Bài học giác ngộ Lỗ Trí Thâm để lại cho thế gian ẩn trong những dòng tuyệt bút trước lúc viên tịch
Vì sao Lỗ Trí Thâm xuống tóc làm hòa thượng?
Lỗ Trí Thâm là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Thủy hử của Thi Nại Am. Ông tên thật là Lỗ Đạt, biệt hiệu là Hoa Hòa Thượng.
Ông được mô tả là người lực lưỡng, mặt tròn tai lớn, mũi thẳng mồm vuông, hai bên mép có một hàng râu xoăn xoăn, mình cao tám thước(2,4m), vai rộng đầy ôm, cách ăn mặc ra dáng một tay quan võ là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, một trong 36 Thiên Cang Tinh, sao Thiên Cô Tinh.
Lỗ Trí Thâm vốn làm chức Đề hạt ở Kinh Lược Phủ. Nghe cha con Kim Thúy Liên kể chuyện do không thể trả nợ chạy chữa cho cha nên cô bị tay ác bá Trấn Quan Tây Trịnh Đồ ép bán thân gả làm vợ lẽ, Lỗ Trí Thâm nổi cơn thịnh nộ, đưa 2 cha con ít tiền lộ phí và hứa sẽ xử lý việc này.
Trịnh Đồ có một loạt hàng bán thịt lại Đông Kinh. Lỗ Trí Thâm tìm đến với mục đích dạy cho hắn một bài học. Ông đưa ra những yêu cầu oái oăm như bắt Trịnh Đồ tự thái hàng cân thịt toàn nạc và toàn mỡ với xương rồi băm nhỏ. Trịnh Đồ không chịu nổi yêu cầu vô lý nên phản kháng liền bị họ Lỗ cho một bạt tai. Nhịn không nổi, Trịnh Đồ lấy dao ra sống chết với Trí Thâm. Tuy nhiên, với võ nghệ cao cường, Lỗ Trí Thâm nhanh chóng đánh bay dao, khống chế Trịnh Đồ, đè Trịnh Đồ xuống vừa đấm vừa mắng, không ngờ, do quá mạnh tay, Trịnh Đồ vong mạng dưới tay Lỗ Trí Thâm. Biết chuyện chả lành, Lỗ Trí Thâm bỏ trốn.
Trên đường trốn truy nã, Lỗ Trí Thâm tình cờ gặp lại cha con Thúy Liên, hiện đang trong phủ của Triệu viên ngoại. Để giúp Lỗ Trí Thâm, Triệu viên ngoại giới thiệu, ông đến tự viện Văn Thù ở núi Ngũ Đài xuống tóc làm hòa thượng. Vì không còn cách nào khác Lỗ Trí Thâm buộc phải làm theo. Trí Chân trưởng lão đọc câu kệ tặng Pháp danh, rằng: “Linh Quang một điểm, giá trị ngàn vàng. Phật Pháp rộng lớn, ban tên Trí Thâm”. Ông đã có nơi an thân, mai danh ẩn tính sống qua ngày.
Tuy nhiên, Lỗ Trí Thâm ở trong chùa khó giữ thanh quy Phật môn, sau cùng đã đại náo Ngũ Đài sơn, Trí Chân trưởng lão đành phải để ông đi đến chùa Đại tướng Quốc ở Biện Lương, Đông Kinh.
Lỗ Trí Thâm có sức khỏe cường tráng, nhổ bật gốc dương liễu ở trước chùa Trấn Quốc. Lâm Xung thấy thế rất mến, hai người kết làm bạn. Lỗ Trí Thâm làm nhiều ơn nghĩa đối với Lâm Xung. Sau này ông cùng Thanh Diện Thú – Dương Chí, Thao Đao Quỷ-Tào Chính cướp chùa Bảo Châu trên núi Nhị Long Sơn, chiêu nạp hảo hán. Về sau tất cả cùng lên Lương Sơn Bạc. Sau khi bắt sống Phương Lạp, ông và Võ Tòng muốn ở luôn tại chùa Lục Hòa để tu.
Bài thơ kỳ lạ Lỗ Trí Thâm để lại phút cuối đời
Cuộc đời của Lỗ Trí Thâm giống như một vở kịch lớn, một đời nông nổi, một đời trắc trở lênh đênh. Nhắc đến Lỗ Trí Thâm, nếu không phải quyền cước đánh nhau thì cũng là đại náo tứ bề.
Thế nhưng, một hòa thượng dũng mãnh, thô lỗ, ăn thịt, uống rượu, phá vỡ giới luật thanh quy, nhưng đến bước cuối cùng đã biểu lộ ra Phật tính ẩn sâu trong con người, bỗng chốc đại ngộ, đạt thành chính quả.
Lỗ Trí Thâm từng một gậy thiền trượng đánh Phương Lạp ngã ngựa, lập được đại công. Tống Giang khuyên ông hoàn tục làm quan, cưới vợ sinh con, rạng rỡ tổ tông. Trí Thâm nói: “Sái gia lòng đã nguội lạnh, không muốn làm quan, chỉ mong tìm được một nơi thanh tịnh an thân lập mệnh đã đủ lắm rồi”. Tống Giang khuyên ông làm sư trụ trì một ngôi chùa lớn nổi tiếng trên núi, ông lại một mực cự tuyệt, nói: “Không cần đâu! Nhiều nữa cũng vô dụng. Chỉ cần mong được tấm thân nguyên vẹn là tốt lắm rồi, không dám mong cầu gì hơn”.
Biết bao chuyện giết chóc trong quá khứ, bao lần cất cao khúc hát máu và lửa của thời Xuân Thu, giờ đây ông giã từ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang, thứ gì cũng đều không cần, chỉ muốn tìm một nơi thanh tịnh. Đời này không hoàn tục, một thân khoác tăng bào đến phút cuối cùng. Đây chính là Lỗ Trí Thâm, minh mẫn sáng suốt, xuất sắc hơn người.
Một buổi tối đêm Trung Thu, tại chùa Lục Hòa Hàng Châu, Lỗ Trí Thâm nghe thấy tiếng sóng lớn trên sông Tiền Đường như tiếng trống trận rợp trời kéo đến. Tăng nhân trong chùa cho ông biết đó là tiếng triều tín. Trí Thâm bỗng nhớ đến câu kệ mà sư phụ Trí Chân đưa cho mình: “Phùng Hạ nhi cầm, ngộ Lạp nhi chấp, thính triều nhi viên, văn tín nhi tịch“. Quả nhiên mọi chuyện đều đã ứng nghiệm. Ông bắt sống Hạ Hầu Thành, bắt sống Phương Lạp. Trí Thâm vỗ tay cười hỏi ý nghĩa của viên tịch, cười rằng: “Nếu như chết được gọi là viên tịch, sái gia đêm nay ắt phải viên tịch rồi“.
Thế là, ông bèn tắm gội thay đồ, viết ra lĩnh ngộ của mình, đốt một lò hương, xếp bằng đả tọa, viên tịch niết bàn. Câu kệ viết rằng:
“Bình sinh chẳng tu thiện quả
Chỉ thích giết người phóng hỏa.
Chợt tỉnh tháo tung dây thừng vàng
Tới đây giật phăng chiếc khóa ngọc.
Tiền đường nghe sóng triều vang dội
Mới tỉnh ra rằng ta là ta”.
Lỗ Trí Thâm một đời xông pha giang hồ, nay công đức viên mãn, bỗng chốc giác ngộ, tìm thấy con người thật sự của mình, là một sinh mệnh tốt đẹp thuộc về trời, cuối cùng trở về nơi chân chính thuộc về mình.
Từ cuộc đời của Lỗ Trí Thâm, có thể thấy, mỗi người đều có Phật tính, chỉ là đã bị rất nhiều thứ nơi thế tục che lấp mất. Những lời tuyệt bút trước lúc viên tịch của Lỗ Trí Thâm, thứ bị giật đứt là gông xiềng của danh lợi, trói buộc của yêu hận tình thù. “Hôm nay mới biết ta là ta”, đó là đại triệt đại ngộ thật sự!.
Ông là trang nam tử hảo hán đội trời đạp đất, đằng sau vẻ bề ngoài lỗ mãng ngang ngạnh lại là một trái tim tràn đầy từ bi thuần thiện. Không kể vinh nhục được mất, không từ bỏ một cơ hội cứu giúp người, đâu đâu cũng đều vì người khác, trước sau không nghĩ gì về bản thân mình. Những chuyện chịu thiệt về mình ông đều đã chấp nhận, còn những chuyện chiếm lợi riêng cho mình ông lại chẳng tha thiết chút nào.
Một đời của Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm là một chuỗi buông bỏ, cộng thêm không ngừng hoàn thiện bản thân. Hào hiệp như vậy, từ một hòa thượng rượu thịt không giữ thanh quy giới luật đến từng bước, từng bước, bước lên đài sen, tu thành chính quả.
Xem thêm: Giải mã ý nghĩa ẩn sau những chấm tròn trên đỉnh đầu các vị hòa thượng thời cổ đại