Nhạc sĩ Trương Quý Hải: ‘Gốc của FPT là gắn kết’
Một trong những trụ cột làm nên Hội diễn STCo online đầu tiên của nhà F bật mí về quá trình sáng tác kịch bản “Chung một dòng sông”, yếu tố quyết định đưa buổi diễn chạm tới trái tim khán giả.
Đêm sinh nhật vô tiền khoáng hậu của nhà F khép lại với thật nhiều dư âm về cách thể hiện mới lạ cùng nội dung STCo “đỉnh cao”, như lời diễn viên chính của vở nhạc kịch “Chung một dòng sông” – Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Để đạt được “đỉnh cao” đó chỉ trong ba ngày chuẩn bị cho hội diễn online đầu tiên còn nhiều lạ lẫm, trọng trách thảo toàn bộ kịch bản được gửi gắm vào tay “Viện sĩ STCo” Lê Đình Lộc, nhạc sĩ Trương Quý Hải và Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT Đinh Tiến Dũng.
Tối 13/9, anh Dũng và anh Hải tham gia biểu diễn hết mình trên sân khấu, trong khi “Viện sĩ” Lộc đứng dưới quan sát, chốc chốc lại nở nụ cười hài lòng. Kết thúc chương trình, các anh hồ hởi chung vui cùng dàn diễn viên và ban tổ chức. Một thử thách nữa được bỏ lại sau lưng.
Sáng 14/9, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trao Sao Vẻ vang hạng Ba cho ban tổ chức hội diễn STCo online “Chung một dòng sông”, đặc biệt khen ngợi nhóm xây dựng kịch bản. Ảnh: Chungta.
Cống hiến đã rất nhiều năm cho nhà F, nhưng với bộ ba lão làng, đây vẫn là lần ghi dấu nhiều cái “đầu tiên”. Chúng ta có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Trương Quý Hải, một trong ba tác gia tạo nên xương sống, linh hồn của vở diễn.
– Ngay lúc chương trình hạ màn, cảm xúc nào đến với anh đầu tiên?
– Đầu tiên là mình thấy mãn nguyện. Mãn nguyện của mình, của anh xem xây dựng chương trình, và đặc biệt nhất là mình nhìn thấy sự tham gia của mọi người cho một kịch bản hoàn toàn mới lạ. Tất cả đều làm rất tốt. Mình nghĩ mình đã đạt được điều mong muốn.
– Đây chắc hẳn không phải lần đầu các anh phải thay đổi kịch bản vào gần phút chót?
– Gấp thế này thì đúng đây là lần đầu luôn. Những lần trước, khoảng thời gian điều chỉnh kịch bản được rộng hơn một chút. Cũng may là mình, anh Lộc và Dũng rất hiểu nhau, tin tưởng nhau, chia nhau viết xong ghép lại thì không ai chỉnh của ai một từ nào. Bản thân những người viết có một sự gắn kết, mong muốn gắn kết, và gốc của FPT cũng là gắn kết, nên đã ra được thành quả trọn vẹn.
– Quen áp lực rồi, nhưng lần này anh có lo lắng gì không khi được đặt lên vai trọng trách gánh toàn bộ nội dung hội diễn cùng anh Lộc và anh Dũng?
– Điều lo lắng nhất là thông tin có thể chưa tới được anh em, sự kết nối của anh em với chương trình qua các nền tảng không được mạnh mẽ, số lượng anh em tiếp cận chương trình ngay trong giờ phút trực tuyến chưa được như mong muốn. Mình tin là sau khi kết thúc, tư liệu hội diễn vẫn còn trên các trang nội bộ thì sẽ có đông người tiếp cận hơn, chương trình hướng được tới nhiều người hơn.
Trước đây chúng ta hay làm ở Trung tâm Hội nghị quốc gia chỉ được hơn 3.000 anh em trực tiếp xem thôi, nhưng đưa chương trình đến tới cả vạn người FPT mới là giấc mơ. Không biết tất cả anh em FPT có được xem chương trình không, có được chia sẻ những giờ phút tình cảm không. Vì điều quan trọng nhất ở FPT là sự chia sẻ, chúng ta phải có nhau.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải trong tiết mục “Toàn dân chống dịch”, được đặt lời mới trên nền nhạc “Thời thanh niên sôi nổi”. Ảnh: Trần Huấn.
– Ý tưởng về kịch bản đến với các anh như thế nào?
– Bọn mình luôn cố gắng tìm hình ảnh biểu tượng cho niềm hy vọng trong lúc khó khăn. Ban đầu bọn mình định lập ra Sếp TV và Nhân viên TV đại diện cho hai phía để tranh luận. Sau đó, anh Lộc nói về việc cần có một cái tên cho chương trình, “Chung một dòng sông” được lựa chọn. Kịch bản tổng thể do Đinh Tiến Dũng lên khung, sau đó phân anh Lộc viết lời dẫn, anh Lộc viết là nhất rồi. 9 bài hát thì mình và Dũng chia nhau viết lời lại.
Về hình ảnh dòng sông FPT thì đã có lâu rồi, nhưng ban đầu chưa nghĩ tới. Lúc anh Lộc nói ra, bọn mình thấy tâm đắc quá. FPT luôn có sự gắn kết, mà hình ảnh về sự gắn kết chúng ta đã thể hiện nhiều trong quá khứ. Dòng sông nào cũng gặp chướng ngại trên dòng chảy và chính con đập là chướng ngại của dòng sông FPT. Nó vốn dĩ hiền hòa, tới lúc có đập mọi vấn đề mới bắt đầu trở nên phức tạp. Và đến khi chúng ta tìm được mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn, dòng sông FPT vẫn luôn là dòng sông FPT dù có bao nhiêu con đập cắt ngang.
– Anh có thể chia sẻ về lựa chọn các bài hát trong vở diễn?
– Đinh Tiến Dũng đã rất tỉnh táo. Anh Bình yêu nhạc Nga, anh Khoa thì thích nhạc trẻ. Mình không có lượng vốn bài hát lớn như Dũng. Dũng tiếp cận nhiều bài hát mới rất hay, như “Anh thanh niên” chẳng hạn, rất hợp với anh Khoa. Các bài còn lại giai điệu cũng phải dễ thuộc, ăn sâu vào mỗi người rồi. Tất nhiên anh em có trao đổi với nhau nhiều nhưng Dũng lựa chọn bài hát rất đắt, mình rất thích.
– Anh có nhận xét gì về các diễn viên của vở nhạc kịch, đặc biệt là anh Bình và anh Khoa?
– Mình ấn tượng nhất với anh Bình, sau đó đến anh Khoa. Rõ ràng hai anh không có điều kiện tập dượt nhiều như mọi người, nhất là anh Bình, thậm chí không tập một phút nào, thế mà vào diễn luôn được như vậy. Mình phải công nhận là cực kỳ xuất sắc. Các anh em khác, mỗi người đều có những vất vả riêng nhưng dù sao cũng có thời gian tập luyện, chứ hai nhân vật chủ chốt kia, anh Khoa còn được tập một chút, anh Bình không một chút nào.
Nhóm tác giả kịch bản cùng các lãnh đạo và diễn viên trong hội diễn mừng FPT tròn 32 tuổi. Ảnh: Trần Huấn.
– Về hình thức hội diễn năm nay là làm online, anh nhận định ra sao?
– Đây là một thử thách của chúng ta, cũng giống đất nước ta thôi. Chúng ta gặp đại dịch, người Việt nói chung và người FPT nói riêng đã bản lĩnh và khôn khéo vượt qua những khó khăn. Không thể có sân khấu hàng nghìn người, chúng ta vẫn tìm được cách phục vụ anh em, vẫn có những giờ phút chia sẻ với nhau thông qua hình thức mới là làm online. Mình cho rằng đây là một đêm diễn của sự đổi thay, một bước ngoặt. Dù là đại dịch hay những thách thức khác, chúng ta vẫn có thể làm được điều mà chúng ta mong muốn.
– Việc không có tương tác khán giả liệu có ảnh hưởng gì tới cảm hứng của những người chuyên sáng tạo như các anh?
– Một mặt là dấn thân như thường, một mặt mình nghĩ cũng có điều khác, chủ yếu là lo lắng thôi, bởi khi diễn trực tiếp với không khí tại chỗ thì cảm xúc cộng hưởng rất mạnh mẽ. Nhưng sau hội diễn năm nay, mình thấy dù làm online mà mọi người đều biết rằng hàng vạn con mắt, hàng vạn anh em đang trông chờ, chỉ cần thăng hoa một chút thôi sẽ chạm được đến khán giả.
20h ngày 13/9, đêm diễn STCo online mang tên “Chung một dòng sông” chính thức “lên sóng” tại sảnh tầng 13, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Hà Nội. Và lần đầu tiên người FPT toàn cầu đều cùng theo dõi được các lãnh đạo và đồng nghiệp nhà F biểu diễn trên 3 nền tảng gồm: Workplace – group Chungta News hoặc MyFPT; Truyền hình FPT – kênh 913 và FPT Play – kênh 913.
Đêm diễn đã thu hút hơn 1.000 người theo dõi cùng thời điểm (real-time) trên nền tảng FPT Workplace và gần 10.000 người xem cùng lúc trên Truyền hình FPT và FPT Play. Sự kiện cũng nhận tương tác “khủng” trên nhóm Workplace – FPT Chungta news với 83 lượt chia sẻ, hơn 1.000 lượt like/love và gần 900 bình luận của người nhà F ngay tại thời điểm phát trực tiếp.
Hoa Hạ thực hiện