Có một trung vệ số 7 như thế đó

Có một trung vệ số 7 như thế đó

Nếu không phải là tài năng sân cỏ, thì cầu thủ thành Nam sinh năm 1981 không thể còn được “sử sách” lưu truyền như thế. Nhưng chỉn chu hơn, bớt đi sự mải chơi, biết giữ gìn hình ảnh hơn cuộc đời anh đã khác.

16 năm gắn bó với sân cỏ, bắt đầu từ CLB Thể Công (2001) và kết thúc “không kèn, không trống” ở Phù Đổng (2017) ngoài đội tuyển quốc gia, Vũ Như Thành đã thi đấu cho 7 đội bóng. Nhà vô địch AFF Cup 2008 phải xuống đá cả đội hạng Nhì để mưu sinh…rồi lặng lẽ chia tay với bóng đá.

Dấu ấn buồn vui

Có 3 dấu ấn trong sự nghiệp “quần đùi, áo số”, đó là vụ lình xình giữa Nam Định và Thể Công năm 1987. Khi đó cả Đặng Phương Nam, Đặng Thanh Phương và Vũ Như Thành rời đội trẻ Nam Định lên gia nhập Thể Công. Nhưng rốt cuộc chỉ mỗi Vũ Như Thành bị án cấm thi đấu 1 năm do bỏ đội trẻ Nam Định, dù anh cũng chả có thứ giấy tờ ràng buộc gì ngoài việc lớn lên ở đây.

Có một trung vệ số 7 như thế đó ảnh 1

Như Thành đã có tên trong danh sách những cầu thủ ảnh hưởng đến sân cỏ Việt. Ảnh FF

Một cái án trên giấy vì chả ai bắt cầu thủ trẻ này đến sân Cột cờ để tập cùng các bạn U17 Thể công khiến cho sau này Vũ Như Thành “nhờn thuốc”. Đây cũng là lý do, dù bôn ba mưu sinh nhưng chưa bao giờ cầu thủ này bén sân trở về Nam Định.

Cuối năm 2003, VFF đã treo giò Vũ Như Thành 5 năm vì dính liền 3 tội: Có biểu hiện tiêu cực và biểu hiện bán độ trong một số trận đấu của đội U23 thời gian gần đây tại cúp JVC 2003; vi phạm kỷ luật và đấu pháp của đội; ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống quy chế của đội U23 Việt Nam.

Khi ấy, ông Vũ Hạng, Trưởng ban thanh tra, khen thưởng và kỷ luật của LĐBĐ Việt Nam vốn là sếp đội Đường sắt được coi là rắn mặt. Thậm chí người đã còn định đưa cả Việt Thắng, Trung Tuấn, Như Thành sang công an để truy cứu trách nhiệm hình sự.

VFF lúc đó dựa vào băng ghi hình các trận đấu của U23, báo cáo của ban huấn luyện để kỷ luật bởi họ rất cần một bầu không khí “trong sạch” khi SEA Games 22 trên sân nhà. Một “nghi án” sân cỏ, xử rất nặng nhưng sau này bản án được rút lại thời hiệu 50%, đủ để Như Thành chuyển sang đá cho B.Bình Dương vào mùa giải 2007 sau gắn bó với Thể công 4 mùa bóng.

Tháng 8 năm 2008, để chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh đội tuyển Olympic  Brazil đá giao hữu với đội tuyển của thầy trò HLV.H.Calisto. Như Thành và Phước Tứ có vinh dự được đối diện với những tài năng hàng đầu thế giới Ronaldinho, Marcelo, Pato.

Tất nhiên là chả cần tốn nhiều mồ hôi thì Pato chỉ mất 5 phút làm nóng rồi thoát xuống đỡ bóng, đối mặt với thủ thành Santos ghi bàn. Dù thua 0-2 nhưng đây chắc chắn là dấu ấn lớn nhất của cuộc đời cầu thủ Như Thành.

Có một trung vệ số 7 như thế đó ảnh 2

 HLV Nguyễn Văn Sỹ của V. Ninh Bình tỏ ra tiếc nuối khi nhắc đến Như Thành: “Về trình độ chuyên môn, nhiều trung vệ ngoại cũng chưa theo kịp Như Thành. Tôi không hiểu sao Thành lại vướng vào nhiều rắc rối đời tư đến thế”. Ảnh GBNV

Đẳng cấp Thành “kếu”

Tại AFF Cup 2008, chúng ta là nhà vô địch và thủ môn Dương Hồng Sơn được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu nhưng dấu ấn của Thành “kếu” không hề nhạt. Trong tay ông thầy Bồ Đào Nha có một tập thể khá hoàn hảo như Minh Phương, Tấn Tài, Công Vinh, Tài Em, Phước Tứ đến Việt Thắng. Nhưng việc trải qua 10 trận liền giao hữu không thắng cùng thất bại trong trận ra quân trước ĐT Thái Lan (thua 0-2) ở  AFF Cup 2008 khiến tập thể này bị xem là ĐT Việt Nam yếu nhất trong 10 năm qua.

Chiến thắng với tỷ số 3-2 trước Malaysia ở lượt trận thứ hai khiến cho chúng ta giải tỏa áp lực ngàn cân. HLV Calisto cũng chẳng thể kiềm chế được niềm sung sướng khi Vũ Phong có bàn thắng ấn định tỷ số ở phút 86. “Phong độ của đội bóng cứ thế mà đi lên. Nhưng phải khẳng định, mấu chốt đưa ĐT Việt Nam đến chức vô địch chính là trận lượt về gặp Singapore tại vòng bán kết”, Như Thành kể lại. 

Trên sân khách, thi đấu dưới áp lực 50.000 cổ động viên cuồng nhiệt Singapore, người ta thấy Như Thành ghé sát tai đồng đội gào lên: “Đá đi, đá đi” (sau này anh kể lại “trước áp lực từ xung quanh khán đài, tôi căng cứng mất đến 20 phút. Các đồng đội cũng vậy…phải làm thế mới đủ tự tin”). Những pha cắt bóng thông minh trên sân cỏ đã làm nên thương hiệu Thành “kếu” không lẫn với bất xứ trung vệ Việt Nam nào.

Có một trung vệ số 7 như thế đó ảnh 3

“20 năm bóng đá Việt Nam mới có một người như Lê Công Vinh, 50 năm mới có một người như Nguyễn Hồng Sơn nhưng phải hơn 100 năm mới sản sinh ra được Vũ Như Thành thứ hai”, câu nói của “thầy phù thủy” Calisto vẫn còn nhiều tranh cãi . Ảnh FBNV

“20 năm bóng đá Việt Nam mới có một người như Lê Công Vinh, 50 năm mới có một người như Nguyễn Hồng Sơn nhưng phải hơn 100 năm mới sản sinh ra được Vũ Như Thành thứ hai”, câu nói của “thầy phù thủy” Calisto vẫn còn nhiều tranh cãi bởi các bấc tiền bối như hậu vệ Nguyễn Trọng Giáp, Mạnh Cường hay kể cả Quế Ngọc Hải hiện nay vẫn là những cầu thủ được đánh giá cao.

Nhưng việc ông H. Calisto “cưng chiều” trung vệ lắm tài, nhiều tật này là có thật. Không phải là Như Thành thì cũng không trung vệ nào lại chọn áo số 7, vốn chỉ dành cho tiền vệ cánh. Thực ra kể cả muốn giành, ngoài Thành “kếu” ra chắc cũng không cầu thủ nào được đặc ân này.

Cựu tiền đạo Việt Thắng kể lại một câu chuyện không tưởng cho Báo Bóng Đá: “Một hôm, ông Calisto vào phòng trung vệ Chí Công vào lúc 22h30. Khi ấy, Công đang xem phim. Ông ấy kêu Chí Công phải đi ngủ khi đã quá giờ quy định 30 phút. Chí Công nói: Vậy sao thầy không qua phòng Như Thành, cậu ấy có bao giờ ngủ đâu? Ông Calisto đáp lại bằng một câu nói rất sốc: Cậu mà đá hay như Như Thành, tôi cho thức nguyên tuần luôn!”. 

Sự nuối tiếc không nguôi

Sau khi vô địch AFF Cup 2008, Như Thành liên tục dính vào những rắc rối đời tư ngoài sân cỏ, rời B.Bình Dương về V.Ninh Bình nhưng nhiều lần anh mất hút, bỏ cả luyện tập, tắt điện thoại. HLV Nguyễn Văn Sỹ và chủ tịch CLB Phạm Văn Lệ của V. Ninh Bình dù rất kết chuyên môn của Thành “kếu” nhưng sau mùa giải 2012 cũng đành ngậm ngùi nói lời chia tay.

Có một trung vệ số 7 như thế đó ảnh 4

 Cuộc đời ông chủ của Học viện Bóng đá StarFootball Academy nếu gặp đạo diễn có nghề, có thể dựng thành phim. Ảnh FBNV

7 CLB và ngay cả trên tuyển, bao giờ Vũ Như Thành cũng thể hiện một vai trò thủ lĩnh trong sinh hoạt lẫn luyện tập, thi đấu. HLV Nguyễn Văn Sỹ của V. Ninh Bình tỏ ra tiếc nuối khi nhắc đến Như Thành: “Về trình độ chuyên môn, nhiều trung vệ ngoại cũng chưa theo kịp Như Thành. Tôi không hiểu sao Thành lại vướng vào nhiều rắc rối đời tư đến thế”. Như một định mệnh!

Tại vòng loại Asian Cup 2011, trong trận thua trước Syria ở những phút cuối trên sân Mỹ Đình, cú đánh đầu phá bóng hụt của Như Thành đã làm HLV Calisto thất vọng. Con số 50 trận khoác áo đội tuyển và 2 bàn thắng vì thế đã dừng lại và câu chuyện của trung vệ có thời đã có trong tay 50 tỷ đồng, rồi lại trắng tay được kể đi, kể lại trên các chầu café của giới cầu thủ Việt. Người khen có, người chê có nhưng nhiều nhất vẫn là một sự nuối tiếc về cuộc đời của một tài năng bóng đá sân chùa Cuối.

Chia tay bóng đá, giờ anh trở thành BLV bóng đá và mở trung tâm đào tạo bóng đá cộng đồng. Cuộc đời ông chủ của Học viện Bóng đá StarFootball Academy nếu gặp đạo diễn sẽ ly kỳ, hấp dẫn và thu hut người xem không kém các nhân vật nổi tiếng nào khác.

Rate this post