CÂU CHUYỆN HAY VỀ CUỘC ĐỜI CỦA THỦ KHOA BÙI HỮU NGHĨA

CÂU CHUYỆN HAY VỀ CUỘC ĐỜI CỦA THỦ KHOA BÙI HỮU NGHĨA

Lễ được diễn ra 2 ngày với nghi thức truyền thống đơn giản nhưng rất trang nghiêm, thành kính tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ và thu hút đông đảo khách thập phương đến tham gia.

Nhắc đến Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872) không thể không nói đến bà Nguyễn Thị Tồn một người đã gắn bó và ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Bùi Hữu Nghĩa, bởi bà là một người vợ hiền đức, yêu chồng, gan dạ, can đảm.

Bà Nguyễn Thị Tồn, không rõ năm sinh năm mất, người làng Mỹ Khánh, tổng chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa (nay là ấp Tân Mỹ, phường Bửu Hòa thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai). Bà là trưởng nữ của Bạch đàm Hộ trưởng Nguyễn Lý với bà Huỳnh Thị Đáp và là vợ đầu của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, một trong bốn « Rồng Vàng » của thi đàn Đồng Nai – Gia Định.

Nếu Bùi Hữu Nghĩa là một người thanh liêm, ngay thẳng, luôn xét đoán công bằng, chính trực thì bà Nguyễn Thị Tồn cũng hội đủ những phẩm chất cao quý của người phụ nữ : hiền lương, thục đức, chung thủy, yêu chồng, thương con, can đảm đường đầu với những khó khăn, bất công. Đồng cảm với tính cương trực, thẳng thắn của chồng bà không ngần ngại đường xa nguy hiểm bà ra tận Huế để kêu oan cho chồng.

 

Năm 1848, xảy ra vụ xô xát ở rạch Láng Thé, Trà Vang – nơi khai thác thủy sản lâu đời và được triều đình miễn thuế. Vì bênh vực người dân nghèo Khmer trước các thế lực cường hào người Hoa và bọn tham quan, ông bị bọn tham quan địa phương ghép tội xúi giục nổi loạn, giết người, rồi bắt giam, giải về Gia Định chờ xét xử.

Hay tin chồng gặp nạn, từ Vĩnh Long, bà lên Định Tường (Tiền Giang) rồi quá giang ghe bầu vượt biển ra Huế. Thân gái dặm trường, vượt qua bao khó khăn, cuối cùng bà cũng đến được kinh đô.

Nghe danh Phan Thanh Giản là một bậc đại thần công minh chính trực, thẳng thắn, lúc bấy giờ ông đang là Lại bộ Thượng thư, bà tìm đến dinh ông và trình bày nỗi oan của chồng. Nghe qua Phan Thanh Giản rất cảm động và hứa sẽ giúp đỡ bà, Cụ Phan Thanh Giản đã chỉ đường lối cho bà hành động, rồi viết dùm bà một tờ cáo trạng tỏ rõ nỗi oan trình lên nhà vua. Cụ còn chỉ bà đem một nén vàng biếu cho ông đội, để ông đội cho bà đánh trống. Sau đó bà Nguyễn Thị Tồn đã đi đến tòa Tam Pháp ở trong kinh thành Huế và mạnh dạn đánh ba hồi trống kêu oan cho chồng. Hành động của bà thể hiện cái chí, cái tình của người vợ trước nỗi oan của chồng, quyết tâm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và hạnh phúc của mình. Cảm khái trước lòng trung trinh tiết nghĩa của bậc nữ lưu xứ Nam kỳ, vua Tự Đức ban tặng bà võng điều có bốn lọng. Đồng thời giữ bà lại kinh thành một tháng để triều thần và các cung phi được gặp mặt người phụ nữ quả cảm hầu nêu gương sáng cho nữ lưu. Thái hậu Từ Dũ cũng truyền bà Tồn vào gặp mặt, hết lời khen ngợi và tặng cho tấm biển son chạm bốn chữ thếp vàng “Liệt phụ khả gia”.

 

Chồng thoát khỏi oan án chưa được bao lâu thì bà Nguyễn Thị Tồn lâm bệnh rồi qua đời ở quê nhà Biên Hòa vào ngày 24 tháng 11 âm lịch (không rõ năm nào). Có thể nói bà đã hi sinh tất cả cho sự nghiệp của Bùi Hữu Nghĩa cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Sau khi được vợ minh oan, Bùi Hữu Nghĩa bị triều đình bắt đi lính ở đồn Vĩnh Thông (biên giới An Giang ngày nay), chờ ngày lập công chuộc tội. Nhờ công trạng, ông được thăng lên chức phó quản cơ và được giữ đồn Vĩnh Thông.Ít lâu sau ông cảm thấy buồn chán, xin từ quan về sống thanh nhàn ở quê nhà. Ông mở lớp dạy học, vui thú điền viên. Hình ảnh cao đẹp của người vợ hiền  Nguyễn Thị Tồn trung trinh tiết liệt, không màn đến bản thân, liều mình vượt bao gian khó vì sinh mạng và sựnghiệp của chồng luôn theo bên ông và ảnh hưởng không nhỏ đến suốt quãng đời còn lại của ông.

Hiện nay, phần mộ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và Bà Nguyễn Thị Tồn (mộ gió) được xây dựng khang trang trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ cùng nhiều hạng mục khác như: nhà bia, nhà thờ, nhà trưng bày, nhà khách và các công trình phụ trợ nhằm ghi ơn bậc hiền nhân tài đức vẹn toàn và để phục vụ khách tham quan đồng thời truyền tải sự tôn kính, truyền thống trọng đạo lý nhân nghĩa cho các thế hệ./.

Ngân Giang – TTPTDL

Tư liệu tham khảo: dost-dongnai.gov.vn

Rate this post