Chuyện gì đang xảy ra tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders của Shark Thủy?
Trung tâm tiếng Anh “bốc hơi”
Chị Ngọc Anh (Hà Nội) cho biết năm 2020, chị được một bạn nhân viên của Trung tâm Apax Leaders (Láng Hạ, Hà Nội) gọi điện tư vấn học tiếng Anh cho bé với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn về học phí.
Qua tư vấn, chị Ngọc Anh đã đóng 17,6 triệu đồng cho trung tâm này để cho bé học tiếng Anh với 96 buổi học/năm. Nhưng từ đó cho đến nay đã 2 năm trôi qua, bé nhà chị vẫn chưa được đến lớp học buổi nào. Trung tâm cũng không gọi điện nói lý do. Quá bức xúc, chị đòi lại tiền học phí thì nhân viên lần lượt hứa hẹn, rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhiều người khác nhau.
Chị Ngọc Anh cho cho biết: “Đến nay tôi đã làm việc với hơn 6 nhân viên khác nhau của trung tâm này, nhưng 2 năm qua vẫn chưa nhận được tiền. Thậm chí làm việc với cả giám đốc chi nhánh thì họ vẫn tìm cách lẫn tránh. Tiền thì không trả mà con tôi vẫn không được học. Không chỉ tôi mà rất nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào hoàn cảnh này. Chúng tôi đang tập hợp chữ ký để kiện trung tâm này lừa đảo tiền của người dân”.
Việc đòi lại tiền học phí tại Trung tâm Apax Leaders không chỉ diễn ra tại Hà Nội. Hiện nhiều nhóm phụ huynh tại TP.HCM cũng bức xúc kéo nhau đến trụ sở Trung tâm Apax Leaders tại đường Trần Đình Xu (quận 1) để đòi lại học phí. Ngày 22/9, hàng chục phụ huynh tại TP. Thủ Đức đã đóng học phí học tiếng Anh cho con học tại cơ sở ở khu dân cư Gia Hòa bức xúc kéo lên trụ sở để đòi lại học phí, vì trung tâm không có giáo viên dạy mà cho học viên… coi tivi và thông tin đưa ra là trung tâm chuẩn bị dừng hoạt động.
Hầu hết các phụ huynh này đều đóng học phí theo gói cả năm học, thậm chí nhiều người đóng đến 3 năm vì được ưu đãi. Mức học phí họ đóng thấp nhất từ 20 triệu đến cả trăm triệu đồng, nhưng học sinh chỉ được học online hoặc chưa học buổi nào. Theo chia sẻ của một phụ huynh sau buổi làm việc, trung tâm hứa sẽ hoàn tiền cho nhóm phụ huynh này vào đầu tháng 11 nhưng chỉ là hứa, chưa có xác nhận nào.
Chị Hồng Thắm (32 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) cho biết con chị theo học tại Trung tâm Apax Leaders từ năm 2021 với mức học phí khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, mỗi tuần 2 buổi. Nhưng sau một thời gian học chị nhận thấy chất lượng trung tâm ngày càng đi xuống, giáo trình dạy không giống nhưng những gì đã cam kết, nên cho con nghỉ học.
“Rất may tôi đóng tiền theo tháng nên không ảnh hưởng nhiều. Nhiều phụ huynh đóng tiền theo năm, thậm chí là 2-3 năm để hưởng ưu đãi, chiết khấu của trung tâm thì giờ không biết làm sao rút tiền” chị Hồng Thắm cho biết.
Trong ngày hôm nay, 23/9, nhiều nhóm phụ huynh khác cũng tiếp tục kéo nhau lên trụ sở Apax Leaders để làm việc, đòi lại tiền.
Không chỉ tại 2 thành phố lớn, tại các tỉnh thành khác phụ huynh cũng bàng hoàng với câu chuyện Apax Leaders. Mới đây, thông tin Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bất ngờ biến mất, và ôm theo học phí của hàng trăm học sinh. Cũng tình trạng tương tự như tại TP.HCM, nhiều người đóng chả chục triệu đồng nhưng con chỉ học được 1-2 buổi rồi các lớp học đóng cửa, không có giáo viên. Phụ huynh liên hệ giám đốc chi nhánh thì được biết người này đã nghỉ việc, và cũng là nạn nhân của trung tâm vì bị nợ lương. Nhiều phụ huynh đã làm đơn tố cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.
Không chỉ vậy, các khóa học online 1 kèm 1 của hệ thống Anh ngữ Englishnow cùng thuộc hệ thống Anh ngữ của shark Thủy cũng “bốc hơi”. Cụ thể phụ huynh đóng tiền học dài hạn trong 1-2 năm. Tuy nhiên, sau một thời gian học, bỗng nhiên cô giáo không vào lớp học online của học sinh. Trung tâm không đưa ra một kế hoạch gì có thể hỗ trợ các con học từ xa, trên phần mềm, theo VTV.
Phụ huynh tìm đến Trung tâm Tiếng Anh Englishnow ở phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thế nhưng tất cả đều đóng cửa và trống trơn.
Nhiều phụ huynh đã tìm đến công ty Egroup, đại diện pháp lý của hệ thống Anh ngữ này để làm việc. Đại diện này đã thống nhất, sẽ thanh toán lại tiền cho phụ huynh theo 2 đợt 30/10 và 15/11.
Theo lý giải của Trung tâm tiếng Anh này, do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, hoạt động giáo dục mới được quay lại khoảng 5 tháng gần đây vì thế đã gây ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động của Hệ thống Englishnow.
Doanh thu vượt chỉ tiêu vẫn nợ tiền giáo viên, nhân viên?
Chị Phạm Thị Minh – Giám đốc quản lý 3 trung tâm Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại thành phố Vinh – Nghệ An cũng bức xúc chia sẻ những vấn đề đang xảy ra tại Apax Leaders tỉnh này.
Theo chị Minh, chị đã làm việc 5 năm tại Apax Leaders, nhưng sau khi bùng nổ của dịch Covid 19, Apax Leaders dựa đó liên tục vi phạm cam kết với khách hàng của mình từ việc sử dụng giáo trình hoàn toàn khác so với giáo trình đã cam kết giảng dạy với phụ huynh và học sinh. Khi phụ huynh đăng ký và nộp tiền không được xếp lớp học, khách hàng muốn rút lại học phí luôn viện lý do để khiến phụ huynh không rút được tiền học phí.
Ngoài ra, việc không trả tiền mặt bằng khiến trung tâm luôn trong tình trạng bị đòi nợ bởi 3 điểm thuê mặt bằng, liên tục phải nói dối phụ huynh do dịch chưa quay lại dạy, nhưng thực ra là toà nhà niêm phong và cắt điện nước khiến trung tâm không thể hoạt động. Và việc không trả lương cho giáo viên nước ngoài khiến họ đình công không tiếp tục dạy học…
“Chứng kiến những sự việc trên với cương vị là giám đốc chi nhánh tôi không thể tiếp tục tiếp tay cho những hành động sai trái của phía Apax English/Apax Leaders, nên tôi quyết định rời công ty và công ty vẫn còn nợ tôi tiền lương, các phúc lợi và tiền bảo hiểm xã hội ” chị Minh cho biết.
Còn tại các diễn đàn và trang mạng xã hội rất nhiều nhân viên bức xúc vì cách làm việc của Apax English/Apax Leaders: Làm 1 năm không đóng bảo hiểm, nhưng vẫn trừ tiền bảo hiểm hàng tháng. Có trường hợp nhân viên nghỉ sinh từ tháng 1/2020, đến bây giờ gần 2 tuổi vẫn chưa được nhận hết tiền bảo hiểm thai sản…
Hệ thống Anh ngữ Apax English/Apax Leaders, Englishnow được đầu tư và phát triển bởi Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán IBC) thuộc tập đoàn Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy. Hiện ông Thủy là Chủ tịch Tập đoàn Egroup và là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English).
Về tình hình kinh doanh theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021, Apax Holdings đạt 2.053,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 95,7 tỷ đồng (tương đương đạt 136.7% so với kế hoạch đề ra).
Theo ông Thuỷ, lợi nhuận của năm 2021 có sự đóng góp của doanh thu tài chính đến từ việc tái cấu trúc nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động của công ty con và từ việc thực hiện bán quyền mua cổ phần phát hành thêm của các công ty con thuộc Apax Holdings.
Năm 2022, theo ông Thuỷ, Apax Holdings đặt mục tiêu doanh thu 2.119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 141 tỷ đồng trong năm 2022, trong đó lợi nhuận riêng lẻ công ty mẹ là 170 tỷ đồng.
Trung tâm Apax Leader của Shark Thủy trải khắp cả nước với hơn 125 chi nhánh.
Một điều đáng chú ý trong năm 2021, 2 công ty giáo dục trong hệ sinh thái Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy đã huy động 835 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao.
Cụ thể, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English) đã huy động 500 tỷ đồng trái phiếu qua 2 đợt phát hành. Đợt đầu tiên vào tháng 2/2021 với 2 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng, ngày đáo hạn là 23/2/2023. Trái phiếu này là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền với lãi suất 12%/năm, kỳ hạn trả lãi 3 tháng/lần.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là quyền sử dụng sàn thương mại tầng 1,2,3 và tầng KT1 tòa A của dự án Việt Đức Complex tại 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân với tổng diện tích 3.405m2, có giá 150 tỷ đồng, theo định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn.
Ngoài ra, Apax English cũng “cầm” thêm 15 triệu cổ phần công ty mẹ đang niêm yết tại HoSE là IBC của Apax Holdings – đơn vị sở hữu 66,36% vốn Apax English.
Một công ty giáo dục khác trong hệ sinh thái Apax Holdings huy động trái phiếu trong năm 2021 là Igarten. Công ty này có trụ sở chính tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mẫu giáo, vốn góp chủ sở hữu tính đến tháng 3 là 462 tỷ đồng. Igarten trong năm 2021 cũng phát hành 2 lô trái phiếu, tổng trị giá 335 tỷ đồng.
Trái chủ của lô trái phiếu thứ 2 là các nhà đầu tư trong nước. Trong đó, 2 tổ chức mua 154,36 tỷ đồng, chiếm 51,45% tổng số lượng trái phiếu, còn lại gần 200 nhà đầu tư cá nhân với tổng giá trị nắm giữ 145,64 tỷ đồng, chiếm 48,55% tổng lượng trái phiếu.
Theo báo cáo kết quả sử dụng vốn và tiến độ giải ngân Apax English công bố, số tiền huy động được sau 2 lần được Apax English dùng để trả lương giáo viên, nâng cấp sách theo hợp đồng, nâng cấp chương trình học và nâng cấp vào các trung tâm vận hành từ năm 2015 đến 2017.
Chúng tôi đã liên hệ với hệ thống Anh ngữ này và sẽ có những phản hồi tiếp theo.