Chiếc mũ nan của anh hùng Trần Can

Tháng 1-1951, chàng thanh niên Trần Can tròn 20 tuổi, rời quê hương Sơn Thành (Yên Thành, Nghệ An) nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1). Vào đơn vị, Trần Can được biên chế chiếc mũ nan, dùng để che nắng, che mưa trong quá trình học tập, công tác, chiến đấu. Tại trận đánh cứ điểm 507 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ ngày 1 đến 7-5-1954, Trần Can đã đội chiếc mũ này, cùng anh em trong tiểu đội dũng cảm chiến đấu, vượt qua nhiều lô cốt, dây thép bùng nhùng của địch để tiến công, thọc sâu vào cứ điểm của giặc Pháp. Trong trận đánh, anh cùng tiểu đội đã đánh bại 4 cuộc tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị của địch.

leftcenterrightdel

Chiếc mũ nan của anh hùng liệt sĩ Trần Can 

Rạng sáng 7-5-1954, chiếc mũ nan đã theo chiến sĩ Trần Can cùng đồng đội, hợp thành các cánh quân đánh tan nhiều cuộc phản kích của địch. Anh thường xuyên động viên tinh thần anh em chiến sĩ trong tiểu đội quyết tâm giữ vững trận địa, không ngừng phát triển chiến đấu, tạo thế và lực cho đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh. Khi chiến thắng đã cận kề, một đợt hỏa lực mạnh của địch bất ngờ ập xuống, khiến Trần Can trúng đạn, anh dũng hy sinh, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng đồng đội.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiếc mũ nan của anh hùng liệt sĩ Trần Can được đồng đội lưu giữ như một kỷ vật chiến trường. Chiếc mũ mộc mạc, giản dị, nhưng là minh chứng sống động về một thời oanh liệt của cả dân tộc; dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm những người đã từng sống, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bài và ảnh: MAI PHƯƠNG – NGỌC LÂM

Rate this post