Chuyện gia đình chiến sĩ tình báo Đặng Trần Đức

Chuyện gia đình chiến sĩ tình báo Đặng Trần Đức

PTO- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH và chi viện cho chiến trường miền Nam giải phóng dân tộc. Phú Thọ là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc được xây dựng khu công nghiệp Việt Trì và một số nhà máy ở Lâm Thao, Thanh Ba. Nhà máy chè Phú Thọ được xây dựng tại Thanh Ba, cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến chè sản phẩm. Nông trường Vân Lĩnh tại Thanh Ba hình thành thu hút hàng nghìn công nhân đến làm việc…

Năm 1978 hai phóng viên Báo Vĩnh Phú chúng tôi có chuyến công tác tại nông trường Vân Lĩnh. Những đồi chè xanh lô xô như bát úp trải rộng hàng trăm ha đang vào độ kinh doanh. Giám đốc nông trường kể với chúng tôi về sáng kiến trồng những cây muồng bên những lô chè để tạo bóng mát giảm sự bốc hơi nước ở đất, tận dụng lá muồng tăng độ phì cho đất. Cán bộ kỹ thuật của nông trường dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà để hàng nghìn cành chè PH1 chờ làm xong đất để trồng mới thêm vài ha. Tình cờ chúng tôi hỏi cán bộ nông trường: “Mỗi quả đồi làm một ngôi nhà để cất giữ chè cành giống phải không?”. Họ bảo: “Đây là nhà không có người ở. Gia đình họ đi theo địch, nay đã chạy về xuôi”. Chúng tôi chẳng quan tâm việc này vì nó không liên quan gì đến nội dung bài viết. Cứ tưởng câu chuyện ấy đã khép lại và trôi vào dĩ vãng, ai ngờ gần đây những điều bí ẩn đã được hé mở khi Nhà nước cho phép công bố công lao của những nhà tình báo chiến lược, trong đó có Đặng Trần Đức.

Đặng Trần Đức quê chính ở ngoại thành Hà Nội tham gia quân đội được hai năm thì Bộ Quốc phòng quyết định anh nhận nhiệm vụ mới. Trước khi làm nhiệm vụ mới anh được về thăm nhà năm ngày. Những ngày đó anh thay chục viên ngói trên mái nhà cũ và đóng cho con gái chiếc bàn con bằng gỗ để học bài. Trước khi đi anh chỉ dặn vợ: “Chuyến này tôi phải đi lâu, chưa biết ngày nào mới trở về. Em ở nhà giúp tôi nuôi dạy con cái lớn khôn”.

Đường dây 559 được hình thành qua bao gian nan, vất vả. Đặng Trần Đức là một trong những người đầu tiên để lại dấu chân trên dải Trường Sơn để vào Nam… Đặt chân đến Sài Gòn, để hòa nhập với đời sống xã hội nơi đô thành trong điều kiện hoạt động đơn tuyến, Đặng Trần Đức phải công khai kết hôn với chị Ngô Thị Xuân quê chính gốc Sài Gòn để che mắt địch. Và anh lấy tên mới gọi là Ba Quốc.

Ở quê nhà chị Phạm Thị Thanh (vợ anh) và con cái nghe tin sét đánh là Đặng Trần Đức trốn vào Nam theo địch, vì thế họ bị bà con xung quanh hắt hủi, dè bỉu. Con gái chị Thanh – Đặng Thị Giang mới học cấp I đã phải chịu tổn thương về tâm lý khi bị bạn bè xa lánh. Trước sự miệt thị, khinh rẻ của hàng xóm chị Thanh đã buộc lòng phải dời quê dắt hai con nhỏ lên nông trường Vân Lĩnh xin làm công nhân trồng chè. Mấy tháng sau bà con họ hàng dỡ nhà cũ ở quê lên dựng lại ngôi nhà hai gian để mẹ con chị có chỗ trú nắng, trú mưa.

Mặc dù đã hòa nhập với cuộc sống của công nhân nông trường nhưng chị Thanh vẫn có cảm giác cô đơn. Gia đình chị ít có người đến thăm trừ trường hợp cháu Nguyễn Thị Hiên (bạn Giang) thi thoảng đến rủ Giang đi học nên sự mặc cảm của chị và cháu Giang vẫn còn dai dẳng.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ ngụy tái chiếm lại những địa bàn đã mất và điên cuồng mở chiến dịch lùng sục, bắt bớ những người ủng hộ cách mạng khắp miền Nam, nhiều cơ sở của ta bị phá vỡ. Mạng lưới tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã bị lộ. Một hôm Ba Quốc vắng nhà, vợ anh và con gái đã bị địch bắt tra tấn lấy lời khai. Không uy hiếp được chị Xuân, Tổng nha cảnh sát đã đưa hai mẹ con chị vào tù. Anh Ba Quốc nghe tin đã rút ra căn cứ cách mạng Trung ương cục miền Nam.

Năm 1969 tình hình Căm-pu-chia diễn biến rất phức tạp, đế quốc Mỹ có kế hoạch lật đổ quốc vương Xi-a-Núc dựng lên Chính phủ Lon-non phản động thân Mỹ để khống chế, đánh phá vùng căn cứ kháng chiến của ta. Cấp trên quyết định đưa Ba Quốc sang Căm-pu-chia hoạt động để nắm bắt những thông tin về chính trị, quân sự gửi về Bộ Quốc phòng VIệt Nam. Những năm hoạt động tình báo, Ba Quốc đã hết lòng phục vụ cách mạng, dũng cảm, mưu trí trong mọi tình huống để bảo toàn lực lượng, cung cấp nhiều thông tin, tài liệu của địch một cách chính xác, an toàn giúp Nhà nước xử lý chủ động, góp phần làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1977, Ba Quốc về thủ đô Hà Nội dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhận quân hàm Thiếu tướng, ông đưa chị Hạnh (con gái) ra Bắc chào bà Thanh. Bà Thanh bị ốm nặng liệt hai chân. Ông Ba Quốc xúc động nói: “Em và các con xứng đáng được hưởng Danh hiệu AHLLVT”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Những chiến sĩ tình báo trải qua nhiều gian nan thử thách. Bản thân và gia đình họ chịu đựng sự hy sinh thầm lặng. Họ là những người vĩ đại…”.

Lại Xuân

Rate this post