Trần Thánh Tông – Trần Hoảng
Trần Thánh Tông – Trần Hoảng
THÁNH TÔNG HOÀNG ĐẾ
Tên húy là Hoảng, con trưởng dòng đích của Thái Tông. Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao cho gươm báo, hậu có mang. Năm Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9 (1240) tháng 9, ngày 25, giờ Ngọ sinh, sau đó lập làm hoàng thái tử. Thái Tông băng1 , liền lên ngôi báu, ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 13 năm, thọ 51 tuổi, băng ở cung Nhân Thọ, táng ở Dụ Lăng. Vua trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy! Nhưng ưu du tam muội2 , tìm dấu đạo nhất thừa3 thì không phải phép trị nước hay của đế vương.
Kỷ Mùi, Thiệu Long năm thứ 2 [1259], (Tống Khai Khánh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, phu nhân Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu Trần thị mất.
Trần thị được gọi là quốc mẫu vì đó vốn là hiệu của Ngô phu nhân trước kia, tức là hoàng hậu [25b] Thái Tông thấy Linh Từ đã từng làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông, không nỡ gọi là công chúa, cho nên phong làm quốc mẫu, cũng là biệt danh của hoàng hậu. Xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Linh Từ trước lấy Lý Huệ Tông là bất chính, sau lấy Trần Thủ Độ là thất tiết. Thế nhưng con gái bà là Chiêu Hoàng nhường ngôi cho nhà Trần. Thuận Thiên lại là hoàng hậu của Thái Tông, sinh ra thánh Tông. Yên Sinh Vương có hiềm khích với Thái Tông, Linh Từ đã điều đình hòa giải, lại tình nghĩa anh em như xưa.
Đến khi người Nguyên tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang, giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền các nhà chứa giấu quân khí đều đưa dùng vào việc quân. Công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều mà phần báo đáp nhà Lý thì [26a] không được bằng. Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần. Việc thì giống như Đồ Sơn dấy nhà Hạ4 , mà đức thì không giống. Đạo biến của trời nhhư thế đấy, huyền vi thay!
Mùa hạ, tháng 6, cho Nguyên Giới Huân làm Đại hành khiển, Thượng thư tả phụ, Lê Phụ Trần làm Thủy quân đại tướng quân.
Mùa thu, tháng 7, bái yết sơn lăng. Đặt quan sơn lăng và phong cung tần của tiên đế để thờ phụng.
Tháng 9, lấy ngày sinh làm tiết Hưng Thiên.
Mùa đông, thánng 10, ngày mồng 4, Thượng hoàng ngự Bắc cung (tức cung Thánh Từ), các quan đến chầu mừng.
Canh Thân, [Thiệu Long] năm thứ 3 [1260], (Tống Cảnh Định năm thứ 1. Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt 5 Trung Thống năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, ngày mồng 1 Mậu Thìn, nhật thực.
Ngày 25, mặt trời có hai quầng, quầng bên trong có sắc vàng.
Tân Dậu, [Thiệu Long] năm thứ 4 [1261], (Tống Cảnh Định năm thứ 2, Nguyên Trung Tống năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, chọn đinh tráng các lộ làm lính. [26b] còn thì sung làm sắc dịch các sảnh, viện, cục và đội tuyển phong các phủ, lộ, huyện.
Thi lại viên bằng viết chử và làm tính. Người đỗ sung làm duyên lại nội lệnh sử. Các ty thái y, thái chúc, khảo thi những người tinh thông nghề mình để bổ các chức.
Mùa hạ, tháng 6, nhà Nguyễn sai Lễ bộ lang trung Mạnh Giáp, Viên ngoại lang Lý Văn Tuấn, đưa thư sang dụ.
(Thư đại lược nói: Quan liêu sĩ thứ An Nam, phàm các việc mũ áo, lễ nhạc, phong tục đều căn cứ theo lệ cũ của nước mình, không phải thay đổi. Huống chi, nước Cao Ly mới rồi sai sứ sang xem, đã xuống chiếu cho hết thảy đều theo lệ ấy. Ngoài ra đã răn bảo biên tướng ở Vân Nam không được tự tiện đem quân lấn cướp nơi cương giới, quấy nhiễu nhân dân. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi hãy yên ổn làm ăn như cũ)6 .
Đãi yến bọn Mạng Giáp ở cung Thán Từ.
Sai Thông thị đại phu Trần Phụng Công, Chư vệ ký ban Nguyễn Thám, Viên ngoại lang Nguyễn Diễn mang thư sang Nguyên thông hiếu.
Nhà Nguyên phong vua làm Quốc Vương, ban cho 3 tấm gấm tây, 6 tấm gấm kim thục.
Cho Chiêu Minh Đại Vương Quang Khải làm Thái úy. Bấy giờ, anh vua [27a] là Quốc Khang lớn tuổi hơn, nhưng tài năng tầm thường, nên phong Quang Khải làm tướng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Theo quy chế nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ nơi hương ấp của mình, khi chầu hầu thì đến kinh đô, xong việc lại về phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả. Đến khi vào triều làm tể tướng, mới thống lĩnh việc nước. Nhưng cũng chỉ nắm đại cương thôi, còn quyền thì thuộc về hành khiển. Người khinh lại thành trọng, người trọng lại thành khinh, mà không phải lo thêm một tầng công việc, cũng là có ý bảo toàn vậy. Vả lại, như năm Đinh Tỵ đời Nguyên Phong, giặc Nguyên sang cướp, các vương hầu cũng đem gia đồng và hướng binh thổ hào làm quân cần vương. Trong sự biến đời Đại Định781lại đem người thôn trang sắm sửa nghi trượng đi đón vua, đó cũng làm vững cái thế”duy thành”7 vậy.
[27b] Nhâm Tuất, [ Thiệu Long] năm thứ 5 [1262] , (Tống Cảnh Định năm thứ 3, Nguyên Trung Thống năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư8 , đàn bà được hai tấm lụa.
Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này. Do đó, đặt sắc dịch hai cung để hầu hạ, lại đặt quan lưu thủ để trông coi.
Tháng 3, xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thủy, lục tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc 9 .
Mùa thu, tháng 9, soát tù, kẻ nào khi giặc Bắc sang mà đầu hàng quân Nguyên thì không tha.
Chiêm thành sang cống.
Mùa đông, tháng 11, nước Nguyên sai bọn Mã Hợp Bộ10 10 người sang hỏi về lễ khánh hạ.
Tháng 12, [28a ] mưa gió to.
Quý Hợi, [ Thiệu Long ] năm thứ 6 [1263], (Tống Cảnh Định năm thứ 4, Nguyên Trung Thống năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Điện tiền chỉ huy sứ Phạm Cự Địa và Trần Kiều sang Nguyên. Vua Nguyên xuống chiếu ưu đãi, cho 3 năm một lần cống.
Tháng 2, mưa đá.
Tháng 3, sét đánh điện Thiên An
Mùa hạ, tháng 4, cho Lê Cư làm trại chủ Thanh Hoá
Mùa thu, tháng 7, Thủ Độ đi tuần các nguồn sông ở Lạng Sơn.
Tháng 9, có bệnh dịch
Mùa đông, tháng 12, gió lớn, mưa to.
Thổ quan phủ Tư Minh11 nước Tống là Hoành Bính dâng sản vật địa phương vàđem 1200 bộ thuộc sang quy phụ.
Giáp tý ,[ Thiệu Long] năm thứ 7 [1264], (Tống Cảnh Định năm thứ 5, Nguyên Chí Nguyên năm thứ nhất ). Mùa xuân, tháng giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết (thọ 71 tuổi), truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương.
Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược [28b] hơn người, làm quan triều lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.
Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng :
“Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ qyuền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao”?.
Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời: “Đúng như nhữnglời hắn nói “.
Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.
Linh từ quốc mẫu có làn ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại,về dinh khóc bảo Thủ Độ:
” Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế “.
Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói:” Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa “. Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.
[29a] Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương 12 . Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ bảo hắn:
“Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”.
Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.
Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu :
” An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?”.
Vua bèn thôi.
Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông [29b]có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết vua và thông dâm với hoàng hậu thì khó lẩn tránh với đời sau vậy.
Tháng 2, sao Chổi hiện ở phương đông bắc.
Tháng 3, lấy Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm Tướng quốc thái úy, nắm chung việc nước.
Bấy giờ, vua cho Nhật Hiệu làm Thái sư , nhưng Nhật Hiệu cố ý từ chối không nhận vì xấu hổ về việc viết chữ lên mạn thuyền. Vua tuy cho ông không Thái sư, nhưng lại ban thêm hai chữ “Tướng quốc”, thành “Tướng quốc thái uý”.
Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 6, Thượng hoàng ban yến cho các quan ở điện Diên Hiền. Yến chưa xong, bỗng có sao Chổi xuất hiện ở phương đông bắc, đuôi dài suốt trời. Thượng hoàng ra xem và bảo :
” Ta xem sao Chổi này rất sáng, mà đuôi rất dài, không phải là tai họa của nước ta”.
Lệnh cứ dự xong yến.
Tháng 10, mùa đông năm ấy, vua Tống băng.
Ất Sửu, [ Thiệu Long] năm thứ 8 [1265], (Tống Độ Tông Cơ, Hàm Thuần năm thứ nhất, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, nước Chiêm Thành sai sứ [30a] sang cống.
Tháng 3, đổi Bình bạc ty ở Kinh sư làm Đại an phủ sứ.
Theo chế độ trước, An phủ sứ qua trị nhậm các lộ , đủ lệ khảo duyệt thì vào làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, lại đủ lệ khảo duyệt nữa thì bổ làm việc ở Thẩm hình viện, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư.
Mùa thu, tháng 7, nước to, vỡ ở phường Cơ Xá. Người và súc vật bị chết đuối nhiều.
Đại xá.
Hoàng tử Đức Việp sinh .
Bính Dần, [Thiệu Long]năm thứ 9 [1266], (Tống Hàm Thuần năm thứ 2, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 3). Mùa xuân,tháng giêng, sứ thần Chiêm Thành là Bố Tin, Bố Hoằng, Bố Đột đến cống.
Tháng 2,nhà Nguyên sai Nậu Lạt Đinh13 sang bảo:
“Trước kia, ta đã sai sứ sang thông hiếu, kẻ thừa hành u mê không cho sứ trở về14 do đó ta mới có việc dụng binh năm trước15 “
Vua sai Dương An Dưỡng và Vũ Hoàn sang Nguyên đáp lễ.
Tháng 3, mở khoa thi chọn học trò, Ban đỗ kinh trạng nguyên Trần Cố, trại trạng nguyên Bạch Liêu; bảng nhãn (khuyết tên họ); thám hoa lang Hạ Nghi; thái học sinh [30b] 47 người, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.
Liêu người Nghệ An, tính thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch. Bấy giờ, thượng tướng Quang Khải coi Nghệ An, Liêu làm môn khách mà không làm quan.
Tháng 2, thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới đến núi Ô Lôi do đó biết được kỳ hạn quân Nguyên sang xâm lược.
Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang.Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy.
Đinh Mão, [Thiệu Long]năm thứ 10 [1267] , (Tống Hàm Thuần năm thứ 3, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, Chiêm Thành sang cống.
Tháng 3, định ngọc diệp16 phái chính dòng họ vua của vương hầu, công chúa để phong ấm, gọi là “kim chi ngọc diệp”13 . Cháu 3 đời được phong tước hầu hay quận vương, cháu 4 đời được tước minh tự , cháu đời ban tước thượng phẩm [31a]. Tước phong theo ngũ phục đồ14 .
Mùa hạ, tháng tư, chọn dùng nho sinh hay chữ sung vào quán, các, sảnh, viện.
Bấy giờ Đặng Kế làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm trung thư sảnh trung thư lệnh, đều là nho sĩ văn học.
Theo chế độ cũ, không phải là nội nhân (hoạn quan ) thì không được làm hành khiển, chưa bao giờ dùng nho sĩ văn học. Bắt đầu từ đây, nho sĩ văn học mới giữ được quyền bính.
Tháng 5, phong em là Ích Tắc làm Chiêu Quốc Vương.
Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề ghì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phươngcho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đỉnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v . . . gồm 20 người, đều được dùng cho đời.
Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu định quân ngũ, mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người, [31b] chọn người tôn thất giỏi võ nghệ, tinh binh pháp để chỉ huy.
Phong em là Nhật Duật làm Chiêu Văn Vương.
Bọn Dương An Dưỡng từ nước Nguyên trở về, mang theo luôn lễ vật của vua Nguyên đáp lại19 .
Mậu Thìn, [Thiệu Long] năm thứ 11 [1269], (Tống Hàm Thuần năm thứ 4, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 5 ). Mùa Xuân, tháng giêng, vua từng nói với tôn thất rằng:
“Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc “.
Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau.
[32a] Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng.
Muà hạ, tháng 6, đại hạn.
Ngoại thích là Lý Cát phạm tội ngồi vào ngai vua ở điện Thiên An. Khi xét hỏi trị tội thấy hắn có chứng điên, bèn đánh trượng rồi tha.
Mùa thu, tháng 7, nước to.
Tướng quốc thái úy Nhật Hiệu chết, thọ 44 tuổi, truy tặng Tướng quốc thái sư.
Mùa đông, tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng. Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói:
“Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn mà chú hai cũng muốn cướp lấy chăng ?”.
Thượng cả cười nói:” Thế ra mày coi ngôi vua[32b] với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau”.
Khen ngợi hồi lâu rồi [thượng hoàng] cho Tĩnh Quốc chiếc áo ấy.Trong chỗ cha con, anh em hòa thuận vui vẻ như vậy đấy.
Đói to.
Kỷ Tỵ, [Thiệu Long] năm thứ 12 [1269] , (Tống Hàm Thuần năm thứ 5, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 6). Mùa xuân, tháng 2, Chiêm Thành dâng voi trắng.
Mùa hạ, tháng 5, đất nứt, sao băng.
Tháng 6, hạn hán. Soát tù. Có mưa. Đến tháng 7, mùa thu, dân mới cày cấy được.
Tháng 8, nước to.
Tháng 9, phong Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang làm Vọng Giang phiêu kỵ đô thượng tướng quân.
Mùa đông, tháng 10, được mùa nhỏ.
Tháng 12, sứ Nguyên Lung Hải Nha20 sang dụ về việc biên giới. Vua sai Lê Đà, Đinh Củng Viên sang Nguyên.
Canh Ngọ, [Thiệu Long] năm thứ 13 [1270], (Tống Hàm Thuần năm thứ 6, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 3, Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang dựng phủ đệ ở Diễn Châu, hành lang, điện vũ bão quanh, tráng lệ khác thường.Vua nghe tin ,sai người đến [33a] xem .Tĩnh Quốc sợ, mới tạc tượng phật để đó (nay là chùa Thông).
Mùa hạ, tháng 4, Chiêm Thành sang cống.
Mùa thu, tháng 7, nước to. Các đường phố ở kinh đô phần nhiều phải đi lại bằng thuyền bè.
Tháng 9 ,Vua ngự đến hành cung Thiên Trường.
Tân Mùi, [Thiệu Long] năm thứ 14 [1271], (Tống Hàm Thuần năm thứ 7, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 8 ). Mùa xuân, tháng giêng, soát tù.
Tháng 2, ngày mồng 1, động đất.
Tháng 3, phong Chiêu Minh Đại Vương Quang Khải làm Tướng quốc thái úy, nắm giữ việc nước.
Năm ấy, Mông Cổ đặt quốc hiệu là Đại Nguyên, sai sứ sang dụ vua vào chầu. Vua lấy cớ có bệnh từ chối không đi.
Nhâm Thân, [Thiệu Long] năm thứ 15 [1272], (Tống Hàm Thuần năm thứ 8, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 9) .Mùa Xuân, tháng giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại việt sử ký từ Triệu Vũ [33b] đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi.
Mùa hạ, tháng 4, sứ Nguyên Ngột Lương21 sang dụ, hỏi giới hạn cột đồng cũ. Vua sai Viên ngoại lang Lê Kính Phu đi hội khám. [Phu] trở về nói rằng, cột đồng Mã Viện dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì nữa.
Tháng 6, ngày 23, giờ Mùi, mặt trời rung động.
Sai Đồng Tử Dã, Đỗ Mộc sang Nguyên22
Mùa động, tháng 10, xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của tứ thư , ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách.
Quý dậu, Bảo Phù năm thứ 1 [1273], (Tống Hàm Thuần năm thứ 9, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu.
Tháng 3, ngày 19, sét đánh 7 chỗ ngoài cửa Đại Hưng.
Mùa đông, tháng 11, cho Nhân Túc Vương Toản làm Nhập nội phán đại tông chính phủ đại tông chính.
[34a] Giáp Tuất, Bảo Phù năm thứ 2 [1274], (Tống Hàm Thuần năm thứ 10, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 11 ). Mùa thu, tháng 7, nước to.
Mùa đông, tháng 10, người Tống sang quy phụ.
(Trước đó, nước Tống ở mé Giang Nam, người Nguyên thường hay lấn đánh. Đến đây, họ đem 30 chiếc thuyền biển chở đầy của cải và vợ con, vượt biển đến La Cát Nguyên. Đến tháng 12, dẫn về kinh, an trí ở phường Nhai Tuân, họ tự xưng là người Hồi Kê23 . Người nưước ta gọi người tống là kê quốc, vì người tống có các hàng vải lụa, dược phẩm, bày hàng mở chợ buôn bán riêng).
Tháng 12, sách phong hoàng trưởng tử Khâm làm hoàng thái tử, lấy con gái trưởng của Hưng Đạo Vương làm phi cho thái tử.
Chọn người nho học có đức hạnh trong thiên hạ vào hầu Đông Cung24 .
Lấy Lê Phụ Trần làm Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ25 . lấy bọn Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung Nội thị nội thị học sĩ (Phụ Trần người Ái Châu ). Vua tự làm thơ để dạy hoàng tử và viết Di hậu lục 2 quyển.
Ất Hợi, [Bảo Phù] năm thứ 3 [1275], (Tống Cung Đế Hiền Đức Hựu năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 12 ). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò. [34b] Ban đỗ trạng nguyên Đào Tiêu ; bảng nhãn (khuyết họ tên); thám hoa lang Quách Nhẫn ; thái học sinh 27 người, xuất thân có thứ bậc khác nhau.
Hai Khoa Bính Thìn, Bính Dần trước kia có chia kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất.
Muà hạ, tháng 6, ngày Canh Tý mồng 1, nhật thực, mặt trời bị che hết 26 .
Mùa đông, tháng 11, tướng thần ở biên giới phía bắc chạy trạm tâu báo người Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế.
Sai Lê Khắc Phục và Lê Túy Kim sang Nguyên.27
Nguyên sử q.209 cũng chép việc Đồng Tử Dã và Lê Văn Ân vào cống năm Chí Nguyên thứ 11 (1274). Như vậy Đồng Tử Dã là tên người và được chép đúng. Ở đây, Toàn thư đã chép lẫn lộn tên hai người. Phải sửa cho đúng là: “Sai Đồng Tử Dã và Đỗ Mộc sang Nguyên”.
Bính Tý, [Bảo Phù] năm thứ 4 [1276], (Tống Đức Hựu năm thứ 2, từ tháng 5 về sau là Tống Đoan Tông Cảnh ViêM năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 13 ). Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Thế Quang sang Long châu mượn cớ đi huốc để thăm dò tình hình người nguyên.
Tháng 3, mặt trời có chấm đen to bằng quả trứng gà, lay động hồi lâu. Có 2 ngôi sao đấu nhau ở giữa trời, một ngôi sa xuống.
Mùa hạ, tháng 4, Nguyên Thế Tổ đánh Giang Nam, sai Hợp Tán Nhi Hải Nha 28 sang dụ 6 việc như điều dân, giúp quân v.v . . . Vua đều không nghe.
Mùa thu, tháng 9, ngày 17, hoàng trưởng tôn Thuyên sinh, lập làm hoàng thái tôn, ít lâu sau lập làm Đông cung hoàng thái tử.
Đinh Sửu, [Bảo Phù] năm thứ 5 [1277], (Tống Cảnh Viêm năm thứ 2, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 14 ). Muà xuân, tháng 2, vua thân chinh đánh người Man, Lạo ở động Nẫm Bà La29 , bắt sống bộ đảng hơn 1.000 người giải về.
Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1 , Thượng hoàng băng ở cung Vạn Thọ
Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh “keng” xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh.
Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc lão tâu : “Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có [35b] chữ “nguyệt” , trên hòm có một cái kim, một chiếc lược”.
Thượng hoàng lại đoán: “Hòm tức là quan tài, chữ ” nguyệt” (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ “sơ” là chiếc lược, đồng âm với “sơ” là xa tức là sẽ xa rời các ngươi”.
Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu : “Mau đến ngày mồng 1 thay phiên”. Thượng hoàng lại đoán : “Thế là ngày mồng 1 ta chết”.
Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu : “Tháng 4 sang năm ta tất chết”. Đến nay quả như vậy.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Điềm lành hay tai họa, chỉ có người thành tâm mới biết trước được. Vì thế, Đại truyện trong kinh dịch có nói : “Hình dung sự vật thì biết được vật thực, chiêm đoán sự vật thì mới biết được tương lai”. Nhưng tất là phải sau khi đã suy xét trong lòng, nghiền ngẫm trong óc. Thái Tông biết được việc tương lai là chiêm đoán sự vật đấy. Nhưng nếu không phải là người lý sáng, lòng thành, mà cứ thấy việc là phỏng đoán mò để rồi khẳng định, thì chưa bao giờ không chuốc lấy tai họa về sau .[36a]. Đó là chỗ khác nhau giữa cái học sấm ký thuật số với cái học thánh hiền chăng?
Tháng 5, nước to. Đất nứt sâu 7 trượng (chưa rõ chỗ nào), súc vật, tôm cá chết nhiều.
Mùa đông, tháng 10 ngày mồng 4, táng [thượng hoàng] ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái Tông, tên thụy là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiền Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Võ Nguyên Hiếu Hoàng đế.
Sử thần ngô sĩ liên nói: Dụ Tông có thơ ca ngợi Thái Tông:
Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Bỉ xưng Trinh Quán ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành tru tử Yên Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng đước bất.
(Sáng nghiệp Việt Đường hai Thái Tông
Kia xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong
Kiến Thành805 bị giết, Yên Sinh806 sống,
Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng).
Đức của Thái Tông sở dĩ được thế, tuy tấm lòng hiếu đễ bắt nguồn từ tính trời, nhưng cũng do Linh Từ quốc mẫu điều đình [B] hòa giải. Việc cướp vợ của anh cũng do Linh Từ và Thủ Độ. Thế là Thái Tông mắc vào tội lỗi là do người dẫn lối, mà ẩn nhẫn để trọn nghĩa anh em cũng lại là do người dẫn lối. Đó là vì tuy có tư chất tốt đẹp trời phú cho, nhưng chưa có học thức. Đến khi tuổi cao, lý lẽ sáng tỏ, đạo đức tăng tiến, thì phải chăng điều đó có được là từ thánh học30 ?
Hôm thượng hoàng băng, công chúa Thiều Dương (con gái thứ của Thượng hoàng tên là Thúy ) đương ở cữ, bỗng nghe tiếng chuông liên hồi, mới hỏi: “Có thể nào không phải là tin dữ chăng”?.
Những người hầu bên cạnh nói dối, nhưng công chúc chúa không nghe, cứ thương khóc, kêu gào, mắt nhắm nghiền rồi mất.
Trước đó, Thương hoàng không khỏe. Lúc ấy công chú đã lấy thượng vị Văn Hưng hầu (khuyết danh), công chúa nhiều lần sai người đến thăm hỏi, nhưng người hầu cạnh đều trả lời là Thượng hoàng đã bình phục, không việc gì. Đến khi nghe tiếng chuông, thương khóc kêu gào mãi rồi mất. Người trong nước ai cũng thương.
Bấy giờ Uy Văn Vương [37a] Toại lấy con gái của Thượng Hhàng là công chúa Thụy Bảo. Toại ham học, hay thơ, có câu:
Pha lạp ngũ hồ vinh bội ấn , Tang ma tế dã thắng phong hầu. (Tơi nón năm bồ hơn giữ ấn, Dâu giai nội vượt phong hầu ), [Toại] tự hiệu là Sầm Lâu, có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời.
Vua từng hỏi ông nghĩa chữ “Quan gia”. Ông đáp:
“Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia”.
Vua khen ông kiến thức rộng. Không may chết sớm (24 tuổi), người trong nước ai cũng thương tiếc.
Mậu Dần, [Bảo Phù] năm thứ 6 [1278], (Tống Cảnh Viêm năm thứ 3, từ tháng 5 về sau là Đế Bính Tường Hưng năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 15 ). Mùa xuân, tháng 2, dân chết nhiều vì bệnh đậu mùa.
Hồi đó, nhà dân ở kinh thành thường bị cháy về ban đêm. Vua ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội thư gia Đoàn Khung đi theo. Vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và kiểm xem ai đến trước . Khung ấn đầu từng người một bảo ngồi xuống để đếm , đếm xong tâu rõ người nào đến trước , người nào đến sau .
Vua hỏi : ” Tại sao mà biết ?”.
Khung trả lời :” Thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám [37b] vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết “. Vua cho là giỏi , có ý cất nhắc để dùng .
( Thời Anh Tông, Khung làm k, khi xét án , hễ Anh Tông hỏi về điển lệ cũ , Khung đều dẫn được án cũ làm chứng , có khi dẫn nhiều đến 5 , 6 án . Anh Tông khen Khung thông minh nhớ lâu ).
Phong con thứ là Đức Việp làm Tá Thiên Đại Vương .
Tháng 3, phu nhân Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh Lý thị mất
Công chúa lấy Phụ Trần hơn 20 năm, sinh con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Đến nay 61 tuổi thì mất .
Mùa hạ , lúa mất mùa.
Tháng 6, có ngôi sao lớn sa về phương nam rơi xuống biển, hơn ngàn ngôi sao nhỏ rơi theo, tiếng khêu như sấm đến vài khắc mới hết .
Mùa thu, tháng 8, động đất 3 lần, nhiều súc vật chết .
Mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Khâm.
[38a] Khâm lên ngôi Hoàng đế, xưng là Hiếu Hoàng, tôn Thượng hoàng là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế , tôn Thiên Cảm hoàng hậu làm Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu . Bầy tôi dâng tôn hiệu là Pháp Thiên Ngực Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế .
Vua Nguyên nghe tin Thái Tông băng, có ý mưa tính nước ta, sai Lễ bộ thượng thư Sài Xuân31 ( tức Sài Trang Hương) sang ta.
Bấy giờ sứ nước ta là Lê Khắc Phục đang trở về, gặp quân Nguyên đánh nước Tống, liền theo đường Hồ Quảng mà về nước , Xuân cùng đi với Khắc Phục sang ta [ Nhà Nguyên ] lấy cớ vua không xin mệnh mà tự lập, dụ bảo phải sang chầu. Vua không nghe, sai Trịnh Đình Toản, Đỗ Quốc Kế sang Nguyên. Nguyên giữa Đình Toản không cho về32 .
(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)