Ác mộng người đóng thế

ANTĐ – 5 năm liền Latif Yahia sống trong sợ hãi bởi người đàn ông mà mình phải đóng thế là Uday Hussein, người con trai khét tiếng của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Câu chuyện về người đàn ông có số phận trớ trêu này đã được tiết lộ năm 1997 nhưng mãi đến năm 2003, khi chính quyền Iraq sụp đổ, nó mới được biết đến rộng rãi. Và mới đây, bộ phim dựa trên chuyện đời thực này đã được khởi chiếu trên toàn thế giới.

Ác mộng người đóng thế ảnh 1
Uday Hussein (trái) và Latif Yahia (phải) giống nhau đến mức khó phân biệt

Uday Hussein (trái) và Latif Yahia (phải) giống nhau đến mức khó phân biệt

Đầu tháng 8-2011, bộ phim “The Devil’s Double” (dựa trên cuốn tự truyện cùng tên tạm dịch là “Thế thân cho quỷ”) công chiếu tại nhiều nước. Là một trong những bộ phim hiếm hoi lấy bối cảnh là đất nước Iraq thời loạn lạc, bộ phim dựng lại câu chuyện có thật về Uday Hussein, người con trai khét tiếng của cựu Tổng thống Saddam Hussein và Latif Yahia, người bị buộc trở thành người đóng thế – bia đỡ đạn cho Uday. Thế nhưng, nhân vật ngoài đời thực – Latif Yahia, năm nay 46 tuổi trong một khách sạn ở London nhận xét: “Bộ phim chỉ là 20% sự thật. Đạo diễn không muốn đưa mọi thứ lên phim vì họ không muốn làm một bộ phim kinh dị”. Người đàn ông này cho biết, lần đầu tiên xem phim, 3-4 ngày liền ông không ngủ được. Những nỗi ám ảnh trong gần 5 năm kinh hoàng luôn dội về.

Lời đề nghị đáng sợ

Vì điều kiện kinh tế gia đình khá giả, Latif Yahia, sinh năm 1964 đã được học ở các trường tốt nhất của Iraq. 15 tuổi, Latif đã trở thành bạn cùng lớp với Uday Hussein. Quyền lực của người cha khiến Uday trở nên đáng sợ với mọi người xung quanh. Latif Yahia nhớ lại, Uday đi chiếc siêu xe Porsche đến trường, đỗ ở sân tập bóng rổ, lúc nào cũng lớn tiếng và tỏ vẻ bất cần. Có lần anh ta đưa bạn gái đến trường, một giáo viên nhắc nhở và từ đó người giáo viên mất tích. Latif Yahia vào học công nghệ tại Đại học Baghdad nhưng lại “chạm mặt” Uday, vì thế mà chuyển sang ngành luật.

Năm 1987, đơn vị của Latif Yahia nhận được công văn yêu cầu sỹ quan Yahia phải có mặt tại một cung điện ở Baghdad trong vòng 72 giờ. Cuốn tự truyện của Latif Yahia xuất bản năm 2003 có đoạn: “Khi tôi đến, tôi được đưa đến gặp Uday Hussein, con trai lớn của Saddam. “Tôi muốn ông là fiday của tôi”. Trong tiếng Ảrập, fiday có nghĩa là đóng thế hay chắn đạn. Tôi không hiểu. “Anh muốn tôi là vệ sỹ?”, tôi hỏi lại. “Không, cơ quan tình báo nói rằng chúng ta rất giống nhau, vì thế tôi muốn bạn làm người đóng thế”. “Nếu từ chối”- Uday nói –  “Anh có thể quay về đơn vị. Chúng tôi không có vấn đề gì cả”. Đó là một lời nói dối. Ngay sau khi tôi rời khỏi cung điện, bảo vệ của anh ta đã ném tôi vào thùng xe và đưa thẳng vào tù. Buồng giam đều được sơn một màu đỏ nhức mắt và nhắc nhở đến máu. Phòng màu đỏ cũng là nơi biệt giam  những người không tuân lệnh”.

… “Họ giữ tôi trong tù một tuần trước khi Uday hỏi tôi một lần nữa. Lần này anh ta dọa sẽ “hỏi thăm” đến các cô em gái của tôi, khi đó còn rất nhỏ. “Tôi sẽ làm nhưng hãy để cho gia đình tôi được yên”. Và khi đó mọi việc mới chỉ là bắt đầu.


Tập làm người khác

 Chấp nhận vai trò người đóng thế, Latif Yahia bắt đầu chương trình đào tạo đặc biệt để sao cho giống Uday. Trong 6 tháng, Yahia phải xem các đoạn video về cảnh Uday đi bộ, khiêu vũ, lái xe, nói chuyện, hút xì gà, uống rượu Scotch. “Tôi phải học cả cách thô lỗ với mọi người, như anh ta”. Thậm chí, sau khi được phẫu thuật chỉnh hình, sửa lại hàm răng, Latif Yahia đã đập gương khi lần đầu tiên thấy mình giống hệt Uday Hussein, con trai cả của Tổng thống Iraq, nhưng đã quá muộn.

 Yahia lần đầu xuất hiện công khai trong vai trò người đóng thế Uday là tới tham dự một trận đấu bóng đá, khi mà mọi người xung quanh đều biết con trai Tổng thống. Hôm đó, khi quay trở lại biệt thự, Uday nói: “Giờ Latif Yahia không còn tồn tại nữa”. Yahia còn tham dự các bữa tiệc đông người hay đến động viên binh lính ở mặt trận Kuwait. Suốt những năm tháng nguy hiểm này, Yahia đã may mắn sống sót qua 11 âm mưu ám sát, rất nhiều vệ sỹ riêng của Latif cũng đã thiệt mạng.

Yahia khi thì đóng giả Uday, khi thì tháp tùng anh ta tới London, Geneva, Paris. Khi nào cần mua một bộ đồ, nhãn hàng ưa thích là Christian Dior hay Yves Saint Laurent, Uday luôn chọn 2 bộ: một cho chính mình, một cho Yahia. Trong những năm “hợp tác”, Uday đưa ra một nguyên tắc: “Đừng chạm vào cô gái của tôi”. Có lần, Yahia vào tù 21 ngày chỉ vì một cô bạn gái anh ta nói rằng Yahia quyến rũ cô. Khi được thả ra, Uday tặng cho Yahia một chiếc Mercedes như thể để xin lỗi. Yahia có ba biệt thự, 6 xe hơi, có tiền và có gái đẹp nhưng vẫn sợ. “Tôi sợ Uday sẽ giết tôi. Tôi sợ sẽ phải chết thay Uday”.


Quá khứ không ngủ yên

Với Yahia, Uday là kẻ ăn chơi tàn bạo, hư hỏng và khi nổi đóa thì mọi chuyện khó kiểm soát nổi. Uday thậm chí còn đánh đến chết một quản gia mà Saddam Hussein yêu quý do say rượu năm 1988, sau đó phải tạm lánh ở Geneva một thời gian. Latif Yahia kể: “Tôi thường trông thấy những cảnh tượng hãm hiếp, tra tấn, giết người. Việc tra tấn cực kỳ dã man một khi Uday ra tay. Một lần, tôi đang ngồi trong văn phòng Ủy ban Olympic Iraq, cha của một cô gái đã bị Uday hãm hiếp được đưa vào. Cô ấy chính là Hoa hậu Baghdad. Vì người cha muốn tố cáo với Tổng thống Saddam nên Uday tìm cách trả thù. Anh ta yêu cầu tôi bắn vào đầu ông già nhưng tôi từ chối. “Tôi ra lệnh cho anh – bắn ông ta”, Uday nói. Tôi đã chộp lấy con dao và cắt cổ tay mình trước mặt anh ta. Anh ta bị sốc. Tôi được đưa tới bệnh viện và rồi Uday không bao giờ đòi hỏi tôi bắn bất cứ ai nữa”.

 Năm 1990, Latif Yahia đã quyết định bỏ trốn. Ngày định mệnh đã đến, Uday tới Kuwait và bị bắn. Kỳ thực, người bị thương nặng là Yahia. Dù trúng đạn ở đầu và ngực nhưng ông đã trốn thoát với sự giúp đỡ của CIA và được cấp tị nạn chính trị ở Vienna, Áo. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News HARDtalk năm 2009, Yahia coi Uday Hussein “tồi tệ hơn một kẻ tâm thần”. 5 năm sau khi rời Iraq, Latif Yahia đã phải điều trị và tư vấn tâm lý do luôn gặp ác mộng từ quá khứ.

“Năm 2003, tôi xem tin tức trong văn phòng ở Manchester, Anh thì biết tin Uday, 39 tuổi đã bị lính Mỹ giết. Cầm cốc cà phê trên tay, tôi đã tức giận ném nó vào tivi. Tôi không muốn nhìn thấy Uday bị giết. Tôi muốn hắn ta phải bị xét xử trước tòa. Tôi muốn đòi công lý”, Latif Yahia tâm sự. Latif Yahia giờ đi về giữa Bỉ và Pháp với người vợ Karen gốc Ireland và cô con gái Dina 9 tuổi, bởi không quốc gia nào đồng ý để ông định cư lâu dài. Vả lại, Latif Yahia lúc nào cũng cảm thấy không yên, thường xuyên thay đổi chỗ ở do lo sợ bị trả thù vì đã nói lên sự thật.

Rate this post