Chi Nguyễn chia sẻ về Tết trên đất Mỹ và cách sống tối giản khi có con nhỏ
Trong những ngày cận kề Tết Tân Sửu này, mời bạn nhâm nhi trà mứt và nghe chia sẻ từ Chi Nguyễn – tác giả Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản. Biết đâu, câu chuyện của nữ Tiến sĩ giáo dục tại Mỹ – người Việt đầu tiên viết sách về chủ đề tối giản tại Việt Nam cùng những trải nghiệm sống tối giản khi có con nhỏ của Chi lại có thể khởi lên ở bạn cảm hứng tìm hiểu và bắt đầu phong cách sống văn minh, tích cực khi một năm 2021 đang mở ra ở phía trước.
Chi Nguyễn (Nguyễn Phương Chi) – tác giả Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản, Tiến sĩ giáo dục hiện đang sống tại Mỹ với công việc phân tích dữ liệu (Data Analyst) và sáng tạo nội dung (Content Creator).
Chủ nghĩa tối giản 5 năm nhìn lại
Năm năm trước, Chi Nguyễn bắt đầu con đường tối giản hóa cuộc sống sau một lần chuyển nhà tại Mỹ. Thời điểm đó, Chi gần như bị “ngộp thở” vì nhận ra mình có quá nhiều đồ đạc thừa thãi. Những món đồ không tên làm cuộc sống trở nên nặng nề và mất kiểm soát.
Bắt đầu từ việc bỏ bớt đồ đạc, Chi dần thanh lọc các mặt khác của cuộc sống như bỏ dần những thói quen xấu, suy nghĩ tiêu cực, các mối quan hệ không tốt… để tập trung vào tối ưu hoá cuộc sống, tăng hiệu suất làm việc và nuôi dưỡng những mối quan hệ lâu dài. Hành trình này được Chi Nguyễn chia sẻ trên blog The Present Writer và khi nhận được những phản hồi tích cực thì nữ blogger quyết định bắt tay vào viết cuốn sách đầu tay mang tên Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản. Kể từ khi được xuất bản năm 2018, sách của Chi Nguyễn trở thành một trong những cuốn sách “must have” của rất nhiều bạn đọc Việt Nam khi tìm hiểu về lối sống tối giản.
Chi Nguyễn tâm sự: “Sau 5 năm, tôi nhìn nhận rõ hơn về hành trình tối giản của mình, hiểu tại sao cách tiếp cận với Chủ nghĩa tối giản của mình lại khác với những người khác. Giờ đây, tôi tự tin gọi tên phong cách sống của mình là “holistic minimalism” (tạm dịch: Chủ nghĩa tối giản một cách toàn diện)”.
Đối với Chi, tối giản không dừng lại ở việc bỏ đi đồ đạc dư thừa mà còn là “cuộc cách mạng” toàn diện để thay đổi cuộc sống. Mỗi người đều có thể tận dụng tư duy của chủ nghĩa tối giản để tinh giản và đơn giản cuộc sống của bản thân. Tối giản là một phong cách sống hiện đại, văn minh và tích cực, không chỉ đem lại ảnh hưởng tốt cho cá nhân mà còn tác động tích cực đến cả cộng đồng.
Cũng sau chặng đường 5 năm, từ một blog cá nhân, The Present Writer đã phát triển thêm kênh YouTube, Podcast, Instagram và Facebook. Sự phát triển đa kênh này mang đến ngạc nhiên cho khán giả bởi Chi Nguyễn hiện đã hoàn thành luận án nghiên cứu, chính thức trở thành Tiến sĩ Giáo dục với công việc toàn thời gian là Data Analyst (phân tích dữ liệu) tại Mỹ, Chi có gia đình riêng và con nhỏ. Hơn lúc nào hết, Chi Nguyễn đã làm “tối đa” thời gian và khả năng của bản thân.
Blogger Chi Nguyễn và cuốn sách đầu tiên.
T
ừ một blog cá nhân, The Present Writer phát triển thành một cộng đồng nhiều nghìn thành viên cùng
chia sẻ, học hỏi lẫn nhau để xây dựng một cuộc sống tích cực, hiệu năng, và giàu ý nghĩa.
Lý giải về sự phát triển này, Chi Nguyễn cho biết từ trải nghiệm của bản thân mà chị hiểu rằng có những độc giả thích nghe và nhìn hơn chỉ đọc giọng văn trên web. Vì vậy các bài trên blog được Chi đọc lại để tạo thành các podcast (cộng thêm các nội dung mới), đồng thời làm video minh hoạ trên YouTube.
Với hai trang mạng xã hội, Chi cũng mang đến nhiều giá trị hơn cho người theo dõi bằng việc làm hình ảnh và graphic cho từng nội dung thay vì chỉ thông báo bài đăng mới trên blog như trước đây. Có thể thấy nỗ lực nhằm đổi mới và đa dạng hóa hình thức tiếp cận thông tin cho bạn đọc chính là cách mà Chi Nguyễn lan tỏa thông điệp tối giản tới nhiều người hơn nữa.
Tuy vậy, sự phát triển cũng đặt ra câu hỏi, rằng liệu The Present Writer có đi ngược lại tinh thần của tối giản hay không? Đây cũng chính là điều mà Chi Nguyễn luôn tự hỏi, rằng làm sao để phát triển blog một cách tốt nhất dựa trên tinh thần của lối sống tối giản.
Khi nhìn sâu hơn vào nội dung trên các kênh của The Present Writer, độc giả sẽ tìm thấy câu trả lời mạch lạc hơn bởi tất cả nội dung là một thể thống nhất, mang cùng một thông điệp và chỉ có khác biệt duy nhất nằm ở phương tiện truyền thông và mức độ đầu tư chỉn chu hơn.
“Tôi xác định thời gian đầu mọi thứ sẽ chưa có trật tự và tôi phải thử nghiệm thay đổi nhiều. Một khi đã thiết lập được hệ thống tối ưu, tôi tin mình có thể giảm bớt khối lượng công việc và thời gian mà vẫn duy trì chất lượng nội dung cho The Present Writer”, Chi Nguyễn tâm sự. Quá trình này hệt như hành trình của một người sống tối giản. Khi bắt đầu dọn dẹp tối giản hóa nhà cửa thì mọi thứ đồ đạc phải được đem bày trước mắt để đánh giá xem nên giữ, nên bỏ đi món nào rồi mới sắp xếp lại. Với Chi Nguyễn, đây là sự hỗn độn cần thiết trước khi trật tự mới được lập ra.
Sống tối giản khi có con nhỏ
Nhìn lại năm 2020 không thể không nhắc đến những tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với một gia đình sống tại Mỹ như gia đình Chi Nguyễn.
Trong bức tranh ảm đạm của bối cảnh chung, lối sống tối giản đã mang đến một lát cắt khác về cuộc sống bình thường trong đại dịch, như một điểm mạnh của lối sống tối giản được phát huy. Tiết kiệm chi tiêu và dùng tiền vào đúng mục đích hơn, nhờ sống tối giản từ lâu nên gia đình Chi có thể thích ứng khá nhanh, kinh tế gia đình đứng vững dù thu nhập giảm.
Ngoài ra còn phải kể đến thành quả của quá trình học hỏi về tài chính cá nhân của Chi trong những năm gần đây, chị tranh thủ cơ hội mua vào, đầu tư kiên trì khi thị trường cổ phiếu đi xuống nên có thêm nguồn thu nhập từ chứng khoán.
Nhìn lại hai năm nuôi con nuôi con độc lập và trải nghiệm sống tối giản khi có con nhỏ, Chi Nguyễn đúc kết: “Học cách chấp nhận để nhà cửa bừa bộn hơn trong ngày, và cả nhà cùng dọn dẹp vào cuối ngày trước khi đi ngủ. Tôi hiểu rằng con học hỏi, khám phá cuộc sống thông qua tương tác đồ đạc nên không chạy theo con để dọn dẹp cả ngày mà cố gắng thư giãn, tập trung sống cho hiện tại khi ở bên con”.
Điều mà cặp đôi tối giản đang làm là để con tham gia vào các hoạt động trong gia đình – trong đó có dọn dẹp, biến dọn dẹp thành trò chơi trải nghiệm vui vẻ. Bé con mới 2 tuổi nhưng đã biết cất đồ đúng nơi, nhặt rác bỏ vào thùng, giặt quần áo, sắp xếp bát đĩa và nấu ăn cùng ba mẹ. Cuộc sống gia đình Chi Nguyễn nhờ thế nhẹ nhàng, vui vẻ và nhà cửa vẫn gọn gàng, tối giản.
Gia đình sống tối giản của Chi Nguyễn.
Thử thách mà đại dịch mang đến cho tổ ấm của Chi Nguyễn ngoài kinh tế còn là sự thích nghi khi nề nếp gia đình bị phá vỡ. Nếu như trước dịch, cả nhà đã quen với nhịp độ ba mẹ đi làm, con đi nhà trẻ – cuộc sống bận rộn nhưng có lúc nghỉ ngơi thì khi dịch bùng phát cả nhà đều ở nhà – con nghỉ học, mẹ làm việc ở nhà, chồng nghỉ việc vì làm trong lĩnh vực nhà hàng dịch vụ – mảng bị ảnh hưởng lớn nhất vì Covid-19.
Mặc dù hạnh phúc khi có gần 1 năm vui vẻ ngày nào cũng ở cạnh nhau nhưng Chi Nguyễn mong hết dịch để con đi học trở lại. Chị tâm sự: “Con đã sang 2 tuổi và rất hiếu động; còn tôi vừa làm việc toàn thời gian, vừa sáng tạo nội dung, vừa trông con nhỏ nên cả hai vợ chồng đều bận rộn từ sáng đến tối”.
Gia đình Chi Nguyễn đã ăn Tết Tân Sửu sớm ngay khi được mẹ chồng gửi cho bánh chưng.
Đã đón 8 cái Tết ở nước ngoài nên với Chi Nguyễn, Tết dù không phải là kỳ nghỉ dài để sum họp nhưng vẫn có những hương vị rất riêng theo kiểu của người Việt ở Mỹ. Có chồng là người Mỹ gốc Việt, bố mẹ chồng là người Việt nên dịp Tết vợ chồng chị thường xin nghỉ phép để về nhà chồng đón Tết vài ngày. Gia đình chồng ở Florida – một bang miền Nam có khí hậu ấm áp, cạnh công viên Disney nên tiện vui chơi dịp năm mới. Những năm không về nhà bố mẹ chồng, cặp đôi tự tổ chức Tết với bạn bè hoặc đến khu phố của người Hoa chơi cho có không khí truyền thống.
Tết Tân Sửu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình Chi Nguyễn chưa có kế hoạch chắc chắn. “Thực ra thì chúng tôi đã ăn Tết sớm rồi, khi mẹ chồng gói bánh chưng gửi cho”, Chi Nguyễn chia sẻ. “Chồng tôi muốn đưa con lên núi trượt tuyết, nhưng nếu không đi được thì chúng tôi sẽ đón Tết ở nhà. Có lẽ tôi sẽ rủ con tham gia gói bánh chưng lần đầu tiên trong đời?”
Ảnh: NVCC