Bà Huyện Thanh Quan – Nữ danh sĩ tài đức của đất Kinh Kỳ

Sinh ra trên mảnh đất Nghi Tàm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, theo chữ Hán “Hinh” bao gồm “Thanh” và “Hương”, đó chính là tâm nguyện của cha bà – một cựu thần của nhà Lê – mong con gái sau này sẽ để lại tiếng thơm ở đời. Và người con gái kinh thành Thăng Long ấy đã không phụ lòng mong mỏi của cha, tên tuổi Bà Huyện Thanh Quan đã đi vào sử sách bởi tài năng thi phú lỗi lạc, đức hạnh và tấm lòng luôn nhớ nước thương nhà:

“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

-trích bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan-

Giáo sư Dương Quảng Hàm đã từng ca tụng về tài năng thi phú của Bà Huyện Thanh Quan như sau “Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện”. Có lẽ hồn thơ của bà không chỉ bắt nguồn từ cái nôi của gia đình khoa bảng, mà trên hết, chính là từ mảnh đất quê hương bà, làng Nghi Tàm, nơi công chúa Từ Hoa, con gái vua Thần Tông nhà Lý vào thế kỷ XII đã lập trại dạy cung nữ trồng dâu nuôi tằm, hoà mình với đời sống của dân, sau lại đem tất cả những gì mình có để làm công quả, xây dựng chùa Sen Vàng (tức chùa Kim Liên); nơi sau này Chúa Trịnh Giang mở bến tắm, chúa Trịnh Sâm mở các hành cung. Cách đó không xa là xóm Bảo Khánh, tương truyền bà chúa Liễu Hạnh từng dong thuyền ngâm thơ cùng Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại đây, nơi trăng tròn soi bóng, cảnh sắc đẹp đến nỗi không phân định được đâu là mây trời đâu là nước. Chính mảnh đất ngàn năm văn vật đã tạo nên một tâm hồn nhạy cảm đầy trắc ẩn của cô gái Nguyễn Thị Hinh thuở nào, để từ đó, muôn vàn ý thớ, lời thơ như tiếng lòng được viết ra điêu luyện về niêm luật, hàm súc về nhạc điệu.

      “Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”

Tác phẩm “Thăng Long hoài cổ” –  Bà Huyện Thanh Quan

Nếu như thơ Đường Luật của Việt Nam trước kia thường vướng mắc ở chỗ: nghiêng về chữ Hán thì nặng nề, cổ kính, thậm chí có khi tối nghĩa vì những điển cố, nghĩa chữ; hoặc nghiêng về chữ Nôm lại bị quê kệch, chất phác, đôi khi trúc trắc, khó hiểu vì những tiếng không phổ thông, thì nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh đã gỡ bỏ được những vướng mắc này bằng chính cách dùng chữ thật điêu luyện, thần tình. Chẳng thế mà, cố giáo sư Phạm Thế Ngũ đã đưa ra nhận định: “Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được Nữ Sĩ Thanh Quan”. Tuy nhiên, thơ của bà để lại không nhiều, chính thức lưu truyền và được công nhận chỉ có 6 tác phẩm: Thăng Long hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Qua Đèo Ngang, Cảnh Chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu.

leftcenterrightdel

Bài thơ “Chùa Trấn Bắc”  của bà Huyện Thanh Quan

Người ta gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan do bà lấy chồng là ông Lưu Nghi, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, ông làm tri huyện Thanh Quan (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Ông Lưu Nghi đỗ cử nhân năm Minh Mệnh thứ hai (1821). Làm tri huyện một thời gian, vì can án nên ông bị cách chức, sau lại được làm Bát phẩm Thư lại Bộ Hình, sau cùng được thăng lên chức Viên Ngoại lang. Nổi tiếng về tài thi phú nên trong thời gian bà theo chồng làm việc tại Huế, bà được vua Minh Mạng sung vào triều làm Cung trung Giáo tập để dạy học cho công chúa và các cung nhân. Tại đây, bà giao thiệp và để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kẻ sĩ. Trong những năm đầu triều Tự Đức, bà đã xin vua cho làng Nghi Tàm được miễn cống chim sâm cầm, điều này cho thấy một tâm hồn khắc khoải luôn nhớ về quê hương, cũng như lòng yêu thương dân chúng và tấm lòng nhân ái bao la của nữ sĩ tài hoa. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: “Bà Huyện Thanh Quan nổi lên như một tài năng thi ca của nước Việt, của kinh thành Huế ở thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và đặc biệt là vua Tự Đức. Thời gian tại chức bà có nhiều cuộc sướng họa với nhiều danh sĩ trên đất kinh kì, đặc biệt bà là bạn thơ của nữ sĩ Mai Am – con gái của vua Minh Mạng. Những thi phẩm sướng họa, câu nói, của Mai Am về bà Huyện Thanh Quan tới nay vẫn còn được lưu giữ trong Mai Am thi tập”.

Cuộc đời bà Huyện Thanh Quan gắn liền với những thăng trầm của đất nước, cũng chính về thế tâm trạng và hồn thơ của bà mang đậm màu sắc thương nước thương dân, hoài niệm về quá khứ vàng son. Thơ bà như lời tự sự mượn cảnh nói tình, vừa gần gũi vừa mênh mang, và có cả nỗi buồn của sự cô đơn. PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam từng nhận định: “Hơi thơ của bà Huyện Thanh Quan là thơ Nôm nhưng khác biệt ở chỗ hướng về đời sống, hết sức bình dị nhưng sinh động, mượt mà và gần như không có điển tích, điển cố”. Ấy thế nhưng, những câu chuyện về bà lại được biết đến qua các giai thoại, các điển tích, mà ở đó người ta thấy rõ nét một nữ sĩ đa sầu đa cảm, giàu lòng trắc ẩn, tài đức vẹn toàn. Và dù ở áng thơ nào hay ở bất cứ giai thoại nào bà cũng thể hiện sự trang nhã, tinh tế và thanh tao, cốt cách của người Tràng An.

Sau khi chồng qua đời vào năm 1847, bà xin vua cho về quê và cùng các con sống ở làng Nghi Tàm đến cuối đời. Mộ phần của bà hiện nay ở làng Nghi Tàm ngày ngày vẫn có người hương khói. Nữ danh sĩ tiêu biểu cho dòng thơ cổ điển chữ nôm với tấm lòng hoài cổ, lãng mạn, yêu nước thương dân, với sự đoan trang, kiên nghị, không chỉ là tấm gương về lòng trung hiếu mà còn khiến thế hệ sau biết yêu và trân trọng quá khứ của tiền nhân, của gia đình nói riêng và những di sản của cha ông, của thế hệ đi trước nói chung.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 

Rate this post