Bộ trưởng Tô Lâm: An ninh mạng đảm bảo thông tin không bị đột quỵ

Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, trong đó có nội dung cho ý kiến vào luật An ninh mạng.

Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, an ninh mạng là vấn đề khó và là sự quan tâm của quốc tế. Trên nhiều diễn đàn song phương, đa phương, Liên Hiệp Quốc, diễn đàn liên minh nghị viện trên thế giới đã bàn chủ đề này. Quốc hội của Việt Nam cũng từng tham gia các diễn đàn như vậy.

Vấn đề an ninh mạng không một quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý. Nếu chỉ một quốc gia thì không thể giải quyết được mà đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất giữa các quốc gia.

Bộ trưởng cho rằng, mạng internet đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, an ninh, an toàn mạng không phục vụ cho một khía cạnh hay lĩnh vực nào, phải đảm bảo kể cả bí mật đời tư của người dân. “Hoạt động của từng cá nhân con người tham gia trên không gian mạng đều phải được đảm bảo an ninh, an toàn, từng cá nhân chứ không phải chỉ là an ninh chung của Quốc gia. Đây là một trong những điều chỉnh của luật An ninh mạng”, Bộ trưởng khẳng định.

Xã hội - Bộ trưởng Công an Tô Lâm: An ninh mạng đảm bảo cho hệ thông tin không bị nghẽn, 'đột quỵ'

Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, internet khi làm thay đổi tích cực nhiều mặt quan hệ xã hội. Không thể cản trở sự phát triển của thông tin mạng internet vì bất kể lý do gì.

Nếu vì để đảm bảo an ninh mạng mà không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ thì rất lạc hậu, không thể hội nhập được với thế giới. Chúng ta bước vào cuộc chơi chung đồng nghĩa có nhiều nguy cơ về an ninh nếu không làm chủ được.

Bộ trưởng chỉ ra, cần phát triển mạng internet hơn nữa, đi sâu vào đời sống xã hội, kinh tế hơn nữa. “Chúng ta đang còn nhiều tiềm năng. Chính phủ đang phát triển Chính phủ điện tử, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng ứng dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin, inetrenet vào các mặt của đời sống… Phát triển đến đâu, an ninh, an toàn mạng phải đi theo đến đấy và phải luôn song hành”, Bộ trưởng Tô Lâm nói về mục tiêu của an ninh mạng.

Bộ trưởng cũng cho rằng, không một lực lượng, đơn vị nào có thể đứng ra đảm bảo an ninh mạng mà phải là toàn xã hội.

“Luật An ninh mạng ra đời làm sao huy động được toàn bộ xã hội hiểu được thế nào là vấn đề an ninh mạng, hiểu những gì là nguy cơ, thấy được trách nhiệm của mình phải làm gì để đảm bảo an ninh mạng.

Dòng chảy thông tin, mạng internet cũng giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu đó, dòng tuần hoàn đó càng lưu thông được, càng phát triển tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh. Chúng ta không thể ngăn dòng tuần hoàn đó, vì nó nuôi sống cơ thể con người, cung cấp đầy đủ thông tin để chúng ta phát triển.

Vấn đề an ninh, an toàn ở đây là làm sao cho hệ tuần hoàn, hệ thông tin đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ. Tuần hoàn mà tắc nghẽn thì đột quỵ, là hỏng. Dòng máu đó, hệ tuần hoàn đó cũng phải làm sao nhiều ô xy, nhiều chất dinh dưỡng thì mới nuôi được cơ thể.

Nếu máu đỏ thì ít, máu đen thì nhiều, ô xy thì ít mà khí cacbonic thì nhiều rõ ràng sẽ rất nhức đầu, hệ thần kinh ảnh hưởng ngay. Các bệnh cơ thể sẽ phát triển. Nôm na bảo đảm an ninh mạng là làm sao giữ được mạch máu, hệ tuần hoàn trong suốt, nhiều máu đỏ, không có máu đen”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế, hệ thông tin hiện nay không an toàn ở chỗ có nhiều thông tin độc hại. “Phải xử lý thế nào để giải quyết việc này, làm sao hệ tuần hoàn nuôi được cơ thể, nhiều chất dinh dưỡng, nhiều ô xy thì cơ thể mới hoạt động tốt. Đấy cũng là mục tiêu mà chúng tôi xây dựng dự án luật này”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng bộ Công an, đối tượng bên ngoài xâm nhập không cứ là mục tiêu quốc phòng, nếu chúng xâm nhập được vào thì sẽ phá hoại bất kể mục tiêu nào. Phạm vi của không gian mạng không giới hạn ở một khía cạnh, vũ khí đó nằm trong tay của thế lực thù địch thì bất kể lĩnh vực nào, phá hoại sản xuất, khủng bố, làm tắc nghẽn hệ thông tin liên lạc, nổ máy bay, nổ nhà máy, tín dụng ngân hàng (làm cho tiền không vào được, không ra được, không thể thanh toán được)… thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Những nguy cơ đó là rất lớn.

Đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng ảo cũng có những tội phạm như thế. Thực thì xử lý được bằng cách thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường, nhưng ở đây là chứng cứ ảo, chứng cứ số. Có thể chúng xóa đi ngay nhưng bằng khoa học kỹ thuật chúng ta khôi phục lại nguyên trạng dấu vết.

“Vấn đề chứng cứ số nếu không kịp quy định sẽ rất khó khăn khi xử lý tội phạm trên mạng ảo. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và mong được sự đóng góp tham gia ý kiến để hoàn chỉnh dự án Luật và có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.

 

 

Rate this post