BBC Vietnamese

13 phạm nhân liên quan vụ án Nam Cam được VN đặc xá, trong đó có nguyên thứ trưởng công an Bùi Quốc Huy.

Báo điện tử Việt Nam Net dẫn lời thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm nói ngày hôm nay rằng những người này trong quá trình giam giữ, có sự ”ăn năn hối cải, tiến bộ.”

“Thứ nhất, những người này có mức án thấp. Thứ hai, trong quá trình cải tạo có ăn năn hối cải, tiến bộ. Một số gia đình trong diện có công với đất nước, có huân chương, huy chương kháng chiến.”

Cũng trong danh sách liên quan vụ Năm Cam được ân xá có ông Dương Minh Ngọc, nguyên trưởng phòng cảnh sát hình sự công an TP HCM. Ngoài ra còn có ông Nguyễn Thập Nhất, nguyên trưởng phòng kiểm sát giam giữ cải tạo VKSND Hà Nội.

Trong các phạm nhân liên quan vụ Năm Cam cư ngụ tại TP. HCM và được ân xá lần này còn các ông: Trần Văn Chính, Lê Minh Hùng, Lê Thanh Mão, Lương Cẩm Huy, Lưu Hồng Lâm, Hứa Văn Em, Nguyễn Thị Thủy, Ngô Quang Vinh và Nguyễn Văn Tài.

Ông Bùi Quốc Huy, 60 tuổi, là Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh từ năm 1990.

Năm 1996, ông được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Công an TP. HCM, sau đó trở thành thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam năm 2001, phụ trách công tác xây dựng lực lượng.

Sau những tiết lộ về sự liên quan đến đường dây ‘xã hội đen’ Trương Văn Cam (tức Năm Cam), năm 2002, ông bị cách chức thứ trưởng và giáng cấp từ trung tướng xuống thiếu tướng.

Đến tháng Hai 2003, ông bị tước danh hiệu công an nhân dân, và thôi cấp hàm thiếu tướng.

Theo kết luận của cuộc điều tra vụ án Trương Văn Cam, ông Bùi Quốc Huy, khi làm giám đốc công an TP. HCM, đã “không chỉ đạo, tổ chức biện pháp đấu tranh có hiệu quả, để tội phạm có tổ chức xảy ra trong một thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”

Trong thời gian điều tra, Hồ Việt Sử – một thành viên trong nhóm Năm Cam – khai là đã cho con trai ông Huy làm phó giám đốc một công ty Bowling liên doanh với Công an TP. HCM.

Bị cáo Hồ Việt Sử cũng khai rằng năm 1996-1997 đã đưa số tiền 22000 đôla cho vợ ông Huy đi chữa bệnh ở Singapore.

Tại phiên tòa xử vụ án Trương Văn Cam cuối năm 2003, ông bị khép tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và nhận bản án bốn năm tù giam.

Hai cán bộ cấp cao khác của Sở Công an TP. HCM là Dương Minh Ngọc, trưởng phòng cảnh sát hình sự, và Nguyễn Mạnh Trung, phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, cũng nhận án tù trong vụ Năm Cam.

Vụ điều tra đường dây tội phạm Trương Văn Cam khi đó được xem là sự kiện phanh phui mạng lưới tội phạm có tổ chức lớn nhất tại Việt Nam.

Nhiều quan chức thuộc các ngành công an, viện kiểm sát nhân dân, báo chí bị đưa ra xét xử với cáo buộc liên quan vụ án.

Trong đợt ân xá cho 8235 tù nhân đang thi hành án lần này, có một số bị can trong các vụ án kinh tế lớn. Trong đó, có phạm nhân của vụ án Dệt Nam Định và vụ Tân Trường Sanh.

Hai nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam, linh mục Nguyễn Văn Lý và bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng được đặc xá.

………………………………………………………………………………………..

Huy, Hoa Kỳ
Hình như ông Cừu non không đọc kỹ bài của chú Bộ đội. Chú Bộ đội nói là những Cán bộ đảng đi tù sướng chứ không phải dân đen. Xin ông Cừu non đọc lại.

Cừu non
Gửi anh Bộ đội: Đi tù sướng thế à? Sao dân nghèo không tìm cách vào tù ngồi để đỡ cảnh khổ? Thôi đừng có tự lừa dối mình, khó nghe quá, anh bộ đội ơi.

Bộ đội
Sau vụ thả các quan chức ra, thiết nghĩ không cần bình luận gì về luật pháp VN. Việc sớm thả các ông này ra, người ta đã biết ngay từ lúc tuyên án, gần hai năm qua, ngồi trong tù, nhưng thật ra họ còn sướng hơn ở nhà (giường nệm, máy lạnh, tắm nước nóng, với đủ mọi tiện nghi).

Bình, Hà Nội
Tôi thấy quá bất bình qua việc ân xá vừa rồi. Nếu là những người trốn thuế, buôn lậu, thậm chí mang tội đâm chém, nếu cải tạo tốt thì ân xá cho ho con đường làm lại cuộc đời. Còn đối với những người như ông Huy, ông Thập Nhất, đường đường là người nắm giữ pháp luật mà lại phạm luật, thì tội rất nặng. Nặng hơn Năm Cam nhiều.

Ngày xưa ra ngõ gặp anh hùng, ngày nay ra ngõ gặp quan tham. Đất nước này rồi sẽ đi về đâu?

Isamu
Tôi vốn là người không thích a-dua, việc gì biết thì nói, không biết thì không lên tiếng. Từ lâu vẫn luôn theo dõi những thảo luận của BBC về tất cả các vấn đề liên quan đến những chuyển biến kinh tế, chính trị, xã hội của Việt nam. Là một thế hệ sau của đất việt, nên có cái nhìn của một người của một thế hệ mới.

Tôi đã từng sống trên cả 3 miền của đất nước (Bắc, Trung, Nam) và hiện nay tôi đang ở mảnh đất miền Nam này. Có nhiều điều mắt thấy tay sờ, và tiếp xúc với nhiều công việc “hành” là chính (hành chính) của các vị ngồi mát ăn bát vàng. Sự căm phẫn là điều không thể tránh khỏi. Vụ việc ân xá lần này, tôi cũng như bao nhiêu người khác cảm thấy sự bức xúc đến tột đỉnh. Nhưng, chúng ta nhưng thanh niên trẻ của Việt nam chỉ có thể nói mà chưa làm điều gì thực tế để cải tạo mỗi chúng ta, từ đó mới mong cải tạo được những con người trên.

Lớp trẻ chúng ta, ai cũng lo cho tương lai của mình, nhìn đến cuộc sống đầy đủ của các nước tiến bộ trên thế giới hoặc ngay sát Việt nam mà cảm thấy tủi hổ. Nhưng chúng ta cũng ko nên nói nhiều quá!

Giờ tôi thử hỏi, nếu những lớp quan tham hiện nay được thay thế bằng lớp thanh niên trẻ kế cận như chúng ta thì liệu chúng ta làm được gì? Những người trẻ tuổi là con của những gia đình tham quan đó có kế tục “sự nghiệp” của cha ông họ hay không? Nếu các bạn muốn thay đổi tình trạng hiện nay của xã hội, thì cần thay đổi cách nghĩ của những người trẻ tuổi! kia, từ đó để họ dám nhìn thẳng vào sự thật. Nếu không thì mãi vẫn thế thôi, lớp quan tham này về vườn, thì lại có quan tham khác lên thay. Cái khổ chỉ có người dân nghèo, thấp cổ bé họng thôi.

Dân Việt
Nhân kỳ ân xá này tôi xin được chia sẻ sự an ủi với gia đình của các nhà tranh đấu nhân quyền được trả lại tự do. Riêng tôi cảm thấy tủi hổ cho thân phận người dân Việt Nam sống trên đất nước của mình, có khác gì khuyển mã trong nhà, chủ gọi thì tới, chủ đuổi thì đi, muốn bỏ tù thì kết tội, muốn thả thì gọi là ân xá như thế.

Chắc gì các vị này đã được yên thân, nay mai muốn bắt lại thì vẫn được thôi. Chỉ vì nói lên quyền sống, lẽ công bằng, tự do của con người mà cá nhân họ đã phải vào tù ra khám suốt một đời, có phải chính quyền CSVN cũng đang u mê trong cái vòng lợi danh và sự “sợ hãi nhân dân” của họ nên đã xử dụng quyền hành điên cuồng như thế?

Tôi cũng muốn đặt dấu hỏi còn những Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Trí Quang và bao nhiêu những người dân thắc mắc đến nhân quyền bị tù đãy thì đến bao giờ mới được những người cai trị dân “ân xá”? Hãy thức dậy lương tâm của những người từng lên tiếng ca ngợi chính quyền cộng sản Việt Nam.

Nguyen Tuong, Đồng Nai, Việt Nam
Đặc xá kiểu này là một tin vui cho các quan chức đang hàng ngày vơ vét của công, than nhũng hối lộ. Tôi nghe một nhà văn phát biểu rằng ‘Nhân đạo với chó sói là vô nhân đạo với con cừu’.

Nam, Hà Nội
Các bác có ý kiến nhiều quá. Riêng em thì em nhận xét như thế này: chế độ nào cũng vậy, cái thằng có tiền là nó có thể mua được đủ thứ. Cho nên các bác nếu có nhỡ vi phạm pháp luật mà vào tù nhưng mà nhiều tiền thì được các cán bộ giám thị cung phụng như vua. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Khuyến có 2 câu thơ: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ? Đời trước làm quan cũng thế a?

An Nam
Trước khi tòa tuyên án cũng đã có cái gọi là “án bỏ túi”. “Án bỏ túi” là một khái niệm mới trong từ điển Việt Nam, Chúng ta phải làm rõ khái niệm này thì sẽ hiểu được mọi việc khác và các bạn thấy rất đơn giản.

Ở các tòa án nước ngoài thì sau khi tranh tụng, bào chữa xong thì tòa sẽ nghị án để tuyên, còn ở VN thì ngược lại, tòa sẽ nghị án trước để có cái gọi là án bỏ túi. Sau khi bào chữa tranh tụng xong, thì tòa sẽ rút tờ nghị án ra và tuyên. Cái án bỏ túi đó được chỉ đạo từ trên, được trả giá (theo đúng nghĩa đen), được thỏa thuận từ trước.

Tại sao ở VN lại có án bỏ túi, chính vì ở VN mọi thứ rất lằng ngoằng, Pháp luật được định ra là dành để tuyên và xử cho những người dân đen thôi. Còn các vị quan chức thì những quan hệ dạng Anh Ba, Anh Tư .v.v còn trên cả luật pháp nữa. Chính vì vậy, trước khi dùng luật pháp thì phải xử lý mối quan hệ trước rồi hợp thức hóa bằng luật pháp. Án bỏ túi là giải pháp hợp lý nhất.

Vì vậy, việc Ông Bùi Quốc Huy được tuyên án nhẹ và ra tù sớm cũng không ngoài những gì đã thoả thuận trước. Nếu không, vụ án chắc không dừng lại ở Ông Huy. Hiểu và nắm vững được quy luật thì các bạn sẽ thấy mọi chuyện thật hợp lý.

KTT
Việc đặc xá như vậy không còn là sự ân xá nữa. Mà trở thành sự dung túng mà thôi. Làm sao chống được tham nhũng trong nội bộ bây giờ?

Thính giả ẩn danh
Sự kiện này cho thấy chính sách khoan hồng của Đảng thật là bao la và nhân dân thật là nhỏ bé biết bao. Nhân dân là cái quái gì mà đòi hỏi, ý kiến.

Hiền Minh, Hà Nội
Làm đến thứ trưởng mà dung túng xã hội đen hoành hành, chỉ lãnh có bốn năm tù đã là quá nhẹ. Nay chưa ở được hai năm đã được ân xá, không sợ mất lòng tin của dân chúng hay sao?

TS, Hà Nội
Trời đất, quan chức đưa ra xử đã có sắp đặt rồi, nhưng rồi sau một vài lần ân xá, đặc xá thì lại hoà cả làng. Thử hỏi ai mà không muốn vào Đảng rồi lên chức, và tất nhiên có ít nhiều phải dính đến tham nhũng. Sau đó sẽ đi lễ chùa cầu khẩn để khỏi bị lộ.

Mà “chiếc nón kỳ diệu” quay vào đâu thì chỗ đó khui ra tham ô, tham nhũng. Nhưng tỉ lệ phát hiện cũng nhỏ, chắc gì đã vào mình. Mà chẳng may có dính vào pháp luật, thì coi như ” hi sinh đời bố củng cố đời con”. Mức hy sinh của bố cũng không đến nỗi: án thì nhẹ. Rồi chờ một vài lần đặc xá, ân xá.

Nguyễn Bình, Virginia, Hoa Kỳ
Ông Bùi Quốc Huy bị kêu án năm 2003 (4 năm tù) vì liên quan vụ Năm Cam, ở “nhà mát” mới có 2 năm nay, nay lại được hưởng “đặc xá”. Tôi đã từng viết trên diễn đàn này rằng cán bộ Đảng chức vụ càng cao thì càng khó bị buộc tội, vụ BQH này chỉ là một trong hàng ngàn ví dụ của chân lý này thôi. La lối chống tham nhũng to mồm nhưng chẳng làm được gì cả vì bè cánh, phe đảng, giây mơ rễ má đã ăn quá sâu từ trên xuống dưới rồi, ai có thể thực thi pháp luật một cách công minh để trừng trị tham quan?

Còn những người kêu gọi tự do báo chí, phế bỏ guồng máy độc tài và dựa vào dân để chống tham nhũng cho có hiệu quả thì bị bỏ tù hàng chục năm, có bao giờ được đặc xá nhanh chóng như cán bộ Đảng đâu? Lưu ý rằng những người đối lập được “đặc xá” như các ông Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Đình Huy và Huỳnh Văn Ba đã phải ở tù hàng mấy chục năm nay mới được trả tự do.

Năm 1980 khi ở tù vượt biên tại Tiền Giang, tôi đã từng chứng kiến cảnh tù tội của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, suốt ngày phải ngồi trong xà lim, hai chân duỗi thẳng và bàn chân bị cùm vào một cây sắt xỏ ngang những chiếc còng khác dành cho các tù khác. Mỗi ngày chỉ được dẫn đi tiêu tiểu một lần, ba ngày tắm gội một lần. Cổ chân của Bác Sĩ Quế cũng như của các tù chính trị khác đều đỏ mọng lên vì chỗ bị còng luôn làm da non không thể lành được.

Lúc đó (khoảng 1982) cũng có một số cán bộ Đảng tham ô (cấp tỉnh) bị bắt vào nhà giam nhưng họ chỉ ở láng C mát mẻ, được phép thăm nuôi thường xuyên và chơi cờ nằm võng cả ngày còn sướng hơn cả những người quản lý trại giam. Cán bộ Đảng tham ô đều biết rằng họ luôn có được cái ô dù của Đảng che chở nên dù có ăn cắp ăn cướp bao nhiêu tiền bao nhiêu đất của dân thì rốt cuộc tệ lắm là chỉ đi nghỉ mát vài năm rồi về hưu dưỡng già.

Phó thường dân
Chính quyền hiện nay cho thấy rõ hành động bao che cho những người xấu trong chính quyền. Nhiều cán bộ là đảng viên phạm tội nặng hơn người khác, nhưng được xử nhẹ. Đã vậy còn được giảm án.

 

 

Rate this post