Chàng trai Đà Nẵng hai lần Á quân cuộc thi thủy sinh quốc tế

Những cái tên gần cuối cùng của 100 tác phẩm được xướng lên mà vẫn không thấy tên mình, Minh Toàn nghĩ mình đã bị loại. Khi MC đọc đến giải Nhì, cảm xúc của anh bỗng vỡ òa.

Đó là 18h ngày 28/8, lần thứ hai anh Nguyễn Minh Toàn, 29 tuổi, ở Hải Châu, Đà Nẵng, trở thành Á quân Cuộc thi Thủy sinh thế giới (IAPLC).

Đây là cuộc thi thường niên quy tụ những người chơi thủy sinh xuất sắc nhất thế giới, do công ty Aqua Design Amano Nhật Bản tổ chức 20 năm qua. Các thí sinh gửi bài dự thi là một bức ảnh bể cá thuỷ sinh do mình làm. Ban Tổ chức gồm những nghệ nhân hàng đầu sẽ chấm điểm và xếp hạng.

Năm nay, cuộc thi ghi nhận số lượng bài thi lớn nhất lịch sử, với 2.617 bài của các thí sinh từ 84 quốc gia.

Nguyễn Minh Toàn (thứ hai từ trái sang) đạt giải nhì trong cuộc thi thủy sinh thế giới năm 2018. Hình ảnh lá cờ Việt Nam xuất hiện cùng với hai người đạt thứ hạng nhất và ba, đến từ Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Minh Toàn (thứ hai từ trái sang) đạt giải nhì trong Cuộc thi Thủy sinh thế giới năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì Covid-19, lễ trao giải 2021 được tổ chức online. Từng hình ảnh được công bố từ thứ hạng 100 về 1. Anh Toàn hồi hộp xen lẫn hạnh phúc vì các thí sinh Việt Nam đạt được nhiều thành tích tốt, với 5 tác phẩm ở top 100 Winning Prize, 5 tác phẩm đạt top 27 Honour Prize. Chàng kỹ sư 29 tuổi không có mặt trong các top này. Đến phần công bố top 7, anh hy vọng tên mình có thể được xướng lên. Nhưng không, tất cả các giải này thuộc về chủ nhân đến từ Malaysia, Philippines và Thái Lan.

“Một thoáng chốc trong đầu tôi nghĩ mình đã làm không tốt và bị loại. Nhất là sau khi nhìn hạng 3, tác phẩm Imagine của Malaysia được trình chiếu với những khối lũa được xếp 3D vô cùng kỳ vĩ, tôi tin chắc mình không đạt giải”, Toàn kể.

Chàng trai nhắm mắt không dám xem nữa. Bất chợt, anh nghe thấy “Storming” – tên tác phẩm của mình, vang lên từ giọng nữ MC người Nhật. Thế giới xung quanh anh như vỡ òa. “Thật không dám tin một lần nữa tôi đạt được hạng 2 (Gold Prize – giải Vàng). Vui nữa là tác phẩm của tôi được một trong 10 giám khảo quốc tế bình chọn là tác phẩm đẹp nhất năm nay”, Minh Toàn chia sẻ.

Tác phẩm Storming được giám khảo đánh giá cao ở ý tưởng tốt, cây cối phát triển khoẻ mạnh, bố cục đạt chiều sâu và độ thẩm mỹ rất cao. Giải Á quân mang về cúp, chứng nhận và phần thưởng 300.000 yên (hơn 60 triệu đồng) cho Toàn. Ảnh: Chụp màn hình

Tác phẩm “Storming” được giám khảo đánh giá cao ở “ý tưởng tốt, cây cối phát triển khoẻ mạnh, bố cục đạt chiều sâu và độ thẩm mỹ rất cao”. Giải Á quân mang về cúp, chứng nhận và phần thưởng 300.000 yen cho Toàn. Ảnh: Chụp màn hình.

Nguyễn Minh Toàn bắt đầu làm Storming (Bão tố) để dự thi từ tháng 12/2020, khi liên tưởng đến đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cách đó mấy tháng. Từ những nhánh lũa còn sót lại, anh đã thiết kế một bố cục với những thân cây cổ thụ bị bão quật ngã nằm dưới lòng sông suối.

Trải qua những đợt bùng dịch dữ dội của năm nay, nhiều thời điểm các thành phố lớn ở ba miền gần như “đóng băng”, khiến Toàn không thể xoay xở được vật liệu. Đôi lúc anh tưởng như phải bỏ lỡ cuộc thi. “May mắn sau đó tôi một người bạn tặng cho vài nhánh lũa. Thật bất ngờ nó hoàn toàn phù hợp với ý tưởng của tôi”, anh kể.

Những ngày giáp Tết tăng ca, đôi khi 9h tối mới về nhà, Toàn thường tranh thủ khoảng thời gian yên tĩnh nhất, 0-3h sáng để hoàn thiện bố cục. Sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối tháng 1, anh hoàn thành bố cục thô cho tác phẩm.

Một lần nữa Covid-19 khiến khu vực gia đình Toàn đang sống bị giãn cách. Với một ít cây thuỷ sinh ít nuôi được, anh đã cố gắng phân chia một cách hài hoà nhất để trồng vào bố cục thô. Sau 5 tháng chăm sóc, trải qua nhiều lần cắt tỉa tạo hình cây cối, cuối cùng cũng đến lúc có thể chụp một bức ảnh quyết định để nộp, trước hạn cuối ngày 31/5.

Video hai lần Nguyễn Minh Toàn được vinh danh ở IAPLC:

Kỹ sư nhiệt lạnh hai lần giành giải vàng cuộc thi thủy sinh quốc tế

 

 

Kỹ sư nhiệt lạnh hai lần giành giải vàng cuộc thi thủy sinh quốc tế

Video: Kênh aquadesignamano

Là một kỹ sư nhiệt lạnh hàng ngày làm công việc máy móc khô khan và áp lực, nên Toàn tìm đến cá cảnh để thư giãn. Năm 2015, anh tình cờ thấy hình ảnh một bể thuỷ sinh, liền bị những cành lũa, viên đá, những chiếc lá đầy màu sắc làm cho mê mẩn. Minh Toàn chính thức đi sâu tìm hiểu về nghệ thuật này, rồi biết đến cuộc thi IAPLC. “Chiêm ngưỡng các tác phẩm đạt quán quân, tôi thật không thể tin đó là bể cá, vì nó như những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và ngoạn mục, đôi khi là một hang động âm u, đầy ma mị, đôi khi lại là một khu rừng tươi xanh êm đềm”, anh nói.

Những bước đi đầu tiên của Toàn có sự giúp đỡ của anh Vũ Hoài Nam, một người chơi thủy sinh có tiếng ở TP HCM. Năm 2018, với sự chỉ dẫn của anh Trần Hoàng Long, người đạt giải Quán quân 2011, Toàn đã mạnh dạn tham dự cuộc thi lần đầu tiên với tác phẩm Towards The Sun (Hướng về phía mặt trời), tái hiện hình ảnh hang Sơn Đoòng lúc bình minh. Anh muốn đưa đến bạn bè quốc tế biết về hang động lớn nhất thế giới được tìm thấy ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Trong 1.977 thí sinh năm đó, Nguyễn Minh Toàn đạt Á quân.

Trong 20 năm của cuộc thi Thủy sinh thế giới, Việt Nam từng có 3 quán quân, gồm anh Nguyễn Tiến Dũng năm 2009, anh Trần Hoàng Long năm 2011 và anh Ngô Trường Thịnh năm 2013, bên cạnh đó là một số á quân và nhiều các giải khác. Năm nay, đội Việt Nam tham gia gần 100 tác phẩm, được nhiều thứ hạng cao (2, 11, 22, 25, 26, 27) và nhiều bài dự thi trong top 100 tác phẩm đẹp nhất thế giới.

Anh Toàn thấy may mắn vì hai năm đạt Á Quân, cũng là năm hai cô con gái nhỏ của anh chào đời. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Toàn cùng hai con gái chào đời năm 2018 và 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện tại, thuỷ sinh là một món ăn tinh thần không thể thiếu với Nguyễn Minh Toàn và gia đình. Thường ngày bố mẹ và vợ con tham gia chăm chút cho bể cá và tận hưởng thư giãn từ đó. Anh cho biết, hôm trao giải, cả nhà anh quây quần bên nhau để xem. Tất cả reo hò cho chiến thắng của Toàn cũng như các anh em trong cộng đồng.

Từ bộ môn thuỷ sinh, Toàn muốn lan toả đến mọi người hãy luôn bảo vệ thiên nhiên và trân quý những gì thiên nhiên ban tặng. “Hàng ngày nhìn những mầm cây xanh phát triển trong bể, tôi cảm thấy như những hy vọng vào tương lai đang sinh sôi và đại dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi”, ông bố hai con này chia sẻ.

ạnh khoảng 10 năm trở lại đây. Thú chơi này gần giống với thú chơi nuôi cá cảnh bởi những vật liệu cơ bản như: bể thủy tinh, nền trồng cây bao gồm đất có phân và sỏi, đèn “mặt trời” tạo ánh sáng tự nhiên giúp cây thực hiện quá trình quang hợp, bộ lọc nước, bình CO2 để duy trì sự sống của cây và cuối cùng mới là cây. Để phân biệt, một số người ví nuôi cá cảnh giống như “chăn nuôi” còn bể thủy sinh giống như “trồng trọt”.

Phan Dương

Rate this post