Góp thêm vài nghiên cứu về cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Nhâm Hùng

Cuộc Hội thảo khoa học về cuộc đời sự nghiệp cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (Thủ khoa Nghĩa), do Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ) tổ chức năm 1990, cơ bản đã làm rõ nhiều nội dung, khẳng định tầm vóc một danh nhân văn hóa đất Cần Thơ. Ðể tiếp tục phát huy, xin góp thêm vài nghiên cứu, một số tư liệu mới thu thập để độc giả tham khảo.

Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: DUY KHÔI

Một bài thơ gần gũi với Cần Thơ!

Tác phẩm thơ của cụ Thủ khoa Nghĩa lưu lại chỉ mươi bài, đã được công bố. Trong đó, có bài thơ chữ Hán “Thu cảm” (có người dịch “Thu võ ngư ca”):

“Thu võ Liên Hà giáp ngạn phồn,

Ngư ca ái ái náo tiền thôn,

Thiên biên nhất nhất hoành không lộ,

Giang thượng song song phá lãng đồn,

Cao thọ loạn diêu, phong tự chiến,

Lạc hoa bất tụ, thủy như bôn,

Biên châu nhất trạo tri hà vãng,

Tháp thượng đàm tâm tửu mãn tôn”.

Dịch thơ:

“Mưa thu sen mọc giáp bờ

Dân chài trước xóm hát hò inh tai

Từng con nhạn liệng ngang trời

Sóng đôi cá nược, đua bơi giữa dòng

Ðánh nhau cành lá gió rung

Hoa rơi nước cuốn khôn mong tụ vào

Xuồng con một mái về đâu?

Trên giường tâm sự rượu bầu đã vơi”.

Bài thơ do nhà thơ Bảo Ðịnh Giang chép và dịch, được phổ biến trên các sách, tài liệu về cụ Thủ khoa Nghĩa từ năm 1990. Tuy nhiên, người khảo cứu có dịp gặp một bài “Thu cảm” khác, được đăng trên báo Gió Nam (Sài Gòn, số 48, tháng 8, 1962). Về chữ Hán, nguyên bản cũng giống như bài của nhà thơ Bảo Ðịnh Giang ghi, nhưng chỉ khác ở câu 1 là chữ “Liêm Hà” tức sông Liêm, không phải “Liên Hà” theo nghĩa ao sen của Bảo Ðịnh Giang. Tác giả bài báo là Duy Việt dẫn lời cụ Ðồ Bích ở Ô Môn, rằng: “Tục danh rạch Cái Khế, hay là sông Liêm Hà, một nhánh nhỏ của sông Hậu Giang…”. Cụ Bích nói đây là bài thơ cụ Bùi Hữu Nghĩa làm khi đi qua đò ngang này, cách đây mấy chục năm. Ông Nam Cư ở Châu Ðốc sưu tầm được bản dịch bài thơ trên của ông Nguyễn Văn Vẹn, quê quán tại Cao Lãnh:

“Sông Liêm thu tiết nhuộm rau đay,

Ong óng hơi ca rộn xóm chài,

Hé nước om sòm con sóng vỗ,

Ven trời thoi thói nhạn hàng bay,

Cây cao gió thúc, nhánh khoa khắc,

Hoa rụng giòng xuôi nước chảy đi,

Thuyền nhỏ một chèo chưa định chỗ,

Ðàm tâm trên tháp rượu ve đầy”.

Bài viết này không so sánh, phân tích về nghệ thuật văn chương của 2 bản dịch. Thế nhưng, bản dịch của ông Nguyễn Văn Vẹn khá gần gũi với vùng sông nước Cần Thơ. Con sông “Liêm Hà”, hay “Xóm Chài”, gợi cho người đọc thi vị về hình ảnh cụ Thủ khoa Nghĩa “Cảm thu” tại quê hương, bản quán.

Thêm khẳng định Tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” là một kiệt tác văn chương

Tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của cụ Thủ khoa Nghĩa, nhà soạn tuồng đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng là người mở đầu cho dòng tuồng phi cung đình trên sân khấu hát bội. 

“Kim Thạch Kỳ Duyên” đã được ông Paul Midan, trí thức người Pháp chọn dịch ra Pháp văn, khi ông làm luận án tiến sĩ. Ngoài ra, tuồng này đã 6 lần được in và xuất bản. Bản sớm nhất do ông Bùi Quang Nhơn xuất bản, Nhà in Claude e Cie, Sài Gòn 1895. Bản kế do Thạch Phát Cần Thơ xuất bản, Nhà in Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội 1919. Bản tiếng Pháp do Hội nghiên cứu Ðông Dương (SoCieté des Etudes Indochinoicses) xuất bản, Sài Gòn 1934. Giáo sư Paul Midan dịch tiếng Pháp: “L’Union Merveilleuse de Kim et de Thạch”. Bản in năm 1932, Nhà xuất bản An Hà Cần Thơ. Bản in Nam Cư Châu Ðốc, Nhà xuất bản An Giang Thơ Xã, 1953. Bản in của Nhà xuất bản Khai Trí, 1966. Trần Văn Hương chú thích, Lê Ngọc Thụ hiệu đính.

Về dàn dựng tuồng hát, theo các tư liệu mới sưu tầm được, ít nhất đã 3 lần diễn trên sân khấu. Lần 1, diễn cho vua Tự Ðức xem nguyên tuồng. Lần 2, Hội Khuyến học Cần Thơ tổ chức buổi hát nhân cuộc lạc quyên trùng tu khu mộ cụ Thủ khoa Nghĩa. Lần thứ 3, do Hội khuyến lệ cổ ca Sài Gòn, dàn dựng và trình diễn trích đoạn “Giải thị tử tiết”, năm 1962.

Trải qua hàng trăm năm, “Kim Thạch Kỳ Duyên” được nhiều nhà lý luận phê bình thống nhất đánh giá: Cái đặc sắc và nổi bật nhất chính là giá trị văn chương của tác phẩm! Giáo sư, nhà nghiên cứu người Pháp Paul Midan viết: “Các nhà nho Nam kỳ đều có đọc “Kim Thạch Kỳ Duyên” và thích nó như thích truyện “Lục Vân Tiên”. Bùi Hữu Nghĩa là một nhà thơ lớn của Nam kỳ và “Kim Thạch Kỳ Duyên” là một áng văn chương hiếm có”. Nhà văn Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung), Giám đốc “Nam Kỳ tuần báo” số 30 ngày 8-5-1943, trong bài “Tiếng gọi lương tâm”, nhận xét về tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” như sau: “…xin nói với các ông chủ ca kịch đoàn (hát bội hay cải lương) nên nhớ đến cụ Bùi Hữu Nghĩa là hậu Tổ của làng diễn kịch: Vì cụ viết bổn tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” có vẻ đặc sắc không thua chi cụ Thượng thư Ðào Tấn, người ở Quy Nhơn, đã nổi tiếng là ông thánh đặt tuồng (nghe đâu bổn tuồng của cụ Bùi Hữu Nghĩa được vua tự Ðức khen lắm và có giao cho đội Thanh Bình diễn tập)”.

Dù vậy, tác phẩm này chỉ được phổ biến mạnh dưới dạng tuồng đọc để thưởng thức văn chương; việc đưa lên sân khấu trình diễn còn hạn chế, do dung lượng nhân vật khá lớn, phải có gánh hát bội cỡ “đại ban” ở kinh thành Huế, Quy Nhơn hay Gia Ðịnh thành mới đủ sức gánh vác. Tuy vậy, “Kim Thạch Kỳ Duyên” vẫn góp mặt trong văn chương phương Nam với tư cách “tuồng Thầy, tuồng Tổ”. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: “Lục Vân Tiên” của cụ Ðồ Chiểu, “Kim Thạch Kỳ Duyên” của cụ Bùi Hữu Nghĩa xứng đáng là kiệt tác, có sức sống vượt thời gian.   

Cuộc lạc quyên trùng tu mộ – tôn vinh Thủ khoa Nghĩa năm 1943 và giải văn chương mang tên cụ

Trong Nam kỳ tuần báo số 29, năm 1943, ký giả Khuông Việt với thiên phóng sự “Ði tìm dấu người xưa”, đã mô tả khung cảnh ảm đạm của phần mộ cụ Thủ khoa Nghĩa, tọa lạc trong một khu rừng hoang rậm rạp, phải nhảy mương sâu, qua cầu khỉ mới tới được, dù chỉ cách lộ cái có 500 thước:“Mộ của một vị Thủ khoa có một văn nghiệp bất tử lại điêu tàn đến thế này được ư? Một nắm đất lè tè gần mặt đất, không rào giậu, không gạch xây… Trước cảnh tượng ấy, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động, rồi nhớ tới lòng ghẻ lạnh của người đời đối với tiền nhân… Chúng tôi tưởng khỏi tốn của riêng ai, vài buổi nói chuyện, một cuộc lạc quyên cũng đủ tiền xây lại một nấm mồ, dựng bia tưởng niệm cho một danh sĩ của Gia Ðịnh – Ðồng Nai”.

Bài báo lập tức gây tiếng vang lớn toàn Nam kỳ, đặc biệt trong giới trí thức Cần Thơ. Ông Hồ Biểu Chánh viết bài báo “Tiếng gọi lương tâm”: “Xét về văn nghệ của cụ Bùi Hữu Nghĩa với văn nghệ của cụ Nguyễn Du, không kém nhau chút nào, chúng có khác nhau cái hoàn cảnh mà thôi. Thế mà cụ nguyễn Du, khắp trong nước từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng nhớ ngày giỗ, dựng đài kỷ niệm, đặt tên trường học. Còn cụ Bùi Hữu Nghĩa chẳng lẽ chúng ta lại lãnh đạm hay sao?”. Sau đó Hội Khuyến học Cần Thơ đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, làm thủ tục mở cuộc lạc quyên, quan chủ tỉnh Cần Thơ bấy giờ là ông De Montaigut cho phép trong hạn định 2.000 đồng, ông cũng ủng hộ đầu tiên 30 đồng. Nhà doanh thương Trần Ðắt Nghĩa làm thủ quỹ. Tiếp đó, các hoạt động ủng hộ cuộc lạc quyên diễn ra rầm rộ, với nhiều cuộc diễn thuyết, hát tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, phổ biến các tác phẩm thơ của cụ… Họa sĩ Nguyễn Văn Mười làm bản vẽ sơ đồ phần mộ cụ Thủ khoa Nghĩa.

Song song đó, Hội khuyến học Cần Thơ mở giải thưởng văn chương “Giải văn chương Thủ khoa Nghĩa”. Các thể loại được dự thi gồm: tiểu thuyết (truyện dài, truyện ngắn), phóng sự, ký sự, nghị luận. Những văn sĩ Nam kỳ đều được dự thi. Giải chỉ duy nhất một phần thưởng, nhưng giá trị khá lớn: 300 đồng, tương đương với 6 tấn lúa (thời điểm 1940-1943).

x x x

“Ðồng Nai có bốn rồng vàng

Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”

Hay:

“Vĩnh Long có cặp rồng vàng

Nhứt Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuẫn Thần”

Ðây là những ca ngợi của dân gian, trọng vọng cụ Thủ khoa Nghĩa, lên hàng “rồng vàng”. Theo vài tư liệu, có ý kiến cho rằng đây là lời khen của vua Tự Ðức, được truyền tụng ra dân gian. Ngoài TP Cần Thơ, các TP Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa (tỉnh Ðồng Nai), TP Châu Ðốc (tỉnh An Giang)… đặt tên “Bùi Hữu Nghĩa” hay “Thủ khoa Nghĩa” cho các con đường, công trình công cộng, trường học… trên địa bàn.

Tham khảo:

– Nam kỳ tuần báo các số 27, 30, 42, 45, 57 (1942-1944)

– Đại Việt tập chí số 17 (1942)

– Địa chí Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh (tập III) NXB.Tp.HCM (1998) 

– Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, Trần Văn Khải, NXB Khai Trí (1966)

– Nhìn về sân khấu Hát Bội Nam Bộ, Đinh Bằng Phi, NXB Văn nghệ (2005)

– Văn học miền Nam lục tỉnh, Nguyễn Văn Hầu (tập ba), NXB Trẻ (2012)

Rate this post