Chuyện “Phó tiến sĩ lợn” của cố nhà giáo Văn Như Cương
–
Thứ tư, 06/02/2019 19:30 (GMT+7)
Cố nhà giáo Văn Như Cương. Ảnh: GĐ
“Phó tiến sĩ nuôi lợn, lợn nuôi phó tiến sĩ”
Cố nhà giáo Văn Như Cương ra đi để lại cho nền giáo dục nước nhà một tấm gương sáng, những triết lí, câu nói vô cùng thâm thuý xem chút hóm hỉnh, vui vẻ. Trong vô vàn những câu chuyện thú vị về cuộc đời, sự nghiệp của ông, người ta hay nhắc tới câu chuyện về “lợn nuôi phó tiến sĩ”.
Cách đây gần 50 năm (đầu những năm 1970), nhà giáo Văn Như Cương (1937-2017) bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở Nga; trở về dạy học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phó tiến sĩ là tên của một học vị được gọi ở Việt Nam trước thời điểm có hiệu luật của Luật Giáo dục năm 1998, tương ứng với học vị tiến sĩ ngày nay.
Thời đó, do kinh tế còn khó khăn, để vượt qua cái “sĩ” của một nhà trí thức không phải dễ, nhưng thầy Cương không nề hà tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách nuôi lợn kiếm tiền.
Hai vợ chồng ông quây mảnh sân nhà làm chuồng nuôi lợn, chấp nhận cảnh “lợn-người, người-lợn”. Hàng ngày vợ ông lo rau, cám chăm nuôi, ông phụ vợ đi lấy bèo về nấu.
Ông cũng có bí quyết nuôi lợn hết sức độc đáo khiến nhiều người phải học tập. Sẵn có hộp sữa bột được phân theo tiêu chuẩn, mỗi bận cho lợn ăn, ông lại hòa thêm chút sữa hoặc có khi thêm nước mắm cho đậm đà. Thế nên, lợn nhà PGS Văn Như Cương cứ lớn nhanh như thổi.
Thầy giáo Văn Như Cương và vợ
Ngày đó, có người quen hàng tháng vẫn cho gia đình ông một phiếu mua cám. Ông chỉ dành một nửa số cám để nuôi lợn, còn một nửa đem đi bán để kiếm tiền.
Vì vậy ngoài lợn, nhà ông cũng nuôi được mấy chú chó con. Một hôm có một người phụ nữ ở khu Cầu Giấy vào nhà ông hỏi mua chó về nuôi. Ông nghĩ bụng bán đi cũng chẳng có giá nên đã biếu mà không lấy tiền.
Ngờ đâu, bà ấy lại là nhân viên bán rau mậu dịch nên ngày nào cũng dành cho gia đình ông một mớ rau ngon và dài nhất. Với mớ rau muống “khổng lồ” đó, ông đã khéo léo chế biến chẳng bỏ phí chút nào. Phần cuộng dài và cứng ông băm ra cho lợn, đỡ được tiền mua cám, còn phần ngọn thì cả gia đình ăn.
Thế nên, mỗi lứa lợn, tính toán tiền lãi và tiền cám dư, ông còn được 70 đồng. Thật trớ trêu, số tiền bằng đúng tiền lương của một phó tiến sĩ. Thầy Cương hay nói vui với đồng nghiệp, nhà có 2 phó tiến sĩ, một là tôi và một là lợn. Nhưng vị phó tiến sĩ kia không kêu ca nhiều như ông, không tốn kém nhiều như ông, nó chỉ ăn, rồi lớn.
Ngày đó, câu chuyện về phó tiến sĩ Văn Như Cương nuôi lợn đã được lan truyền khắp nơi và trở thành giai thoại. Nhiều người truyền miệng, việc tăng gia sản xuất của thầy Cương bị phản ánh là làm “ảnh hưởng đến môi trường tập thể” và bị lập biên bản.
Khi bị lập biên bản, vị giáo này cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ. Ông lập luận rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới kí”.
Sau những lần bị lập biên bản về chuyện về nuôi lợn như thế, thầy Cương cùng vợ phải từ bỏ công việc cải thiện thu nhập của mình.
Khi bạn bè đến chơi, đùa hỏi: “Phó tiến sĩ nhà thầy đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế?”. Thầy bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: “Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho “phó tiến sĩ lợn” bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh”.
Để nhớ lại một thời đáng… nhớ
Trong một lần chia sẻ với báo chí, PGS Văn Như Cương cho biết: “Chuyện nuôi lợn là có thật nhưng chuyện lập biên bản là do tôi vốn là người hài hước nên muốn nhìn sự việc theo một cách dí dỏm. Thế rồi trong những lần ngồi chơi cùng bạn bè tôi đã kể câu chuyện, có anh phó tiến sĩ nọ nuôi lợn trên tầng và bị đoàn vào lập biên bản. Đấy là một nhân vật trong câu chuyện vui của tôi chứ không phải là tôi. Vì tôi cũng chưa bao giờ bị lập biên bản với cái tội đó đâu”.
PGS Văn Như Cương bên gia đình. Ảnh: GĐ
Vị PGS đáng kính cho biết câu chuyện mang tính gây cười, nhưng ông bảo dẫu sao để nhớ lại một thời đáng… nhớ.
Cũng từ cái chất “hay chữ” mà ông đã để lại nhiều câu đối khó, trong đó có câu đối về đời sống nhà giáo mà đến nay chưa ai đối được trọn vẹn: “Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo”.
Bà Văn Liên Na – con gái lớn của cố nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ với PV Báo Lao Động rằng: “Có nhiều giai thoại về câu chuyện nuôi lợn của nhà giáo Văn Như Cương. Đã là giai thoại thì nó cũng có một phần sự thật, nhưng một phần cũng được thêm bớt. Nhưng câu chuyện ông nuôi lợn là thật và lợn nuôi ông cũng là thật”.