Chuyện tình Anh hùng Cốc và cô văn công
Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc.
Tốt nghiệp hai khóa đào tạo lái máy bay và huấn luyện chuyển loại máy bay MiG-21 tại Liên Xô (cũ), phi công tiêm kích Nguyễn Văn Cốc về nước giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc do đế quốc Mỹ gây ra bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Bộ đội Phòng không – Không quân (PKKQ) luôn ở trong tình trạng căng thẳng, phi công Nguyễn Văn Cốc cũng như các đồng đội trong quân chủng ngày đêm trực chiến và sẵn sàng chiến đấu, nên không có thời gian nghỉ phép, thăm gia đình và càng không có thời gian nghĩ đến việc lấy vợ. Vả lại, chàng phi công người Kinh Bắc, thật thà, bẽn lẽn thường đỏ ửng mặt khi đứng trước người khác giới, lúng túng không biết làm quen bằng cách nào. Vì thế ngoài 30 tuổi anh vẫn chưa thực hiện được lời hứa với mẹ.
Đoàn văn công Quân chủng PKKQ thường đến các đơn vị trong Quân chủng biểu diễn phục vụ bộ đội. Thu Hương – diễn viên kịch và cũng là người sáng tác thơ. Ngay từ lần đầu tiên đến biểu diễn phục vụ khán giả là những chàng phi công tiêm kích trẻ tuổi mới hoàn thành khóa đào tạo lái máy bay MiG-21 ở Liên Xô về nước đã để lại trong tâm trí cô văn công quê Thanh Hóa ấn tượng khó phai mờ. Những gương mặt tuấn tú, thân hình cường tráng, nụ cười hồn hậu, cổ vũ nồng nhiệt là những kỷ niệm êm dịu, ngọt ngào. Nhiều cô gái có bạn thân là phi công tiêm kích, nhưng Thu Hương chưa “để ý” tới Cốc, bởi anh có tính bẽn lẽn, ít nói. Cô bạn trong Đoàn văn công có lần rỉ tai rằng “Anh Cốc yêu thơ lắm, hôm qua khi xem Thanh Hoa ngâm thơ của Thu Hương, anh đã lấy bút ghi lại, nhưng lõm bõm, không chính xác”. Nghe vậy, cô muốn gặp “người hâm mộ” chép lại bài thơ tặng anh. Nhưng những chuyến đi phục vụ chiến trường cuốn hút cô, Nguyễn Văn Cốc cũng thường trực chiến đấu ngày đêm, nên họ không có cơ hội gặp nhau.
Giữa năm 1969, tại Đại hội thi đua của Quân chủng PKKQ, Thu Hương trong Đoàn đại biểu của Cục Chính trị, Quân chủng ngồi trước anh hai hàng ghế. Người bạn ngồi hàng sau chuyển đến Thu Hương mảnh giấy gấp tư, cô kín đáo mở ra thấy mấy dòng chữ viết vội: “Đồng chí Hương ơi! Đồng chí chép tặng cho tôi một bài thơ nhé!”. Nhận được lời yêu cầu rất mộc mạc của anh, tự nhiên cảm xúc tuôn trào, Thu Hương mở cặp lấy ra tờ giấy trắng, viết nhanh những câu thơ xuất thần: “…Đảng đã cho anh đôi cánh bạc. Bay giữa trời Tổ quốc Việt Nam. Xưa giáo mác, tầm vông đánh giặc. Nay hiên ngang tung cánh đại bàng…”.
Nhận được thơ của Thu Hương gửi tặng, Cốc mừng lắm, anh viết lời cảm ơn chân thành: “Đồng chí Thu Hương ơi! Tôi rất thích bài thơ này của đồng chí. Tôi sẽ giữ bài thơ bên mình như một kỷ vật quý giá trên đời này”.
Kể từ hôm ấy, trong tâm tưởng Thu Hương đã có hình bóng người chiến sĩ không quân hiền lành, dũng cảm và yêu thơ ấy! Hoàn cảnh chiến tranh, hai người hiếm có cơ hội gặp nhau. Thu Hương chỉ âm thầm làm thơ về anh ghi vào cuốn sổ mang theo bên mình trong những cuộc hành quân đi phục vụ bộ đội tại các trận địa pháo, tên lửa, sân bay dã chiến hoặc giữa rừng già Trường Sơn. Trong bài Hoa Thủy chung, Thu Hương thổ lộ niềm nhớ nhung da diết: “Mặt trời nhé, sau đêm dài thức trắng. Hôn giùm ta mái tóc của anh yêu. Cánh hoa mua trên Trường Sơn em thấy. Đã đi vào khăn nhỏ em thêu!”. Và “Tổ quốc trao anh làm chủ bầu trời. Mỗi chuyến bay mang theo hình đất nước. Câu Quan họ về bên nôi thuở trước. Thôi thúc lòng anh trong những chuyến bay xa”.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc và chiếc máy bay MiC-21 lịch sử.
Tình cảm của cô văn công đã làm trái tim chàng phi công tiêm kích rung động, xao xuyến. Cốc yêu Hương nhưng chưa dám thổ lộ và cũng chưa biết thổ lộ bằng cách nào. Một hôm, anh mạnh dạn tâm sự với người bạn thân là Anh hùng phi công Mai Văn Cương và mấy đồng đội ở Phòng cán bộ:
– Tôi rất thích cô Hương ở Đoàn văn công. Nhờ các đồng chí làm mối hộ tôi. Hỏi giúp tôi xem cô ấy có đồng ý không.
Các bạn cười, hỏi lại:
– Đồng chí thích sao không trực tiếp hỏi đi?
– Tôi sợ hỏi nhỡ ra đồng chí ấy trả lời không yêu tôi thì tôi ngượng lắm, không dám hỏi!
Mai Văn Cương nhiệt tình giúp bạn, trực tiếp đến gặp Thu Hương:
– Hương ơi, Cốc nó nói rất thương em. Em trả lời đồng ý đi để bọn anh nói lại với nó.
Thu Hương thổ lộ thật lòng:
– Em rất thương anh ấy. Hoàn cảnh của anh và gia đình anh ấy cũng giống như hoàn cảnh gia đình em.
Năm 1972, Nguyễn Văn Cốc lại được cử đi học tại Liên Xô. Thu Hương đi phục vụ ở chiến trường Quảng Trị, trở về Hà Nội sau đợt phục vụ, Thu Hương nhận được thư của anh với lời lẽ giản dị và chân thật, cuối thư anh viết: “Em đã có ai chưa?”. Chị trả lời ví von: “Em vẫn còn ở binh chủng “phòng không”!”. Nhận được thư, anh mừng lắm, viết thư trả lời: “Anh cũng thế em à, vẫn là người lính “không quân” Hương ạ!”.
Sau lá thư ấy, Thu Hương nghĩ đã đến lúc cần tham khảo ý kiến của mẹ, mẹ chị thổ lộ: “Mẹ thấy Cốc hiền lành, ít nói và tình cảm chân thành. Trong số những đứa đến với con, mẹ thấy ưng Cốc nhất”. Được lời như cởi tấm lòng, Thu Hương quyết định sẽ gắn bó cuộc đời mình với chàng phi công hiền lành, mộc mạc và yêu thơ!
Năm 1974, Nguyễn Văn Cốc gửi thư bàn với Thu Hương chuyện cưới hỏi. Thu Hương muốn chờ đến khi anh học xong. Anh viết thư năn nỉ: “Mẹ mong anh lấy vợ lâu rồi. Bây giờ đã ngoài ba mươi tuổi, anh không muốn mẹ phải lo nhiều”. Về nước nghỉ hè một tháng, anh chị thống nhất sẽ tổ chức đám cưới. Trước khi đi đăng ký kết hôn, Tư lệnh Quân chủng dặn dò Thu Hương: “Cốc nó hiền như hạt gạo, củ khoai. Sau này cô không được bắt nạt làm khổ cậu ấy!”.
Trong bộ thường phục như những đôi trai gái thành phố thời ấy, Nguyễn Văn Cốc dẫn Thu Hương đến trụ sở công an. Anh công an thân mật hỏi:
– Anh chị đến công an có việc gì ạ?
Nguyễn Văn Cốc đưa giấy giới thiệu xin đăng ký kết hôn của đơn vị cấp. Anh công an vừa cười vừa nói:
– Ôi, Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc sao lại đến Công an đăng ký kết hôn? Mời anh chị đến Ủy ban Nhân dân phường chứ ạ!
Biết là nhầm địa chỉ, hai người nhìn nhau tủm tỉm cười, cảm ơn anh công an rồi ra về.
Đám cưới được tổ chức tại đơn vị đơn giản nhưng trang trọng. Hội trường nổi bật khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, bên đôi chim câu ngậm bông hoa hồng; dưới đó là hai chữ C và H viết hoa lồng vào nhau. Tiệc cưới chỉ có nước trà, bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí… và quà mừng là khăn mặt, chậu thau, phích nước, xoong nấu bột… Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc và cô văn công Thu Hương sát cánh bên nhau rạng rỡ niềm vui, tràn trề hạnh phúc hòa cùng lời ca, tiếng hát của đồng đội, bạn bè.
***
Mối tình Anh hùng Cốc và cô văn công thấm thoắt đã trải qua gần nửa thế kỷ. Năm nay, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc đã bước sang tuổi 76, do hoàn cảnh sức khỏe suy giảm, ông bà không có điều kiện gặp nhau hằng ngày.
Đầu xuân Mậu Tuất, mấy anh em đồng hương Kinh Bắc đến thăm ông bà tại căn hộ trên phố Thái Hà (Hà Nội). Quan sát căn phòng nhỏ nơi ông nằm, tôi đặc biệt chú ý đến bức tường ngay đầu giường ông. Treo trang trọng trên bức tường là tấm ảnh Bác Hồ bắt tay phi công Nguyễn Văn Cốc và 2 chiếc nón quai thao. Tôi hỏi ông về 2 chiếc nón, ông cho biết một chiếc là của Thu Hương đã dùng nó biểu diễn khi còn là diễn viên Đoàn văn công Quân chủng PKKQ, treo chiếc nón quai thao ở đây để lúc nào cũng nhìn thấy kỷ vật của người bạn đời đã nhiều năm chia ngọt, sẻ bùi, vượt qua những khó khăn trong khói lửa chiến tranh và thời bao cấp để hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, nuôi dạy 2 con khôn lớn, trưởng thành. Một chiếc nón là của Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải, nguyên Trưởng đoàn Dân ca quan họ tặng ông khi đến biểu diễn tại Quân chủng hơn 30 năm trước, ông cũng treo ở đây để lúc nào cũng có hình ảnh quê hương Kinh Bắc, mảnh đất trầm tích nhiều tầng văn hóa đã sinh ra và dưỡng dục ông khôn lớn, trưởng thành.
Nguyễn Văn Cốc (sinh năm 1942) là một phi công Việt Nam nổi tiếng với thành tích kỷ lục bắn hạ 11 máy bay Mỹ (bao gồm 2 chiếc UAV trinh sát) và là người duy nhất trên thế giới dùng MiG 21 bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Sáng ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu – 1969, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn Không quân tiêm kích Sao Đỏ, Bác tươi cười nắm chặt tay, ôm hôn rồi cầm tay phi công Nguyễn Văn Cốc giơ lên trước hàng quân: “Nhân dịp đầu năm mới, Bác chúc cho Không quân có nhiều Cốc hơn nữa”.
Ông là Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1996 là Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân. Năm 1999 được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Trung tướng, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.