Chuyện tình của Bộ trưởng, nhạc sĩ Trần Hoàn

TP – Vào một ngày mùa đông năm 1995, có người thiếu phụ Huế xinh đẹp bỡ ngỡ bước xuống sân bay Nội Bài. Chị vừa từ Mỹ trở về sau bao nhiêu năm xa cách quê hương. Đã bước sang tuổi lục tuần, chị vẫn giữ nguyên vẻ đẹp quý phái, thông minh, nhanh nhẹn của cô học sinh Quốc học Huế ngày nào.

Chuyện tình của Bộ trưởng, nhạc sĩ Trần Hoàn ảnh 1 Nhạc sĩ Trần Hoàn và người bạn đời thời trẻ

Cô bạn học cùng trường Quốc học Huế ngày xưa của nhạc sĩ Trần Hoàn đã trở thành giáo sư dạy piano ở Mỹ. Chị trở về nước với ước mơ mở lớp dạy nhạc cho thanh thiếu niên Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn. Rất ít người biết được tình cảm thơ mộng học trò của chị ngày nào với nhạc sĩ đã tạo niềm cảm hứng để anh học sinh Trần Hoàn 17 tuổi sáng tác bài hát đầu tiên “Học sinh vui tươi” năm 1945. Chị chơi đàn piano theo bài hát anh sáng tác. Bài hát này đã được nhà trường trao giải. Có lẽ chính bài hát này cùng với giải thưởng đã quyết định sự dấn thân của Trần Hoàn trên con đường âm nhạc. Cách mạng Tháng Tám, rồi chiến tranh, họ xa nhau từ thuở ấy. Cuộc gặp gỡ tình cờ của nhạc sĩ Trần Hoàn với những cô nữ sinh trường Phan Bội Châu ở chiến khu Quảng Bình đã gợi nhớ những kỷ niệm của một thời học sinh. Và bản nhạc “Sơn nữ ca” với giai điệu tănggô tha thiết đã ra đời.

Nhạc sĩ Trần Hoàn được làng nhạc biết đến với bài “Sơn nữ ca” nổi tiếng khi anh mới tròn 20 tuổi. Rất ít nhạc sĩ nào gắn chặt với cuộc đời sáng tác âm nhạc với cuộc đời hoạt động chính trị như nhạc sĩ Trần Hoàn. Anh đến với cách mạng, với âm nhạc bằng cả niềm đam mê hăng hái của người học sinh Quốc học Huế.

Sơn nữ ơi!

Đời ta như cánh chim chiều

Phiêu bạt thời gian, vun vút trời mây…

Nhạc sĩ Trần Hoàn gặp người vợ tương lai của mình ở một làng quê trung du Nghệ An. Chị là cô huyện ủy viên 19 tuổi. Anh phụ trách thông tin tuyên truyền của tỉnh. Tình cờ, trong một lần đi công tác, anh gặp chị. “Đang mải vui cờ tướng reo hò ầm ĩ thì bà Thiệng (mẹ chị Hồng – TG) đã từ ngoài đi vào. Theo sau là một cô gái, quang gánh trên vai đi thẳng vào phía nhà ngang.

Cô gái khá sắc sảo trong chiếc áo sơ mi màu nâu, tóc buông xõa ngang vai, đôi mắt bạo dạn miệng cười duyên dáng. Ba và các chú ngừng chơi cờ… Và các con biết không, từ đấy người con gái ấy đã từ từ đi vào đời ba, và đọng lại trong tim ba lúc nào không biết”  (Nhạc sĩ Trần Hoàn – Những kỷ niệm khó quên).

Anh Trần Hoàn đánh liều viết những hàng chữ nắn nót đằng sau mảnh giấy thông cáo của Sở Thông tin:

“Hồng, em có nhận lời làm vợ anh không?”

Chị Hồng lúng túng đỏ mặt. Trong lần gặp đầu tiên, chị đã để ý người con trai thành phố đẹp trai, vui tính. Nhưng với chị, anh là cả một thế giới xa vời, khó hiểu. Chị ngập ngừng:

“Không, anh ạ”.

“Vì sao?”

“Vì anh là nghệ sĩ”.

Mình là nghệ sĩ ư? – Anh Trần Hoàn phân vân tự nghĩ – phải nói mình là cán bộ chính trị có nhiều tính nghệ sĩ thì đúng hơn.

Anh quê Quảng Trị, con trai một công chức nhỏ thời Pháp thuộc, có năng khiếu âm nhạc, biết hát tuồng, ca Huế. Mẹ anh hát dân ca miền Trung, hát ví dặm rất hay. Thời gian học trường Quốc học Huế, anh hoạt động trong các phong trào yêu nước của học sinh. Người giác ngộ cách mạng cho anh là các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu.

Không khí đấu tranh sôi nổi của những ngày đầu cách mạng Tháng Tám in đậm dấu ấn trong các tác phẩm của anh. Những bài hát như Học sinh vui tươi, Trên đường về, Hồn nước ra đời vào những năm tháng ấy. Trong một cuộc thi âm nhạc, anh được giải với bài “Hồn nước”. Và cái tên Trần Hoàn đã xuất hiện (tên thật của anh là Nguyễn Tăng Hích). Mê bài hát Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao, anh đã lấy từ “trần hoàn” trong câu “Đào nguyên xưa Lưu Nguyễn quên trần hoàn” của ca khúc ấy làm bút danh.

Lời Người ra đi

Sau Cách mạng, anh Trần Hoàn tham gia Đoàn tuyên truyền văn nghệ Trung bộ và Liên khu IV. Anh được kết nạp Đảng và công tác ở vùng địch hậu Bình Trị Thiên.

Chị Hồng, cô huyện ủy viên xứ Nghệ ngày nào anh tỏ tình đã đồng ý cưới. Sau lễ cưới một tuần, anh phải ra Bắc nhận công tác ở Hội Văn nghệ Liên khu III và Hà Nội. Anh phụ trách hoạt động văn nghệ trong lòng địch vùng tả ngạn sông Hồng.

Chia tay nhau sau một tuần trăng mật ngắn ngủi, nỗi nhớ vợ thật da diết. Bài hát “Lời Người ra đi” anh tặng chị thành lời chia tay của người yêu với người yêu cho cả một thế hệ thanh niên thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau này, bài ca ấy vẫn được các thế hệ thanh niên yêu thích.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương trêu Trần Hoàn:

– Hôn tạm biệt đi chớ.

Chị Hồng e thẹn, đỏ mặt. Anh Thương cười:

– Thôi hôn trán cũng được!

Từ ngày cưới đến hết chiến tranh, anh chị ít được ở gần nhau. Anh thường phải đi công tác xa: chiến khu III, chiến trường Bình Trị Thiên- Huế… Nỗi nhớ vợ chuyển thành lời bài hát “Tình ca mùa xuân”:

Ngày anh đi, cách xa khuây sao được nỗi nhớ

Thương nhau dù cách trở vẫn trọn đời tin nhau

Và:

Mùi hương nào rất quen nghe như làn môi ấm

Năm năm sau ngày cưới, vợ chồng mới được gặp lại. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, chị Hồng về công tác ở Hải Phòng. Anh Trần Hoàn cũng về Hải Phòng để chuẩn bị giải phóng thành phố. Mười năm ở Hải Phòng thật êm đềm, hạnh phúc. Bốn đứa con lần lượt ra đời. Anh Trần Hoàn làm Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hải Phòng nhưng vẫn không quên cây đàn ghi ta của mình.

Người ta còn nói, anh Trần Hoàn là một nghệ sĩ – chiến sĩ… Anh vào chiến trường, chị Hồng ở lại miền Bắc. Chị và các con biết tin tức anh theo các bài hát của anh được phát đều đặn trên đài phát thanh. Các con học thuộc những bài hát ấy, rồi dạy lại cho mẹ.

Mỹ ném bom miền Bắc, chị Hồng vừa công tác vừa lo cho các con đi học, đi sơ tán. Thư là cầu nối duy nhất giữa hai người. Những bức thư mang nặng tình yêu đến tay nhau không phải dễ dàng, phải vượt bao chặng đường, núi đồi, bao hiểm nguy, gian khổ. Có những lá thư một tháng, hai tháng, thậm chí hàng năm mới đến tay nhau.  Khi chị Hồng đọc “Hoa phượng bắt đầu nở” thì gió heo may đã về. Khi thư viết “gió heo may về, gợi nhớ bao kỷ niệm của mùa thu”  thì gió đông bắc đang thổi lạnh tê người. Chị vừa buồn cười vừa thương người đi xa. Còn anh, nơi chiến trường, ngày giáp Tết, bỗng nhận được mấy lá thư của chị gửi từ mùa Xuân năm trước.

An Hải, ngày  8/4/1969

Anh yêu quý của em

…Gặp anh Di, em cũng chẳng biết hỏi gì về anh. Anh ấy muốn kể chuyện gì thì kể: chuyện ăn, chuyện ở, chuyện công tác, chuyện vui chơi,… Nhưng có một chuyện mà mãi đến khi về Hải Phòng em mới nhớ là mình quên hỏi. Đó là mái tóc của anh, cặp mắt của anh. Hỏi để mà biết và để mà mừng. Nói “mừng” có lẽ anh tưởng em viết nhầm anh nhỉ. Không, không nhầm đâu anh ạ. Đó là tiếng thốt chính xác của lòng em. Thấy anh tóc bạc mà mừng thì hơi ích kỷ anh nhỉ? Nhưng điều ích kỷ này không hại gì cho ai, nên em không muốn cưỡng lại vì em muốn anh mãi mãi chỉ là của riêng em thôi. Không biết anh có chịu không?

Anh ạ, tuổi chúng ta không phải “đang” sang thu đâu mà là đến giữa mùa thu rồi, nhưng tình chúng ta thì vẫn như anh nói đấy. Vì vậy, mỗi lần đọc thư anh, em cảm thấy lòng mình dạt dào lòng tin yêu, thương nhớ vô bờ bến. Lá thư anh gửi anh Di chuyển ra mới nửa tháng mà em đọc đi đọc lại có đến 20 lần. Càng đọc càng thấy thấm thía.

Nhớ thương anh nhiều

Em của anh

21/6/1969

Em thân yêu!

Có lẽ lá thư này là lá thư làm anh xúc động nhất trong những lá thư gần đây. Em lại mừng vì anh đã bạc tóc phải không. Anh có giận em đâu. Anh hiểu em lắm. Song anh cũng trách em đó. Tại sao nhỉ? Vì em chưa tin anh rồi. Tóc anh bạc nhiều hay ít, đen hay trắng, anh luôn luôn là của em…

Anh yêu em,

Trần Hoàn

Những lá thư được anh chị giữ gìn cẩn thận, sau này được in thành sách “Những lá thư vượt tuyến”…

Bộ trưởng Trần Hoàn với  “Vỗ bến Lam Chiều”

Anh Trần Hoàn làm Bộ trưởng Thông tin, Bộ trưởng Văn hóa, Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương trong 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế đất nước chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Đấy là thời kỳ khó khăn với văn nghệ sĩ và những người quản lý.

Bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn là một trong những người tìm đường đi cho văn hóa nghệ thuật ở thời kỳ đổi mới. Giảm quan liêu, bao cấp, anh khuyến khích phát huy tính sáng tạo của trí thức trong lĩnh vực xuất bản, báo chí. Anh nghiên cứu mở rộng dân chủ, tự do sáng tác, công khai trong hoạt động báo chí nghệ thuật, đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm công dân. Trong Quốc hội khóa VIII, anh góp sức xây dựng Luật Báo chí.

Ban ngày làm Bộ trưởng, ban đêm viết nhạc đã trở thành thói quen của anh. Anh thường sáng tác vào lúc 4-5 giờ sáng…

Chị Hồng là thính giả đầu tiên nghe các ca khúc của anh. Lúc sáng tác, anh muốn có chị bên cạnh. Thời gian nghỉ hưu, chị Hồng trở thành “thư ký không lương” của Bộ trưởng Trần Hoàn và nhạc sĩ Trần Hoàn. Hơn 50 năm trôi qua, cô gái Sông Lam mắt đen tròn ngày nào làm rung động trái tim nghệ sĩ của chàng trai xứ Quảng đã trở thành bà, nhưng chị vẫn là nguồn cảm hứng âm nhạc của anh.

Anh tâm sự: “Chúng tôi xa cách nhau đến 17 năm mà vẫn sắt son chờ nhau, vẫn giữ được lòng chung thủy… Mối tình của chúng tôi rất đẹp và tôi thấy may mắn vì gặp được một phụ nữ tuyệt vời”. Hình ảnh người vợ yêu đã được nhạc sĩ khắc họa trong bài hát “Vỗ bến Lam Chiều” với lời thơ Thúy Bắc:

“Mẹ sinh em bên dòng sông Lam,

tóc hoen nắng gió, mặn mòi gió biển, bụi đỏ bám sao mà yêu mến thế.

Vắt vẻo cầu tre lời hẹn níu bờ xa

dù chiến tranh phải xa

lòng không hề xa vắng

Âm vang đôi bờ câu hò ví dặm, theo anh qua trăm suối nghìn đèo…”

Năm 2003, bệnh tim của anh Trần Hoàn chuyển nặng. Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 và Para Games 2 chuẩn bị khai mạc. Anh Trần Hoàn làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Công việc chuẩn bị Đại hội đã làm anh kiệt sức, phải vào bệnh viện.

Bệnh tật không làm mất cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ. Ra viện mấy ngày, anh đã viết ngay bài hát “Nhớ nhé, đừng quên” tặng bác sĩ. Anh gẩy đàn ghi ta hát mẫu cho ca sĩ Thái Bảo. Tiếng anh hát nhè nhẹ, yếu ớt nhưng vẫn say sưa, nồng nàn: “Nhè nhẹ anh nhé! Đau tim cần như thế! Đừng làm gì quá sức, đừng bực tức ưu phiền…”.

Anh không biết rằng đây là lần cuối anh hát cùng ca sĩ. Một tuần sau, anh lại phải vào bệnh viện. Ca sĩ Thái Bảo chưa kịp hát để cảm ơn bác sĩ thì anh đã ra đi. Phút cuối, tim anh sắp ngừng đập, Thái Bảo đến bên anh, vừa hát vừa khóc. Người ca sĩ mong sao trước khi tắt hẳn, trái tim nhạc sĩ cảm nhận được những nốt nhạc cuối của cuộc đời mình.

Nhiều năm đã trôi qua, mỗi lần nhớ anh, chị lần giở lại bài hát “Hoàng hôn đêm trăng” anh viết tặng chị đêm đầu tiên sau ngày cưới. Bài hát tặng riêng chị nên anh không đưa ra công chúng. Mấy chục năm qua, bản nhạc và lời thơ của bài hát vẫn được chị Hồng giữ gìn cẩn thận. Những tờ giấy nhỏ ngả mầu ghi những nốt nhạc và lời thơ qua năm tháng còn rõ nét:

Ngồi tì tay trên gối bâng khuâng, nhìn qua sông trông thấy đêm trăng. Mía xao xác rung cây gió đàn. Tàu cau khô rung nhẹ cánh vàng. Vầng trăng như chia sẻ đôi bên…

Nhà văn Nguyệt Tú

Rate this post