Bản lĩnh ngoại giao Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông (1258-1308) tên húy là Trần Khâm. Khi mới được sinh ra, Thái tử Trần Khâm đã có bản tính Phật. Ngài không thích làm vua, nhưng vua cha Trần Thánh Tông ép mãi, Trần Khâm đành phải chấp nhận ngồi lên ngôi Hoàng đế nhà Trần. Trần Nhân Tông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293.
Trần Nhân Tông là vị vua anh hùng. Bản lĩnh của Ngài được thể hiện ở vị trí lãnh đạo hai cuộc kháng chiến vệ quốc chống giặc Nguyên Mông vĩ đại. Trần Nhân Tông còn là một vị vua thi sĩ tài hoa. Hơn thế, Trần Nhân Tông chính là người sáng lập, đồng thời là vị Tổ thứ nhất của dòng Thiền TRÚC LÂM YÊN TỬ, mang bản sắc nhập thế Đại Việt.
Hình ảnh Vua Trần Nhân Tông qua nét vẽ phục dựng.
Đây là một trong một số bài thơ hay, vua Trần Nhân Tông viết tặng sứ thần nhà Nguyên là ông Lý Tư Diễn, khi ông này chuẩn bị lên đường về nước, kết thúc nhiệm vụ sứ thần “Thiên triều” mang chiếu thư “tha tội”, đồng thời sắc phong vua Trần tiếp tục làm AN NAM QUỐC VƯƠNG…
Vũ Bình Lục
Phiên âm:
TẶNG BẮC SỨ LÝ TƯ DIỄN
Vô lộ uông dương phổ Hán ân,
Phượng hàm đan chiếu xuất hồng vân.
Thác khai địa giác giai hòa khí,
Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần.
Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ,
Thắng như cầm điện ngũ huyền huân.
Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc,
Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.
Dịch nghĩa:
TẶNG SỨ BẮC LÝ TƯ DIỄN
Ơn nhà Hán như mưa móc tràn trề khắp nơi,
Chim phượng ngậm tờ chiếu đỏ, xuất hiện nơi đám mây hồng.
Mảnh đất mới mở rộng cũng có hòa khí,
Kéo sông Ngân Hà rửa sạch bụi chiến tranh.
Mọi người đều bảo tờ chiếu ban xuống chỉ có mươi hàng,
Nhưng hơn hẳn hòa âm của chiếc đàn cầm năm dây.
Trời đất vốn một lòng yêu thương không phân biệt Nam Bắc,
Còn lo gì gặp bước gian truân gió mưa sấm sét.
DỊCH THƠ
I
Ơn tuôn mưa móc khắp nơi nơi,
Chiếu phượng tầng mây ban xuống rồi.
Hòa khí lan đều trên nẻo đất,
Can qua rửa sạch dưới vùng trời.
Chỉ là tờ ngọc lời thưa thớt,
So với đàn cầm giá mấy mươi.
Trời đất thương yêu Nam với Bắc,
Gió mưa cũng đỡ nỗi lo đời.
(TRẦN LÊ VĂN – dịch)
II
Tràn trề mưa móc bệ rồng,
Kia đám mây hồng, phượng ngậm chiếu thư.
Đất này hòa khí có dư,
Kéo sông Ngân, rửa oán thù sạch không.
Chiếu thư chỉ có mươi dòng,
Hòa âm hơn hẳn đàn cầm năm dây.
Trời thương khắp đó cùng đây,
Lo chi sấm sét đêm ngày gian truân!
(VŨ BÌNH LỤC-dịch)
Năm 1288, sau trận chiến Bạch Đằng lịch sử, quân xâm lược Nguyên Mông bị đánh tan tác, nước sông Bạch Đằng nhuộm đỏ máu tươi. Những kẻ may mắn được sống sót tơi tả chạy về nước. Nguyên Soái Ô Mã Nhi và tướng Tích Lệ Cơ bị bắt sống. Tên bại tướng Ô Mã Nhi sau được thả về, nhưng chiến thuyền của hắn chạy ra giữa biển thì bị đắm.
Nghe nói vua Trần Nhân Tông sai Đô tướng thủy quân cực giỏi là Yết Kiêu đuổi theo, lặn xuống biển đục thuyền cho nước tràn vào. Ô Mã Nhi chết đuối.
Sở dĩ có chuyện như vậy, là bởi vì tên tướng giặc Ô Mã Nhi từng đã mấy lần xua quân sang nước ta, gây ra quá nhiều tội ác với dân ta, kể cả việc hắn đã đích thân sai quân lính đào bới lăng mộ tiên tổ nhà Trần ở Long Hưng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay). Vậy nên quân dân Đại Việt rất căm giận tên giặc tàn bạo mang tên Ô Mã Nhi. Phải trừng phạt hắn, nhưng mà phải thực hiện bằng “biện pháp mềm”…
Kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, quân dân Đại Việt quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông ra ngoài bờ cõi, bảo vệ được toàn vẹn non sông gấm vóc của Đại Việt.
Một lần về thăm Long Hưng, trực tiếp chứng kiến quang cảnh khu lăng mộ tổ tiên nhà Trần bị giặc Ô Mã Nhi đào bới tung tóe, bùn đất còn vương bẩn cả mấy con ngựa đá bên lăng, vua Trần Nhân Tông từng viết:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu!
(Xã tắc hai phen khiến ngựa đá cũng vất vả/ Non sông vạn thuở vững âu vàng).
Tuy nhiên, với sách lược “Nội cương ngoại nhu” (trong cứng rắn, ngoài mềm dẻo), nhà Trần vẫn sai sứ sang “Thiên triều” dâng biểu “tạ lỗi”. Năm sau, 1289, vua nhà Nguyên sai Lý Tư Diễn sang nước ta tuyên dụ chiếu “tha tội” và phong tước cho vua nhà Trần như cũ (An Nam Quốc Vương), mặc dù, đấy cũng chỉ là cái việc vạn bất đắc dĩ, nhằm vớt vát thể diện cho nước lớn mà thôi. Ngoài ra, sứ thần nhà Nguyên còn yêu cầu nước ta phải trao trả các tướng lĩnh của họ bị bắt làm tù binh.
Trong một bữa tiệc tiếp đãi sứ “Thiên triều”, Lý Tư Diễn có làm thơ xướng họa. Và đây là bài thơ vua Trần Nhân Tông viết tặng Lý Tư Diễn.
Có điều gì cần lưu ý trong bài thơ này? Ngay ở hai câu thơ mở đầu, tác giả viết:
Ơn nhà Hán như mưa móc tràn trề khắp nơi,
Chim phượng ngậm tờ chiếu đỏ xuất hiện nơi đám mây hồng.
Thế là sao? Lẽ ra phải là “ơn nhà Nguyên” chứ? Nhà Hán có còn đâu nữa? Nhà Hán không còn, nhưng dân Hán vẫn còn đó. Nhà Tống đã bị quân Mông Cổ tiêu diệt, lập ra nhà Nguyên rồi. Nghĩa là, Mông Cổ đã thực hiện được giấc mộng thống trị Trung Hoa. Lý Tư Diễn là sứ thần nhà Nguyên, nhưng ông ta lại là người Hán (tức người Trung Quốc). Nói điều này không thể là chuyện vô tình. Phải chăng, Trần Nhân Tông có ý muốn nhắc nhở thân phận mất nước của Lý Tư Diễn? Ông ta chẳng phải là kẻ đang phục vụ cho bọn thống trị Mông Cổ đô hộ Trung Hoa đấy sao? Chẳng phải ông ta cũng chỉ là một thứ nộ lệ cao cấp đấy sao? Thật là vô cùng sâu xa thâm thúy!
Ông Lý Tư Diễn chắc cũng tinh ý nhận ra cái điều nhục nhã này chăng? Ngoại giao như thế, là kéo gần đối thủ về phía mình, ly gián đối tác với chủ mới của họ. Lý Tư Diễn là một nhà Nho “gốc Hán”, chả lẽ lại không có liêm sỉ hay sao?
Hai câu tiếp theo cũng nhiều tình ý sâu sắc:
Mảnh đất mới mở rộng cũng có hòa khí,
Kéo sông Ngân Hà rửa sạch bụi chiến tranh.
Vậy “mảnh đất mới mở rộng” mà vua Trần Nhân Tông nói đây là mảnh đất nào? Trên kia, Trần Nhân Tông nhắc đến cái gọi là “Ơn nhà Hán”, chẳng qua cũng chỉ là ngôn ngữ ngoại giao đấy thôi, chứ thực ra nhà Hán đối với người Bách Việt của nước Nam Việt hùng mạnh thời Triệu Vũ Đế nói chung, với người Đại Việt sau này nói riêng, thì chúng cũng chỉ là bọn xâm lược, lấn cướp đất đai của người Bách Việt mà thôi.
“Vùng đất mới mở rộng” mà vua Trần Nhân Tông nói ở đây, phải chăng là ông muốn nói vùng đất phía Nam núi Ngũ Lĩnh của người Bách Việt, của nước Nam Việt, vốn đã bị người Hán cướp mất đó sao? Tất nhiên, đất đai của người Nam Việt trong đó có phần đất đai của người Lạc Việt, sau nữa là Đại Việt sau này?
Tác giả khẳng định rằng, “vùng đất mới mở rộng cũng có hòa khí”, nghĩa là nhân dân Bách Việt rất căm giận bọn xâm lược nhà Hán, sẵn sàng chiến đấu đến cùng để giữ lấy đất đai do tổ tiên để lại, nhưng vẫn sẵn lòng hòa hiếu, yêu thích hòa bình, mong muốn các dân tộc chung hưởng thái bình thịnh vượng? Do vậy, chúng ta cũng chỉ muốn “kéo sông Ngân Hà rửa sạch bụi chiến tranh”, để thiên hạ cùng nhau chung hưởng hòa bình đấy thôi!
Hai câu “luận” của bài thơ, tác giả ca ngợi tờ chiếu thư của “Thiên triều” từ trên trời ban xuống, dẫu chỉ có mươi hàng, nhưng nó lại chứa nhiều hòa âm, hơn cả chiếc đàn năm dây của vua Thuấn.
Sách LỄ NHẠC KÝ chép rằng, ngày xưa vua Thuấn làm cái đàn năm dây để ca bài ca “Nam phong”. Bài ca có câu: “Gió Nam hòa ấm có thể giải được sự oán giận của dân ta/ Gió Nam hợp thời có thể làm giàu của cải của dân ta”! Cho nên:
Trời đất vốn một lòng yêu thương không phân biệt Nam, Bắc,
Còn lo gì gặp bước gian truân gió mưa sấm sét!
Đấy là ý tưởng kết thúc bài thơ tặng sứ thần “Thượng quốc”, ông Lý Tư Diễn. Tác giả ngầm nhắc nhở ngài Lý Tư Diễn về cái quyền được sống bình đẳng của các dân tộc trên thế giới nói chung, với phương Bắc (Trung Quốc) và phương Nam (Đại Việt) nói riêng. Đến như ý trời còn vậy, huống chi… Thế nên, mai mốt ngài trở về phương Bắc, còn lo gì gian truân, lo gì cái chuyện “vặt vãnh” gió mưa sấm sét nữa! Trời đất chắc sẽ phù hộ cho ngày trở về cố quốc của ngài được bình an. Chứ còn sao nữa?
Thế mới biết, ngoại giao là một nghệ thuật cao diệu, làm vui lòng người, lại đạt được ý mình, không để tổn hại đến danh dự quốc gia và hơn thế, còn gia cố được các mối quan hệ bang giao, giữ vững được hòa bình. Trong lĩnh vực này, thơ ca có vai trò và thiên chức cực kỳ to lớn là vậy!
Hà Nội 2014