Cái kết bi thảm của nữ tể tướng xuất thân nô lệ, được Võ Tắc Thiên sủng ái

Cái kết bi thảm của nữ tể tướng xuất thân nô lệ, được Võ Tắc Thiên sủng ái

Trong thời kỳ xã hội phong kiến Trung Quốc xưa, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mọi người. Do vậy, phụ nữ ít có cơ hội phát triển hay thể hiện bản thân. Tuy nhiên, Thượng Quan Uyển Nhi là người phụ nữ hiếm hoi vẫn bộc lộ được tài năng xuất chúng và khiến cho nhiều người, kể cả nam giới phải nể phục.

Theo sách sử Trung Quốc ghi lại, Thượng Quan Uyển Nhi ra đời vào năm 664. Bà xuất thân từ một gia tộc quyền quý. Do ông nội của bà bị xử tử hình do phạm tội với Võ Hậu (tức Võ Tắc Thiên) nên Thượng Quan Uyển Nhi và mẹ ruột phải vào cung làm nô lệ. Được sự dạy bảo của mẹ, một người thông tuệ, có học thức, Thượng Quan Uyển Nhi từ nhỏ đã rất thông minh, biết viết văn, làm thơ và sở hữu ngoại hình xinh đẹp.

Cái kết bi thảm của nữ tể tướng xuất thân nô lệ, được Võ Tắc Thiên sủng ái - 1

Cuộc đời của Thượng Quan Uyển Nhi gắn liền với Võ Tắc Thiên (Ảnh: DaydayNews).

Năm 14 tuổi, Thượng Quan Uyển Nhi được vào cung và có cơ hội gặp gỡ Võ Tắc Thiên. Nhờ sự thông minh cũng như tài văn thơ của mình, Thượng Quan Uyển Nhi có cơ thoát khỏi thân phận cung nữ, đảm nhận nhiệm vụ viết chiếu thư giúp Võ Tắc Thiên.

Dần dần, bà được Võ Tắc Thiên tin tưởng, trở thành tâm phúc của nữ hoàng đế, trở thành nữ tể tướng của triều đình nhiều năm. Bà còn được các con của Võ Tắc Thiên như Lý Đán (sau trở thành Đường Duệ Tông), Thái Bình Công chúa yêu quý.

Trong lúc được Võ Tắc Thiên ưu ái, Thượng Quan Uyển Nhi lại vô tình phạm tội với nữ hoàng đế. Lẽ ra, bà phải bị xử tử nhưng vì tiếc nuối tài năng của bà, Võ Tắc Thiên ra lệnh ân xá và chỉ phạt bà bị khắc chữ lên mặt. Sau này, bà vẽ thêm một vài bông hoa lên mặt để che đi những dòng chữ này. Nhan sắc của bà, nhờ vậy, càng thêm phần ma mị và quyến rũ.

Cái kết bi thảm của nữ tể tướng xuất thân nô lệ, được Võ Tắc Thiên sủng ái - 2

Năm 1998, Trung Quốc làm bộ phim truyền hình về cuộc đời Thượng Quan Uyển Nhi (Ảnh: Baidu).

Năm 705, Võ Tắc Thiên bị buộc thoái vị, phục ngôi cho Đường Trung Tông Lý Hiển. Thượng Quan Uyển Nhi đã được Đường Trung Tông đưa vào cung, phong làm Chiêu dung. Bà trở thành phi tần của Hoàng đế và tiếp tục công việc soạn chiếu thư như trước.

Năm 710, Đường Trung Tông Lý Hiển đột ngột băng hà và quyền lực triều đình rơi vào tay Vi Hậu. Lúc đó, Thượng Quan Uyển Nhi và Thái Bình Công chúa đã cùng nhau thảo một mật chiếu, lập Lý Trọng Mẫu làm Thái tử kế thừa hoàng vị, Vi Hoàng hậu làm Thái hậu nhiếp chính. Nhưng Vi Hậu luôn khát khao trở thành Võ Tắc Thiên thứ hai nên tìm mọi cách thay đổi chiếu thư.

Lâm Tri vương Lý Long Cơ và Thái Bình Công chúa đã bắt tay hợp tác tiêu diệt Vi Hậu cùng phe phái, đập tan giấc mơ xưng vương của Vi Hậu. Thượng Quan Uyển Nhi bị bắt chung với Vi Hậu để xử trảm, lúc đó bà 46 tuổi. Bà bị kết tội chuyên quyền vượt phận.

Giải thích cho sự yêu thích của Võ Tắc Thiên đối với Thượng Quan Uyển Nhi, nhiều người cho rằng, Võ Tắc Thiên tìm thấy điểm chung về số phận giữa hai người. Họ cũng xuất phát từ vai trò cung nữ, đều chịu phận làm tài nhân của đời cha rồi lại làm vợ của đời con.

Cái kết bi thảm của nữ tể tướng xuất thân nô lệ, được Võ Tắc Thiên sủng ái - 3

Thượng Quan Uyển Nhi mang đậm vẻ đẹp đặc trưng đời Đường (Ảnh: Shanghai Daily).

Về phần mình, nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử về bà khá trái ngược. Có người cho rằng, Thượng Quan Uyển Nhi là một người toan tính, thông minh và một chính trị gia tuyệt vời. Bắt đầu đi theo Võ Tắc Thiên từ năm 13 tuổi, sau đó biết người mà mình hết lòng phụng sự chính là kẻ thù của gia tộc, nhưng Thượng Quan Uyển Nhi vẫn một mực trung thành. Điều này có thể xuất phát từ những mưu đồ chính trị xa hơn.

Song, một điều không thể phủ nhận, Thượng Quan Uyển Nhi là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, để lại những dấu vết đặc biệt trong lịch sử Trung Hoa. Bà là điển hình cho mẫu hình phụ nữ tài năng, xinh đẹp đầy quyền lực trong lịch sử cung đình của Trung Hoa, chứng minh được năng lực của người phụ nữ trong một chế độ mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.  

Năm thứ 2 sau khi mất, thân phận Thượng Quan Chiêu dung của Uyển Nhi được khôi phục, hơn nữa bà được phong làm “Huệ Văn”. Khi Đường Huyền Tông Lý Long Cơ lên ngôi, tài văn của Uyển Nhi vẫn được nhớ đến. Ông thu thập các tác phẩm của bà và biên tập thành 12 quyển văn tập.

Rate this post