BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI – TRƯƠNG ĐỊNH | Tự hào Việt Nam

BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI – TRƯƠNG ĐỊNH

      Nam Bộ, vùng đất thấm đẫm huyền thoại 300 năm khẩn hoang mở đất, và những người anh hùng đánh giặc giữ nước khí phách hiên ngang cùng những người dân phồn hậu, chất phát, trọng nghĩa khinh tài làm nên một truyền thống văn hóa văn minh sông nước; mang đậm hương sắc đất và người phương Nam.

     Gò Công, vùng đất địa linh nhân kiệt của phương Nam, nơi sản sinh ra biết bao anh hùng mà tên tuổi còn lưu giữ đến muôn đời sau. Trương Định, một Bình Tây Đại Nguyên Soái từng thống lĩnh ba quân đứng lên tụ nghĩa, lập được bao chiến công hiển hách, làm khiếp vía quân thù trong những ngày đầu thực dân Pháp mới sang xâm lược nước ta cũng đã chọn Gò Công làm nơi dấy binh khởi nghĩa. 

Lần lại những trang sử cũ người xưa chép rằng, Trương Định (Trương Công Định) sinh năm 1820, người xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, nay thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trương Định là con của quan Thủy Vệ Uý Trương Cầm, tỉnh Gia Định. Năm 1844 Trương Định theo cha vào Nam và cưới vợ là bà Lê Thị Thưởng con một nhà hào phú ở làng Tân Phước, huyện Tân Hoà, khi cha mất Trương Định ở luôn quê vợ Tân Hoà.

Về nhân dạng của người anh hùng, sách Lãnh Binh Trương Định của Nguyễn Thông chép rằng: Định dáng mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn giỏi.

Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam – Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay và được bổ chức Phó Quản Cơ của đồn điền. Trong thời gian khẩn hoang, Trương Định đã gặp và cưới bà Trần Thị Sanh là anh em con cô con cậu với Hoàng Hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức), đồng thời cũng là một phú hộ nức tiếng của đất Gò Công xưa.

Tháng 2 năm 1859, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, từ Tân Hòa, Trương Định đưa binh lên phối hợp với quân triều định đánh Pháp. Sau khi thành Gia Định thất thủ, ông cho lui binh về tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi trong các trận Cây Mai, Thị Nghè. Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Trương Định đưa quân hợp cùng với binh tướng của Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi đại đồn thất thủ, ông lui về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến. Kể về ông giai đoạn này, sử nhà Nguyễn chép: Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược.

Sau khi triều đình nhà Nguyễn kí với Pháp hòa ước “Nhâm tuất” vào ngày 5/6/1862 cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp, triều đình yêu cầu Trương Định bãi binh ở vùng đất Tân Hòa và gấp rút nhậm chức lãnh binh An Hà ở tại An Giang. Nhưng nhân dân khắp các tỉnh miền Đông, nhất là tại vùng đất Gò Công vô cùng cảm mến và kính phục ông, cùng chung lòng kêu gọi ông ở lại lãnh đạo nhân dân đứng lên chống Pháp. Cảm kích trước sự tín nhiệm và thương yêu của nhân dân, Trương Định đã khước từ lệnh của triều định và nhận danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên Soái” do nhân dân phong và tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp. Ông tuyên bố: “triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ tổ quốc của chúng ta…Chúng ta sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí, dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước.”

Ngọn cờ Bình Tây đã phất và lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc cũng đã được ban ra, Trương Định từ đây đã thật sự trở thành lãnh tụ của nhân dân lục tỉnh trong những ngày đầu đánh Pháp xâm lược. Ông đã biến Tân Hòa, Gò Công thành trung tâm kháng chiến của cả Nam Kỳ trong những năm 60 của thế kỷ XIX. Từ căn cứ Tân Hòa, nghĩa quân Trương Định liên tục tỏa ra khắp các ngả, tấn công đồn bót địch ở khắp nơi. Từ các trận công đồn Rạch Tra, đồn Rạch Chiến, đồn Bến Lức (Long An), đồn Long Thành (Đồng Nai) đến trận đánh khu pháo binh Pháp ven rạch Gò Công,…Nghĩa quân Trương Định đã làm cho giặc Pháp bao phen khốn đốn, mất ăn mất ngủ.

Đám lá tối trời là tên gọi một địa danh kháng Pháp ở vùng Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), nơi xưa kia từng là chốn dừa nước mọc dày, chen chút rậm rạp trải dài mênh mông qua nhiều xã thôn. Tán của chúng vươn cao, bóng rợp che khuất cả ánh mặt trời, mà khi đi vào vùng đất này người ta cứ tưởng như đi vào ban đêm, nên được gọi là đám lá tối trời. Ở nơi đó lại có sông rạch chằng chịt, đầm lầy dày đặt còn được nối thông với vùng rừng nguyên sinh rậm rạp ở của sông Soài Rạp của vùng Lý Nhơn mà ngày nay thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Chính địa thế hiểm trở này đã tạo cho vùng căn cứ Tân Hòa xưa một cửa hậu chắc chắn, một lối thoát an toàn trong trường hợp bị quân Pháp tấn công. Bởi từ lâu trong con mắt của giới quân sự chính quyền thực dân, Trương Định và căn cứ Tân Hòa là cái gai trong mắt cần phải nhổ bỏ triệt để để diệt trừ mầm mống, hậu họa lâu dài.

Sau khi đã xây dựng căn cứ Tân Hòa thành một trung tâm vững kháng chiến vững chắc, danh tiếng Trương Định ngày càng vang xa và nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ. Trương Định cũng nhận được sự ủng hộ của phe chủ chiến trong triều đình và đông đảo các danh sĩ ở Nam Kỳ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, nhiệt tình ủng hộ. Ông lại được các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Đỗ Đình Thoại theo về tụ nghĩa. Cùng phối hợp tổ chức các trận đánh Pháp, hình thành một mặt trận chống giặc liên hoàn ở 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, làm cho quân số địch suy giảm nghiêm trọng.

 

TS Lê Hữu Phước khi nói về Trương Định đã cho rằng: “Trương Định đã dám dũng cảm chọn cái ái quốc mà chống lại cái trung quân, không phải ai cũng dễ dàng làm được điều đó. Trương Định là người đầu tiên và từ cái nút thắt được Trương Định gỡ bỏ thì các thủ lĩnh nghĩa quân khác ở Nam Kỳ noi gương của Trương Định như là Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương và đã tạo thành một làn sóng kháng Pháp. Cho nên hiệu ứng từ hành động bất tuân thượng lệnh triều đình của Trương Định chính là một động lực để tiếp sức cho những thủ lĩnh nghĩa quân ở Nam Kỳ tiếp tục vươn cao ngọn cờ chống Pháp, mà lúc này chống Pháp cũng có nghĩa là chống luôn triều đình Phong kiến bạc nhược đã thỏa hiệp với Pháp.”

Trước sức mạnh và khí thế ngày càng gia tăng của nghĩa quân Trương Định, đầu năm 1863, Chính phủ Pháp đã gửi sang Việt Nam 2 lữ đoàn lính thủy quân lục chiến. Đô đốc Jaures từ Thượng Hải cũng tiếp viện thêm một tiểu đoàn khinh binh Bắc Phi, nửa tiểu đoàn bộ binh Algerie và nửa đội pháo binh. Ngoài ra còn có sự tham gia của 800 lính Tagal đến từ Philippines. Viện binh đến, Amiral Bonard buộc vua Tự Đức phải gấp rút phê chuẩn thi hành hiệp ước Nhâm Tuất, để triều đình Huế không còn chính thức giúp đỡ Trương Định. Ngày 7/2/1863 Bonard ra tuyên ngôn kết tội Trương Định, ông hứa thưởng 10.000 quan tiền cho ai giết được Trương Định.

Ngày 26/2/1863, sau khi được tăng cường 7 chiến hạm và nhiều tàu chiến khác, quân Pháp do tướng Chaumont chỉ huy bắt đầu tấn công tổng lực quy mô lớn từ nhiều hướng tràn vào trung tâm kháng chiến Tân Hòa. Thấy thế giặc mạnh, thủ lĩnh Trương Định lệnh cho nghĩa quân rút qua rừng Lý Nhơn để bảo toàn lực lượng tiếp tục cuộc chiến đấu dang dở. Hay tin, ngày 25/9, quân Pháp bất ngờ tập kích căn cứ Lý Nhơn, Trương Định cùng nghĩa quân thoát về căn cứ đám lá tối trời truyền hịch kháng chiến, làm dấy lên làn sóng đánh Tây sôi nổi ở các vùng Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Chợ Lớn và vùng giáp ranh Biên Hòa. Làm cho giặc Pháp càng sốt ruột, ra sức truy tìm ông.

Ngày 20/8/1864, do có tên phản bội Huỳnh Công Tấn dẫn đường, quân Pháp tràn vào và bao vây nghĩa quân Trương Định tại đám lá tối trời. Trong lúc hỗn chiến, Trương Định bị thương nặng, biết không thoát được, ông trở gươm đâm thẳng vào bụng tuẫn tiết khi mới 44 tuổi. Cái chết của anh hùng Trương Định là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân ta lúc bấy giờ.

Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã tiết thương viết về một tấm gương yêu nước trung liệt bất khuất của anh hùng Trương Định như sau:

Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt

Thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân

Đất Gò Công cây cỏ ủ ê

Cảm niệm thần tử hết lòng trung ái

Xưa còn làm tướng vóc rạng ngời hai chữ Bình Tây

Nay thác theo Thần nên dân hộ một câu phúc thán.

 Ngày hay tin Trương Định tuẫn tiết, vua Tự Đức đã sai người ban chiếu truy tặng ông Phẩm hàm. Vào năm 1871, lại cho lập đền thờ tại quê nhà Tư Cung, Quảng Ngãi. Nhân dân Gò Công cũng lập đền thờ ông ở cả Gia Thuận nơi ông mở đất kháng chiến và ở thị xã Gò Công nơi chôn cất thi hài ông.

Võ Minh Chiến.

 

Tài liệu tham khảo

Bộ sách “Hào kiệt đất Phương Nam”, NXB Kim Đồng

“Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861” Leopold Pallu – Hoàng Phong dịch

“Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến” NXB Chính trị Quốc gia

“Những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” Vũ Chân Thư

 Khởi nghĩa Trương Định – Nguyễn Phan Quang, Lê hữu Phước

https://thuvienlichsu.com/nhan-vat/truong-dinh-282 

 

 

 

Rate this post