Ái Vân từng giúp bộ đội thoát đói ở chiến trường
Đổi 2 gùi bí, cà lấy tấm ảnh
Tháng 8.1974, sau hai tháng huấn luyện ở Long Đại, H.Quảng Ninh (Quảng Bình), một hôm nghe còi báo động hành quân, vẫn như mọi khi, cả đại đội nhanh chóng xếp quân trang, quân dụng, chạy ra sân tập trung.
Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 7 có 100 tân binh, đều là người Quảng Bình, cùng nhập ngũ ngày 5.6 và hầu hết đều là học sinh. Ngày tôi nhập ngũ là ngày các bạn thi tốt nghiệp phổ thông (hệ 10 năm). Đại đội trưởng Chù (tôi đã không còn nhớ họ nhưng nhớ ông người Thái Bình) phát lệnh hành quân rồi dẫn đầu, Đại đội phó Quýnh (nhớ ông vì có bộ râu quai nón đặc trưng) khóa đuôi. Đi chừng 5 km lên đường 15 (thuộc hệ thống đường Trường Sơn), chúng tôi được đưa lên xe tải. Không ai nói với ai nhưng tất cả đều hiểu, mình vào nam. Xe chạy một lúc, tôi xé trang sổ viết mấy chữ. Viết xong gói vào cái túi ni lông, bỏ chiếc bút máy vào, buộc lại. Đến cầu Mỹ Đức của H.Lệ Thủy (Quảng Bình) thì ném xuống đường. Bỏ chiếc bút máy vào là hy vọng có người trông thấy để nhặt. Thời đó bút máy Trường Sơn rất quý.
Tôi viết: “Mạ ơi, con vào nam chiến đấu. Chiến thắng con sẽ trở về. Nhớ mạ và các em nhiều”. Dưới có câu tái bút: “Ai nhặt được thư này xin chuyển cho mạ tôi là Lê Thị Vy, đội 5, HTX Lộc An, xã An Thủy. Cây bút xin tặng lại cho các em đi học. Ký tên: Nguyễn Thế Thịnh”.
Tự truyện Ái Vân – Để gió cuốn đi: Về với Thúy Nga Paris
Những ngày ở xứ người, tôi thèm hát, thèm biểu diễn khủng khiếp. Ngờ đâu một ngày tôi đến được với Thúy Nga Paris, từ đó tôi được thỏa sức ca hát trên xứ người.
Sau này tôi mới biết có người đã mang bức thư đến cho mạ tôi, có luôn cả cây bút Trường Sơn. Cuối năm 1974, ở nhà nghe tin tôi hy sinh ở chiến trường (thực ra lúc đó tôi bị thương ở chân, bất tỉnh, máu ứa ra mũi, ra tai, một anh đồng hương lớn tuổi ở đơn vị phối hợp nhìn thấy, nhưng đơn vị anh vội trở về vị trí đóng quân nên không biết thực trạng của tôi sau đó. Khi được ra bắc học sĩ quan, anh kể thế nào đó mà cả nhà tôi đều nghĩ tôi đã hy sinh). Ba tôi lúc đó đang làm Chính ủy Tuyến Thống nhất (đơn vị tương đương một sư đoàn nhưng chỉ được trang bị xe đạp thồ) vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực vào nam. Mỗi đêm, sau công việc đồng áng và dọn dẹp, khi 6 đứa em tôi ngủ thì mạ ngồi ở bậu cửa quấn thuốc lá ngọn đốt liên hồi. Hút xong điếu nào lại dán con sâu thuốc lên tấm phên khiến nó trở thành một bức tranh kỳ dị. Trên tay mạ lúc nào cũng là lá thư của tôi, trong đó có câu: “Chiến thắng con sẽ trở về”.
Vào địa phận rừng Quảng Nam – Quảng Ngãi thì chúng tôi bắt đầu đi bộ. Mỗi chặng là một binh trạm, mỗi binh trạm cách nhau chừng 15 đến 30 km tùy đường khó ít hay khó nhiều. Đến Binh trạm 39 thì đơn vị được lên xe, sang đất Attapeu của Lào. Chúng tôi ăn dè xẻn phần gạo mang theo trong từng bao tượng chiến sĩ, đến ngày thứ ba thì bắt đầu đói. Trong lúc chờ liên lạc với trên, đơn vị cắt cử người đi hái rau rừng và săn thú.
Một hôm, đến phiên “tổ tam tam” của tôi (có thêm Thân Trọng Bình, sau này dạy ở Học viện Âm nhạc Huế và Nguyễn Thanh Sinh thì đã hy sinh), vào rừng tìm thực phẩm. Suốt ngày không thấy bóng thú, trời thì đã xế chiều. Trên đường quay về nơi đóng quân, tổ phát hiện một đoàn người Lào đi rẫy về bèn kêu từ xa, đại ý chúng tôi là bộ đội VN. Hôm đó có 5 người gùi ba cái gùi đầy bí, cà, bắp (ngô)…
Chúng tôi lúng túng không biết làm sao, tiền thì không có, xin thì “không được đụng đến cái kim sợi chỉ của nhân dân”… Nghĩ mãi, 3 đứa mới cởi 3 cái áo may ô mặc lót ra, nói đổi. Nói và vung tay múa chân một hồi họ đồng ý đổi 3 cái áo lấy một gùi. Mấy khi gặp được dân có thực phẩm thế này mà một gùi thì phí quá, ba đứa hội ý mãi… Một lúc sau tôi mở ví, đưa ra cái ảnh. Không ngờ cả 5 người Lào xúm lại chuyền tay nhau rồi ăng ô một lúc, có vẻ rất thích thú. Xong, họ đổ cả hai gùi còn lại xuống đất, tức đồng ý đổi tất cả các thứ trong hai gùi lấy cái ảnh. Chúng tôi mừng còn hơn bắt được vàng. Cái ảnh đó là ảnh chị Ái Vân.
Sắm ví để ảnh “chị Nhung”
Hồi đó ở miền Bắc, bộ phim Chị Nhung rất nổi tiếng, đến mức phim chiếu bãi ở xã nào chúng tôi cũng đi. Cứ nghe loa: “Hôm nay Đội chiếu bóng lưu động số 8 phục vụ bà con phim Chị Nhung, phim truyện chiến đấu của VN”, cơm nước xong là co giò chạy. Xem đến thuộc cả lời thoại, vẫn xem. Chị Ái Vân đóng vai Nhung.
Thanh niên thời bấy giờ ai cũng cố sắm một cái ví, trong chẳng có tiền bạc gì nhưng phổ biến là để ảnh của chị Ái Vân (phim Chị Nhung) hoặc ảnh chị Trà Giang (vai nữ công an trong phim Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn). Ảnh do Nhà xuất bản Văn hóa in bán ở hiệu sách.
Đi chiến trường C, D (Lào – Campuchia), theo nguyên tắc đến binh trạm cuối cùng trên đất VN là phải gửi các loại giấy tờ, văn hóa phẩm cá nhân cho các anh cán bộ khung quay ngược ra bắc, nhưng tôi đã giấu đi mang theo ảnh Chị Nhung – Ái Vân. Rỗi là mang ra, anh em xúm lại ngắm, ngắm vẻ đẹp của Chị Nhung rồi kể lại chuyện phim và kỷ niệm về các buổi xem phim. Thủ trưởng lúc đó không còn “hắc xì dầu” nữa mà ngắm luôn!
Tự truyện Ái Vân – Để gió cuốn đi: Bị đồn thổi đóng phim con heo
Những ngày đầu sang trại tị nạn ở Đức, Ái Vân chịu đủ mọi áp lực về tinh thần nhưng đỉnh điểm vẫn là câu chuyện bị đồn đóng phim con heo.
Hôm sau, tuy chưa đến phiên nhưng tổ tôi xung phong đi tìm thực phẩm. Và tất nhiên tìm đến chỗ cũ vào giờ đó. Trong túi tôi còn có một quyển lịch tay (loại nhỏ xíu thông dụng ở miền Bắc thời đó). Sổ có những dòng ngang rất nhỏ sau ngày tháng để ghi chú, nhưng quan trọng là cái bìa lịch in ảnh màu chị Thanh Loan (diễn viên chính trong phim Người về đồng cói). Chị Thanh Loan cũng rất đẹp nhưng vẻ đẹp dịu dàng, chị Ái Vân thì đẹp kiêu sa (là chúng tôi nghĩ thế. Mà cũng đúng thôi, chị Vân đóng vai người Sài Gòn, chị Loan đóng vai nông dân đồng cói miền Bắc). Đưa ảnh ra, bà con không cần nói, đổ 3 gùi bí, rau xuống đất. Rồi họ bàn bạc gì đó rất lâu. Xong, đổ tiếp gùi nữa (hôm đó có 6 người gùi 4 gùi). Tôi là đứa biết tiếng Lào khá nhất trong “tổ tam tam” nên múa mãi cũng có thể tạm hiểu ý, bảo hôm qua đáng lẽ cái ảnh đó đổi được 3 gùi nhưng vì một gùi đã đổi áo, hôm nay bù cho một gùi.
Vậy là ảnh chị Ái Vân 3 gùi, chị Thanh Loan 3 gùi.
Cầm cự đến 5 ngày sau thì có thuyền máy xuôi sông Sekong chở nhu yếu phẩm đến và đơn vị được lệnh hành quân về Stung Treng (Campuchia). Năm 1975, đơn vị tiến về tham gia giải phóng Pleiku, Buôn Ma Thuột.
Đọc tự truyện của chị Ái Vân đăng trên Thanh Niên, lại được nghe chị trò chuyện trực tiếp trên Thanh Niên Online, thấy cuộc đời chị quá nhiều truân chuyên, từng biến cố cuộc đời đều gắn với bi kịch của một giai đoạn lịch sử, nên nghĩ, mình có kể ra chuyện này chắc chị cũng không trách. Cứu được một người đã là công đức vô lượng, huống chi chị đã từng giúp cứu đói cho rất nhiều người.
Cả chị Thanh Loan cũng thế.
Tự truyện Ái Vân – Để gió cuốn đi: Chồng giả – chồng thật
Ngay từ cuối năm 1990 đã rộ tin đồn những người không đủ tiêu chuẩn tị nạn nhân đạo sẽ bị hồi hương cưỡng bức. Dân “vượt tường” như Ái Vân ai nấy nhớn nhác, lao xao và lo sợ.