Viễn Phương và cảm xúc lãnh tụ
Viễn Phương (1928-2005), tên thật: Phan Thanh Viễn, người quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang). Nhà giáo, bộ đội, hoạt động văn nghệ, báo chí. Ông làm thơ, viết truyện. Tác phẩm: + Thơ : Mắt sáng học trò (1970), Viếng lăng Bác (1976), Như Mây mùa xuân (1978), Phù sa quê mẹ (1991), Thơ với tuổi thơ (thơ thiếu nhi,2002), Gió lay hương quỳnh (2005);+ trường ca : + Chiến thắng Hòa Bình (1952), Nhớ lời di chúc; + truyện ngắn : Sắc lụa Trữ La (1988), Lòng mẹ (truyện thiếu nhi, 1982), Ngôi sao xanh (truyện thiếu nhi, 2003) ; truyện ký : +Anh hùng mìn gạt (1968), Quê hương địa đạo (1981), Ngàn say mây trắng (truyện và ký,1998), Miền sông nước (truyện và ký, 1999), Tháng bảy mưa ngâu (truyện và ký,1999, đã dịch sang tiếng Anh), Đá hoa cương (2000), Hình bóng thương yêu (ký, 2005). Tặng thưởng, huân chương: Gỉải nhì Giải thưởng Cửu Long, Nam bộ (1954) với Trường ca Chiến thắng Hòa Bình; Giải nhì Cuộc thi viết cho Thiếu nhi do Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với Truyện lòng mẹ; Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 1995. Viễn Phương là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, ở chương trình Văn cấp Trung học, giáo viên cả nước hồ hởi tiếp cận với dòng văn học cách mạng phong phú và lành mạnh. Nội dung phần văn học này thể hiện hai cuộc chiến đấu thần thánh, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân. Thi ca đấu tranh cách mạng trong suốt thời kỳ ấy như cuốn phim lịch sử vẽ lại cuộc kháng chiến và hình ảnh hào hùng, tình cảm sáng trong, cao đẹp của chiến sĩ và chân dung người lãnh đạo cuộc kháng chiến: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và văn nghệ sĩ cầm súng đã bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của mình trước lãnh tụ. Một năm sau hòa bình tái lập, trong một lần ra Bắc như làm cuộc hành hương về nguồn cội, Viễn Phương, nhà thơ ở đất Nam bộ xa xôi, đã biểu lộ cảm xúc chân thành, dào dạt của mình với Bác, trước lăng vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc khi Người đã đi xa, qua bài thơ “Viếng lăng Bác”.
Viễn Phương thuở nhỏ học tiểu học tại quê nhà, sau lên học Trung học Cần Thơ (Collège de Can Thơ). Quê ông ở xứ lụa Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang), vùng biên giới Tây Nam của đất nước, cùng quê quán với nhà giáo yêu nước Trần Hữu Thường (1844-1921), nhà văn kỳ cựu, thuyết gia tiền phong Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947). Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, thực dân Pháp với dã tâm trở lại xâm chiếm miền Nam, Viễn Phương sớm ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng của người con trai thời quốc phá gia vong. Như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, Viễn Phương tự nguyện đến xin đầu quân vào bộ đội (năm 17 tuổ) và ông được xếp vào Chi đội 23. Đây là một chi đội có hoạt động trên một địa bàn rộng lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ông tham gia Thanh niên cứu quốc, Vệ quốc quân, làm cán bộ Sở Giáo dục, Sở Thông tin Nam bộ, rồi Đái Phát thanh Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến và cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Nam bộ. Vốn là một hồn thơ, từ cảm xúc có thật trên mỗi chặng đường chiến đấu gian khổ, đến nơi nào, Viễn Phương cũng kịp sáng tác những bài thơ lấy hiện thực từ ngoại cảnh đã làm lay động tâm hồn mình. Thơ Viễn Phương được đăng trên báo ”Tiếng súng kháng địch”, tờ báo duy nhất của Chiến khu 9 Nam bộ lúc bấy giờ. Năm 1952, Nam bộ tổ chức Giải thưởng Tổng kết Văn học Nghệ thuật: Giải thưởng Cửu Long, Viễn Phương được giải nhì về Thơ với trường ca: Chiến thắng Hòa Bình. Không lâu sau, Chi hội Văn nghệ Nam bộ tổ chức Đại hội, Viễn Phương được bầu vào ban Chấp hành. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông được phân công về hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn. Tại đây, ông đi dạy học, làm thuê thêm để sống vừa sáng tác thơ văn và viết báo với bút danh Viễn Phương. Bài viết và tác phẩm của Viễn Phương thường đăng trên các báo tiến bộ ở Sài Gòn thời ấy: Nhân loại, Hừng sáng, Công lý… Hoạt động nội thành ở Sài Gòn đến năm 1960, Viễn Phương bị giặc bắt giam ở : đề lao Gia Định, khám Chí Hòa, Phú Lợi… vì các bài viết có nội dung chống đối chính quyền đương thời. Sau khi ra tù (năm 1962), ông rời Sài Gòn vào vùng giải phóng Củ Chi, làm Tổng Thư ký hội Văn nghệ Giải phóng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Sau ngày thống nhất đất nước, Viễn Phương từng được bầu làm Chủ tịch hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thư ký hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Bí thư Đảng đoàn Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1969, nhà thơ Viễn Phương được bầu làm Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Như ta đã biết, lúc sinh thời, đất nước chưa được giải phóng, Bác Hồ luôn nghĩ đến miền Nam, ngày đêm thương nhớ miền Nam đang chịu nhiều đau thương mất mác. Bác thường nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Niềm mong mỏi thiết tha của Bác là miền Nam mau được giải phóng. Miền Nam cũng ngày đêm thương nhớ Bác, mong ngày giải phóng để được gặp Bác kính yêu : “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ miền Nam mong Bác, nhớ mong cha” (Tố Hữu). Nhưng tiếc thay, khi đất nước giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà thì Bác đã không còn. Lòng thương nhớ, nỗi đau đớn của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam dồn nén trong bao nhiêu năm đã được nhà thơ Viễn Phương nói hộ trong bài thơ “Viếng lăng Bác”. Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày thống nhất đất nước. Đó cũng là thời điểm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa được khánh thành, đáp ứng đúng lúc nguyện vọng thiết tha của nhân dân ba miền là được đến viếng lăng Bác. Viễn Phương là người con của đất Nam bộ, trong suốt ba mươi năm hoạt động và chiến đấu ở chiến trường, mong mỏi được ra thăm Bác nơi miền Bắc. Lúc này, đất nước đã được giải phóng, Viễn Phương mới có thể thực hiện được ước nguyện ấp ủ trong tâm khảm của mình. Với bản chất mộc mạc, chân thành của người miền Nam, tự đáy lòng sâu kín, và trang nghiêm của mình, Viễn Phương nhỏ nhẹ như một lời thưa lễ phép với người Cha nhân hậu, kính yêu của dân tộc đang ngự trong lăng mà như còn hiện diện trên đất nước thân yêu cùng đồng bào ruột thịt. Thăm lăng Bác là thăm Bác, cả hai là đồng nhất thể. Hoàn toàn không có ý niệm thời gian sống chết với một vĩ nhân, một lãnh tụ kiệt xuất như Bác. Còn sống là để nhân dân kính trọng và khi về với cõi hư vô của tổ tiên anh hùng hào kiệt, với Bác là thăng hoa vào nơi bất tử, bất diệt để được muôn người mãi mãi tôn thờ. Cảm xúc bàng bạc trong không gian xuất phát phương Nam và lý do hành phương Bắc để Viễn Phương được đến gần Người : Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác. Nỗi xúc động tràn ngập ở người thơ về lãnh tụ là muôn vạn nỗi niềm dồn nén, tinh kết tình cảm chân thành thương nhớ Bác không chỉ với tác giả mà còn là tình cảm mênh mông của hàng chục triệu chiến sĩ, cán bộ và đồng bào miền Nam.
Vì là tình cảm trung thực của nhà thơ được khơi dậy từ tấm lòng thành, nên lời nói – lời thơ tự nhiên trong sáng, không văn vẻ ẩn dụ hay ép gò, cũng cần tránh chải chuốt, điểm tô sắc màu hoa lá với vần điệu du dương trầm bổng. Đối cảnh sinh tình, Viễn Phương xúc động dạt dào, tinh tế cảm nhận tất cả những hiện hữu từ vật chất, không gian thiên nhiên ngoại giới khách quan, mặc nhiên biến thành rung động nội tại. Từ xa, nhà thơ đã nhận ra trước hết, qua làn sương mỏng, hình bóng yêu thương, quen thuộc của hàng tre bát ngát không khác gì những anh chiến sĩ trung kiên ngày đêm đứng gác, canh giữ cho sự an lành, nghỉ ngơi của lãnh tụ: “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp, mưa sa, đứng thẳng hàng”. Những hàng tre xanh xanh quen thuộc khiến tác giả liên tưởng đến con người Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp : cần cù mài miệt lao động trong thanh bình và trường kỳ đấu tranh dũng cảm trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, luôn thể hiện khí phách và tầm cao muôn đời của dân tộc. Đắm hồn trong mênh mông cảm xúc từ lãnh tụ, nhà thơ nhận ra một hiện thực kỳ vĩ rực rỡ khôn cùng trước thị quan của mình. Sự chứng kiến của mặt trời trong thiên nhiên – của nhân loại trên thế giới – trước sự tồn tại của một thực thể hoành tráng chói ngời. Đó là lăng Bác – trái tim Bác – biểu tượng của một chân dung lớn Hồ Chủ tịch, vị Cha già của cho dân tộc: “ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Cảm xúc thăng hoa đỉnh điểm khiến nhà thơ như không kềm chế được, để cho hồn thơ tài hoa vút cao bay bổng. Hàng loạt từ hoa tiếp nối: nhân hoá và tượng trưng: hàng tre xanh, bão táp…; điệp từ và thậm xưng : mặt trời, rất đỏ…để giờ đây, dệt nên những vần thơ bay bổng, rất điêu luyện và mượt mà. Mặt trời là chân lý, mặt trời đỏ là chân lý cách mạng sáng ngời, như một nhà thơ đã nói: “Mặt trời chân lý chói qua tim” (Tố Hữu). Ở đây, nhà thơ muốn nói Bác Hồ là mặt trời cách mạng đẹp đẽ và rực rỡvô cùng, luôn tỏa sáng trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Song hành cùng mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là dòng người đi trong thương nhớ trong đó có nhà thơ. Nhịp thơ chậm rãi, trầm lắng như bước chân của chuỗi người triền miên, lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm một không khí thương ngớ Bác khôn nguôi. Họ kết thành tràng hoa tình yêu, kính cẩn dâng bảy mươi chín mùa xuân của Người. “Con người là hoa của đất”, trong cảm xúc mà vô cùng sâu sắc và tinh tế, Viễn Phương đã thể hiện lòng kính trọng và yêu quý nhân dân. Mỗi người dân là một bông hoa và dòng người viếng Bác đi trong thương nhớ chính là một tràng hoa kỳ vĩ thiêng liêng dâng lên Bác” Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Nhà thơ cảm nhận thời gian không ngừng trôi và muôn lòng người Việt Nam không bao giờ nguôi tình cảm nhớ thương, kính yêu Bác.
Xúc động càng cô đặc khi mọi người đã vào trong lăng. Trông thấy Bác như đang nằm nghỉ, như đang trong một giấc ngủ yên bình, dưới ánh trăng trong lành hiền dịu, nhà thơ thảng thốt, nghẹn ngào : “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng diệu hiền/ Vẫn biêt trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Không phải có nghịch lý giữa lý trí và tình cảm, nhưng trong cảm xúc của nhà thơ dường như có lắng đọng chất suy tư. Vì nhà thơ vẫn biết vầng trăng, trời xanh là mãi mãi, là bất diệt mà sao cứ nghe lòng tê tái xót xa ! Và cứ như thế, nguồn cảm xúc của tác giả càng biến thiên, bất tận theo biên độ không gian và tần số thời gian trong môi trường tình cảm. Trong lăng Bác nơi đất Bắc, nhà thơ nghe đau nhói trong tim bao nhiêu thì về Nam, xa Bác lại càng nhớ thương, không ngăn nỗi tuôn trào nước mắt bấy nhiêu. Xa Bác, rời lăng Bác với nhớ thương đau xót, về Nam, nhà thơ muốn biến tình cảm da diết đó thành ý chí. Thay mặt để nói hộ tâm tư, tình cảm của đồng bào miền Nam, Viễn Phương ước mong được làm tất cả những gì xứng đáng và cao đẹp để có thể làm vui lòng lãnh tụ vĩ đại kính yêu và nhân dân miền Nam ruột thịt: “Mai về miền Nam tuôn trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Cảm xúc nồng ấm của nhà thơ Viễn Phương sau khi được ra viếng lăng Bác khép lại, từ bài thơ “Viếng lăng Bác” như một sự tinh đọng của một quả chín tròn mọng, ngọt ngào, như sự sung mãn thơm tho của một đóa hoa đẹp ngát hương hay như màu xanh thắm và độ rắn rỏi, thẳng thốn của loài tre quê hương giàu phẩm chất. Đó là tất cả nỗi niềm tâm sự chân thành, tha thiết của nhà thơ, mang ý nghĩa của lời tuyên thệ : sẽ làm người hữu ích cho đồng bào và thể hiện lòng trung thành với tổ quốc quê hương cho xứng đáng với lòng kỳ vọng của Bác – vị lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của dân tộc