Bao Phap Nguyen Trung Hau
Bảo Pháp
NGUYỄN TRUNG HẬU
(1892-1961)
Ngài Nguyễn trung Hậu, tên thật là Nguyễn văn Hậu, bút hiệu Thuần Đức, sanh ngày 5-3-Nhâm Thìn (dl 1-4-1892) tại làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định.
Thân phụ là Cụ Nguyễn phục Lễ, tức là Cụ Nguyễn văn Nhiêu, bút hiệu Tiết Văn, Đông Y Sĩ, làm 4 khóa Hội Đồng Địa Hạt làng An Thịt (Gia Định) và Thân mẫu là Cụ Bà Lê thị Cơ, người gốc Bình Định.
Hiền nội của Ngài Nguyễn trung Hậu là Bà Diệp thị Nguy, sanh ngày 24-11-Canh Tý (dl 14-1-1901), từ trần ngày 10-12-Nhâm Thìn (dl 24-1-1953).
Ông Bà sanh đặng 8 người con, gồm 5 trai 3 gái, đều là người học thức, noi theo chí hướng của phụ thân, chung lo phục vụ cho Đạo, và đều đắc phong phẩm Hiền Tài Ban Thế Đạo, Tòa Thánh Tây Ninh.
Thuở thiếu thời, Ngài Nguyễn trung Hậu theo Tây học, nhưng Ngài cũng tự học Hán văn. Năm 1911, Ngài tốt nghiệp Trường Sư Phạm Gia Định (École Normale de Gia Định) và được bổ làm giáo viên tại một trường Tiểu học ở đường Tabert thời đó, sau trường nầy bị bãi bỏ, mới về dạy tại trường Tiểu học ở đường Richaud.
Năm 1919, Ngài làm Thơ Ký cho Ông Giám Đốc các trường Tiểu Học Sài gòn.
Năm 1922 thì xin nghỉ làm Thư Ký, để làm Giám Đốc Tư Thục Internat de Dakao ở đường D’Ariès, nay là đường Huỳnh khương Ninh.
Đến năm1926, Ngài Nguyễn trung Hậu giao trường lại cho Ông Huỳnh khương Ninh, rồi gia nhập Đạo Cao Đài.
Những năm sau đó, Ngài làm giáo sư dạy Pháp văn cho các trường Hưng Việt, Nguyễn anh Bổn, Nguyễn Du.
Ngài có viết cho các báo thời đó là : Đuốc Nhà Nam, Hoàn Cầu, Tân Văn, và sau đó làm chủ bút Tạp chí LA REVUE CAODAISTE, để truyền bá Đạo Cao Đài cho người Pháp.
Ngài Nguyễn trung Hậu có khiếu làm thi. Ngay từ thuở thanh niên, Ngài thường xướng họa với các thi sĩ trong Ngưu Giang Thi Xã vào các năm 1918-1920, bút hiệu Thuần Đức đã có tiếng tăm từ những năm đó.
Tháng Giêng năm 1926, Ngài Nguyễn trung Hậu nghe đồn quí Ngài : Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao hoài Sang, xây bàn thỉnh Tiên cho thi hay lắm, thì Ngài rất để ý. Bữa nọ, Ngài đến nhà Ngài Cao quỳnh Cư hầu đàn xem thử lời đồn thiệt hay giả.
Cho thi mấy người hầu đàn trước rồi, tới phiên Ngài Nguyễn trung Hậu, Đấng AĂÂ gõ bàn cho Ngài 4 câu thi :
THUẦN văn chất ĐỨC tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.
Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,
Đến hồi búa Việt giục cờ Mao.
Ở trong đàn nầy, không ai biết cái bút hiệu Thuần Đức của Ngài, thế mà Đấng AĂÂ biết, nên khi cho xong bài thi, Ngài Nguyễn trung Hậu mới chịu phục, và sau đó nhập môn
vào Đạo Cao Đài và trở thành một trong 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn.
Đêm 30 tháng Chạp năm Ất Sửu, là đêm giao thừa bước qua năm Bính Dần, Đức Chí Tôn biểu các môn đệ lập thành phái đoàn đi viếng thăm từng nhà môn đệ, đem Ngọc cơ theo cầu Thầy. Khi đến nhà Ngài Nguyễn trung Hậu, Đức Chí Tôn giáng cho 4 câu thi :
-
THUẦN phong mỹ tục giáo nhơn sanh,
ĐỨC hóa thường lao mạc vị danh.
HẬU thế lưu truyền gia pháp quí,
GIÁO dân bất lậu, tán thời manh.
Thời gian sau, Đức Chí Tôn cũng có cho Ngài Nguyễn trung Hậu bài thi 4 câu nữa :
-
Đã có căn phần dựa cảnh Tiên,
Bước đời chớ quản bậc sang hèn.
Mưa mai nắng xế chờ qua khỏi,
Đêm tối lần ra gặp ánh đèn.
Ngày 15-3-Bính Dần (dl 26-4-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn trung Hậu cùng với Ngài Trương hữu Đức làm Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ. Hai Ngài trở thành cặp phò loan cầm cơ cho các Đấng thiêng liêng phổ độ nhơn sanh các tỉnh : Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.
Ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ, Đức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn trung Hậu vào phẩm Bảo Pháp HTĐ.
Lúc bấy giờ, Ngài cũng như chư vị Thời Quân HTĐ khác đều là công chức hay tư chức, nên sau khi mãn giờ làm việc ở cơ quan thì mới đi phò loan cho nhơn sanh nhập môn cầu đạo, có khi chấp cơ suốt đêm, sáng lại đi làm việc luôn. Nhờ các Đấng hộ trì, nên tuy vất vả nhưng các Ngài không biết mệt nhọc và ốm đau.
Ngày mùng 7-3-Quí Dậu (dl 1-4-1933), Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung cùng với Đức Phạm Hộ Pháp ra Châu Tri số 1, cử 3 vị Thời Quân HTĐ tạm qua cầm quyền Chưởng Pháp bên CTĐ : Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu đảm nhiệm Quyền Thái Chưởng Pháp.
Khi Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung qui Thiên năm 1934, Ngài Bảo Pháp trở về HTĐ. Sau đó, Ngài bị bịnh hoạn liên miên, nên xin phép lui về tư gia dưỡng bịnh ở đường Ngô tùng Châu Gia Định.
Ngày mùng 5-Giêng-Bính Thân (dl 16-2-1956), Đức Phạm Hộ Pháp bị Chánh quyền Ngô đình Diệm bó buộc nên phải đi lánh nạn, lưu vong sang Cao Miên.
Lúc bấy giờ nền Đạo tại TTTN thiếu người gánh vác. Hội Thánh yêu cầu Đức Thượng Sanh lên Tòa Thánh nắm quyền điều hành nền Đạo. Đức Thượng Sanh họp cùng chư vị Thời Quân HTĐ, trong đó có Ngài Bảo Pháp, đồng ý trở về Tòa Thánh, trấn an bổn đạo, và đứng ra gánh vác nền Đạo.
Ngày 15-4-Đinh Dậu (dl 14-5-1957), Ngài Bảo Pháp được Hội Thánh cử làm Giám Đốc Hạnh Đường, huấn luyện Chức sắc hai phẩm Lễ Sanh và Giáo Hữu, cho có đủ trình độ về đạo đức và giáo lý để bổ đi hành đạo các địa phương.
Ngài Bảo Pháp có cảm tác bài thi để kỷ niệm :
-
CẢM TÁC
Hội Thánh giao cai quản Hạnh đường,
Ân cần lo lập kỷ trần cương.
Giúp người tâm chí hành Thiên mạng,
Tuyển bực nhân hiền trấn tứ phương.
Học hỏi khép vào khuôn Đạo lý,
Lọc lừa mở rộng cửa khoa trường.
Góp phần xây dựng trong muôn một,
Khó vẫn không nao, nhọc chả màng.
Cũng trong thời gian nầy, Ngài tái lập Đạo Đức Văn Đàn, mà trước đây Ngài Cao Tiếp Đạo đã lập ra vào năm 1950, để khuếch trương thi văn Đại Đạo, được nhiều người hưởng ứng và có tiếng vang tốt mãi đến ngày nay.
Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu có viết và xuất bản nhiều sách Đạo, giải thích và truyền bá Giáo lý của Đạo Cao Đài, kể ra sau đây :
-
1. Luận Đạo Vấn Đáp (1927)
2. Tiên Thiên Tiểu Học (1927)
3. Bài Thuyết Đạo.
4. Châu Thân Giải.
5. Ăn Chay.
6. Đức Tin.
7. Chơn Lý (1928)
8. Đại Đạo Căn Nguyên (1930)
9. Thiên Đạo (1955), viết chung với Phan trường Mạnh.
10. Luân Hồi Quả Báo (1956) viết chung với Ngài Khai Đạo Phạm tấn Đãi.
Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu đã viết và xuất bản nhiều đầu sách nhứt về Đạo Cao Đài trong số các Chức sắc Đại Thiên Phong của Đạo Cao Đài.
Về việc viết sách phổ truyền Giáo lý Đạo Cao Đài, Ngài Bảo Pháp lo ngại có điều sai sót không tránh khỏi, nên Ngài cầu hỏi Đức Chí Tôn, thì Đức Chí Tôn giáng cơ trả lời như sau : (Phò loan : Bảo Pháp – Hiến Pháp) [tháng 5-1927]
” Hậu ! Sách con làm ra đều có giá trị, là nhờ Thầy giáng tâm con.
Con sợ sai lầm cũng phải, nhưng về sự sai siển, dầu bậc Thánh xưa làm sách cũng còn nhiều chỗ khuyết điểm.
Vậy con cứ an lòng mà làm ích thêm nữa. Thầy hằng ở bên con mà dìu dắt cho trí hóa rộng thêm, nghe con !”
Năm 1928, Ngài Bảo Pháp cũng có hỏi Đức Chí Tôn về việc viết sách Đạo, Đức Chí Tôn đáp :
” – Hay đó con ! Con cứ lần lần đến đâu thì có giá trị đến đó, tùy theo trình độ học cứu mà tấn hóa, nghe ! ”
Sau khi Ngài Bảo Pháp đăng Tiên, người con trưởng nam của Ngài là Hiền Tài Nguyễn trung Ngôn, đại diện gia đình của Ngài Bảo Pháp, viết văn thư đề ngày 26-7-1973 (âl 27-6-Quí Sửu), hiến dâng cho Hội Thánh bản quyền tất cả sách của Ngài Bảo Pháp viết ra kể trên để Hội Thánh tùy nghi ấn hành phổ biến, và được Hội Thánh chấp nhận ngày 7-8-1973.
Ngoài việc làm thi và viết sách Đạo, Ngài Bảo Pháp còn có thiên tài đặc biệt viết các câu liễn đối. Tuy Ngài tự học chữ Nho, nhưng nhờ sự thông minh lỗi lạc của bậc nguyên căn, khiến các cụ đồ Nho và người Tàu phải chịu khâm phục.
Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức có thuật lại : ” Tôi còn nhớ lúc nọ, Đức Lý Đại Tiên giáng cơ khen tặng và nói rằng : Ai muốn xin liễn thì xin nơi Hậu.”
Ngài Bảo Pháp đã viết đôi liễn cho Thuyền Bát Nhã :
-
. Vạn sự viết vô, nhục thể ký qui tam xích thổ,
. Thiên niên tự hữu, linh hồn trực đáo Cửu Trùng Thiên.
Nghĩa là :
-
. Muôn việc đều không, xác thịt gởi trả lại 3 tấc đất,
. Ngàn năm tự có, linh hồn đi thẳng lên 9 từng Trời.
Hai câu liễn nầy rất hay, đối rất chỉnh, nhưng khi dâng lên Đức Lý Giáo Tông thì Đức Lý chỉnh lại khúc sau, lại càng tuyệt diệu hơn nữa :
-
. Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh hoàn tại thổ,
.Thiên niên tự hữu, linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.
Nghĩa là :
-
. Muôn việc đều không, xác thịt đất sanh hoàn lại đất,
. Ngàn năm tự có, linh hồn Trời ban trở về Trời.
Trong gia đình, Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu là người con hiếu thảo. Nhờ công quả của Ngài lập được trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà thân mẫu của Ngài được siêu thăng và tăng cao phẩm vị nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống, đúng với 2 câu kinh trong bài Kinh Tụng Cha Mẹ qui liễu :
-
Thong dong cõi thọ nương hồn,
Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.
Thân mẫu của Ngài Bảo Pháp được Đức Chí Tôn cho phép giáng cơ bày tỏ với Ngài như sau :
Ngày 19-2-1929. Phò loan : Bảo Pháp – Khai Pháp.
” Mẹ mừng con, Mẹ cám ơn con đó.
Con đâu rõ đặng ngày nay Mẹ nhờ công con mà đặng thăng cấp. Nay Mẹ đặng vào Đông Đại Bộ Châu. Ấy cũng nhờ ơn của Đức Chí Tôn rất thương mà cho Mẹ vào phẩm ấy.
Mẹ chẳng biết lấy chi mà thông công cho 2 con và các cháu, nên mới dụng huyền diệu mà Mẹ đã cầu xin Chí Tôn ban cho Mẹ đặng cho con cùng cháu hay rằng, Đức Chí Tôn đã giữ lời hứa cùng con. Nay Mẹ đến khuyên hai con khá lo sao cho tròn phận sự, ngày thêm vun đắp nền Đạo đặng báo đáp Ơn Trên đã hết lòng vì cả nhà ta. Nếu con có lòng ấy thì Mẹ rất vui lòng đó, con hiểu . .
.
Mẹ rất vui thấy lòng con, nên Mẹ mới xin phép Chí Tôn đến đây tỏ ít lời cho con hiểu. Vậy con khá an lòng mà lo Đạo, chớ nên vì việc nhỏ mà nao chí nghe !
Tôi chào nhị vị Thánh (Nói với ông Khai Pháp Trần duy Nghĩa và Bác vật Lưu văn Lang). Tôi chẳng biết lấy chi cám cảnh cho bằng dùng vài lời nhắc đây : Xin nhị vị khá hết lòng lo hiệp tác mà nâng cao địa vị mình càng ngày cho tột phẩm.
Tôi đây chẳng chi xứng phận mà cũng nhờ ơn Chí Tôn thương tưởng thay. Ấy cũng nhờ sức con mới đặng vậy, không thì biết sao mà kể xiết.
Ấy đó, công của nhị vị càng dầy thì Chí Tôn càng yêu dấu. Xin khá để hết tâm chí mà hành phận sự. Ấy là lời tôi xin nhị vị khá để ý.
(Hỏi về việc ông thân của tôi)
– Mẹ không dám nói. Thôi Mẹ lui.”
Vào cuối năm 1958, do tuổi già sức yếu, lại bị bịnh áp huyết cao, Ngài Bảo Pháp phải xin phép trở về dưỡng bịnh tại tư gia ở đường Ngô tùng Châu, Gia Định.
Nhưng Thiên số định kỳ, Ngài đăng Tiên tại tư gia lúc 16 giờ 50 phút ngày 7-9-Tân Sửu (dl 16-10-1961), hưởng thọ 70 tuổi. Hội Thánh có đến cử hành tang lễ trong 5 ngày và tạm an táng nơi nghĩa trang gia đình của Ông Bảy Bích tại Cây Quéo, Gia Định.
Ngài có cho Bài Thài tế lễ Ngài :
-
Nhà Phật hôm nay giữ Đạo mầu,
Phiền ba ngảnh lại có vui đâu.
Tẻ đường phi thị, noi đường tịnh,
Tìm cửa từ bi, lánh cửa hầu.
Xác thịt trải qua miền gió bụi,
Nắm xương nhờ gởi bóng tang du.
Lửa lòng vụt tắt từ đây vẫn,
Giọt nước nhành dương gội tấm sầu.
13 năm sau, vào giữa năm Giáp Dần (1974), (theo lời thuật lại của Hiền Tài Nguyễn trung Nhơn, thứ nam của Ngài Bảo Pháp), thì Ngài Bảo Pháp ứng mộng cho các con của Ngài, bảo lên xin với Hội Thánh cải táng cho Ngài về Thánh địa Tây Ninh nội trong năm nay (1974).
Do đó, các con của Ngài dâng tờ lên Ngài Hiến Pháp, lúc đó đang cầm quyền Chưởng quản HTĐ, và được Ngài Hiến Pháp chấp thuận.
Ngày 4-9-Giáp Dần (dl 17-10-1974), Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức, Quyền Chưởng quản HTĐ đích thân ra lịnh tổ chức lễ cải táng.
Ban Nhà Thuyền Trung Ương do Giáo Sư Thái Hồ Thanh hướng dẫn đến phần mộ, đưa quan tài lên khỏi huyệt và mở ra. Điều đặc biệt làm mọi người ngạc nhiên là thi hài của Ngài Bảo Pháp vẫn còn nguyên vẹn như lúc mới thoát xác, sau 13 năm mà không bị tan rửa như các thi hài khác, lại không khô cứng, nên chỉ cần dùng rượu trắng thoa bóp thì có thể sửa đổi tay chân, đặt thi hài từ tư thế nằm trở thành tư thế ngồi kiết già, tay bắt Ân Tý, để liệm vào liên đài một cách dễ dàng.
Liên đài được quàn lại tư gia một đêm để tế điện, hôm sau, Hội Thánh rước liên đài kỵ long mã đi về Tòa Thánh Tây Ninh, tới nơi vào chiều ngày mùng 6-9-Giáp Dần, và được đặt nơi Báo Ân Từ.
Hội Thánh thiết lễ tế điện và cầu siêu.
Ngày mùng 7-9-Giáp Dần, liên đài kỵ long mã đến Đền Thánh, thỉnh bửu ảnh vào kỉnh lễ Đức Chí Tôn, và sau đó, liên đài kỵ long mã đi ra đất Ao Hồ nhập bửu tháp.
Về nguyên căn của Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu, Ngài có ghi lại như sau:
” Ngày mùng 3-7-Đinh Mão (dl 31-7-1927), nguyên Đức Chí Tôn có cho biết tiền thân của Hậu là Xích Tinh Tử và của Đức là Từ Hàng Đạo Nhơn, may được Quỉ Cốc Đại Tiên giáng đàn, chúng tôi xin Ngài cho mỗi đứa một bài thi .
Bài thi cho Hậu (Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu) :
-
Đỏ đỏ một vùng ấy Hỏa tinh,
Nhà Châu tên tuổi đã rành rành.
Tam Kỳ tái thế an thiên hạ,
Hậu nhựt thành công hậu hứng tình,
Bài thi cho Đức (Hiến Pháp Trương hữu Đức) :
-
Thập nhị Tiên gia nhứt tánh Từ,
Hàng phong vương mãn thọ hàn thư.
Trung niên thế cuộc tao vân mộng,
Quản thị Càn Khôn thủ Phật thư.
(Theo Truyện Phong Thần, Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo Chủ Xiển Giáo, có 12 người học trò giỏi, trong đó có : Xích Tinh Tử , và Từ Hàng Đạo Nhơn.
12 vị học trò nầy được lịnh của Đức Nguơn Thủy xuống trần giúp Khương Thượng Tử Nha đánh các Tiên Triệt giáo, học trò của Đức Thông Thiên Giáo Chủ, đang ủng hộ Vua Trụ. Phía các Tiên Xiển Giáo đánh phép thắng các Tiên Triệt Giáo, giúp Khương Thượng tiêu diệt Vua Trụ, mở ra nhà Châu, với vua Châu Võ Vương. Xong các Tiên đều trở về núi tiếp tục tu luyện.
Nay đến thời Tam Kỳ Phổ Độ, các Tiên tình nguyện giáng trần làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo.)
THI VĂN của NGÀI BẢO PHÁP
Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu là một thi sĩ nổi danh trên Thi đàn với bút hiệu là Thuần Đức. Ngài làm rất nhiều thơ đường luật, xin trích ra sau đây vài bài tượng trưng:
-
BÀI THƠ CHỮ BẦN
Vùng vẫy khó toan với chữ bần,
Khuấy chơi chi cứ quẩn bên chân.
Chỉn buồn bảng lảng tình bè bạn,
Đâu quản đeo đai mối nợ nần.
Rượu sớm mượn mùi khuây thế sự,
Thi chiều lựa vận ngóng tao nhân.
Tuồng đời ấm lạnh qua rồi chán,
Ướm mượn nhành dương quét bụi trần.
(HẬU)
-
DƯỚI CHƠN THẦY
Vì thương sanh chúng độ kỳ ba,
Ba nhánh Thầy đem lại một nhà.
Nhà có chơn sư bền mối đạo,
Đạo không căn bản lạc đường tà.
Tà quyền khéo giở trò minh chánh,
Chánh pháp đem mưu cuộc hiệp hòa.
Hòa cả tinh thần hòa tín ngưỡng,
Ngưỡng mong Thầy mở Hội Long Hoa.
(1927)
-
VỀ TÒA THÁNH HÀNH ĐẠO
Tuổi già gặp buổi Đạo chinh nghiêng,
Đành phải ra tay chống đỡ thuyền.
Cỡi sóng quyết sang miền tịnh độ,
Thuận buồm nhờ núp bóng Cao Thiên.
Trên đường độ chúng vui đoàn kết,
Trong việc tu thân học Thánh Hiền.
Còn chút hơi tàn còn nhiệm vụ,
Còn lo phổ cập mối Chơn truyền.
(6-7-1957)