Chuyện nhà thơ Phùng Quán (kỳ 1) – Văn Chương Phương Nam
Ngô Minh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Suốt ngày 21/1/1995, chúng tôi sống thấp thỏm, lo âu. Liên tục gọi điện ra Hà Nội hỏi thăm tình hình bệnh tật của anh. Và cái giờ buồn đau định mệnh đã đến. Ấy là lúc 16 giờ ngày 22 tháng 1 năm 1995, tại căn nhà quen thân bên bờ Hồ Tây, anh Phùng Quán trút hơi thở cuối cùng!
Nhà thơ Phùng Quán
- Con Người viết hoa
Tin anh Phùng Quán đang hấp hối do bạn bè văn nghệ Hà Nội điện về tối 21 tháng 1 năm 1995 (tức ngày 21 tháng Chạp, Giáp Tuất) làm tôi vô cùng sửng sốt. Lâm Thị Mỹ Dạ nức nở thở dài trên điện thoại: “Buồn quá. Chán quá, Ngô Minh ơi. Anh Quán mần răng có thể mất được, vô lý, vô lý…!”. Suốt ngày 22, chúng tôi sống thấp thỏm, lo âu. Liên tục gọi điện hỏi Hà Nội. Và cái giờ buồn đau định mệnh đã đến. Ấy là lúc 16 giờ ngày 22 tháng 1 năm 1995, tại căn nhà quen thân bên bờ Hồ Tây, anh Phùng Quán trút hơi thở cuối cùng!
Anh Phùng Quán đã giã từ bạn bè, giã từ Huế, giã từ lý tưởng cách mạng mà anh đam mê một đời, giã từ những dằn vặt và khổ đau triền miên nơi trần thế!
Nhưng với tôi, anh Phùng Quán không mất bao giờ. Một Phùng Quán Thơ là lý lịch, là mạng sống đời mình. Luôn xưng tụng đất nước, xưng tụng nhân dân, xưng tụng tình yêu bằng một lối thơ cuốn hút, bốc lửa và thiết tha, nhân bản và một giọng đọc thơ mê hoặc, quyến rũ. Một Phùng Quán Văn với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo tái bản gần chục lần cho đến bộ tiểu thuyết ngàn trang Tuổi thơ dữ dội, được dựng thành phim cùng tên làm xúc động hàng triệu triệu độc giả Việt Nam trong và ngoài nước. Tuổi thơ dữ dội xuất hiện 32 năm sau sự kiện “nhân văn”, được giải thưởng Hội Nhà văn, chứng tỏ sự thủy chung, gan ruột trước sau như một của ngòi bút Phùng Quán đối với cách mạng, đối với chế độ mà anh đã chọn!
Nhưng sống mãi trong tôi là một người anh Phùng Quán nhân hậu, hiền từ, luôn sống hết lòng vì đồng đội, anh em, bạn bè. Đối với tôi, anh là một nhân cách lớn, rất mẫu mực, luôn ung dung tự tại mà thân thương gần gũi vô cùng!
Năm 1984, lần đầu tiên anh vô Huế chơi với anh em văn nghệ sau gần 30 năm “nhân văn”. Có nghĩa là từ khi xa quê năm 14 tuổi đến nay, anh mới trở lại Huế lần đầu! Hồi nhỏ ở làng Thượng Luật, Quảng Bình, tôi đã đọc Vượt Côn Đảo nên tôi rất yêu quý anh, coi anh như một thần tượng. Bởi thế, suốt thời gian anh ở Huế tôi luôn “tháp tùng” anh đi đọc thơ, đi nói chuyện ở nhiều cơ quan, trường học. Sau đó kéo anh về ở nhà tôi một thời gian dài. Có anh, gian nhà tập thể ở 31 Phan Bội Châu của tôi bỗng trở nên sôi động, khách bạn đến vui vẻ suốt ngày. Anh để râu dài như ông lão trong truyện cổ tích, đội chiếc mũ cói xứ Nghệ, khoác chiếc bị cói, cưỡi chiếc đạp, gọi là “xe trâu” Liên Xô cao lêu nghêu. Anh mặc khi thì bộ bà ba nâu, khi thì chiếc áo mán khuy bấm, quần bò sờn cũ. Anh đi dôi dép tự chế bằng lốp ô tô đế bố dày tới mười phân. Tôi xỏ đi thử thấy nặng không lê được chân, không hiểu sao anh vẫn đi đôi dép ấy bình thường trong bao nhiêu năm ròng? Hỏi anh, anh vuốt râu cười, mắt chớp chớp hiền từ: “Dép nặng thế mới đứng vững trên mặt đất”. Anh một mình một mốt, không lẫn vào đâu được. Trông có vẻ lập dị, ngang tàng như thế nhưng anh lại rất dễ gần. Ở nhà tôi, anh đi chợ Bến Ngự mua cá chép, dưa chua về, rồi vào bếp thổi cơm, nhặt rau, mổ cá, chẻ củi. Có lẽ bao năm tháng “đi cải tạo lao động” đã học được cách tự làm lấy mọi việc để tồn tại, không hề cho đó là việc hèn mọn. Thời gian này anh “hồi sinh’’ với thơ, một loạt bài thơ gan ruột thấm đẫm tình đời, tình người, tình quê, nhưng lại thể hiện rất tinh tế triết lý cuộc sống và nỗi niềm u uẩn của đời anh. Những bài thơ “bùng cháy” như “Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng”, “Cảm tạ”, “Trái thơ”, “Trăng Hoàng Cung”, “Tôi khóc”, “Mưa Huế”, “Chán chộ”, v.v… Anh có chép lại rất nắn nót một bản bằng bút học trò mực tím trên tập giấy kẻ dòng tặng tôi với đề từ “Tiểu thuyết tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng”, với lời đề tặng rất bạn bè: “Yêu tặng thi hữu Ngô Minh”. Năm 1993, Nhà xuất bản Thanh Văn ở Mỹ in thành sách với tựa đề “Trăng Hoàng Cung”. Từ đó, năm nào vô quê anh cũng ghé lại ở với vợ chồng tôi vài ba ngày. Viết được cái gì, in được cái gì ở báo nào đó anh đều chép hay phô tô gửi bưu điện vào tặng tôi một bản. Là một nhà văn đàn anh nổi tiếng nhưng anh đối xử với tôi cũng như các anh em viết văn trẻ khác rất cởi mở, chân tình, trân trọng như một bạn hữu văn chương. Những năm 1985-1990, mỗi lần tôi ra Hà Nội, biết tôi mới tập tọng làm thơ, anh đạp xe đèo tôi đi thăm các bậc lão trượng thơ Hà Nội như Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung, Vân Long, Võ Văn Trực, Hoàng Trung Thông, v.v… Đi đến đâu anh cũng giới thiệu sang trọng: “Đây là Ngô Minh, nhà thơ xứ Huế quê tôi!” Có lần anh vô Huế, vào ngày đầu năm mới dương lịch (1-1), mấy anh em xuống làng Tiên Nộn mừng sinh nhật bác sĩ Nguyễn Tích Ý, một bác sĩ tài năng, một người rất yêu thơ và yêu quý Phùng Quán. Trong cuộc vui, tôi bị say rượu phải ngủ lại, sáng mai mới về Huế một mình. Anh đến nhà bảo tôi lấy sổ tay rồi ứng tác chép tặng tôi bài thơ, có câu:
Thơ say, trời đất cỏ cây
Ngó mà ghen tức cái say hết mình
Nhưng khi anh bị bệnh nằm một chỗ, anh lại viết thư vào Huế dặn dò: “Anh bị bệnh giống hệt Dương Toàn Thắng (một người viết trẻ ở Huế bị bệnh xơ gan cổ trướng do uống nhiều rượu, mất năm 36 tuổi). Trông gương anh, anh mong em bớt rượu chè. Anh đã bỏ rượu. Nhưng bỏ như thế cũng hơi muộn…”
Anh em văn nghệ ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình cũng như gia đình tôi mỗi khi ra Hà Nội đều tá túc tại nhà anh. Gọi là nhà cho nó ấm cúng, chứ thật ra đó chỉ là một gian chái hơn chục mét vuông do người ta gá vào phía sau cái nhà kho của trường Chu Văn An, là “tiêu chuẩn” tập thể của vợ anh, mà mãi sau hơn 20 năm lấy nhau mới có. Sau này, nhờ bạn bè thân quen người giúp thanh gỗ, người giúp mái lá gồi, anh tự thiết kế, cần mẫn cưa đục dựng một cái chòi gỗ nhìn ra Hồ Tây lộng gió. Anh gọi là “Chòi ngắm sóng”. Anh em bạn bè văn chương đến tá túc đều ngủ trên cái chòi ấy, uống rượu, đọc thơ và đàm đạo văn chương cũng trên cái chòi mấy mét vuông ấy. Trên chòi dán đầy thơ, câu đối, ký họa, cảm tác của thi nhân họa sĩ khắp nước.
Giáp Tết năm 1994, anh đưa vợ đi chơi ở thành phố Hồ Chí Minh, khi tàu ra Huế, anh “nói dối vợ” xuống mua điếu thuốc, rồi “trốn vợ” ở lại Huế thăm bà con, thăm bạn bè văn nghệ cho tới ngày 22 Tết mới lên tàu ra Hà Nội. Ở Sài Gòn ra, anh đến nhà tôi tặng một be rượu Trung Quốc, mà anh gọi cho oai là “rượu Mao Đài”. Bây giờ tôi vẫn để bình rượu ở vị trí thờ anh. Anh luôn mang trong chiếc bị cói truyền thống của mình một chiếc áo khoác may theo kiểu áo dài thân bằng vải gì không biết, anh nói thứ vải này là thao, đũi gì đó đắt lắm, chiếc áo vợ chồng nhà thơ Thu Bồn – Lý Bạch Huệ tặng, nhưng tôi thấy cứ giống y chang loại vải may buồm ở làng biển của tôi xưa. Chiếc áo ấy chằng chịt đầy chữ ký của bạn bè văn nghệ, bạn đọc mến mộ anh với đầy đủ thứ màu sắc. Ở cơ quan Tạp chí Sông Hương hôm đó, mọi người chen nhau để được ký vào chiếc áo tình nghĩa đó. Chữ ký của tôi ở cổ áo bên phải. Anh bảo khi chết anh sẽ mặc chiếc áo ấy để sống mãi với hơi ấm bạn bè. Chiếc áo định mệnh ấy gia đình đã mặc cho anh trong giờ phút cuối cùng!
Đêm 22 Tết năm đó, trong phòng đợi tàu ga Huế, vợ chồng tôi, anh Lê Gia Ninh, ca sĩ Vĩnh Cường, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Huấn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch thức tiễn anh tới một giờ sáng. Anh uống nhiều rượu, sang sảng đọc thơ cho lữ khách nghe. Mọi người rất xúc động. Thơ anh đọc ở đâu cũng làm cho mọi người xúc động vì chất bi hùng thống thiết. Có cuộc thơ anh làm cho hàng ngàn người phải khóc nức nở. Đang đọc thơ, anh bỗng ngả mũ đi hành khất. Dáng anh đi từng bước y chang người hàng khất ở ga. Hầu như ai cũng xúc động bỏ tiền vào mũ anh. Có cả những du khách nước ngoài. Số tiền kiếm được anh chia luôn cho những ngườì ăn xin ở ga ngay khuya hôm đó! Tôi có ngờ đâu đó là lần anh đọc thơ cuối cùng với Huế để rồi xa Huế mãi mãi!
Đối với tôi, Phùng Quán là nhà văn luôn tâm huyết với đời, với người, với quê hương đất nước, với lý tưởng mà anh đã chọn từ thuở thiếu thời. Có nhiều cách xưng tụng Tổ quốc, thơ anh bao giờ cũng bật lên hình tượng rất độc đáo về Tổ quốc:
Sử kháng chiến nghìn trang
Người Nghệ ưa vắn tắt
Đánh Pháp hết chín vại cà
Đánh Mỹ hết hai chục vại …
(Trường ca cây cà)
Gần gũi bên anh, tôi đã học được rất nhiều điều về nhân cách và bản lĩnh của một nhà văn, đó là sự ngay thẳng tột cùng, ngay thẳng thủy chung của mỗi dòng chữ viết’’.
Thơ anh chân thực, trong sáng, dễ hiểu và đam mê đến quyết liệt như chính cuộc đời anh. Vì thế mà anh coi thơ là mạng sống, là lý lịch đời mình. Anh sống chết với thơ như sống chết với lý tưởng mình đã chọn:
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ đứng dậy
Phùng Quán là một nhân cách lớn, một tấm lòng vị tha chân chất. Đạo diễn điện ảnh Vinh Sơn, người làm phim Tuổi thơ dữ dội (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Phùng Quán) có một nhận xét rất chính xác rằng, Phùng Quán không còn là tên riêng hay danh từ nữa mà Phùng Quán là một tính từ. Anh đích thực là một CON NGƯỜI viết hoa! Nhớ về anh, trong tôi cứ ám ảnh hoài cái hình ảnh kết thúc tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội. Ấy là lúc thằng Mừng (nhân vật chính) bị trọng thương, thấy mình khó có thể sống được đã gắng hết sức bình sinh thều thào với anh phụ trách: “Anh ơi anh đừng nghi em là Việt gian nữa, anh hý!”:
Anh Quán ơi, em tin chắc cùng với thời gian, Nhân Dân sẽ hiểu anh, anh sẽ tồn tại vĩnh viễn trong lòng các thế hệ độc giả Việt Nam, tồn tại mãi cùng với quê hương, dân tộc này, sự nghiệp này!
- Sự tích bài thơ “Hôn”
Nhà thơ Phùng Quán để lại nhiều bài thơ hay, được hàng triệu người đọc Việt Nam thuộc nằm lòng như “Lời mẹ dặn”, “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”, “Say”… Trong đó, “Hôn” là bài thơ hay được nhắc đến nhiều nhất. Bài thơ “Hôn” có trong hành trang của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được tuyển đi tuyển lại trong hàng chục tuyển tập thơ từ 50 năm nay, được in trong tuyển tập Panorama de la Littérature Vietnamienne do nhà văn hóa Hữu Ngọc dịch. Bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc: “Khi người ta yêu nhau/ Hôn nhau trong say đắm/ Còn anh, anh yêu em/ Anh phải đi ra trận!”
Nhưng:
Yêu nhau ai chẳng muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu!
Bài thơ được coi như là tuyên ngôn tình yêu của người lính khi Tổ Quốc đang bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược: Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể / Hôn em với đôi môi / Của một người nô lệ! Âm hưởng bài thơ giống như khẩu khí thơ của các nhà thơ cộng sản Nazim Hikmet, Petöfi. Bài thơ viết năm 1954, khi Phùng Quán 22 tuổi. Đọc bài thơ, tôi cứ ngỡ nhà thơ viết tặng một cô gái nào đó mà anh từng yêu thương, nhớ nhung dọc đường ra trận. Nhưng không phải! Sự tích bài thơ bi hùng hơn rất nhiều. Tôi dùng chữ “sự tích” vì đây là một câu chuyện dài, đầy chất anh hùng ca, liên quan đến Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán.
Mới đây, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã cung cấp cho tôi bản lai cảo một bài viết dài của Phùng Quán viết tại Chòi ngắm sóng Hồ Tây năm 1992, có tựa đề: “Bản anh hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt…”. Tôi đọc và bàng hoàng vì câu chuyện được kể lại vô cùng lẫm liệt về cuộc chiến đấu và sự hy sinh dũng cảm, khí phách của 17 chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Vệ quốc quân Trần Cao Vân giữa lòng thành phố Huế năm 1946. Bài viết cũng nói rõ xuất xứ của bài thơ “Hôn”. Nhà thơ Phùng Quán viết: “… Cách đây trên ba mươi năm có lẻ, trong những ngày gian khó nhất của đời mình, trong nỗi buồn bã và thất vọng khôn cùng, tôi khởi viết một thiên hùng ca… Thiên hùng ca kể lại một câu chuyện có thật, những người anh hùng có thật, hơn nữa những người anh hùng mà tôi quen biết và tôi có mối hàm ơn sâu nặng vì một lần họ đã cứu tôi thoát khỏi đạn đại liên giặc ăn thịt trong trận đánh kinh hồn vào vị trí Miễu Đại Càng… Thiên anh hùng ca gồm 10 chương, khoảng nghìn câu thơ, với một Khai từ và một Hậu từ. Từ năm 1958 đến 1988, tôi bị mất quyền in sách nên thiên hùng ca chịu chung số phận với nhiều tác phẩm khác của tôi: Mối xông! Nghìn câu thơ nay không còn nhớ nữa. Nhưng cốt truyện, đoạn Khai từ và lác đác dăm câu thơ, đoạn thơ khắc họa ý tưởng chính tôi vẫn còn nhớ như in… Thiên hùng ca ấy có tên là Huyệt lửa chôn chung”. Xin gác lại chuyện các chiến sĩ Trung đoàn 101 Trần Cao Vân đã cứu sống và đã phạt roi Phùng Quán như thế nào, để tập trung vào sự tích bài thơ “Hôn”. Điều cực kỳ thiêng liêng và cảm động là bài thơ “Hôn” là một đoạn được trích ra từ thiên hùng ca ấy, viết về tình yêu của người chiến sĩ thật có tên là Phùng Huấn!
Tháng 7-1992, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân có bài viết “Tìm được hài cốt của 17 liệt sĩ hy sinh từ năm 1946” in trên báo Lao Động. Bài báo kể lại, ngày 4-6-1992, trong lúc đào móng cải tạo công trình nhà của Ủy ban khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tại 18, Hà Nội, Huế, người ta phát hiện ra 17 bộ hài cốt Vệ quốc đoàn. Trong đó, có một bộ hài cốt có sợi dây chuyền nhỏ có đeo lủng lẳng một miếng nhôm, rửa sạch miếng nhôm hiện lên dòng chữ khắc: “Phùng Huấn – VQĐ- Thuận Hóa”. “VQĐ” là Vệ Quốc Đoàn. Còn Phùng Huấn là anh con bác của ông Phùng Bốn (tức ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế) chú ruột của Phùng Quán. Tức Phùng Quán gọi liệt sĩ Phùng Huấn là bác! Đọc bài báo đó, Phùng Quán bàng hoàng nhớ lại thiên anh hùng ca mình đã viết 30 năm trước…
“ … Nhân vật mà tôi mất nhiều công sức nhất để để miêu tả và khắc họa tính cách với cả trăm câu thơ, là nhân vật chiến sĩ. Anh tên là Phùng Huấn, xuất thân nông dân, quê ở làng Thanh Thủy Thượng. Phùng Huấn yêu một cô gái làng, sắp làm lễ cưới. Mặt trận Huế bùng nổ, anh hoãn ngày cưới, cùng nhiều trai làng xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh được tuyển chọn vào cảm tử quân… Bài thơ “Hôn” là tôi trích ra từ Thiên hùng ca ấy:
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!
Đó là lời của Phùng Huấn nói với vợ chưa cưới của mình trước giờ xung trận. Phùng Huấn là bác họ của tôi. Trong Thiên hùng ca, tôi không nói chi tiết này, chỉ miêu tả mỗi lần chúng tôi đứng cạnh nhau, cả đơn vị ai cũng lầm là hai anh em ruột vì chúng tôi giống nhau như hai cục bùn móc dưới ruộng sâu lên… Trong đội cảm tử quân, Phùng Huấn được phân công vào “Tổ vũ khí nặng”. “Vũ khí nặng” Phùng Huấn phụ trách là một cặp đầu đạn đại bác 75 ly tịt ngòi được công binh xưởng biến báo thành mìn đánh xe tăng… Tổ “vũ khí nặng” là siêu cảm tử nên mỗi chiến sĩ được Mặt trận phát một chiếc “lập lắc” bằng nhôm cứng, trên mặt khắc tên họ, dây đeo bằng thép không rỉ, để lỡ hy sinh xác người ni khỏi lẫn xác người kia…
Một buổi sáng, Phùng Huấn ngoắc tay gọi tôi: “Bê! Bê!” (tên gọi tôi ngày còn ở nhà) ghé sát tai tôi nhói nhỏ: “Tối ni đơn vị tau đi cảm tử vị trí nhà hàng Sap-phăng-giông (Cửa hàng bách hóa số 1, đường Hà Nội, Huế hiện nay). Mặt trận sẽ đãi tụi tau một bữa thịt bò, thịt heo với xôi, ở sân chùa Vạn Phước, để lỡ có chết thì anh em được chết no! Tắt mặt trời mi nhớ chạy xuống mà ăn chực…”
Bữa ăn đó cũng được kể trong bài viết trên báo Lao Động nói trên, qua lời kể của người vợ chưa cưới của liệt sĩ Phùng Huấn: “Vợ chưa cưới của đồng chí Phùng Huấn, đã 70 tuổi, từ xã Thủy Dương (tên mới của làng Thanh Thủy Thượng), chống gậy lên thăm hài cốt của người yêu xưa. Bà kể: Chiều đó, tôi lên thăm anh ấy, rủ anh đi ăn. Anh ấy nói: “Tối nay đi đánh Pháp, thế nào cũng được ăn một bữa thịt bò, bây giờ ăn ngang bụng”. Anh ấy không đi. Thấy trên tay anh có đeo một cái “lập lắc”, tôi hỏi: “Người ta đeo vòng vàng xuyến bạc, còn anh đeo chi miếng thiếc ni?” Anh nói: “Đơn vị bảo đeo. Đi đánh giặc lỡ có chết người ta biết tên mà nhận xác”. Tôi tưởng anh nói chơi, ai ngờ anh chết thiệt. Từ sau đó gia đình cứ lấy ngày 10 tháng chạp giỗ anh ấy”.
Trận “cảm tử” vào nhà hàng Sáp-phăng-giông đêm ấy không kết quả. Toàn đơn vị rút ra căn cứ cả, còn Trung đội cảm tử bị mắc kẹt lại ở trong ngôi nhà hai tầng. Địch bắn như điên, kêu gọi đầu hàng, các anh vẫn chống trả quyết liệt. Giặc phun xăng đốt ngôi nhà. Các chiến sĩ đã xuống tầng trệt, dùng bộc phá nổ tung ngôi nhà, biến ngôi nhà thành ngôi mộ chôn chung của 17 anh em! Ôi, 46 năm sau, cô gái trong bài thơ “Hôn” của Phùng Quán mới gặp lại hài cốt người yêu của mình! Ngày xưa ở Huế, đối với con gái nhà lành, chuyện hôn nhau vô cùng hệ trọng, nhà trai đi hỏi rồi vẫn chưa dám hôn nhau, chờ khi cưới. Cho nên:
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn
Hiểu “sự tích” bài thơ, ta càng muôn lần cám ơn nhà thơ Phùng Quán, anh đã lấy “tuổi thơ dữ dội” của mình làm chất liệu để viết nên những câu thơ tình thế kỷ, đẹp như kinh cầu nguyện!
- Con của một gia đình cách mạng
Phùng Quán là nhà văn nổi tiếng, nhưng anh đặc biệt rất ít nói về mình. Nhưng cuộc đời Phùng Quán có rất nhiều điều lý thú. Phùng Quán có ông chú ruột tên là Nguyễn Vạn, tức Phùng Lưu, một lão thành cách mạng, nguyên ủy viên Khu ủy, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông về hưu gần hai chục năm nay ở đường Hai Bà Trưng, thành phố Huế, vừa mất đầu năm 2005. Trước đây, ông Vạn nhiều năm kiên quyết không tha lỗi cho đứa cháu “Nhân văn” của mình. Nhưng từ khi Phùng Quán được phục hồi Hội viên Nhà Văn, sách của anh được in bán khắp nơi, truyện của anh được dựng thành phim, thì ông bắt đầu thay đổi thái độ. Trên bàn thờ nhà ông, có thờ hai bức ảnh. Một bức là ông nội anh Quán ở chính giữa, và bên cạnh là ảnh Phùng Quán, phía duới có lời đề: “Nhà văn Phùng Quán, cháu đích tôn của ông”.
Năm 2000, ông Nguyễn Vạn xuất bản tập hồi ký Đời người cách mạng, trong đó có đoạn kể về bố anh Phùng Quán rất đặc biệt: “… Anh cả tôi tên là Phùng Văn Nguyện, học lớp đệ tam niên nội trú trường Quốc Học, hăng hái tham gia các phòng trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu, tham gia các cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chống Pháp năm 1926. Bị bắt giam, bị kết án 2 năm tù treo, và bị bồi thường 3 năm tiền học phí là 360 đồng bạc Đông Dương… Anh tôi bị quản thúc ở xã nhưng trốn vào Sài Gòn, đổi tên là Phùng Quý Đông thi đỗ vào ngạch công chức của Pháp, được bổ nhiệm làm Thông phán sở kho bạc Sài Gòn. Sau mấy năm làm công chức Pháp, anh tôi tưởng là hết hạn tù treo rồi thì không còn gì rắc rối nên xin chuyển về Huế để lập gia đình, không ngờ bị tên cường hào Lý Hòe tố giác. Anh tôi xin chuyển vào Hội An để tránh né nhưng vẫn bị mật thám theo dõi, phải đi trốn. Định chạy sang Lào nhưng đến Đà Nẵng thì bị bắt và bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Sau hai tháng bị tra tấn thì chết trong lao tù. Năm 1932, khi anh tôi chết, đứa con trai duy nhất của anh chưa biết đi, mới biết bò, nó chính là nhà văn Phùng Quán…” Mẹ nhà văn Phùng Quán tên là Công Tằng Tôn Nữ Thị Tứ, người tài sắc, dòng Hoàng Phái. Khi chồng mất, bà ở vậy nuôi con cho đến khi con 14 tuổi trốn đi theo Vệ Quốc Đoàn. Bà ở một mình thờ chồng, chờ con trai. Bà mất ngày 2 tháng Giêng âm lịch, vào dịp Tết năm 1970 ở cố đô Huế. Lúc đó, Phùng Quán đã có vợ, 2 con ở Hà Nội!
(Còn tiếp)