Báo Đà Nẵng điện tử

Thạch Lam từ biệt cõi đời đã 80 năm. Song, có thể nói, theo thời gian, văn chương Thạch Lam ngày càng nồng thắm về tính nhân đạo, về vẻ đẹp ngôn từ, về cách tân thể loại truyện ngắn.

Nhà văn Thạch Lam. (Ảnh tư liệu)

Nhà văn Thạch Lam. (Ảnh tư liệu)

Đọc Thạch Lam, không ai nghĩ đấy là những dòng văn viết vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Một đời văn ngắn ngủi. Một vì sao sớm tắt. Một bản đàn dìu dặt những thanh âm trữ tình về cảnh và người của đất nước. Một tấm lòng tha thiết với các giá trị văn hóa dân tộc.

Giọng trần thuật riêng

Thạch Lam là một hiện tượng lạ của văn học Việt Nam. Gần ngót một thế kỷ trôi qua kể từ ngày nhà văn đi vào cõi vĩnh hằng, song những gì ông gửi lại cho đời luôn là lực hút đối với bao thế hệ người đọc. Giờ đây, khi sáng tác của Thạch Lam đã tự khẳng định được tính hiện đại, tính nhân văn và độc đáo, người đọc vẫn chưa hết băn khoăn, tự hỏi rằng, cái gì đã gây men, đã thành rượu trong những sáng tác của ông. Phải chăng đó chính là giọng điệu của nhà văn!

Thạch Lam có giọng trần thuật riêng. Ông tạo được hơi văn, văn khí, giọng văn riêng, không giống bất kỳ nhà văn nào trong Tự lực văn đoàn. Giọng văn ông thủ thỉ, tâm tình, trầm tĩnh nhưng lại ý vị, sâu sắc, cảm động.

Truyện ngắn Thạch Lam, trước sau vẫn là giọng nhỏ nhẹ, đằm thắm, không ồn ào, cả khi đề cập những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Giọng văn ấy thấm vào từng chi tiết nghệ thuật, từng góc khuất của tâm hồn, tạo nên nhịp điệu riêng của Thạch Lam. Nhà văn quan niệm: “Tôi không có ý muốn kể những chuyện thần tiên hay lãng mạn, nhưng những cảm tưởng của tôi đối với đời kín đáo và giản dị quanh mình” (Lời nói đầu Gió đầu mùa).

Ngôn ngữ văn chương Thạch Lam có thiên hướng về những vẻ đẹp bình dị của đời thường, những cảm thông với số phận con người. Đằng sau những trang văn của ông, người đọc thấy xao xuyến tâm hồn.

Hãy nghe ông nói về cành tre quê hương: “Cành lá tre này cũng như những cành lá tre khác, không có gì đặc biệt. Nhưng tôi không bao giờ nhìn ngắm một cành tre, mà không thấy nổi lên trong lòng những ý nghĩ và cảm giác lúc nào cũng giống nhau. Khi thấy các lá tre gió thổi vút một chiều, tôi cảm thấy một vang động âm thầm và kín đáo trong tâm hồn. Hình như một cảm giác gì thanh thoát và lạnh lẽo, một cái gì vừa cứng cỏi lại vừa chua xót, vừa tha thiết lại vừa lãnh đạm, như tâm hồn một nhà ẩn dật thời xưa, chán những điều thế tục, đem giấu cái tài năng không dược ai biết trong rừng núi… Tre cũng như thông, được người xưa lấy làm biểu hiện của người thanh tao, danh lợi không phàm, và trong ngọn gió đầu sương vẫn giữ được tâm hồn ngay thẳng” (Theo giòng).

Những mòn mỏi, u tối của kiếp người được Thạch Lam nói đến với bao thiết tha, cảm động. Đó là Tâm trong Cô hàng xén, là Lan trong Tình xưa, là mẹ Lê trong Nhà mẹ Lê, là Sinh trong Đói, là Huệ trong Tối ba mươi… Ở nhiều truyện ngắn, Thạch Lam thường đứng dưới điểm nhìn của tác giả để mô tả, hóa thân vào nhân vật và dẫn dắt câu chuyện. Nhân vật thường xưng “tôi”.

Ngay như truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là sự hồi ức về tuổi thơ của tác giả. Thế Uyên, cháu của Thạch Lam, đã viết: “Truyện ngắn hai chị em bán hàng xén ở phố huyện kế nhà ga xe lửa cố gắng thức đợi tàu tối đi qua, chỉ là hồi ức. Cô chị là mẹ tôi, đứa em trai là Thạch Lam”…

Thế Lữ cũng từng khẳng định: “Không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó”. Sự trải nghiệm của bản thân đã góp phần làm nên tình tiết, tâm trạng, kết cấu, nghĩ suycủa nhiều nhân vật trong sáng tác của ông.

Không gian nhân bản thấp thoáng dưới những cảnh đời

Thạch Lam yêu thiên nhiên, yêu Hà Nội với tình yêu sâu đậm, thiết tha, đầy cá tính. Người ta nói đến màu sắc dân tộc trong sáng tác của Thach Lam, nói đến tình yêu quê hương của ông trong những áng văn đầy chất trữ tình với giọng văn riêng biệt không lẫn vào đâu của giai đoạn văn học 1930-1945.

Thạch Lam trần thuật về cuộc sống quanh mình bằng một giọng văn dồi dào cảm xúc. Những thiên truyện xuất sắc của ông bao giờ cũng tạo ấn tượng bằng cảm giác, gây hiệu quả thẩm mỹ cao. Cơn gió lạnh đầu mùa làm se lạnh cả không gian và lòng người (Gió lạnh đầu mùa). Ánh nắng cuối ngày và tiếng trống thu không, vang ra từng tiếng gọi chiều về, một buổi chiều êm ả như ru, rồi bóng tối ngập dần. Ôi cái buồn của buổi chiều quê và cái khao khát, chờ đợi một thế giới khác đầy thánh thiện và trong sáng của chị em Liên trong Hai đứa trẻ sao gần gũi, thiết tha với chúng ta đến thế!

Cũng như “chất dịu ngọt giăng tơ ở đâu đây” trong Dưới bóng hoàng lan, làm con người hướng đến cái đẹp, giữ lấy cái thiên lương hay cái lạnh lẽo trùm lên tâm hồn hai cô gái giang hồ trong giây phút thiêng liêng tiễn năm cũ, lòng sắt se nghĩ đến một căn nhà ấm cúng, đón năm mới… không bao giờ có được trong Tối ba mươi… Tất cả đã đưa người đọc rung lên những “sợi tơ lòng” của tâm hồn mình khi đến với Thạch Lam. Một không gian nhân bản thấp thoáng dưới những cảnh đời.

Thạch Lam, nhà văn tài hoa ấy đã lặng lẽ ra đi ở tuổi ngoài 30. Con người suốt một đời mải mê đi tìm cái đẹp, tôn thờ cái đẹp, đã gửi lại cho đời những trang viết thấm đẫm chất nhân văn và tình tự dân tộc. Nhớ Thạch Lam là nhớ về một nhà văn đã góp phần đổi mới nghệ thuật văn chương Việt Nam hiện đại, tiếp cận với văn học thế giới.

Người chép sử Hà Nội

Thạch Lam yêu Hà Nội với tình yêu đặc biệt. Nói như Hồ Dzếnh: “Trước Thạch Lam, chưa mấy ai phát hiện được đầy đủ cái thi vị, tinh hoa của những món thổ ngơi Hà Nội”. Quả vậy, ông như người chép sử Hà Nội, chép bằng cái nhìn, tấm lòng của một nhà văn nặng tình với mảnh đất nghìn năm văn vật.

Trong Hà Nội 36 phố phường, Thạch Lam nói rõ: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải…, chúng ta cũng có Hà Nội”. Đó là những món quà rong, những tiệm phở, những thứ bánh theo mùa của Hà Nội, những cô gái đội mẹt bánh cuốn Thanh Trì, nhẹ nhàng, thanh thoát đi vào các ngõ phố Hà Nội, những cô hàng cơm nắm, tóc vấn gọn, quần thâm, những bát bún chả thơm lừng mùi thịt nướng, những tiếng rao đêm, thả vào lòng phố về khuya như còn âm vang đến tận bây giờ. Bốn mùa, phố cổ Hà Nội đều có thức vị riêng, níu lòng kẻ ở người đi. Hương vị của đất nước phả vào từng trang văn, giản dị và thanh khiết, tinh tế và trân trọng. Đẹp như bức tranh thủy mặc, ít nét, luôn giữ lại nơi lòng người.

Không có tình yêu thành thực, yêu đến mê đắm đất và người Hà Nội thì làm sao có thể viết được những trang văn lịch lãm và trân trọng như thế về đất lề kẻ chợ Thăng Long. Văn ấy, giọng ấy chỉ có Thạch Lam.

HUỲNH VĂN HOA

Rate this post