Chu Nguyên Chương thết đãi công thần, Lưu Bá Ôn vừa nhìn thấy đồ ăn mặt liền biến sắc vì nhận ra ý định đáng sợ của vua

Chu Nguyên Chương thết đãi công thần, Lưu Bá Ôn vừa nhìn thấy đồ ăn mặt liền biến sắc vì nhận ra ý định đáng sợ của vua

Người ta vẫn thường nói rằng: “Vô tình bậc nhất là nhà đế vương”. Từ cổ chí kim, lòng dạ quân vương vẫn là thứ khó thăm dò nhất trên đời, có thể ngay giây trước ông ta vẫn còn nói cười hỉ hả, ngay giây sau có thể đã khiến người ta chết không kịp ngáp.

Chẳng thế mà người đời xưa nay vẫn có câu: “Làm bạn với vua như làm bạn với hổ”. Chu Nguyên Chương – hoàng đế sáng lập ra Minh triều là một ông vua điển hình, có thể lấy ngay làm ví dụ để chứng minh cho câu nói trên.

CĂM GHÉT SỰ THAM LAM HỦ BẠI TRONG XÃ HỘI, GÂY DỰNG MINH TRIỀU TỪ HAI BÀN TAY TRẮNG

Chu Nguyên Chương sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã phải làm ruộng, chăn trâu, thậm chí có lúc còn làm hòa thượng, ăn mày.

Cho dù có lăn lộn vất vả mưu sinh là thế nhưng ông vẫn không thoát ra khỏi được bóng đen của sự nghèo đói. Ngay cả khi cha mẹ mất, ông cũng không đủ tiền mua quan tài, chỉ đành dùng quần áo quấn lại, chôn cất một cách sơ sài.

Cuộc sống bươn trải khó khăn khiến Chu Nguyên Chương hận thấu xương những tên tham quan ô lại cũng như triều đại thối nát bấy giờ. Và thế là ông đầu quân, tham gia vào hàng ngũ khởi nghĩa, cuối cùng lập nên được thiên hạ của riêng mình, được biết đến với cái tên vương triều Đại Minh.

 Chu Nguyên Chương thết đãi công thần, Lưu Bá Ôn vừa nhìn thấy đồ ăn mặt liền biến sắc vì nhận ra ý định đáng sợ của vua  - Ảnh 1.

Hình ảnh Chu Nguyên Chương thời trẻ trên phim.

Chu Nguyên Chương những ngày đầu trên ngai vàng vui mừng khôn siết, hào phóng hậu đãi cho các huynh đệ từng vào sống ra chết cùng mình, sắc phong chức tước công hầu, rồi ban nhà cửa ruộng vườn, thậm chí cả “kim bài miễn tử”. Trên dưới, khắp nơi trên đất nước đều tràn ngập không khí rộn ràng, vui vẻ.

Thế nhưng ở đời, sướng quen rồi khổ không chịu được, chứ đang khổ sở mà được hưởng sung sướng, ăn trắng mặc trơn thì lại thích nghi nhanh hơn bất kể thứ gì. Bởi thế mà những người đang sống những ngày tháng vất vả, tự nhiên có địa vị cao sang, tận hưởng vinh hoa phú quý, sơn hào hải vị, chìm đắm trong cuộc sống nhung lụa đầy mê hoặc đó, khó lòng tự thoát ra nổi. Thậm chí có những kẻ còn cưỡng đoạt dân nữ, chiếm đất đai làm của riêng, ăn chơi hưởng lạc.

Sau khi biết chuyện, Chu Nguyên Chương nổi trận lôi đình, bởi ông ta vốn căm ghét những kẻ tham quan ô lại, nhưng suy cho cùng đây vẫn là những huynh đệ cùng vào sinh ra tử với ông. Vậy nên Minh Thái Tổ quyết định nén cơn giận, dùng một bữa cơm để ra “ám hiệu” cho bề tôi thuộc hạ của mình.

Theo đó, ông hạ chỉ mở tiệc thết đãi văn võ bá quan. Mọi người nhận được thánh chỉ, đều nô nức vui vẻ đến dự tiệc, dự định sẽ cùng nhau ăn miếng thịt to, uống bát rượu tràn, cười đùa náo nhiệt ôn lại chuyện xưa. Nhưng kết quả là vừa vào cung, thấy đồ ăn trên bàn, chẳng ai còn lòng dạ nào dự tiệc.

 Chu Nguyên Chương thết đãi công thần, Lưu Bá Ôn vừa nhìn thấy đồ ăn mặt liền biến sắc vì nhận ra ý định đáng sợ của vua  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trên bàn tiệc lúc đó chỉ có bát củ cải xào, vừa nhìn đã không muốn đụng đũa, tất cả đều băn khoăn rốt cục hoàng thượng có ý gì? Mọi người đều quyết định im lặng quan sát động tĩnh.

Món thứ hai dâng lên lại càng khiến bọn họ thêm phần thất vọng, không gì khác ngoài một bát rau hẹ xào.

Món thứ ba, thứ tư cũng đều là món rau xào nhạt nhẽo, như thể đang trêu tức thực khách. Món cuối cùng là một bát canh to đùng nhưng chỉ có đậu phụ và hành hoa.

Đến đây chắc hẳn bạn đọc, ai cũng đã định thần được vấn đề đang diễn ra, đây chẳng phải là bữa ăn “4 món, 1 canh” trong truyền thuyết hay sao?

Thực ra năm đó, sở dĩ Chu Nguyên Chương sắp xếp bữa ăn “4 món, 1 canh” nhạt nhẽo, vô vị này chính là để nhắc nhở văn võ bá quan, tránh xa lối sống xa hoa.

Trước khi tiệc rượu kết thúc, Chu Nguyên Chương tuyên bố trước đông đảo mọi người: “Từ nay về sau, gia đình các khanh thết khách, nhiều nhất chỉ được 4 món 1 canh. Nếu như vi phạm, nghiêm trị không tha.”

Từ đó, hình ảnh bữa ăn “4 món 1 canh” trở thành hình mẫu liêm chính, mãi cho tới tận ngày nay tại Trung Quốc.

“Thương thay”những vị đại thần, trước kia sống đời khổ cực, rau cháo qua ngày, đến nay, chẳng dễ dàng gì mới có được những ngày tháng tươi đẹp, cá thịt chưa ăn được bao lâu đã lại phải ăn rau.

 Chu Nguyên Chương thết đãi công thần, Lưu Bá Ôn vừa nhìn thấy đồ ăn mặt liền biến sắc vì nhận ra ý định đáng sợ của vua  - Ảnh 3.

Tranh minh họa.

Thế nên có không ít quan viên không nhịn nổi, lén lút thêm món, làm trái lời vua. Và tất nhiên điều này đâu thể giấu nổi Minh Thái Tổ. Sau khi nhận được tin, Chu Nguyên Chương vô cùng tức giận, quyết định “mở tiệc chiêu đãi” lần nữa.

LẦN RĂN ĐE CỨNG RẮN CỦA CHU NGUYÊN CHƯƠNG

Và đây là cơ hội cuối cùng Chu Nguyên Chương ban cho những kẻ đó.

Giống như mọi ngày, quần thần tề tựu sớm ở lầu Khánh Công. Chu Nguyên Chương theo lệ cho người dâng “4 món, 1 canh”, mọi người nhìn thấy, không giấu nổi thất vọng.

Chu Nguyên Chương đoán được ý, bèn nói: “Các khanh đừng nóng vội, “món ngon” vẫn còn chưa lên!”

Tiếp đó, thái giám vẫn không ngừng dâng món, lần này toàn bộ đều là các món mặn, nào là thịt thỏ kho tàu, thịt chó hầm, cuối cùng còn mang lên món yến xào tráng miệng. Thật là hương, sắc, vị đều hội tụ cả.

Quần thần nhìn thấy các món mặn, liền lấy lại được vị giác, say sưa ăn uống ngon lành.

Nhưng ngay lúc đó có một người mặt đột nhiên biến sắc. Đó là Lưu Bá Ôn. Lưu Bá Ôn chau mày, rất lâu không đụng đũa, Từ Đạt ngồi kế bên ăn uống hết sức vui vẻ nhìn thấy bèn hỏi: “Sau ông còn không dùng món?”

Lưu Bá Ôn ghé sát tai Từ Đạt, khe khẽ đáp: “Ông nhìn kĩ 3 món này, thịt thỏ kho, thịt chó hầm, tổ yến, vừa hay ứng với câu: Thỏ chết, chó săn mang hầm, chim chết, cung tên mang cất. Hoàng thượng đang muốn lấy mạng chúng ta đấy!”

 Chu Nguyên Chương thết đãi công thần, Lưu Bá Ôn vừa nhìn thấy đồ ăn mặt liền biến sắc vì nhận ra ý định đáng sợ của vua  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Từ Đạt thất kinh, tâm tư hoảng loạn, vội vã bỏ đũa xuống, rượu cũng không dám uống.

Sau 3 hiệp rượu, quần thần lảo đảo, đi không vững. Lúc bấy giờ, Chu Nguyên Chương mới chầm chậm đứng dậy, bỏ đi. Lưu Bá Ôn thấy vậy, lập tức kéo Từ Đạt đi.

Phát hiện có người phía sau, là Từ Đạt và Lưu Bá Ôn, Chu Nguyên Chương bèn hỏi tại sao rời khỏi bữa tiệc, Từ Đạt vội vàng đáp lời: “Chúng thần đặc biệt đi theo hộ giá!” Tuy nhiên Chu Nguyên Chương lại bảo họ nhanh chóng ra về, ông chỉ muốn ra ngoài hít thở một chút.

Ngay khi Từ Đạt và Lưu Bá Ôn suy nghĩ bước tiếp theo thì một tiếng động rất lớn phát ra từ lầu Khánh Công, kèm theo tiếng gạch ngói rơi loảng xoảng, lửa cháy sáng ngút trời và tất nhiên những người bên trong đó đều chết trong biển lửa.

Sau khi vụ việc này kết thúc, Lưu Bá Ôn tức tốc từ quan về quê, Từ Đạt vì chuyện kia mà trở bệnh nặng, cuối cùng chết không nhắm mắt.

Tất nhiên đây chỉ là câu truyện được dân gian truyền lại qua các tác phẩm Bình thư (nghệ thuật kể chuyện truyền thống của người Hán) như “Đại Minh Anh Liệt”, “Minh Anh Liệt truyện”, còn theo các ghi chép chính thống trong lịch sử, trong số các khai quốc công thần, không ai bị thiêu chết.

Thế nhưng suy cho cùng có lẽ đúng như nhà ngoại giao, triết học người Trung Quốc, Hồ Thích từng nói: “Lịch sử chính là một cô gái mặc cho người khác điểm phấn tô son.”

Trong xã hội phong kiến nơi mà đẳng cấp được phân biệt một cách vô cùng nghiêm mật, lưới trời lồng lộng nhưng luật pháp lại nằm cả trong tay vua, chỉ bất cẩn một chút là có thể bị lôi ra xử lý, vì thế muốn khắc họa lịch sử một cách chân thực đầy đủ, gần như là không thể. Những thị phi bên trong vì thế cũng thật khó để hiểu rõ được nội tình.”


Khánh An

Theo

Rate this post