Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu và áp lực ‘con ông này, cháu ông nọ’

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu và áp lực con ông này, cháu ông nọ - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (ngồi) siêu âm cho một bệnh nhân trong chuyến khám bệnh lưu động cùng nhóm tình nguyện Chia sẻ tình thương mà ông là thành viên – Ảnh tư liệu

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (46 tuổi, đại biểu Quốc hội) nói ông thích ngành tim vì đây là ngành rất logic.

Bản thân ông luôn phải cố gắng, chăm chỉ hơn nhiều vì là con ông Nguyễn Lân Dũng, cháu ông nội, ông ngoại, ông chú của mình, lo nếu mình làm gì không tốt, làm điều không phải thì sẽ làm mất mặt người thân của mình.

Hạnh phúc khi ghi bệnh án từ “khỏi bệnh”

* Vì sao ông lại học và làm bác sĩ tim mạch? Có phải ông Nguyễn Lân Việt (chú ruột bác sĩ Hiếu và nguyên là viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, nguyên hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội) hướng cho?

– Chú Việt nghiêm khắc lắm, đầu tiên chú cấm không cho đi theo ngành tim vì chỉ sợ tôi làm không tốt thì thật không hay.

Ban đầu tôi học về tim mạch người lớn. Đó là năm 1996, khi tôi tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội và nhận được học bổng đi học ở Pháp.

Tình cờ tôi biết về một bệnh viện chuyên chữa tim trẻ em và lần thứ hai được sang Pháp học, họ không bắt buộc là học ở đâu, thế là tôi đã chọn học ở bệnh viện đó về can thiệp tim cho trẻ em.

Điều sung sướng của bác sĩ tim trẻ em là chữa bệnh xong và các cháu khỏi bệnh, mình hạnh phúc khi được ghi vào bệnh án của các cháu dòng chữ “khỏi bệnh hoàn toàn”. Lúc đó cả bác sĩ, gia đình và các cháu đều thật hạnh phúc.

Tôi hạnh phúc khi làm bác sĩ tim trẻ em là vì vậy.

* Vì sao khi ông làm bác sĩ ở viện có chú ruột là viện trưởng, trong nghề cũng đánh giá khả năng của ông về chuyên môn mà ông lại là bác sĩ “chay”, không có chức tước gì cả?

– Tôi vốn không thích chức vụ và rất ngại nếu được ưu ái. Những ngày mới sang Pháp học là những ngày thật quyết tâm. Bốn bức tường đầy những bảng chữ chuyên môn, học thuộc lại viết bảng mới để học.

Vì lúc ấy mình chịu áp lực là con ông Dũng, cháu ông Việt, nếu học và làm không ra gì thì ảnh hưởng đến bố, đến chú.

Thật ra cũng không phải tôi không có chức gì, tôi từng làm phó phòng tim mạch can thiệp của Viện Tim mạch quốc gia. Nhưng năm 2011 khi được biệt phái sang hỗ trợ đơn vị can thiệp tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội thì tôi xin từ chức.

Cho đến nay tôi cũng là người đầu tiên ở viện từ chức, đơn giản vì tôi nghĩ là tôi sẽ phải làm thêm việc ở Bệnh viện Tim Hà Nội, không giúp được gì nhiều cho vị trí phó phòng và nếu chỉ giữ chức để rồi nhận tiền thưởng tính theo thi đua A, B, C thì thật là ngại.

* Trong đời ông có ca bệnh nào thất bại không?

– Tôi không nhớ hết những ca thành công nhưng có những thất bại mình không thể quên được. Kỷ niệm về nghề mà tôi nhớ nhất là ngày tôi đến Ấn Độ và đã làm tới 42 ca can thiệp tim cho trẻ em trong một ngày.

Như vậy thời gian thực hiện một ca chưa đầy 30 phút và tôi đã kiệt sức.

Chưa bao giờ tôi nhận số lượng ca can thiệp nhiều như vậy. Khi mình đã làm xong 15 ca thì bác sĩ Ấn Độ lại mang vào một danh sách dài, nói có thêm các cháu mới đến.

Làm thêm số đó, bác sĩ Ấn Độ lại mang vào thêm một danh sách mới nữa. Tôi từ chối nhưng bác sĩ Ấn Độ vẫn rất tha thiết nhờ, rồi bố mẹ các cháu lại bế con vào. Và thế là tôi lại làm tiếp.

Thật ra trong hoàn cảnh đó thì không có bác sĩ nào có thể từ chối nổi. Nhưng rất may cả 42 ca đó đều thành công.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu và áp lực con ông này, cháu ông nọ - Ảnh 2.

Ảnh: Việt Dũng

Làm chuyên môn hay làm quản lý?

* Ông nói mình không thích chức vụ, vì sao năm 2017 ông lại thay đổi, nhận chức phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội?

– Niềm tự hào của tôi là bác sĩ can thiệp tim bẩm sinh đầu tiên về nước. Sau này nhiều trung tâm ra đời, anh em có thuận lợi hơn là học về tim trẻ em ngay từ đầu, phát triển cũng dễ dàng hơn.

Ở lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, Việt Nam là quốc gia có “số má” đấy. Bạn bè quốc tế giờ nói đến bác sĩ tim bẩm sinh Việt Nam thì ai cũng biết. Ở lĩnh vực mổ tim mở, tỉ lệ thành công hiện cũng rất cao, các cháu bé đã được hưởng thành quả tốt nhất từ các bác sĩ nhiều kinh nghiệm.

Đến nay nước ta cũng đã có gần 20 trung tâm có thể can thiệp và mổ tim trẻ em một cách thành thạo.

Tôi cũng đã góp phần xây dựng Trung tâm tim mạch ĐH Y từ những năm 2001-2002, nay chúng tôi mong muốn nâng trung tâm này lên một tầm mới, vì thế các thầy muốn đưa tôi về đây phụ trách chuyên môn.

Là phó giám đốc phụ trách chuyên môn và góp phần tạo ra xu hướng nghiên cứu một cách bài bản, theo hướng dẫn chuẩn mực từ chuyên môn đến phong cách làm việc, vì ở đây là bệnh viện của Trường ĐH Y nên cần chuẩn mực.

Có thế thôi chứ không phải chức vụ gì ghê gớm đâu.

* Đào tạo một bác sĩ giỏi cần rất nhiều năm, và xu hướng chung người ta không sử dụng bác sĩ giỏi chuyên môn làm quản lý bệnh viện. Như ông giỏi chuyên môn nay đi làm quản lý, lại còn làm đại biểu Quốc hội, trong khi vị trí quản lý bệnh viện thì vẫn có thể có nhiều người làm được mà không cần phải ông làm?

– Từ khi còn trẻ tôi đã chú tâm vào chuyên môn, nhưng năm vừa rồi tôi bắt đầu nghĩ khác. Vì sức mình có hạn, mình cần làm gì tốt cho số đông hơn và khi trở thành đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ nhiều đến vai trò phản biện xã hội.

Nếu chỉ lo cho bệnh viện mình, cho khoa mình, tôi nghĩ sẽ đến lúc mỗi nơi thành một cái gai của quả mít. Ai cũng chỉ cố thu vào phần của mình.

Với vai trò đại biểu Quốc hội, tôi có thể đóng góp ở vị trí phản biện, có thể nói ra những bất công mà tôi biết khá nhiều trong y tế và giáo dục.

Năm vừa qua tôi đã đóng góp được một số ý kiến, nhưng khoảng cách từ mong muốn đến thực tế còn xa lắm, tôi vẫn còn rất nhiều trăn trở.

* Các bác sĩ thường than phiền con họ không theo nghề này vì nghề vất vả. Ông thì sao? Ông có mong ước gì không?

– Ở vai trò đại biểu Quốc hội, tôi nỗ lực để tôi đúng là… đại biểu Lân Hiếu, không để người ta nhầm với đại biểu Lân Dũng (đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII). Như kỳ họp vừa rồi có một chị đã nhầm và gọi tôi là đại biểu Lân Dũng (!).

Như vậy là tôi cần nỗ lực thêm để nói hay phản biện được các vấn đề mới hơn cựu đại biểu Lân Dũng.

Hơn nữa, tôi mong Việt Nam có nhiều bằng sáng chế có giá trị quốc tế, chẳng hạn như nhóm nghiên cứu vừa rồi ở TP.HCM về thụ tinh ống nghiệm.

Ở vị trí của mình, tôi và các bác sĩ đồng nghiệp Thái Lan đang có một công trình chế tạo vật liệu điều trị thông liên thất cho trẻ em. Cứ 100 cháu bị tim bẩm sinh có tới 7-10 cháu phải thông liên thất.

Công trình này đã trải qua khâu thử nghiệm trên động vật và đang được thử nghiệm trên người ở một số nước.

Và một việc nữa là hướng dẫn hai con. Hiện giờ thì chưa có cháu nào thích nghề y, nhưng thời gian vẫn còn dài mà, biết đâu sau này cháu lại thích.

Không bao giờ bỏ nghề

* Ở cương vị bây giờ, ông dành thời gian làm chuyên môn như thế nào?

– Với vai trò bác sĩ điều trị, tôi không bao giờ bỏ nghề. Mỗi tuần tôi vẫn dành 4 ngày cho chuyên môn, trong đó có 2 buổi ở Bệnh viện Bạch Mai, 2 buổi ở Bệnh viện ĐH Y Hà Nội.

Những ca khó ở Hà Nội hay những ca có biến chứng thì anh em cũng thường hay gọi tôi. Mỗi tháng tôi dành 2 ngày ra khỏi Hà Nội, đi hỗ trợ các đồng nghiệp ở địa phương hoặc làm công việc thiện nguyện tại vùng sâu, vùng xa.

Trước đây thì cuối tuần nào tôi cũng đi nhưng giờ tôi giảm còn 2 lần mỗi tháng vì con tôi đã lớn. Cháu lớn đã học lớp 8 và cháu biết nhiều điều, nói chuyện với cháu cũng rất thích. Tôi muốn dành thêm thời gian cho hai con.

Hai mong muốn

Hai mong muốn hiện nay của tôi là mong Bộ Y tế lắng nghe và chuyển việc cấp chứng chỉ hành nghề sang cho các hội chuyên ngành. Hiện Bộ Y tế vẫn nắm việc này và một vấn đề rất đáng lo ngại là chỉ định quá mức.

Hồi xưa chúng ta sợ tìm không ra bệnh, nay lại sợ bị chỉ định quá nhiều xét nghiệm và những thăm dò đắt tiền. Trong khi lại không có ai độc lập và có quyền giám sát hành nghề.

Thứ hai là về đào tạo tại trường y của chúng ta, hiện nay vẫn chưa theo quy chuẩn nào cả.

Rate this post