Bài tẩy… Vũ Như Thành…!
Những lần đồng đội của mình mướt mồ hôi ở T&T Cup 2008 là những lần Vũ Như Thành ngồi thu lu ở một góc sân, đóng vai “người quan sát”. Thật ra, Thành đã khỏi chấn thương, nhưng vì Thành là “của hiếm” nên thầy “Tô” quyết giữ bằng được cho AFF Cup vào tháng 12.
1. Một buổi tập của ĐTVN trước thềm Cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh, khi Vũ Như Thành ngã cái… rụi thì ông Calisto rùng mình. Đến khi bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền của ĐT thông báo Thành không không thể ra sân Cúp TP Hồ Chí Minh thì Calisto lo ra mặt. Và đến khi cái Cúp ấy diễn ra, hàng thủ của ĐT rách trước rách sau thì không chỉ mình ông “Tô”, mà gần như tất cả, ai cũng phải thốt lên: nhớ Như Thành.
Phải nhớ Như Thành vì Thành chính là thủ lĩnh của hàng thủ ĐT. Thành hợp với Lê Phước Tứ tạo thành một cặp trung vệ, một cặp trung vệ “chống đối phương” cũng hay mà “phát động tấn công” cũng tốt. Thành cao trên 1m80, nên được gọi là Thành “kếu”. Và chính nhờ thành “Kếu” mà khả năng chống bóng bổng vốn là một tử huyệt của BĐVN suốt bao năm giờ được cải thiện rất nhiều. Thế nhưng Thành không chỉ giỏi chống bóng bổng, mà còn giỏi trong những pha xoạc chân, lấy bóng kỹ thuật rồi phất bóng tấn công rất kịp thời.
Thế nên ở ĐT, hỏi ai mới thực sự là thủ lĩnh, người hiểu việc không bao giờ chỉ về phía Tài Em hay Minh Phương, những người vẫn thay nhau đeo băng đội trưởng, mà lại chỉ về phía Vũ Như Thành. Rõ ràng, hình ảnh và giá trị của Thành ở ĐT đã được khẳng định.
2. Tuy nhiên, cái các mà Thành làm lại cuộc đời để có được một vị trí như hôm nay là cả một câu chuyện dài nhiều tập.
Tập 1 có thể đặt tên là “bi kịch JVC Cup”. Năm 2003, sau khi cùng U.23 VN làm nên chiến thắng lịch sử 1-0 trước Hàn Quốc, Vũ Như Thành cùng các đồng đội về sân Mỹ Đình dự Cúp JVC. Trận bán kết, U.23 VN bất ngờ thua Perak – một CLB thuộc dạng nhàng nhàng của Malaysia với tỷ số 1-2. Thế là mọi vấn đề của ĐT được xới lên, và đã có người tố với ông Riedl là Như Thành bán độ.
Ông Riedl lập tức đuổi Thành khỏi ĐT, và đuổi rồi còn giận Thành đến mức không thèm quay lại nhìn khi anh chào từ biệt. Thế nhưng thực ra hồi ấy ai cũng hiểu rằng Thành bị “chém” theo dạng “tốt thí”, bởi vì ai cũng hiểu ở ĐT lúc đó còn cả một cái dây vẫn được gọi là “dây Sông Lam”, và dây Sông Lam chắc chắn không thể đứng ngoài câu chuyện của Thành. Nhưng hồi ấy, SEA Games 22 đã cận kề, nếu giết cả dây thì ĐT lấy đâu người để dự giải nữa. Vì thế một mình Vũ Như Thành “chết”, và “chết” nặng với việc bị cấm thi đấu 5 năm.
Đến đây thì “tập 1” kết thúc, và “tập 2” là cái tập mà Vũ Như Thành vừa đau vừa ức. Biết mình bị “thí tốt” cả nhà Thành quyết làm to chuyện, thậm chí còn dọa kiện VFF lên CAS (Toà án Thể thao quốc tế). Nhưng chuyện kiện tụng ngày đó vẫn được nhiều người bảo là “con kiến mà kiện củ khoai”. Để rồi khi bản án của Thành từ 5 năm được rút xuống còn 2,5 năm thì chuyện kiện tụng cũng không thấy ai nhắc đến.
2,5 năm Thành chịu án là 2,5 năm anh chán nản. Chán vì CLB chủ quản là Thể Công đã kỷ luật mình… Chán vì người hâm mộ, bạn bè đã nhìn mình bằng con mắt khác. Và chán vì chính mình đã không còn niềm tin vào mình nữa. Thành đi học lái xe và tính giải nghệ.
3. Tuy nhiên, tình yêu bóng đá giống như một mạch máu ngầm vẫn âm thầm chảy trong lòng Vũ Như Thành. Cho nên, sau 2,5 năm mãn án treo giò, Thành trở lại sân cỏ dưới màu áo Bình Dương.
Tại đó, Thành “kếu” đã chứng tỏ được giá trị của mình. Tại đó, Thành “kếu” đã được nhìn nhận là một trong những trung vệ tốt nhất Việt Nam. Và tại đó, Thành “kếu” được gọi trở lại ĐTQG – cái nơi mà trước đó mình đã từng khóc hận.
Bây giờ thì trên tuyển, Thành “kếu” thực sự đã trở thành quân bài tẩy của Calisto. Ông “Tô” lo giữ Thành đến mức dù bác sĩ khẳng định Thành đã bình phục, và đã có thể chơi ngay ở T&T Cup nhưng ông vẫn quyết để Thành nghỉ ngơi, giữ sức cho sân chơi AFF…
Từ một cầu thủ tưởng như đã lãng quên đến một quân bài tẩy, một thủ lĩnh không thể thiếu của ĐTVN, để đi hết cái hành trình ấy, Vũ Như Thành đã phải đổ ra bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu nước mắt, và bao nhiêu nghị lực con người?