Cố Viện sỹ Tôn Thất Bách và văn hóa gia đình

Tôi bỗng nhớ mười mấy năm về trước, trong một cuộc thi người mẫu mà tôi được mời tham gia Ban giám khảo, cái tên Tôn Hiếu Anh được xướng lên, bấy giờ tôi mới biết anh là cháu nội của cố Giáo sư Bác sỹ Tôn Thất Tùng, không theo nghề của ông nội cũng như của bố. Tôn Hiếu Anh trở thành người mẫu nổi tiếng một thời. Bây giờ Tôn Hiếu Anh là nhà báo, làm biên tập ở Đài Truyền hình Việt Nam.

Tôi đã đọc một số bài viết của Tôn Hiếu Anh, có một bài tâm sự khi bố mất, Hiếu Anh viết thật xúc động. Hình ảnh người bố thân yêu luôn hiện lên với nhiều cung bậc, nhiều kỷ niệm, nhiều điều mà bây giờ người làm con như Hiếu Anh mới hiểu hết những gì bố đã dạy, đã yêu thương, chăm sóc.

Anh viết: “Bố mất 9 năm rồi mà ngày tết, ngày giỗ bạn bè của bố đến nhà tôi chật kín. Thế mới biết bố luôn được bạn bè kính trọng… Họ đến và cùng nhau hát bài mà ngày xưa bố vẫn thường hát “Ta đi lối nhỏ là lối an toàn”. Gia tài tình bạn, bố tôi là tỷ phú. Điều khó nhất bố dặn là phải tránh xa cám dỗ”.

Tôi bỗng nhớ một câu danh ngôn của phương Tây “Người giàu không phải là người có nhiều tiền bạc, của cải mà là người có được nhiều tình thương yêu và kính trọng của mọi người”. Như vậy, cố Viện sỹ Tôn Thất Bách quả là người giàu có.

Gia đình Viện sỹ Tôn Thất Bách.

Trò chuyện với tôi về những bài học mà ông bà, bố mẹ đã dạy, Hiếu Anh tâm sự: “Từ khi nhìn nhận cuộc sống dưới con mắt của người trưởng thành, cháu thấy ông bà và bố mẹ cháu giáo dục con sống có trách nghiệm, trước là cho bản thân rồi sau là cho người khác.

Chịu trách nghiệm trước việc mình làm và tự giải quyết những hệ quả do mình gây ra. Ngay từ bé thì cái ý thức phải giữ gìn vệ sinh chung trong nhà lẫn ngoài đường bọn cháu đều tuân thủ nghiêm ngặt. Thời còn bé, tuy ông nội cháu có tạp vụ nhưng tất cả chúng cháu đều không được phép nhờ vả hay sai người giúp việc.

Tự học cách dọn dẹp và chuẩn bị nhà cửa gọn gàng để bố mẹ về không phải lo lắng nữa. Cháu biết nấu cơm và chị gái cũng rất khéo léo trong tề gia nội trợ. Khi lớn lên bố mẹ cũng có người giúp việc nhưng chúng cháu cũng phải tự chia nhau làm việc nhà như giặt quần áo của riêng mình hay dọn dẹp, làm vệ sinh phòng ở của mình sao cho gọn gàng ngăn nắp. Bố mẹ tạo mọi điều kiện cho chúng cháu rèn luyện các kỹ năng về nghệ thuật, học vẽ, học nhạc và ngoại ngữ từ bé.

Bố cháu chơi đàn Piano cũng rất hay (bố học nghệ sỹ Thái Thị Liên – mẹ chú Đặng Thái Sơn). Về sau, cháu theo học Trường Mỹ thuật công nghiệp còn chị cháu học ngoại ngữ. Trong đại gia đình cháu, mọi người nói tiếng Pháp và tiếng Anh rất tốt. Riêng cháu chỉ thạo tiếng Anh thôi. Ông nội cháu còn dịch thơ Pháp ra tiếng Việt. Bà nội cháu học tiếng Pháp từ trường Pháp thời xưa. Bố mẹ cháu đều tu nghiệp bác sỹ tại Pháp.

Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ không cho chúng cháu tiền (trừ khi cần thiết) để chúng cháu luôn học cách tự lập, tuyệt đối không được dựa dẫm vào ai. Cứ đi ra khỏi buồng là lập tức phải tắt hết điện, đóng cửa cẩn thận khi ra khỏi nhà. Dưới 18 tuổi đi đâu, làm gì cũng phải xin phép bố mẹ. Khi ở tuổi trưởng thành, bố cháu cho phép hoàn toàn tự lập, đi đâu, với ai, đến bao giờ là tự chúng cháu quyết định.

Tuy nhiên, nếu không ăn cơm ở nhà thì phải báo dứt khoát. Cháu được bố mẹ thả tự do như vậy, nhưng, chính bản thân mình cũng ý thức được mọi thứ mình cần làm, cần ranh giới như thế nào! Cái hay nữa là gia đình cháu dạy cách sống không làm phiền người khác. Đến giờ ăn cơm không cần phải chờ đợi mà chỉ cần để phần cho người đi làm về muộn những thứ ngon nhất.

Mẹ cháu thường nói rằng người đi làm về sau là rất mệt vì có nhiều khi phải trực ca tối, nên phải rất quan tâm, cơm phải ngon, canh phải ngọt, giờ nghỉ ngơi không được ai quấy rầy. Bố mẹ cháu giáo dục các con cách tôn trọng quyền riêng tư của người khác, thư từ, nhật kí hay đồ đạc không phải của mình là không được sử dụng. Muốn sử dụng phải có sự đồng ý của chủ nhân. Bọn cháu phải học cách gõ cửa khi bước vào phòng bất cứ ai, kể cả phòng riêng của hai chị em. Tất cả phải học cách giữ yên lặng, không làm phiền giấc ngủ của bố mẹ và những người khác và biết cách chăm sóc mình khi người lớn đi vắng.

Khi trưởng thành, chị em cháu gần như tự lo lấy cuộc sống cho riêng mình. Chị gái cháu đi phiên dịch các tour khách quốc tế cần tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Còn cháu đã đi làm người mẫu từ lớp 12. Cháu là người khá nghịch ngợm, nhiều khi bị mắng …

Quy định của gia đình cháu là nếu mình làm sai thì không được nói người khác. Bởi vậy, bây giờ nếu các cháu mình có nghịch quá đà cháu cũng đâu có dám nói! Có lẽ cái nhớ nhất từ ông bà cho đến bố mẹ dạy chúng cháu là việc sống làm sao cho đúng khuôn khổ của pháp luật, tuyệt đối không bao giờ được làm trái. Điều này đã trở thành một thói quen gần như là thường trực trong cháu, nên dù đi làm về muộn 2, 3 giờ đêm, đường phố không một bóng người cháu vẫn dừng xe khi có đèn đỏ.

Cuối cùng vẫn lại là có trách nghiệm với cuộc sống của mình, vì nếu cuộc sống của mình tốt thì người khác trong nhà mới yên tâm. Chính điều đó mang lại hạnh phúc cho mọi người chứ không phải vật chất xa xỉ.

Bố mẹ luôn dạy cách mang niềm vui lại cho những người kém may mắn hơn mình và nhường cơ hội tốt cho người ta. Sách ở trong nhà là tài sản từ thời ông để lại và chúng cháu được làm quen với sách từ bé, tiếp đó là bệnh viện; học cách yêu thương người bệnh vì họ là những người đau khổ nhất. Bố dạy không được nhận bất cứ thứ quà gì của bệnh nhân khi họ chưa mổ vì đó là tiêu cực.

Có lẽ, những điều bố mẹ cháu dạy đã dần thấm vào máu thịt từ nhỏ nên sau này lớn lên dù làm gì, đi đâu bố mẹ cháu cũng yên tâm. Những việc sai đúng đã tự biết nhận thức và hiểu được đạo lý làm người một cách căn bản dựa trên quan điểm phải có trách nghiêm với bản thân …”.

Tâm sự của Tôn Hiếu Anh làm tôi hiểu hơn điều mà tôi cho là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, ấy là “văn hóa gia đình”, ông cha xưa gọi là GIA GIÁO. Nó chính là nền tảng của một xã hội văn minh.

Hôm tôi đến thăm gia đình, gặp chị gái của Hiếu Anh là Tôn Hiếu Thảo hiện làm ở Hãng hàng không Pháp. Chồng Hiếu Thảo là Lê Hoài Dương, luật sư, từng tu nghiệp ở Mỹ, hiện mở Công ty luật Lê và Lê, chuyên về bản quyền tác giả, họ có hai người con là Hiếu Ngọc (chuẩn bị sang Pháp học đại học y) và Hiếu Châu đang học lớp 12.

Tôi đọc lại cuốn sách “Người đương thời” do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành năm 2003, trong đó bài và ảnh về Viện sỹ Tôn Thất Bách. Nhìn bức ảnh Viện sỹ Tôn Thất Bách do nhiếp ảnh gia Văn Thọ chụp rất đẹp, tôi bỗng nhớ tới một bài báo viết về ông, nói rằng ông không chỉ là “Người đương thời mà là người của mọi thời” …

Phó Giáo sư BS Tôn Thất Bách sinh ngày 25 tháng 2  năm 1946 tại Hà Nội. Tên ông là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho với hàm ý sau này lớn lên phải cứng cáp, bản lĩnh như cây tùng, cây bách.  Ông là Nhà giáo nhân dân, Viện sỹ Viện hàn lâm ngoại khoa Pháp; Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học New York (Mỹ); Tiến sỹ danh dự đại học Lille (Pháp); Tiến sỹ danh dự đại học Odessa (Ukraine); thành viên Hội ngoại khoa quốc tế, Giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Ông từng là Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội, Giám đốc bệnh viện Việt Đức; đại biểu quốc hội khóa 9, 10, 11 và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội khóa 11.

Năm 1973, Viện sỹ Tôn Thất Bách phẫu thuật thành công cắt lá gan bị ung thư đã vỡ gây tiếng vang trên thế giới.

Năm 1978, ông thực hiện thành công ca phẫu thuật thay van tim gây chấn động giới khoa học trong và ngoài nước.

Ngày 20 tháng 12 năm 2004, Viện sỹ Tôn Thất Bách được Cộng hòa Pháp trao Huân chương Cành cọ hàn lâm.

Khi Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân làm Bộ trưởng Bộ Y tế, vì lý do sức khỏe đã tiến cử Viện sỹ Tôn Thất Bách lên thay ông làm Bộ trưởng, nhưng Viện sỹ Tôn Thất Bách đã từ chối vì ông tâm niệm rằng, ở lại bệnh viện, ông sẽ cứu giúp được nhiều người hơn …

Rate this post