Nguyễn Phong Sắc – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam | Tạp chí Tuyên giáo
(TG) – Trong suốt chiều dài lịch sử của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, đã có rất nhiều người con ưu tú, chí sĩ yêu nước, những tấm gương anh dũng trọn đời hy sinh vì nước vì dân. Nguyễn Phong Sắc (tên thật là Nguyễn Đình Sắc) là một trong những nhân vật tiêu biểu đó. Thuộc lớp những chiến sĩ cộng sản từ thời dựng Đảng, là một trong những thành viên đầu tiên của Chi bộ Cộng sản Bắc Kỳ và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Nguyễn Phong Sắc có cống hiến to lớn đối với sự ra đời và phát triển trong thời kỳ đầu hết sức khó khăn, gian khổ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Những bài báo của Xứ ủy Trung Kỳ cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân – Đông Sớ – Nghệ An trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Ảnh tư liệu
SỚM ĐÓN NHẬN LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG
Từ khi còn nhỏ, được người cậu ruột dạy dỗ, rồi học Trường Tư thục Công Ích, tuổi ấu thơ của Nguyễn Đình Sắc đã được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước của gia đình, đặc biệt là tấm gương anh dũng của người cha, được hấp thu giá trị văn hóa tiêu biểu của những mảnh đất kinh kỳ. Lớn lên, chứng kiến nỗi khổ cực của nhân dân và sự dã man của thực dân Pháp các chiến sĩ cách mạng đã hun đúc trong tâm khảm Nguyễn Đình Sắc ý chí đánh đuổi thực dân tàn bạo, giải phóng dân tộc. Là trí thức giàu lòng yêu nước, Nguyễn Đình Sắc sớm tìm hiểu các tác phẩm của Môngtex-ki-ơ, J. Rút-xô… Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở trường Bưởi, Nguyễn Đình Sắc đã từ chối không nhận học bổng đi du học ở Pháp.
Nguyễn Đình Sắc làm việc ở Sở Tài chính cùng với nhóm bạn thân từ khi còn học ở trường Bưởi, là Trần Quang Huyến ở phố Công sứ Mi-ri-ben, Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ) ở làng Láng, Trịnh Bá Bích đang sống ở phố Bạch Mai. Chính từ những người bạn này, Nguyễn Đình Sắc đã được biết về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tổ chức tiền thân của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tìm hiểu về Hội và được đọc các sách báo cách mạng như Le Paria, ĐườngKáchMệnh…., Nguyễn Đình Sắc càng nhận thức rõ lý tưởng tốt đẹp của con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc
Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Sắc là một trong 11 người đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng của người trí thức yêu nước. Đồng chí lấy tên mới – Nguyễn Phong Sắc – mang ý nghĩa của ngọn gió mới, chứa đựng khát vọng đầy nhiệt huyết của người trí thức yêu nước đã được giác ngộ. Từ đây, cuộc đời đồng chí gắn liền với thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng rất vẻ vang trong lịch sử dân tộc – thời dựng Đảng
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc sinh ngày 1/2/1902 ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), vùng đất kinh kỳ “địa linh, nhân kiệt”, có bề dày lịch sử nghìn năm, là nơi hội tụ văn hóa, kết tinh văn minh dân tộc. Cha của ông là Nguyễn Đình Phúc tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục (1907) rồi bị đầy đi Côn Đảo 5 năm.
LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN BẮC KỲ VÀ HÀ NỘI
Sau khi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia gieo hạt giống cách mạng và xây dựng các tổ chức Thanh niên ở Hà Nội. Ngôi nhà của gia đình đồng chí ở 152 Bạch Mai trở thành cơ sở cách mạng, là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc họp Tổng bộ và Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ. Từ những cơ sở đầu tiên ở gia đình và họ hàng, bạn bè thân thiết, Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí đã phát triển cơ sở và hội viên đến những địa điểm khác trong các ngõ xóm của nhân dân lao động. Đồng chí còn góp một nửa số tiền lương hàng tháng để giúp việc in ấn, mua sách báo, tài liệu cho tổ chức.
Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Hà Nội được thành lập gồm 3 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Với hoạt động tích cực của Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí của mình, Hà Nội là một trong những nơi xuất hiện tổ chức Thanh niên sớm nhất, có tổ chức vững chắc và hoạt động sôi nổi, góp phần quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; từ đó xây dựng và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở một số tỉnh Bắc Kỳ.
Tới năm 1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội đã phát triển từ 11 hội viên lên khoảng 200 người, nhưng thành phần chủ yếu vẫn là tiểu tư sản thành thị, các thành phần khác như công nhân, nông dân còn ít. Trong khi đó ở Hà Nội, Việt Nam Quốc dân Đảng xây dựng lực lượng khá mạnh và tăng cường hoạt động tranh giành ảnh hưởng quần chúng. Trước tình hình đó, ngày 28/9/1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã họp Đại hội đại biểu lần thứ nhất bàn về vấn đề vô sản hóa và tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở của Hội. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong ba đại biểu của Tỉnh bộ Hà Nội đi dự. Tại tại Đại hội này, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ.
Thực hiện chủ trương của Đại hội, trên cương vị là Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Ủy viên Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc tích cực chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Tháng 4/1929, tại số nhà 68 Nam Đồng, Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật tiến hành Đại hội, kiện toàn tổ chức và thảo luận phương hướng hoạt động mới theo chủ trươngvô sản hoá.Đại hội bầu lại cơ quan lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ, Nguyễn Phong Sắc vừa tổ chức chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Hà Nội tích cực thực hiện phong trào vô sản hóa vừa trực tiếp gây dựng cơ sở ở nhiều nơi như nhà máy Đèn Bờ Hồ, xe lửa Gia Lâm, ga Hàng Cỏ, các làng Xuân Đỉnh, Ngọc Hà, Thịnh Hào, Yên Lãng, Khương Thượng…. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào Thanh niên ở Hà Nội, Bắc Kỳ có sự phát triển nhanh chóng và tác động đến phong trào trong phạm vi cả nước.
Sang năm 1929, tổ chức của Thanh niên đã có bước phát triển mạnh, riêng ở Bắc Kỳ đã có hơn 900 hội viên trong tổng số 1500 hội viên Thanh niên trong cả nước(1). Tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội đã phát triển thành hệ thống, phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ theo xu hướng vô sản. Thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng ở Bắc Kỳ và cả nước làm cho tổ chức Thanh niên không còn đáp ứng yêu cầu của phong trào, đòi hỏi phải phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, cương lĩnh rõ ràng hơn, phương pháp hoạt động đúng đắn mới có thể lãnh đạo đưa phong trào tiếp tục phát triển theo con đường cách mạng vô sản.
THAM GIA SÁNG LẬP CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN VÀ ĐÔNG DƯƠNG CỘNG SẢN ĐẢNG
Nhận thức đòi hỏi khách quan và xu thế phát triển của cách mạng, tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong Ban lãnh đạo của Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã bí mật họp ở số nhà 5D Hàm Long, thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước, gồm 8 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc.
Hội nghị thành lập Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã thảo luận và thống nhất nhận định về việc lập tổ chức cộng sản này chỉ là hạt nhân để xây dựng Đảng Cộng sản sau này; cần thiết phải thay thế vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bằng một chính đảng của giai cấp vô sản. Tuy nhiên, vấn đề thành lập ngay Đảng cộng sản hay chưa và thành lập như thế nào có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm hữu khuynh cho rằng, chưa có đủ điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản; nhưng cũng có quan điểm tả khuynh cho rằng cần thành lập ngay Đảng Cộng sản, giải thể tổ chức Thanh niên.
Nguyễn Phong Sắc nhận thấy những điểm hạn chế trong cả hai quan điểm và đề nghị với các đồng chí trong Kỳ bộ là muốn giải quyết mâu thuẫn đó, phải đặt quyền lợi chung cách mạng, của dân tộc lên trên. Đồng chí tán thành về việc thành lập Đảng Cộng sản, nhưng khi chưa có Đảng Cộng sản, thì các hội viên Thanh niên cần nghiêm chỉnh thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội, vì lúc này tổ chức Thanh niên vẫn có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh cần phải tiếp tục tích cực tuyên truyền yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thợ thuyền, dân cày, trí thức và đẩy mạnh vô sản hóa. Cuối cùng, Đại hội đi đến thống nhất quan điểm cần thành lập chính đảng vô sản và vận động Đại hội Thanh niên sắp tới tán thành thành lập Đảng. Tại Đại hội, Nguyễn Phong Sắc tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Sau Đại hội, đồng chí phụ trách công tác tuyên truyền và huấn luyện, tham gia tích cực chuẩn bị văn kiện của Đảng Cộng sản.
Việc thành lập Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long – chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước đã cho thấy tư duy sắc sảo và sự nhạy bén chính trị của Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí trong chi bộ. Tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước, Nguyễn Phong Sắc đã trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên ở Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Phong Sắc – từ trí thức yêu nước trở thành một người chiến sĩ cộng sản ưu tú tiên phong, một cán bộ cốt cán, kiên trung trong phong trào cách mạng.
Ngày 28/3/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đi dự Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp tại đồn điền Kim Đái, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Đại hội thảo luận và tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu 4 đồng chí trong Chi bộ Cộng sản đầu tiên làm đại biểu đi Đại hội đại biểu thanh niên cả nước do Tổng bộ triệu tập họp ở nước ngoài. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu được phân công dự thảo Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được giao nhiệm vụ đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tuyên truyền thành lập Đảng.
Ngày 1/5/1929, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khai mạc tại Hương Cảng. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị giải tán Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để thành lập Đảng Cộng sản nhưng không được chấp nhận.
Lúc này, ở trong nước phong trào cách mạng đang phát triển cao theo xu hướng vô sản. Tiêu biểu cuộc bãi công dài ngày từ 28/5 đến 10/6/1929 của công nhân A-vi-a do đồng chí Ngô Gia Tự lãnh đạo đã thắng lợi rực rỡ, thể hiện sự phát triển của phong trào công nhân ở trình độ giác ngộ và tổ chức cao hơn hẳn những cuộc đấu tranh trước đó của công nhân Bắc kỳ.
Trước yêu cầu của việc thành lập chính đảng mạnh, có đủ khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng, ngày 17/6/ 1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), các đại biểu của chi bộ 5D Hàm Long đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và điều lệ của Đảng. Tuyên ngôn nêu rõ đường lối của Đảng là làm cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hành công nông liên hiệp. Hội nghị đã nhất trí bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, trong đó đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Thường vụ. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước phát triển và đẩy nhanh quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản. Sau Hội nghị, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã đến ngay các địa phương để phổ biến chủ trương, nghị quyết của Hội nghị, phát triển thêm các chi bộ và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân hãng Avia, đi xây dựng cơ sở ở Hà Nội, huyện Thường Tín và Hoài Đức của Hà Đông. Nhờ hoạt động tích cực của Đông Dương Cộng sản Đảng, trong sáu tháng đầu năm 1929, phong trào cách mạng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã có chuyển biến rõ nét, đánh dấu sự phát triển sang thời kỳ cách mạng mới của phong trào đấu tranh theo con đường vô sản ở Việt Nam.
Ngày 21/7/1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp ở làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bàn về việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và tiếp tục phân công các ủy viên đi các miền, các địa phương để thực hiện nghị quyết của Đảng. Cùng với Trần Văn Cung (Quốc Anh), đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ.
BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA XỨ ỦY TRUNG KỲ
Cuối tháng 71929, Nguyễn Phong Sắc bí mật vào Vinh, cùng với Trần Văn Cung bắt liên lạc với đồng chí Võ Mai là Ủy viên của Tỉnh bộ Thanh niên Nghệ An, lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư Kỳ bộ, trực tiếp phụ trách tạp chí Bônsêvích. Đầu tháng 8/1929, đồng chí Trần Văn Cung bị địch bắt, công việc xây dựng tổ chức đảng ở Trung Kỳ vừa mới bắt đầu đã dồn lên vai Nguyễn Phong Sắc.
Với cương vị là Bí thư Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Phong Sắc cùng với các đồng chí trong Xứ uỷ khẩn trương phân công nhau xuống các cơ sở nghiên cứu tình hình, củng cố và mở rộng tổ chức của Đông Dương cộng sản Đảng. Nhờ có tôn chỉ, mục đích và đường lối cách mạng rõ ràng, chặt chẽ, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên đã nhanh chóng thu hút đa số đảng viên của Tân Việt và Thanh niên tự nguyện gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cơ sở Hội Thanh niên đã chuyển thành các chi bộ cộng sản đầu tiên như các chi bộ Dương Long, Dương Xuân (nay là xã Lĩnh Sơn), chi bộ Tri Lễ (nay là xã Khai Sơn), huyện Anh Sơn, chi bộ Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn), huyện Diễn Châu (Nghệ An), chi bộ thị xã Hà Tĩnh…
Cũng trong năm 1929, Nguyễn Phong Sắc trực tiếp mang truyền đơn, tài liệu của Đông Dương Cộng sản Đảng vào Quảng Trị, liên lạc và giao cho nhóm Cộng sản ở Quảng Trị phát rộng rãi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng chí đóng góp ý kiến về kinh nghiệm tổ chức, vận động quần chúng đấu tranh, chủ trương thành lập Đảng Cộng sản và chuyển Đảng bộ Tân Việt, Đảng bộ Thanh niên ở Quảng Trị thành Đông Dương Cộng sản Đảng, thành lập Tỉnh uỷ Quảng Trị. Cuối năm 1929, Nguyễn Phong Sắc đến Huế để vận động thành lập Đảng. Khi Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản đảng Thừa Thiên Huế được thành lập, Nguyễn Phong Sắc thay mặt Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Trung kỳ công nhận Tỉnh bộ Thừa Thiên – Huế là một tỉnh bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng, hoạt động trực thuộc Phân ban Kỳ bộ Trung Kỳ ở Đà Nẵng.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, vào đầu tuần tháng 2/1930, các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu đã triệu tập Hội nghị ở nhà số 42, phố Hàng Thiếc, Hà Nội, cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Hội nghị cử Nguyễn Phong Sắc vào Trung ương lâm thời, tiếp tục phụ trách công tác Đảng ở Trung kỳ.
Ở cương vị mới, đồng chí đi khắp các tỉnh ở Trung kỳ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…) để truyền đạt về sự kiện thành lập Đảng, phổ biến những nội dung cơ bản các văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Tháng 3/1930, tại Vinh, Nguyễn Phong Sắc thay mặt cho Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị liên tịch giữa Kỳ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đông Dương Cộng sản liên đoàn bầu ra Ban chấp hành lâm thời Phân cục trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ gồm các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật… do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Phân cục trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo hợp nhất các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ từ tỉnh cho đến tận cơ sở, giải tán các ban chỉ đạo cũ của các tổ chức cộng sản, lãnh đạo phong trào cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Phân cục Trung ương Trung Kỳ xuất bản báo “Người lao khổ”, truyền đơn đi các nơi tuyên truyền, vận động quần chúng đi theo con đường của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính đến tháng 5/1930, hệ thống tổ chức Đảng đã được thành lập ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Cuối năm 1930, Phân cục Trung ương Trung Kỳ họp Hội nghị thành lập Xứ bộ Trung Kỳ, đứng đầu Xứ bộ là Xứ uỷ. Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban Thường vụ Xứ uỷ do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Đầu năm 1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo xuất bản báo “Công Nông Binh” – cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ thay cho tờ báo “Người lao khổ”.
Tháng 3/1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần II ở Sài Gòn, đồng chí ra Trung kỳ, tiếp đó ra Hà Nội, xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương thì bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ, đưa vào Vinh. Bị tra tấn dã man, nhưng Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng. Lo sợ trước cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, địch đã xử bắn đồng chí ngày 26/5/1931 tại đồn Song Lộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc mới 29 tuổi.
Nguyễn Phong Sắc đã oanh liệt hy sinh nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí vẫn còn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Khước từ mọi điều kiện của cuộc sống vật chất đầy đủ, Nguyễn Phong Sắc tự nguyện đứng vào đội ngũ của những người cộng sản, sẵn sàng đón nhận mọi gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn đời vì dân, vì nước. Là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ thời dựng Đảng, với hoạt động và cống hiến to lớn của mình, hình ảnh đồng chí Nguyễn Phong Sắc sẽ luôn ghi nhớ một cách đậm nét là một trí thức – chiến sĩ cách mạng ưu tú của Hà Nội, một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
———
(1) Theo Biên bản tọa đàm về việc thống nhất thành lập Đảng, ngày 10/4 và 14/5/1969, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.