Anh hùng Nguyễn Thành Trung: “Tôi day dứt vì không được chiến đấu lấy lại Hoàng Sa!”
Khi hạ cánh an toàn, người ông nghĩ đến đầu tiên là ai?
– Tôi nghĩ đến ba tôi. Trước khi cất cánh,nghĩ đến ba tôi mới đi được. Nói thật, trước khi bay cũng dằn vặt lắm. Đi hay không đi, mình không đi chẳng ai làm gì mình. Hình ảnh ba tôi hiện về trong khoảng thời gian đó khiến tôi quyết tâm đi không chần chờ nữa.
Trong chiến tranh, có rất nhiều người chết thảm. Mình là đấng trượng phu, làm sao giảm bớt sự chết chóc đó, và chỉ có cách chấm dứt cuộc chiến. Mà kết thúc cuộc chiến thì có người vui, có người buồn. Cuộc chiến nào cũng vậy, đằng nào cũng có người thắng, người thua. Nhưng chúng ta không thể đánh nhau mãi được.
Người thắng thì thế nào, người thua thế nào, đừng gây hận thù với nhau nữa, đó là việc mà chúng ta cũng phải nghĩ. Dân mình khổ như thế, hy sinh như thế, tại sao cứ phải chọc vào nỗi đau đó làm gì?
Có chi tiết ném bom xong, về sau ông thở phào khi biết được không có ai thiệt mạng…
– Trong chiến tranh, chết chóc là chuyện thường. Tôi sống ở nông thôn khi còn nhỏ đến lúc lớn lên nên thấy dân chết vì nhiều điều vô lý lắm. Trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ, làm gì thì làm, đừng để người dân chết oan.
Khi tôi ném bom vào Dinh Độc Lập, ném vào chỗ hiểm để chế độ Sài Gòn sụp đổ cho nhanh, chứ không phải muốn giết cá nhân ông Thiệu, hay một ai khác. Tôi rất sợ bom rơi khiến nhiều người chết. Tôi nghĩ, mình phải báo cho người ta biết trước để tản ra. 2 quả đầu tiên tôi cố ý ném ra ngoài sân cho người ta chạy. Tòa nhà bự vậy sao không ném trúng được?
Còn lại 2 quả, ném vào dinh nhưng chỉ cho nổ 1, làm sập cầu thang. Ném xong mới thở phào, cuối cùng tôi đã làm xong việc nung nấu từ quá lâu rồi!
Có người nói tôi bắn hụt vì sợ bị phòng không của VNCH bắn lên. Nhưng nếu sợ thì tôi phải sợ từ lúc tham gia tình báo, từ lúc lừa chỉ huy lái máy bay vào Dinh ném bom kia. Tình thế khi đó rất nguy hiểm, may mạng lớn không chết. Khi vào dinh bị bắn như mưa cũng không chết. Khi về hạ cánh, sân bay rất nhỏ, cũng không sao.
Hồi nhỏ tôi hơi khác bạn bè. Họ vô tư, mà trong lòng tôi lúc nào cũng ưu tư, nặng trĩu. Sau này, những việc cần làm tôi đều tính toán kỹ và vạch sẵn.
Tính toán kỹ thế mà nhiều khi vẫn không làm được. Đó là khi tôi nhận ra, dân khổ vì lỗi của mình, của người khác, những cái sai cộng vào càng làm dân khổ mà không biết phải làm sao.
Còn chuyến ném bom thứ 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất?
– Khi chuẩn bị đi vào Sài Gòn để đánh Tân Sơn Nhất, tôi chắc 9 phần chết, 1 phần sống. Hỏa lực, máy bay đầy trời. Lúc đó, tôi dẫn đường cho 4 phi công, những người do tôi đào tạo cấp tốc trong mấy ngày để sử dụng máy bay A-37 và không có ai rành đường bay này bằng tôi cả.
Thật may mắn vì chúng tôi quay trở về an toàn. Người đầu tiên tôi gặp là tướng Lê Văn Tri, ông ôm tôi không nói tiếng nào và bật khóc. Tôi rất cảm động vì phút giây ấy. Giây phút rất thật của một vị tướng lo cho lính của mình.
Lúc đó, Cách mạng rất cần tiếng bom của tôi. Đó là tiếng bom vô giá thay đổi đại cục. Bởi thế, trước khi đi, ông Phạm Hùng (Bí thư T.Ư Cục miền Nam thời đó – NV) sợ tôi còn lừng chừng. Ổng có nói: “Thôi cậu đi đánh như thế, có chuyện gì vợ con cậu ở nhà bọn tớ lo, sẽ đưa 1.000 lượng vàng cho vợ cậu sinh sống”.
Tôi nói không nên như thế. Nếu đưa tôi 1.000 lượng vàng thì tôi không đi. Làm như thế có khác tôi bán thân để lấy vàng! Tôi không làm. Đã làm thì không lấy 1 xu!