện sự bình đẳng”, Avanee nói.
Madha Kanna, nhân viên kế toán sống tại Mumbai, cũng đặt ra những giá trị chung cho cuộc hôn nhân với người bạn trai tên Akshay. Sau khi nghiên cứu kỹ các nghi thức làm đám cưới, cặp đôi chọn kết hôn dưới sự làm chứng của hai nữ linh mục và loại bỏ nghi thức dài dòng. “Chúng tôi cũng lập lời thề bằng tiếng Anh thay vì tiếng Phạn, bởi ngôn ngữ đó thông dụng”, Madha nói.
Đám cưới của Priyanka Chopra và Nick Jonas là sự kết hợp của truyền thống hôn nhân giữa đạo Cơ đốc và đạo Hindu. Ảnh: @priyankachopra/Instagram
Các ngôi sao Bollywood cũng góp phần đẩy lùi những hủ tục lạc hậu. Nữ diễn viên Katrina Kaif đã nhờ các chị gái đội hoa lên người cô, thay vì anh trai theo thông lệ. Nam diễn viên Dia Mirza cũng từ bỏ đám cưới xa hoa bằng bữa tiệc đơn giản với sự tham gia của nữ tu sĩ thay vì thầy tu. Priyanka Chopra trong đám cưới với Nick Jonas đã để mẹ dắt vào lễ đường, thay vì thông lệ là bố hoặc một thành viên nam trong gia đình. Thậm chí, nam diễn viên Rajkummar Rao đã yêu cầu vợ là Patrelekhaa bôi sindoor lên trán mình, thay vì ngược lại trong đám cưới.
Anusha Ravi, nhân viên của tổ chức phi chính phủ ở Delhi, cho biết những trường hợp trên chỉ là đốm sáng nhỏ trong bối cảnh lớn hơn về đám cưới ở Ấn Độ. Nhu cầu về của hồi môn và sự cố chấp với các nghi thức lỗi thời vẫn tiếp diễn.
“Để thay đổi sẽ mất nhiều thập kỷ, nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nhiều phụ nữ đang nỗ lực chống lại sự bất bình đẳng giới trong đám cưới”, Anusha nhận định.
Minh Hằng (Theo SCMP)