Anh hùng Tô Vĩnh Diện trong hồi ức người Trung đội trưởng
Trong cuộc hành trình lên Tây Bắc, địa danh Điện Biên Phủ là điểm đến quan trọng nhất đối với tôi. Việc đầu tiên của chúng tôi là viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ. Nghĩa trang thuộc phường Mường Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam. Đây là nơi yên nghỉ của những người con anh hùng dân tộc, những chiến sỹ trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Họ nằm đó như biểu tượng một thời oanh liệt.
Một phần Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện trong nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ
Đến từng ngôi mộ, tôi thắp nén nhang thơm cho các anh. Tổng thể nghĩa trang có 644 ngôi mộ, nhiều ngôi mộ chưa được khắc tên, đó là những ngôi mộ của những chiến sỹ vô danh… Dừng chân bên ngôi mộ lớn, với tấm bia khắc tên Anh hùng Tô Vĩnh Diện, lòng tôi trào dâng bao cảm xúc. Cảm xúc về người anh hùng đã quên thân mình cứu pháo còn in đậm trong tôi từ ngày là học sinh. Và hình ảnh đó càng đậm sâu khi tôi được trò chuyện với Đại tá Trần Quốc Chân, nguyên là Trung đội trưởng của Tô Vĩnh Diện trong dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống pháo cao xạ Việt Nam. Câu chuyện dần hiện về trong tôi như thể tôi được chứng kiến hành động anh hùng của Tô Vĩnh Diện.
Tranh minh hoạ mô tả hành động anh hùng của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện trong giây phút hiểm nguy quên mình cứu pháo.
Tranh minh hoạ mô tả hành động anh hùng của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện trong giây phút hiểm nguy quên mình cứu pháo.
Ngày đó, trên đường kéo pháo ra, Đại đội 827 bắt đầu đưa pháo xuống dốc. Đây chính là Dốc Chuối, đoạn dốc cao nhất, mặt dốc hẹp lại cong, nghiêng tới 70 độ. Trung đội trưởng Trần Quốc Chân mặc chiếc áo mưa lộn mặt vải trắng ra ngoài, đi trước làm mục tiêu dẫn đường. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện và pháo thủ Nguyễn Văn Chi trực tiếp bắt tay lái càng khẩu pháo đầu tiên xuống dốc. Pháo thủ Ước, Đài, người cầm gỗ chèn bánh pháo, người đánh mõ làm hiệu lệnh. Ba sợi dây kéo pháo từ đỉnh dốc giòng xuống thẳng căng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đang cố sức bấm chân, ghìm chặt. Theo tiếng mõ và nhịp thở, khẩu pháo nhích xuống dần…
Nhưng pháo vừa xuống được nửa dốc, đường kéo pháo bỗng lóe lên những ánh chớp xanh lẹt. Đạn pháo địch rót tới nổ chát chúa. Cành cây bị mảnh đạn phạt gẫy kêu răng rắc. Chỉ cần một ít người mất bình tĩnh, buông tay khỏi dây kéo pháo, khẩu pháo sẽ lao ngay xuống vực. Hàng quân kéo pháo đã có người bị thương. Nhưng cả dòng người vẫn bám chắc dây kéo pháo, không ai rời vị trí.
Lại một loạt đạn pháo nữa của địch giội xuống. Bỗng “phựt”! Dây tời chính đứt. Hai sợi dây hai bên với hàng trăm cánh tay đang bám chắc, vẫn không đủ sức giữ khối thép nặng trên hai tấn lao xuống dốc. Những tiếng thét “Ghìm lại! Ghìm lại!” vang lên xen với tiếng đạn nổ. Nhiều chiến sĩ ngã nhoài. Đồng chí Tiết cầm chèn đuổi theo pháo, lao vào chèn bánh xe tới ba, bốn lần, nhưng khẩu pháo vẫn chồm qua, làm anh mất đà, ngã xuống, Nguyễn Văn Chi bị càng pháo quật ngã xuống vực. Chỉ còn một mình Tô Vĩnh Diện với chiếc càng pháo nặng đang quật lên, quật xuống như con voi dữ, kéo lê cả một dòng người theo sau.
– Không rời pháo! Cứu lấy pháo!
Tô Vĩnh Diện nhanh chóng lợi dụng một gốc cây làm bàn đạp, nhoài hẳn người gần như nằm trên mặt dốc để đẩy mạnh chiếc càng pháo vào vách núi. Khẩu pháo nghiêng hẳn về một bên, đứng sững lại. Nhưng một chiếc bánh xe của khẩu pháo đã đè hẳn lên người anh!…
Cả dòng người xúm lại, đẩy ngược khẩu pháo lên để cứu Tô Vĩnh Diện. Chính trị viên tiểu đoàn Phạm Đăng Ty cúi xuống nắm chặt đôi bàn tay đang lạnh dần của anh. Nhưng anh chỉ còn thoi thóp thở. Trước lúc nhắm mắt, anh chỉ kịp hỏi một câu: “Pháo… có… việc… gì… không?”!
Tấm gương anh hùng của Tô Vĩnh Diện đã góp phần quan trọng trong việc khích lệ tinh thần chiến đấu của hàng chục ngàn chiến sĩ Điện Biên ngày ấy. Là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần quả cảm của quân và dân ta trên mặt trận Điện Biên. Đó là sức mạnh vô song làm nên một “thiên sử vàng” của dân tộc.
Tấm gương anh hùng của Tô Vĩnh Diện đã góp phần quan trọng trong việc khích lệ tinh thần chiến đấu của hàng chục ngàn chiến sĩ Điện Biên ngày ấy. Là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần quả cảm của quân và dân ta trên mặt trận Điện Biên. Đó là sức mạnh vô song làm nên một “thiên sử vàng” của dân tộc.
Khẩu pháo ngày nào vẫn còn đó, nó đã được công nhận là bảo vật quốc gia và đặt trang trọng trước cửa Bảo tàng Phòng không-Không quân. Khẩu pháo đã cùng với Đại đội 827 bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương 13 máy bay địch, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
60 năm đã qua đi, hình ảnh Tô Vĩnh Diện quên thân mình cứu pháo, vẫn còn in đậm trong trái tim tôi và mỗi người dân Việt Nam như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xả thân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Bài, ảnh Lương Kiên Cường