Chua Duoc Su
- Con Đường Hạnh Phúc
-
Viên Minh &
Trần Minh Tài -
— o0o —
-
-
Ba Nguyên Nhân
Phát Sanh Trí Tuệ -
- Trí tuệ là điều
kiện tối hậu để thấu triệt chân lý. Trong tam học (Giới, Định,
Huệ), Giới và Định chỉ có mục đích mở đường cho sự rèn luyện trí
huệ. Nếu Giới (Sìla) làm thanh tịnh thân và khẩu,
Định (Sàmàdhi) khả dĩ giúp tâm an trụ, thanh tịnh
và chân chính thì Huệ (Pannà) phát huy phần tâm
linh quan trọng nhất của con người là trí năng, để đạt đến cứu
cánh giải thoát. - Hành giả dù có
hạnh nguyện Bồ Tát, Thanh Văn hay Độc Giác đều cần phải luôn luôn
tinh tấn dùi mài gươm Trí Huệ để cắt đứt tận gốc rễ những vọng
thấp, phiền não hay những ô nhiễm nội tại dưới mọi hình thức, ngấm
ngầm hay bộc phát mãnh liệt, đang chi phối đời sống của họ. Trí
huệ còn là một trong 10 pháp Ba La Mật (Paramì) tức là Thập độ mà
một vị Bồ Tát muốn trở thành bậc Chánh đẳng Chánh Giác phải chuyên
trì bất thối chuyển. Chính Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, lúc còn là
một vị Bồ Tát, đã lấy trí huệ làm chính hạnh khi thực hành Pháp
Thập độ. - Trước khi nói
đến ba nguyên nhân phát sanh trí huệ, chúng ta thử bàn qua nghĩa
của danh từ trí huệ là gì. Trong Phạn ngữ có rất nhiều danh từ
được dịch là trí huệ, nhưng nghĩa của chúng có ít nhiều sai khác
như Pannà, Nàna, Patisambhidà, Bodhi… - Pannà là
biện tướng trí: trí huệ phân biệt được chân tướng
vô thường, khổ não, vô ngã của hiện tượng giới. - Patisambhidà là
minh giải trí: trí huệ phân tích và biện giải các
pháp một cách minh bạch. - Nàna là
phá tướng trí: trí huệ trực nhận chân lý, phá chấp tướng
của vạn hữu. Phá tướng trí chính là trí huệ của Chư Phật và chư Bồ
Tát bất thối. - Bodhi người ta
thường quen gọi là Bồ Đề tức trí giác ngộ,
trí của bậc huyền thông đạo lý, dứt trừ phiền não, vọng chấp. - Tuy được dịch
từ nhiều danh từ Phạn ngữ có nghĩa sai khác nhưng tựu trung trí
huệ có nhiệm vụ tối hậu và tất yếu là diệt tận vô minh để nhận
chân được lý nhân quả, luật thành trụ dị diệt và nhất là thấy rõ
được ba chân tướng của vạn hữu là vô thường, khổ não và vô ngã. - Vì trí huệ đã
đóng vai trí quan trọng như thế trong lý tưởng giải phóng con
người ra khỏi vọng chấp, nên chắc hẳn Đức Phật phải chỉ dạy cho
chúng sanh phương pháp rèn luyện trí huệ. Thật vậy, chính Ngài đã
chỉ cho chúng ta ba nguyên nhân phát sanh trí huệ: -
1- Nghe nhiều học rộng:
Một
trong mười điều đem lại lợi ích cho sự giải thoát mà Đức Phật đã
dạy là Bahussutà tức đa văn. Đa văn ở đây
ám chỉ nghe nhiều Chánh Pháp. - Theo kinh điển
để lại, trong suốt 45 năm hoằng dương Giáo Pháp của Đức Phật, có
rất nhiều người đắc quả thánh hay ngộ được chân lý khi nghe Ngài
thuyết Pháp. Không những thế, ngay cả hàng Thanh Văn, đệ tử Phật
trong khi thuyết Pháp cũng đã độ được rất nhiều người nhập vào
dòng Thánh. Như đạo sĩ Sàriputta chỉ nghe một câu kệ ngôn do Đại
Đức Assaji thuyết đã trực nhận được lý nhân quả và chứng ngộ đạo
quả Tu đà Hườn. Và chính sau khi Ngài Sàriputta được Đức Phật cho
xuất gia vào hàng Tăng Lữ, một hôm Ngài lãnh sứ mạng đi giáo huấn
nhóm Tỳ Khưu chia rẽ Tăng theo Đề Bà Đạt Đa. Khi Ngài giảng đạo lý
xong tất cả các vị tỳ khưu ấy đều đắc quả A La Hán. - Tuy Sutà nguyên
nghĩa là nghe và được đặc biệt dùng trong nghĩa nghe Chánh Pháp
nhưng ta có thể suy ra rằng tất cả những kinh nghiệm học hỏi được
bằng cách biết sử dụng giác quan nghĩa là biết nhận xét tinh tế
khi mắt ta nhìn thấy sắc, tai ta nghe âm thanh, lưỡi ta nếm vị;
nói một cách khác khi căn tiếp xúc với trần đều có thể giúp ta
nhận thức được thực tướng của hiện tượng giới. - Ngày nọ, có một
vị Tỳ khưu ni tên là Pàtàcàrà đến rà chân nơi một dòng sông. Đang
khi bước lên bờ, thấy những giọt nước từ bàn chân mình nhỏ xuống
theo dòng nước trôi đi và tan biến mất, cứ như thế vị ấy chú ghi
nhận sự biến đổi không ngừng của hiện tượng và bỗng trực nhận được
lý vô thường. - Trong kinh điển
cũng có ghi chép nhiều trường hợp khác tương tự. Một hành giả có
thể nghe một tiếng chim hót, thấy một chiếc lá rơi, một ngọn đèn
phựt tắt, hay nhìn những bong bóng nước vỡ tan trên mặt hồ mà liễu
ngộ được chân lý. - Tất cả những
hiện tượng nội tâm hay ngoại giới,như dòng nước trôi chảy, một
trạng thái tâm linh sinh lên rồi hủy diệt đều là những bài học quí
giá cho những ai biết chăm chú nhìn, biết lắng tai nghe. - Trí huệ phát
sinh do nghe, thấy, học hỏi, nhận xét như thế gọi là
Sutà mayà pannà tức Văn huệ. - Có người cho
rằng nếu chỉ nghe nhiều mà không suy luận để phân biệt chân giả và
không thực hành theo chân lý thì cũng bằng không. Tỷ như Đại Đức
Ananda, thị giả của Đức Phật, là người nghe nhiều học rộng mà
không đắc đạo quả gì. Vấn nạn đó rất đúng, tuy nhiên chúng ta phải
nhìn nhận rằng có đa văn quảng kiến mới có thể mở rộng tầm hiểu
biết của mình. Sở dĩ Đại Đức Ananda không đắc đạo quả khi Phật còn
tại thế, là vì chưa hành đúng theo những gì Ngài đã học hỏi được.
Nhưng chính nhờ kiến thức uyên bác đó về sau Ngài đã chứng ngộ con
đường giải thoát và hầu hết các kinh tạng để lại ngày nay do chính
Đại Đức Ananda tụng thuật. Như thế Ngài đã đem đa văn của mình
đóng góp không ít vào việc duy trì và phát huy nền văn học Phật
giáo cho những thế hệ hậu lai chúng ta. -
2- Suy tư:
Vì văn huệ chưa được
hoàn hảo, nên Đức Phật dạy phương pháp rèn luyện trí huệ thứ hai
sắc bén hơn, hiệu quả hơn là Tư Duy hay Quán Xét về những điều
mình đã thâu thập được bằng văn huệ. - Những gì ta
nghe, thấy, học hỏi được chỉ là kiến thức vay mượn. Muốn tiêu hóa
chúng để trở thành kiến thức của chính mình thì phải tinh luyện
qua nhiều giai đoạn suy tư và phán đoán, nghĩa là phải phân tích,
tổng hợp, loại suy hay tỷ giảo để tìm ra chân giả. - Trong bộ kinh
Anguttara Nìkàya (Tăng Chi) Đức Phật có dạy: - “Không nên
mặc nhiên chấp nhận một điều nào chỉ vì tập tục cổ truyền trao đến
tay ta, hay chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh điển nào,
cũng không chấp nhận chỉ vì người thốt ra câu ấy trông có vẽ hiền
nhân khả kính, khả ái. Này người xứ Kalama, khi nào các người tự
mình suy xét đắn đo để biết rằng những điều này hợp với Đạo Đức…
những điều này đem lại an vui hạnh phúc; chừng ấy các người hãy
chấp nhận và hành đúng theo như vậy”. - Nhưng có phải
mọi tư duy đều đem lại trí huệ hay không? Đức Phật dạy: có hai
loại tư duy, Chánh Tư Duy (Sammàsankappa) giúp tâm thanh tịnh,
sáng suốt thì trái lại Tà Tư Duy (Micchàsankappa) làm cho tâm ô
nhiễm, lu mờ. - Vậy muốn phát
triển trí huệ trước hết ta phải tránh những tà tư duy như suy nghĩ
về dục lạc, suy nghĩ về thù oán, suy nghĩ về những phương kế ám
hại người khác và thường xuyên chiêm nghiệm ba chân tướng vô
thường, khổ não, vô ngã của hữu vi pháp. - Đại Đức
Cùlapanthaka là một người ít học, Ngài cố gắng học một câu kệ ngôn
chỉ có bốn hàng trong bốn tháng vẫn chưa thuộc. Vị sư huynh của
Ngài thấy vậy khuyên Ngài nên hoàn tục nhưng Ngài quá quyến luyến
đời sống đạo hạnh không nỡ từ bỏ. Đức Phật thấy đạo tâm của Ngài
quá dõng mãnh nên đến đưa cho Ngài một chiếc khăn tay màu trắng,
dạy mỗi buổi sáng cầm khăn đưa ra trước mặt trời. Ngài làm y như
lời dạy của Đức Phật, chẳng bao lâu chiếc khăn bị bụi và mồ hôi
bám vào trở nên dơ bẩn và ố màu. Thấy sự kiện đó, Ngài suy gẫm về
tánh cách vô thường của đời sống, trực nhận được chân lý và đắc
quả A La Hán. - Trí huệ phát
sanh do suy xét chân tướng của vạn hữu gọi là Tư Huệ
(Cintà mayà pannà). -
3- Tham Thiền:
Cuối cùng, một
phương pháp rèn luyện trí huệ được Đức Phật khen ngợi và khích lệ
hàng đệ tử ứng dụng triệt để là Tu huệ (Bhàvanà mayà
pannà). - Phạn ngữ
Bhàvanà có nghĩa là dập tắt vô minh và ái dục bằng phương pháp tu
thiền định. Ta có thể dịch từ ngữ Bhàvanà mayà pannà một cách
chính xác là: Định năng sinh Huệ. - Giống như một
ly nước đục được giữ yên, khi bao nhiêu cặn bã đã lắng đọng thì
nước sẽ trở nên trong suốt. Cũng vậy nếu được giữ an trú trong
thiền định thì tâm sẽ trở nên trong sạch, sáng suốt và nhờ đó trí
huệ phát sinh. Tu huệ vì thế được xem là phương tiện vững chắc
nhất giúp hành giả đạt đến cứu cánh giải thoát. - Một người
thường được nghe tiếng một thứ trà ngon và đã từng học lý thuyết
về cách pha trà ấy như thế nào, nhưng nếu tự mình chưa pha lấy và
uống qua một làn thì cũng không thưởng thức được hương vị của món
trà quí này. - Trong kinh
Dhammapada (Pháp Cú) Đức Phật dạy: - “Dầu thông
suốt kinh luật mà không hành trì, cũng chỉ như kẻ mục đồng đếm bò
cho kẻ khác. Người ấy không hưởng được hương vị giải thoát. Trái
lại dù thuộc ít kinh luật nhưng cố gắng hành trì, từ bỏ Tham, Sân,
Si hiểu biết chân chính, tâm tự tại, không vọng chấp. Người ấy ắt
hưởng được hương vị giải thoát…”. (Dhammapda 19, 20) - Thuở nọ có hai
vị Tỳ khưu cùng xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Phật. Một vị học
nhiều hiểu rộng, thông suốt Giáo Pháp nhưng chưa đắc đạo. Còn vị
kia tuy học ít nhưng chuyên cần tu niệm, không bao lâu đắc quả A
La Hán. Một hôm trong buổi thảo luận đạo trước mặt Đức Phật, vị
phàm Tăng nêu lên nhiều vấn nạn khúc mắc để khoe khoang tài bác
học của mình. Đức Phật thấy vậy liền đặt ra nhiều câu hỏi khác về
sự thực chứng đạo giải thoát. Hỏi đến đâu vị A La Hán trả lời đến
đó do kinh nghiệm bản thân của mình; trái lại vị phàm Tăng không
thể trả lời được, vì tự mình chưa giác ngộ. Câu chuyện trên chứng
tỏ rằng Tu huệ quan trọng và siêu việt hơn Tư huệ và Văn huệ. - Nói tóm lại, vì
tầm quan trọng của trí huệ trong vai trí đưa ta giải thoát ra khỏi
vòng sanh tử luân hồi và thể nhập chân lý; nên người Phật tử phải
luôn luôn cố gắng rèn luyện trí huệ của mình bằng cả ba phương
pháp Văn, Tư, và Tu.