Chuyện kể của phu nhân Thượng tướng Hoàng Minh Thảo
Dưới đây là cuộc trò chuyện với bà Vũ Minh Nguyệt, phu nhân của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Kể từ khi cưới nhau, thời gian ông bà sống bên nhau thực sự được bao lâu?
Chúng tôi tổ chức lễ cưới vào năm 1949, khi đang tản cư ở Nam Định, đến nay cũng gần 60 năm rồi. Tuy nhiên, thời gian sống gần nhau không nhiều, bởi khi ấy anh Thảo là Tư lệnh Quân khu 4 nên suốt ngày ở đơn vị chỉ huy.
Ngay như cưới hôm trước, sáng hôm sau sanh ấy lên đường trở lại Khu 4, khi ấy tôi mới 19 tuổi. Đánh Điện Biên Phủ xong, chúng tôi có thời gian ở với nhau nhiều nhất khoảng 5 năm, khi anh Thảo làm Hiệu trưởng Học viện Lục quân.
Năm 1965, anh ấy nhận nhiệm vụ của Trung ương vào chiến trường Tây Nguyên và ở riết trong ấy đến khi giải phóng. Vợ chồng chẳng mấy khi gặp nhau. Thi thoảng, anh ấy ra Bắc nhận mệnh lệnh hay họp hành thì mới được ở gần nhau khoảng nửa tháng mà thôi.
Vậy trong suốt thời gian đằng đẵng nuôi con một mình, có bao giờ bà khóc không?
Hầu như tôi chưa bao giờ khóc, dù đó là những lúc cơ cực nhất không có chồng bên cạnh đỡ đần, một nách ba con trai đang độ tuổi ăn, tuổi lớn. Ngay từ ngay lấy anh Thảo, tôi đã xác định việc gia đình chắc chỉ có mình tôi lo. Vì thế, nếu khóc lóc thì càng làm rối việc quân của anh ấy.
Ngày anh ấy đến với tôi thông qua sự làm mai của ông chú tôi, tôi chỉ biết ông ấy là lính Cụ Hồ ở trong Khu 4, chứ có biết là Tư lệnh gì gì đâu. Khi ấy, tôi có cảm tình với người thanh niên có đôi mắt sáng quắc, phong thái uy dũng nhưng lại hiền khô. Khi chuẩn bị cưới, tôi nghe bố tôi nói anh ấy làm cái gì to lắm, sau tôi mới biết là Tư lệnh Quân khu 4, bởi anh ấy quá trẻ, mới có 28 tuổi thôi mà.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh ấy, thời kỳ nào là hạnh phúc nhất của ông bà?
Vẫn là thời kỳ ông ấy là Hiệu trưởng Học viện Lục quân, vì chúng tôi được bố trí ở ngay trong khu tập thể gần đấy nên ông ấy cứ sáng đi tối về, trừ những ngày họp hành, công tác.
Vậy làm vợ một vị tướng “sướng” hơn vợ một người lính ở điểm nào, thưa bà?
Tôi chẳng thấy sướng hơn mọi người. Vì tôi vẫn ăn cơm tập thể của đơn vị, vẫn tăng gia bằng việc nuôi lợn, nuôi thỏ mang ra chợ Bưởi bán, cũng xếp hàng đi mua hàng hoá, thực phẩm như mọi người.
Bà còn nhớ thời kỳ vất vả nhất?
Có lẽ là thời kỳ chồng tôi đi Tây Nguyên. Bốn mẹ con nuôi nhau, hết chạy lên Tam đảo (Vĩnh Phúc) lại về Hà Nội sau mỗi lần giặc Mỹ ném bom Hà Nội. Có lần đang sơ tán trên Tam Đảo, nhận được điện của Tổng cục Chính trị gọi về ngay Hà Nội, lúc ấy tôi nghĩ chắc anh Thảo có chuyện gì chẳng lành đây. Đấy là những lúc tôi yếu lòng, nhưng vẫn không khóc.
Nghĩ lại hình ảnh, mẹ thì yếu con mới lên tám tuổi khiêng thùng nước đi chênh vênh leo bậc thềm mà thương con lắm. Nhưng tất cả phải cố gắng thôi, vì người ở ngoài chiến trường còn chẳng biết sống chết ra sao nữa là…
Vậy thời kỳ ấy, ông bà có thường xuyên viết thư cho nhau không?
Rất ít, bởi việc liên lạc không dễ như bây giờ. Khi nào có người vào, người ra thì mới gửi được. Mà viết thư hồi ấy chỉ động viên nhau thôi. Vợ viết cho chồng nào là “anh yên tâm đánh giặc, mọi việc ở nhà đã có em chu toàn, con cái ngoan ngoãn”. Chồng viết cho vợ cũng là “anh vẫn khỏe, ta càng thắng lớn, thống nhất đất nước, anh sẽ về…”.
Nói thật, chúng tôi chẳng có những lời lẽ nhớ thương như bây giờ. Bởi hậu phương có vững, tiền tuyến mới chung lòng đánh thắng giặc được.
Bà còn nhớ kỷ niệm đẹp nào dành riêng cho hai người?
Ấy là khi anh ấy đến nhà tôi lần đầu. Chiều hôm ấy, anh Thảo mạnh dạn rủ tôi đi dạo xung quanh bờ ao trước nhà. Chúng tôi đều kiệm lời, nhưng cảm nhận được hạnh phúc và linh cảm được sự gắn bó với nhau. Bởi đây cũng là mối tình đầu của cả hai người. Sau này có vài lần chúng tôi đi nghỉ hè bên nhau, nhưng thời khắc lần đầu gặp mặt ấy vẫn đọng lại trong tôi thật hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến.
Những ngày ở bên nhau, có khi nào ông nấu cơm cho bà không?
Cái này thì chưa bao giờ, nhưng có lẽ ông là người dễ tính nhất trong chuyện ăn uống. Các anh thấy rồi đấy, ông suốt ngày viết sách, tổng kết chiến tranh, nghiên cứu học thuyết quân sự…
Có bao giờ hai người to tiếng với nhau?
Điều nay tuyệt đối không. Cưới nhau gần 60 năm rồi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau hay to tiếng, mặc dù có nhiều lúc tôi cũng lâm vào hoàn cảnh trớ trêu lắm chứ. Anh ấy trông vậy thôi nhưng tính hiền lắm, chẳng biết chiều vợ như người ta đâu, tác phong nhà binh mà. Tuy vậy, chẳng thấy ông bắt bẻ vợ con điều gì. Đức tính giàu lòng vị tha ấy của anh thực sự là tấm gương cho con cháu noi theo.
Bà theo dõi bước tiến của chồng mình như thế nào trong những ngày tháng ba Tây Nguyên rực lửa?
Tôi và con cứ nghe đài rồi nhìn lên bản đồ để xác định chồng đang ở đâu. Đài đưa tin đã thắng lợi ở Ban Mê Thuật, tôi lại lấy bút chì chấm đỏ ở đấy để dõi theo những chiến công của quân giải phóng và chồng mình. Nhiều đêm nằm nghe bản tin cuối ngày của đài Tiếng nói Việt Nam, đài báo tin đã thắng ở Nha Trang tôi bật dạy chấm đỏ vào đó, rồi rưng rưng nước mắt khi ngày đoàn tụ đã đến gần, đất nước sắp thống nhất, gia đình sẽ được sum vầy bên nhau. Thói quen này theo tôi đến tận ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu.
Trong cuộc sống gia đình, ông bà có đề ra một nguyên tắc chung nào không?
Nguyên tắc lớn nhất là tin tưởng và chung thuỷ với nhau. Đó cũng là niềm tin lớn nhất khi mà hai người hai nơi.
T.H – Hồng Sơn