Bảo Ninh: Người dệt nỗi buồn từ những con chữ – Revelogue
Là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bảo Ninh được mệnh danh là một trong những tác giả đem văn học Việt Nam ra thế giới, nổi bật nhất là tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh.
Đôi nét về tác giả Bảo Ninh
Tác giả Bảo Ninh tên thật là Hoàng Âu Phương, sinh vào tháng 10 năm 1952. Ông quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình.
Bảo Ninh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống giáo dục, cha của ông là Giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên viện trưởng Viện ngôn ngữ học và cũng là người đã đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học Việt Nam trong các trường đại học ngay khi hòa bình lập lại.
Bảo Ninh gia nhập quân đội từ khi mới mười bảy tuổi, nhà văn công tác và chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24 thuộc sư đoàn 10.
Năm 1975, ông xuất ngũ và quay về Hà Nội học đại học, sau khi tốt nghiệp, Bảo Ninh công tác tại Viện Khoa học Việt Nam.
Nhà văn bắt đầu con đường sáng tác của mình ở tuổi 32, ông học tại trường viết văn Nguyễn Du trong vòng hai năm, sau đó làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ và trở thành thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam kể từ năm 1997.
Sáng tác đầu tiên của nhà văn là Trại bảy chú lùn được xuất bản năm 1987. Cũng cùng năm đó, tác phẩm đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với người đọc là Thân phận tình yêu, sau được đổi tên là Nỗi buồn chiến tranh chính thức ra mắt người đọc.
Năm 1991, Nỗi buồn chiến tranh nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và được công chúng chào đón nồng nhiệt. Không chỉ được công nhận ở trong nước mà tác phẩm còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và giúp tác giả rinh về vô số giải thưởng quốc tế.
Bên cạnh Nỗi buồn chiến tranh ở cùng đề tài này, Bảo Ninh còn viết một số truyện ngắn đặc sắc khác có thể kể đến như Gió dại, Khắc dấu mạn thuyền hay Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng. Trong đó, tác phẩm Gió dại được in trong tuyển tập truyện ngắn viết về chiến tranh Other Moons cùng nhiều nhà văn nổi tiếng khác.
Bảo Ninh là một nhà văn giản dị và kín tiếng
Bảo Ninh được đánh giá là một nhà văn kín tiếng, ông không thích lộ diện trước công chúng và có ít hoạt động giao lưu với độc giả. Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả đã từng tâm sự:
Tôi thường quan hệ thân thiết với khoảng mười nhà văn, nhà thơ và cũng chỉ thi thoảng gặp nhau. Bạn hữu đa phần là các cựu chiến binh đã cùng qua chiến trận, họ phần nhiều xuất thân là công, nông dân, ít quan tâm tới văn học.
Ngoài ra ông cũng là một người khá kiệm lời, sống nội tâm và ít khi chia sẻ nhưng đối với bạn bè nhà văn lại là một người nồng nhiệt và thân thiện.
Năm 2018, một nhà báo Ấn Độ sang Việt Nam phỏng vấn Bảo Ninh với câu hỏi về cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông nhưng tác giả chỉ im lặng.
Đã hơn ba mươi năm kể từ ngày cho ra mắt Nỗi buồn chiến tranh, tác phẩm tiếp theo của nhà văn vẫn còn là một ẩn số, hiếm có tác giả đương đại nào được mong chờ như Bảo Ninh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có một tin vui cho độc giả trong thời gian gần đây, theo thông tin từ nhà xuất bản Hội nhà văn, đơn vị phát hành Viết & Đọc cho hay một phần tiểu thuyết mới của nhà văn sẽ được đăng trên chuyên đề văn chương này
Vào một ngày đẹp trời, Viết & Đọc đã được nhà văn Bảo Ninh gửi cho phần I (gần 15.000 từ) của tiếu thuyết mang tên Đường về. Ông nói tên của cuốn tiểu thuyết cũng chỉ là cái tên tạm thời và bản thảo toàn bộ của Đường về vẫn nằm trong dạng bản thảo đang sửa chữa. Cho dù chỉ là một phần và thực sự chưa được nhà văn vừa ý, nhưng nó đã chứa đựng một câu chuyện lớn của thời đại.
Sau hơn ba thập kỉ chờ đợi, những thông tin đầu tiên của cuốn tiểu thuyết thứ hai đã được hé lộ. Ngay sau khi thông tin của Đường về được chia sẻ, giới văn chương bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội, chuyên đề văn chương này đã ra mắt vào dịp giáng sinh năm 2019.
Nỗi buồn chiến tranh là những trang văn viết về người chiến sĩ với những khía cạnh chân thực.
Năm 1975, miền Nam được giải phóng, hòa bình lập lại, Bảo Ninh xuất ngũ. Nhưng như những người lính đã tham gia chiến đấu, sự tàn khốc và đẫm máu của chiến tranh là những kí ức không dễ gì phai nhòa, điều đó đã ám ảnh vào cuộc sống của ông, như một tiếng nói trong tâm hồn khuyến khích tác giả viết ra những gì mà mình đã chứng kiến.
Thế nhưng phải hơn một thập kỉ sau, cuốn tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn mới được ra đời.
Tác phẩm tái hiện lại từng mảng hồi ức của nhân vật Kiên, một người lính hoạt động trong quân ngũ và mối tình với cô bạn học tên Phương.
Chiến tranh trong ký ức của Kiên gắn với những cái chết buồn bã và bi thảm như của cha và dượng hay như của những người đồng đội trong cuộc chiến. Sự chết chóc đó cứ như những hồn ma ám ảnh anh mãi sau này, đến nỗi không biết bao giờ mới có thể quên đi những kỉ niệm thương đau ấy.
Không chỉ cái chết, trong ký ức của Kiên còn có cả mối tình với cô bạn cùng trường có vẻ đẹp trời ban. Phương và Kiên cùng là học sinh trường Bưởi, yêu nhau ở cái tuổi mười bảy hồn nhiên nhất.
Thế nhưng, tất cả đều không thoát khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của chiến tranh, tình yêu của họ cũng bị đẩy tới bờ vực của sự hủy diệt. Sự thay đổi về suy nghĩ của cả hai sau cuộc chiến đã khiến cho mối tình của họ trở thành một vết thương không thể chữa lành.
Dẫu cho cho chuyện gì xảy ra, thì tình yêu Phương dành cho Kiên vẫn không thay đổi. Tình yêu của họ chính là biểu tượng của sự vĩnh cửu, của cái đẹp thách thức bạo lực.
Bằng những mảng ký ức mờ ảo, chắp nối, tác phẩm hiện lên là sự pha trộn giữa tình yêu và và cái chết, như hai nỗi buồn thấm vào nhau xót xa.
Được đánh giá là cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam, tác phẩm nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991. Hai năm sau, bản tiếng Anh được giới thiệu đến người đọc và kể từ đó tác phẩm tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn quốc tế.
Sau này, tác phẩm được dịch ra mười tám thứ tiếng khác nhau và nhận về nhiều giải thưởng quốc tế, gần đây nhất là vào năm 2018, Nỗi buồn chiến tranh giúp Bảo Ninh nhận được Giải thưởng văn học Châu Á tại Hàn Quốc.
Cuốn tiểu thuyết không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng ở mảng văn học mà còn cả nhiều lĩnh vực khác như lịch sử, văn hóa và đặc biệt là nhân học.
Trước khi trở nên nổi tiếng, tác phẩm từng có thời điểm bị cấm in vì lý do kiểm duyệt. Mãi cho tới năm 2005, cuốn tiểu thuyết quay trở lại với bạn đọc sau khi đổi thành Thân phận tình yêu và rồi sau đó một năm được in lại với tên chính thức là Nỗi buồn chiến tranh
Kinh qua trận mạc để viết nên Nỗi buồn chiến tranh
Từ khi còn nhỏ, tận mắt chứng kiến các cuộc ném bom của Mỹ xuống các thành phố ở miền Bắc, bên cạnh nỗi sợ hãi hằn lên trong tâm hồn của một đứa trẻ, lòng căm hận kẻ thù cũng bắt đầu nhen nhóm trong tâm tưởng của tác giả.
Chiến tranh càng leo thang thì sự phẫn nộ ấy càng sâu đậm. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học Bảo Ninh tham gia nhập ngũ, ông từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn:
Tôi đã tự ý đầu quân ngay sau khi tốt nghiệp cao trung năm 1969. Cho dù lúc đó, tôi chưa đủ tuổi nhập ngũ. Mà không chỉ bản thân tôi, cả lớp cả trường đều tình nguyện. Có lẽ, có phần thúc đẩy của lòng yêu nước, ý chí phẫn nộ trước kẻ xâm lược, cũng có phần háo hức, khát vọng mạo hiểm… hay mơ lập chiến công… của tuổi trẻ. Đương nhiên, thời đó báo chí, nhà trường, đoàn thanh niên… cũng tuyên truyền cổ động khích lệ thanh niên nhập ngũ.
Trong những năm tháng phục vụ quân ngũ, trải qua muôn vàn cảm xúc đau thương khi trực tiếp ra trận đã đem đến cho nhà văn một nguồn tư liệu dồi dào để sáng tác.
Nỗi buồn chiến tranh chính là tác phẩm được kế thừa tất cả những tinh hoa ấy. Tuy nhiên, nếu những cuốn sách khác viết cùng đề tài được ví như khúc tráng ca mang nhuệ khí hào hùng thì tác phẩm này đi sâu vào khắc họa những chi tiết đời thường nhất của cuộc đời một người lính.
Từ đó người đọc có thể thấy được những hi sinh, mất mát và đau thương do chiến tranh gây ra và cũng không thể thiếu tình yêu, như dòng suối mát lành chảy giữa những ngày tháng bom rơi đạn nổ.
Chỉ có những người lính bước ra từ thời chiến với tâm tư trĩu nặng những suy nghĩ về sự mất mát đau thương mới có thể viết lên những áng văn như vậy, Bảo Ninh từng nói:
Bản thân nếu như không trực tiếp lăn lộn trên các chiến trường, tôi đã không thể là nhà văn mà có lẽ đã làm một nghề khác!
Được thừa hưởng nền tảng ngôn ngữ từ người cha, văn phong của Bảo Ninh giàu hình ảnh, uyển chuyển và mang một màu sắc đượm buồn. Ngôn từ được ông sử dụng trong những câu chuyện của mình rất cầu kì nhưng không kém phần chính xác và đặc biệt là ngập tràn cảm xúc, chính điều này đã đem đến cho người đọc một cảm giác tin cậy và cảm thông với những nhân vật trong truyện.
Nỗi buồn chiến tranh hay những sáng tác khác của nhà văn đều là những tác phẩm xuất sắc, từng câu chữ khiến cho người đọc như cuốn vào không khí chiến trận cùng những câu truyện ẩn dấu trong thời kì máu lửa đó.
Từ những trải nghiệm cá nhân của mình, Bảo Ninh đã gieo vào lòng người đọc nhiều cảm xúc dù số lượng tác phẩm của ông không nhiều. Văn phong của tác giả đẹp và thơ, ngay cả những nỗi buồn cũng được ông khéo léo điểm xuyết vào tác phẩm của mình đầy trau chuốt.
Dù chiến tranh đã lùi xa và cuộc sống đã trở lại bình thường nhưng nhà văn vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm, Bảo Ninh thực sự là một nhà văn chiến sĩ xuất sắc, người chấp bút cho những tác thấm đẫm tính nhân đạo.
Nhật Hằng