Bài hát ra đời từ vẻ ngọt ngào của Đặng Lệ Quân

“Ngọt ngào” được tác giả Trang Nô đặt lời theo cảm nhận của ông về nụ cười, giọng hát của Đặng Lệ Quân (1953-1995).

8/5 kỷ niệm 25 năm Đặng Lệ Quân – danh ca gốc Đài Loan – qua đời. Cô nổi tiếng từ thập niên 1960, có sức ảnh hưởng tại nhiều nước châu Á. Một trong những ca khúc được lan tỏa rộng rãi nhất của Đặng Lệ Quân là Ngọt ngào (Điềm mật mật, thu âm năm 1979), với phần nhạc từ bản dân ca Dayung Sampan của Indonesia, lời Hoa do nhạc sĩ Trang Nô đặt. Theo Appledaily, từ thập niên 1950, bản dân ca nhiều lần được chuyển lời Hoa song phiên bản của Đặng Lệ Quân được lan truyền mạnh mẽ nhất. Trước khi thu âm lời Hoa, Đặng Lệ Quân từng hát ca khúc bằng tiếng Indonesia, nhằm tri ân sự ái mộ của khán giả nước này.

Đặng Lệ Quân hát "Ngọt ngào" (không vietsub)

 

 

Đặng Lệ Quân hát “Ngọt ngào” (không vietsub)

Đặng Lệ Quân hát “Ngọt ngào”.

Trên Sohu, Trang Nô từng tiết lộ khi viết lời cho bản dân ca, ông chưa từng gặp mặt Đặng Lệ Quân, chỉ thấy cô trên truyền hình. Trong ấn tượng của nhạc sĩ, danh ca có gương mặt, nụ cười và giọng hát ngọt ngào. Ông viết lời theo trí tưởng tượng về cô, ca từ hoàn thành trong năm phút. “Nếu không phải vì cô ấy, tôi không viết được những lời như thế. Nếu là người khác hát bài này, ca từ sẽ khác”, Trang Nô nói. Ông tự nhận lời ca khúc đơn giản, không xuất sắc song trùng khớp với những đặc điểm của người hát: “Ngọt ngào, em cười thật ngọt ngào, như hoa nở trong gió xuân. Ở đâu nhỉ, ta từng gặp em ở đâu? Nụ cười của em thân thuộc đến thế, ta bỗng không thể nhớ ra. À, ở trong mơ”.

Ca sĩ Đặng Lệ Quân. Ảnh: Chinatimes.

Ca sĩ Đặng Lệ Quân thuở đôi mươi. Ảnh: Chinatimes.

Tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng cho một số tác phẩm điện ảnh đồng thời được chọn làm nhạc của nhiều phim. Trong Điềm mật mật (Comrades, Almost a Love Story) năm 1996, bài hát được sử dụng xuyên suốt tác phẩm. Đạo diễn Trần Khả Tân cho biết khi viết nửa kịch bản, Đặng Lệ Quân qua đời. Ông nghĩ, cuộc đời danh ca phù hợp chủ đề phiêu bạt của tác phẩm. Phim kết thúc bằng cảnh ngày 8/5/1995, hai nhân vật chính (Trương Mạn Ngọc, Lê Minh đóng) gặp nhau trên phố người Hoa ở New York, cùng đọc tin Đặng Lệ Quân qua đời. Hai người nhìn nhau, bên tai vang lên bài ca năm xưa họ hát cùng nhau ở Hong Kong.

Lê Minh và Trương Mạn Ngọc trong "Ngọt ngào"

 

 

Lê Minh và Trương Mạn Ngọc trong “Ngọt ngào”

Trương Mạn Ngọc, Lê Minh trong “Ngọt ngào”. Video: Youtube.

Phim nổi tiếng khác lấy cảm hứng từ bài hát còn có Điềm mật mật bản truyền hình, do Tôn Lệ, Đặng Siêu đóng chính, ra mắt năm 2007. Bối cảnh phim là thập niên 1980, khi các ca khúc của Lệ Quân còn bị cấm ở đại lục. Nhưng càng cấm, người dân càng muốn nghe. Hai nhân vật chính cũng đến với nhau nhờ bài hát.

Đặng Lệ Quân gia nhập làng giải trí từ giữa thập niên 1960, từng nhiều lần lưu diễn tại Nhật Bản, Hong Kong, các nước Đông Nam Á, Mỹ và Canada. Trên Chinatimes, Quản Vỹ Hoa – quản lý của Lệ Quân thời kỳ đầu – cho biết vào thập niên 1970, thu nhập của Đặng Lệ Quân có thể lên tới 10.000 USD mỗi tháng.

Nổi tiếng khắp châu Á lúc bấy giờ song ca khúc của cô bị cấm ở Trung Quốc đại lục. Năm 1980, Hiệp hội Nhạc sĩ Trung Quốc nhận định ca khúc của Đặng Lệ Quân gợi dục. Điển hình là bài Ngày nào chàng lại đến với ca từ như: “Đời người được mấy hồi say, không hoan lạc bây giờ, đợi đến bao giờ. Đêm nay từ biệt, bao giờ chàng lại đến?”. Ca sĩ còn bị cho là phản động vì một số phát ngôn liên quan chính trị. Đến năm 1985, lệnh cấm được gỡ bỏ, Đặng Lệ Quân bắt đầu xuất hiện trên truyền thông nước này.

Khán giả đặt hoa ở mộ phần Đặng Lệ Quân dịp 25 năm ngày giỗ cô. Ảnh: Weibo.

Khán giả đặt hoa ở mộ phần Đặng Lệ Quân dịp 25 năm ngày giỗ cô. Ảnh: Weibo.

Ca sĩ mất ở Thái Lan vì lên cơn hen suyễn. Xung quanh cái chết của Đặng Lệ Quân còn một số nghi vấn. Theo tờ Shangdu, lúc Lệ Quân phát bệnh qua đời, bạn trai người Pháp không quan tâm tới cô. Khi bị phát hiện ngất xỉu, trên mặt ca sĩ có dấu hằn của bàn tay, điều đó dấy lên nghi ngờ danh ca bị hành hung.

Nghinh Xuân

Rate this post