Bài học từ “Kiến đảng vĩ nghiệp”

Thứ Năm 08/09/2011 , 10:18 (GMT+7)

“Kiến đảng vĩ nghiệp” không những đạt doanh thu kỷ lục tại bản địa mà còn tạo ra cơn sốt tại nhiều quốc gia khác, đã giúp công chúng có cái nhìn khác về nghệ thuật tuyên truyền.

Poster phim “Kiến đảng vĩ nghiệp”

Bộ phim “Kiến đảng vĩ nghiệp” được thực hiện với mục đích kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thoạt trông qua, ai cũng nghĩ đây chỉ là một sản phẩm nhằm nhắc nhớ một sự kiện chính trị. Thế nhưng, sau khi trình chiếu, “Kiến đảng vĩ nghiệp” không những đạt doanh thu kỷ lục tại bản địa mà còn tạo ra cơn sốt tại nhiều quốc gia khác, đã giúp công chúng có cái nhìn khác về nghệ thuật tuyên truyền.

Bộ phim có thời lượng 120 phút phản ánh giai đoạn u ám nhất trong lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20, đó là khi Phổ Nghi thoái vị năm 1911 đến khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921. Khoảng 10 năm đầy biến động ấy, những người nhen nhóm lý tưởng cách mạng phải chịu bao nhiêu thử thách cam go, bởi giấc mộng xưng đế khốc liệt của Viên Thế Khải và sự thanh trừng đẫm máu giữa các phe cánh.

Rất nhiều nhân vật lướt qua màn ảnh, có đau thương, có tủi nhục, có uất hận, có hy sinh… thiết lập nên một bức tranh sinh động và bi tráng. “Kiến đảng vĩ nghiệp” không áp đặt hay rao giảng bất kỳ điều gì, mà người xem vẫn xúc động và bâng khuâng. “Kiến đảng vĩ nghiệp” phá vỡ cái quan niệm cứng nhắc về những thước phim minh họa lập trường thô thiển mà chúng ta thường thấy. Vậy có thể rút ra bài học gì từ “Kiến đảng vĩ nghiệp”?

Thứ nhất, sự đầu tư nghiêm túc. Nghệ thuật tuyên truyền đích thực phải xem mỗi sản phẩm như một dự án văn hóa. “Kiến đảng vĩ nghiệp” huy động một nguồn kinh phí lớn để tái hiện những cảnh quay tỉ mỉ từ hiện trường đến phục trang tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… Nghệ thuật tuyên truyền nếu trưng bày mớ hổ lốn cờ đèn kèn trống ầm ĩ nhưng nghèo nàn thẩm mỹ, thì không thể có được hiệu ứng xã hội.

Thứ hai, tích cực mời gọi tài năng góp mặt. Hơn 150 nhân vật trong “Kiến đảng vĩ nghiệp” đều được thể hiện bởi những diễn viên lừng lẫy. Hầu như không xót một tên tuổi điện ảnh nổi tiếng nào của Hồng Kông – Trung Quốc vắng bóng ở “Kiến đảng vĩ nghiệp”. Từ Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Trương Gia Huy, Trương Chấn cho đến Trần Khôn, Lưu Diệp, Vương Học Bình, Ngô Ngạn Tổ… đều tham gia vào các vai diễn dài ngắn khác nhau.

Chính thái độ thiện chí của những người cầm cân nảy mực “Kiến đảng vĩ nghiệp” đã khiến hàng triệu khán giả hâm mộ những mỹ nhân như Phạm Băng Băng, Châu Tấn, Đổng Khiết, Lưu Đào, Diệp Tuyền… phải dõi theo bộ phim ngay từ lúc bấm máy cho đến khi phát hành.

Thứ ba, quan trọng nhất, sự dàn dựng công phu. Trên phim lần lượt hiện ra những gương mặt Tôn Trung Sơn, Hồ Thích, Thái Ngạc, Lý Đại Siêu, Chu Ân Lai, Tống Khánh Linh… được chăm chút cẩn thận, đạt đến vẻ đẹp nhân văn. Nghệ thuật tuyên truyền không đồng nghĩa với việc thần thánh hóa người cần tôn vinh.

Suy ngẫm một cách tử tế ba yếu tố trên, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về giá trị của nghệ thuật tuyên truyền. Nếu xem mỗi tác phẩm phục vụ mục đích chính trị đơn giản như một lễ vật “cúng cụ” thì sẽ lãng phí tài lực và trí lực của đất nước. Nghệ thuật tuyên truyền đích thực phải được khẳng định ở một đẳng cấp nhất định, chứ không thể làng nhàng nửa vời tuyên truyền nửa vời nghệ thuật.

Xem “Kiến đảng vĩ nghiệp”, chợt nhớ nhiều bộ phim nhân danh nghệ thuật tuyên truyền ở Việt Nam được làm vội vàng, được chiếu vội vàng rồi đem cất vào kho như những kỷ niệm buồn!

Rate this post