Câu chuyện về kỷ vật của anh Nguyễn Ngọc Mạnh – Người cứu bé gái rơi từ tầng 12A Chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng

Câu chuyện về kỷ vật của anh Nguyễn Ngọc Mạnh – Người cứu bé gái rơi từ tầng 12A Chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội. Người căn dặn phải “lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới1) . 

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, giáo dục và phát huy những tấm gương người tốt, việc tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Được sự đồng ý của Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phòng Sưu tầm đã tổ chức gặp mặt và sưu tầm các tài liệu, hiện vật của anh Nguyễn Ngọc Mạnh – người cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 13 ở Chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng anh Nguyễn Ngọc Mạnh, ngày 1/3/2021

 

Thư khen của Bí thư Thành ủy, Vương Đình Huệ, ngày 1/3/2021

 

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, sinh ngày 03-02-1990, cư trú ở xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện làm nghề lái xe tải. Anh sinh ra trong một gia đình có ông nội nguyên là Bí thư Chi đoàn xã Vĩnh Ngọc, bố đẻ là Trưởng thôn Vĩnh Thanh, là những người luôn tích cực tham gia các công tác của đoàn thể và thường xuyên quan tâm, hỗ trợ bà con, nhất là các gia đình chính sách và những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Mạnh đã được ông bà, bố mẹ giáo dục tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người. 

Nhớ về buổi sáng hôm đó, anh Mạnh xúc động kể lại: Sự việc xảy ra hôm đó là hoàn toàn bất ngờ, tôi nhận được đơn chở hàng từ Triều Khúc về Chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, khi đang ngồi trong ôtô dưới sảnh chờ của một toà nhà cạnh chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng để chuẩn bị chuyển đồ cho khách, thì nghe thấy tiếng kêu của trẻ nhỏ. Lúc đầu, tôi chỉ tưởng cháu bị bố mẹ mắng, nhưng khi nghe thấy tiếng hét ở xung quanh, tôi vội chui ra khỏi xe.  Khi tôi vừa ngước mắt nhìn lên phía trên tòa nhà đối diện thì thấy cháu bé đang trèo lên lan can ban công tầng 13 sắp bị rơi xuống. Trong đầu tôi lúc đó, nói thật, chẳng suy nghĩ nhiều, chỉ nghĩ làm cách nào đỡ được cháu bé? Bản thân tôi lúc ấy rất lo như là chính con gái của mình đang gặp nạn vậy… Tôi cố tìm đường gần nhất để tiếp cận hướng cháu bé rơi, rồi trèo lên bức tường rào cao hơn 2 m bao quanh chung cư, nhảy sang mái tôn của căn nhà để máy phát điện cạnh chung cư. Trong đầu tôi nghĩ phải làm sao đỡ được cháu cho chính xác để hạn chế thương vong cho cháu. Trong lúc đứng trên mái tôn đón cháu, do mái nhà bị nghiêng làm tôi bị trượt chân ngã, nên đỡ cháu không được như ý mình mong muốn. Khi cháu bé rơi gần xuống mái tôn, tay tôi đã chạm được một phần vào người cháu, nhưng do lực rơi quá mạnh, từ tầng cao nên không giữ được, để cháu rơi từ tay mình xuống mái tôn. Rất may nhờ có mái tôn nên cả hai chú cháu được an toàn.

Sự việc cứu cháu bé của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã nhận được sự khen ngợi, động viên, khích lệ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức, đoàn thể xã hội,…Trong đó có Bằng khen, Thư khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thư khen của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ… và nhiều lời động viên, ca ngợi khác.

Khi tìm hiểu về anh Nguyễn Ngọc Mạnh, đặc biệt khi được tiếp xúc trực tiếp với anh, chúng tôi nhận thấy anh là một người thật thà, chất phác và khiêm tốn. Việc cứu cháu bé của Mạnh đã nhận được sự tôn vinh của xã hội, mọi người gọi anh là “người hùng”, nhưng khi hỏi chuyện, anh chỉ khiêm tốn: Tôi không phải là người hùng, đã máu đỏ da vàng ai cũng sẽ như nhau. Bất cứ ai ở trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như vậy”. Với hành động dũng cảm của mình, anh Mạnh đã được nhiều tập thể, cá nhân đề nghị tặng tiền và những phần quà có giá trị, trong đó có lời đề nghị làm đại diện hình ảnh thương hiệu của một số doanh nghiệp…, Song anh Mạnh đã cảm ơn và lịch sự từ chối. Với việc cứu cháu bé, anh Mạnh luôn suy nghĩ đơn giản là mọi người khi gặp tình huống đó thì ai cũng sẽ làm như vậy và mong muốn dành những quà tặng vật chất đó chuyển vào quỹ từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Không chỉ dũng cảm cứu bé gái rơi từ tầng 13, anh Mạnh còn được biết đến với nhiều việc tốt khác. Cuối năm 2020, trong khi đi trả hàng, anh đã nhặt được một số tiền trị giá 1,7 triệu đồng của ai đó đánh rơi. Sau nhiều ngày tìm kiếm người bị mất không được, anh Mạnh đã chuyển số tiền này vào quỹ từ thiện. Trong một lần khác, khi lái xe chở hàng đi Ninh Bình tình cờ gặp một vụ tai nạn giao thông, anh đã dừng xe và tích cực sơ cứu bước đầu và cùng mọi người bảo quản tài sản cho người bị nạn khi chờ người nhà và cơ quan chức năng đến tiếp nhận. Ngoài giờ đi làm, anh Mạnh còn cắt tóc miễn phí cho nhiều người khó khăn.

 

Trang phục anh Nguyễn Ngọc Mạnh mặc khi cứu bé gái.

            

Bộ đồ nghề cắt tóc anh Nguyễn Ngọc Mạnh dùng cắt tóc hỗ trợ cho đồng nghiệp và những người khó khăn.

 

Nhận được sự đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh Mạnh đã đồng ý tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh một số kỷ vật liên quan đến các việc tốt anh đã làm gồm: Bộ quần áo, đôi giầy2)  anh đã mặc và mang khi cứu cháu bé và Bộ đồ nghề cắt tóc Mạnh đã từng dùng làm công tác từ thiện. 

Về bộ quần áo và đôi giầy, anh chia sẻ: “Đây là bộ quần áo mà tôi mặc đi làm hàng ngày và cũng là bộ quần áo đã cùng tôi cứu cháu bé ở Chung cư 60B, phố Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày 28/2/2021. Đôi giày này, vợ tôi đã mua tặng tôi trong một dịp kỷ niệm sinh nhật của mình.” 

Nói về bộ đồ nghề cắt tóc3),  anh kể lại: “Bộ đồ nghề cắt tóc này cũng do người vợ thân yêu của tôi mua cho khi tôi bắt đầu học nghề cắt tóc. Vì tôi là người thuận tay trái, nên vợ tôi đã rất khó khăn mới tìm mua được chiếc kéo này. Bởi vậy, đối với tôi, kỷ vật này như người bạn, người thân vậy. Lúc đầu, tôi dự định mở cửa hàng cắt tóc để mưu sinh, nhưng vì việc cắt tóc từ thiện chiếm nhiều thời gian. Bên cạnh đó, do các cháu còn nhỏ nên tôi đã chuyển sang công việc khác. Bởi vì không muốn lãng phí, đặc biệt là không phụ tình cảm, công sức mà vợ và bố mẹ dành cho mình…, nên tôi đã dùng để cắt tóc hỗ trợ cho anh em đồng nghiệp để giảm những chi phí sinh hoạt hàng ngày, vì tôi biết anh em lái xe có cuộc sống rất vất vả, sáng đi làm sớm, tối mịt mới được về nhà, phần lớn thời gian phải ngồi trên xe, rất ít thời gian rảnh rỗi… Hơn nữa, tôi cũng muốn rèn luyện, nâng cao tay nghề để sau này có thể cắt tóc giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi. Tuy nhiên, hôm nay, tôi xin tặng lại những kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh làm tài liệu, hiện vật.”

 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trao tặng anh Nguyễn Ngọc Mạnh bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 12/3/2021.

 

Nhóm công tác phòng Sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Mạnh, ngày 12/3/2021.

 

Được hỏi về việc anh mong muốn gì về thế hệ trẻ Việt Nam, anh nói: “Hãy cùng nhau chung sức xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh. Mỗi người làm một việc tốt sẽ góp phần tạo lên một xã hội tốt. Học tập và làm theo tấm gương vì nước, vì dân của Bác Hồ kính yêu. Hãy sống, cống hiến nhiều hơn nữa để làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của rất nhiều anh hùng, liệt sĩ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc”. 

Hành động dũng cảm và cuộc sống đời thường nhân ái, giản dị của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã đọng lại trong chúng ta bài học về tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương con người, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên, khuyến khích mỗi chúng ta nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, lập nghiệp, phấn đấu để trưởng thành và cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Nguyễn Ngọc Mạnh chính là một tấm gương bình dị mà cao quý trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

—————-

1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 672.

2) Bộ quần áo gồm: 01 áo khoác đen, hai kẻ sọc; 01 áo thun đỏ có logo của hãng xe Thành Hưng và 01 đôi giầy Adidas, Made in Viet Nam.

3) Bộ đồ cắt tóc gồm: 01 tông đơ hiệu Huaerbo, 01 kéo cắt tóc hiệu Mercury Jaguar Germany; 01 kéo tỉa tóc, 01 lược nhựa chải tóc, 01 khăn choàng hiệu L’oréal Paris, màu xanh. và một số đồ phụ kiện khác: 01 Hộp, 01 bao đựng, 01 bộ sạc pin tông đơ do người vợ thân yêu – chị Phùng Thị Thủy, hiện làm giáo viên mầm non tặng anh Mạnh.

Ths. Nguyễn Trường Phú

Phòng Sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Rate this post