Chechnya – lịch sử và chiến tranh

Chechnya từng có thời là mảnh đất giàu có nhờ dầu lửa, nhưng giờ đây nền kinh tế và cơ sở hạ tầng đã suy sụp hoàn toàn sau nhiều năm chiến tranh giữa lực lượng ly khai và quân đội Nga, cộng với bạo lực do nạn cướp bóc có vũ trang và tội phạm có tổ chức. Sau cuộc bầu cử tổng thống 5/10/2003, tương lai của Chechnya vẫn là một câu hỏi lớn.

v

Cộng hòa Chechnya thuộc Nga gần như nằm lọt trong lãnh thổ Nga, trừ một phía giáp với nước Gruzia láng giềng – đường biên giới heo hút nằm trong miền núi Kavkaz. 

vv5-1348564627_480x0.jpg

Gần 2 thế kỷ qua, Chechnya là mảnh đất “khó trị” ở miền nam đồi núi nước Nga. Sa hoàng trấn áp được cuộc nổi dậy của Imam Shamil năm 1858, chiếm toàn vùng Kavkaz sau một chiến dịch dài và gây nhiều thương vong, từng là đề tài của các đại văn hào thế kỷ 19 như Lermontov và Tolstoy.  

Sau cách mạng tháng 10, tình hình lại rơi vào hỗn loạn. Những người Bolshevik chiếm lại khu vực này năm 1918, nhưng bị các lực lượng “phản cách mạng” do tướng A.I. Deniki chỉ huy đẩy lui năm 1919. Đến năm 1921, Chechnya trở về lãnh thổ Nga và được đặt tên là Khu tự trị Chechnya năm 1922. Năm 1934, vùng đất sáp nhập với khu tự trị Ingush. Năm 1936, khu vực này trở thành thành nước Cộng hòa tự trị Chechnya – Ingush thuộc Liên bang Nga.

Sau sự kiện có một số người Chechnya và Ingush bắt tay với quân chiếm đóng Đức thời kỳ Thế chiến 2, nhiều người dân ở đây bị lưu đày tới Siberia và Trung Á năm 1944. Tới năm 1956, họ mới được trở về quê hương khi ông Nikita Krushchev lên giữ chức tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1957, nước cộng hoà được tái thành lập.

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Ban chấp hành Đại hội toàn quốc người Chechnya lúc bấy giờ tập trung toàn bộ quyền lực về tay mình, tự tổ chức bầu cử tổng thống và Nghị viện của nước Cộng hòa Chechnya mới, với vẻn vẹn 10-20% cử tri đi bầu. Dzokhar Dudayev, cựu sư đoàn trưởng một sư đoàn không quân Liên Xô, được bầu làm tổng thống. Ngày 1/11/1991, Dudayev tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Chechnya độc lập. Tổng thống Yeltsin gửi mấy trăm lính thuộc Bộ Quốc phòng đến đây, nhưng họ bị các chiến binh chặn ở sân bay, và buộc phải trở về trên xe buýt.

Trong 3 năm tiếp theo, các nhóm vũ trang thắt chặt dần vòng kiểm soát đối với Chechnya và Dudayev ngày càng tỏ ra thách thức Matxcơva. Năm 1994, theo một kế hoạch được chuẩn bị hết sức sơ sài, Nga gửi binh tới để dẹp quân nổi dậy. Tuy nhiên, trái với dự đoán của Matxcơva, lực lượng ly khai Chechna chống trả rất quyết liệt, gây nhiều tổn thất cho phía Nga. Theo thống kê, trong thời gian 1994 – 1996, 4.000 lính Nga đã thiệt mạng, gần 1 vạn người bị thương, 300 người mất tích. Quân lính giành lại được quyền kiểm soát ở nhiều khu vực năm 1995, nhưng lực lượng ly khai chiếm giữ vùng núi non miền nam. Chiến sự tiếp tục trong năm 1996, sau khi Dudayev bị ám sát và Zemlikhan Yandarbiyev lên thay. Matxcơva sau đó rút quân, theo một thỏa thuận hòa bình do thư ký Hội đồng an ninh Aleksandr Lebed làm trung gian. Thỏa thuận cho Chechnya quyền tự trị đáng kể nhưng vẫn nằm trong lãnh thổ Nga. Đầu năm 1997, tham mưu trưởng của Chechnya, tướng Aslan Maskhadov được bầu làm tổng thống.

Tuy nhiên, Maskhadov không có khả năng kiểm soát những thủ lĩnh tàn bạo dưới trướng mình, những kẻ giàu lên nhờ các hoạt động tội phạm có tổ chức và bắt cóc. Ông còn để nhân vật cực đoan Basayev nắm quyền thủ tướng, bất chấp sự phản đối của Nga. Thời kỳ này, Nga tỏ ra nhường nhịn Chechnya, trong khi chính quyền của ông Maskhadov thì đưa ra nhiều yêu sách, gây sức ép để Matxcơva công nhận đây là một nhà nước độc lập.  

Hồi tháng 8/1999, các chiến binh Chechnya tràn sang cộng hòa Dagestan của Nga để ủng hộ một tổ chức Hồi giáo, đòi thành lập nhà nước Hồi giáo độc lập ở các khu vực thuộc Dagestan và Chechnya. Tổ chức nói trên kêu gọi tất cả những người Hồi giáo cầm vũ khí tham gia thánh chiến chống Nga. Lúc này, Vladimir Putin đã lên làm thủ tướng. Matxcơva phản ứng cứng rắn và mau chóng. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, cuộc nổi dậy đã bị dập tắt.

Chechnya

Dân số: khoảng 1 triệu người
Thủ phủ: Grozny
Tôn giáo chính: Hồi giáo, Thiên chúa giáo
Tài nguyên: Dầu lửa

(Nguồn: BBC)

Cuối mùa hè năm đó, lại xảy ra một số vụ nổ ở Nga làm hàng trăm người thiệt mạng. Chính quyền Nga kết luận rằng thủ phạm chính là lực lượng Chechnya. Ông Putin gửi quân đội trở lại nước cộng hòa, chiếm thủ phủ Grozny, đẩy phiến quân vào các căn cứ trong vùng núi. Phiến quân đánh theo kiểu du kích, song song với những vụ tấn công khủng bố ở Matxcơva và các thành phố Nga bên ngoài Chechnya. 

Sau sự kiện 11/9, để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế, Nga kết luận Chechnya thuộc mạng lưới khủng bố toàn cầu. Hy vọng hòa bình càng lụi tàn, tiếp sau vụ bao vây nhà hát Mat xcơva tháng 10/2002. Điện Kremlin cho rằng Maskhadov chính là người ra lệnh và bác bỏ mọi khả năng đàm phán với ông này.

Hồi tháng 3/2003, Matxcơva tiến hành một trưng cầu dân ý gây tranh cãi, cho phép Chechnya thêm quyền tự trị nhưng vẫn thuộc Nga, bác bỏ mọi khả năng tham gia chính phủ của lực lượng ly khai. Cuộc bầu cử ngày 5/10 tới đây sẽ chọn ra tân tổng thống. Ứng cử viên Kadyrov (do Matxcơva lựa chọn) không được lòng dân. Những người có ưu thế hơn ông này thì hoặc đã tự rút lui, hoặc bị cấm tham gia tranh cử. Phiến quân tiếp tục các vụ tấn công nhằm gây bất ổn trong khu vực.

Minh Châu

 

Rate this post