Tự sự của Johnny Trí Nguyễn
Quê tôi ở Bình Dương nhưng nói thiệt tôi không có nhiều kỉ niệm về vùng đất này bởi một lẽ: lúc nhỏ tôi sống ở Mỹ Tho nhiều hơn. Gia đình tôi có ba anh em: anh cả Nguyễn Chánh Trực (Charlie Nguyễn), chị kế là Nguyễn Chánh Thanh Trúc (Tawny Nguyễn) và cuối cùng là tôi Nguyễn Chánh Minh Trí.
Hồi đó, không hiểu sao anh Trực lại được “gửi” lên ở nhà dì Tư trên Sài Gòn, còn tôi và chị Trúc thì sống với ba mẹ dưới Trung An (Mỹ Tho). Thỉnh thoảng, ba mẹ cũng cho hai chị em lên Sài Gòn chơi, mỗi lần như vậy chúng tôi phải đi bộ hết một đoạn đường đất gồ ghề, sau đó leo lên xe ngựa đi tiếp mới tới bến xe.
Rồi lại đón xe đò lên Sài Gòn. Mệt nhưng tôi vẫn háo hức vì với tôi, Sài Gòn lúc đó luôn náo nhiệt và có nhiều cái cho tôi “khám phá”.
Điều “ngộ nhất” của tôi lúc nhỏ là chẳng bao giờ tôi được học hành đến nơi đến chốn. Tôi phải chuyển trường liên tục (vì khi tôi ở Sài Gòn, lúc lại về Trung An), học hành thì lỡ cỡ vì tôi hay mắc cỡ đòi về nhà cho nên hơn 8 tuổi đầu tôi cũng chỉ biết bập bẹ… đánh vần tiếng Việt..
Mấy đứa con nít dưới quê như tôi chẳng bao giờ có đồ chơi, muốn chơi thì chúng tôi phải tự làm. Tôi hay móc đất sét ở dưới mương lên nắn thành xe tăng, xe jeep lâu lâu lấy ra “ùn… ùn…” một mình, không thì chặt tre cột thun lại làm kiếm.
Trò chơi của tôi quanh quẩn chỉ có mấy “món”: nặn đất sét thành hình xe tăng, múa kiếm một mình, lâu lâu lại chạy qua nhà dì Ba gần đó mượn xe đạp tập chạy. Tướng tôi nhỏ xíu, chiếc xe đạp thì bự nên chuyện tôi tập đạp xe bị lọt mương là bình thường, riết ba mẹ tôi cũng “ngán” không thèm rầy thằng út nữa.
Johnny Trí Nguyễn cùng lớp võ Akido bên Mỹ
Nhưng chuyện “xe đạp lọt mương” chưa kinh khủng bằng chuyện tôi và chị Trúc đi nhát ma người khác. Dưới quê thường không có đèn điện, vì vậy cứ canh lúc trời chạng vạng tối hai chị em lại đeo mặt nạ, núp vào lùm cây canh có ai đi ngang qua thì nhảy ra “hù”.
Mới đầu còn có người sợ, nhưng được vài lần thì người ta phát hiện và bắt hai “con ma” đưa về cho gia đình. Thế là hai chị em bị ba mẹ “dần” cho một trận nhừ tử…
Vậy mà tụi tôi còn chưa sợ. Tôi có hai người bà con sống trên Sài Gòn: dì Tư ở đường Trần Phú (quận 5) và nhà cô Hai ở khu Phú Lâm (quận 6). Có lần tôi và chị Trúc được ba mẹ cho lên nhà dì Tư chơi với anh Trực, được một lúc thì người nhà cô Hai qua rước anh Trực sang quận 6 chơi, tuyệt nhiên không thèm chú ý đến chị Trúc và tôi.
“Ganh tị” với anh Trực, chị Trúc quyết định dẫn tôi đi bộ từ Trần Phú sang Phú Lâm theo đường xe bus. Năm đó chị Trúc 9 tuổi, còn tôi thì chỉ mới lên… 4, hai chị em cứ thế dắt díu nhau đi gần cả ngày trời mới tới nhà cô Hai.
Nhiều lúc khát nước tôi phải… xin tiền người đi đường để mua nước uống, chưa kể đi ngang một con hẻm còn bị đám du côn trạc tuổi bắt nạt. Bây giờ nghĩ lại tôi còn thấy rùng mình, lúc đó lỡ bị bắt cóc cũng không biết tính sao.
Năm 9 tuổi thì tôi theo gia đình sang Mỹ định cư. Lúc mới sang Mỹ gia đình tôi sống tại một vùng đất hẻo lánh tại Texas, cả gia đình ở trong một căn nhà làm bằng tôn và gỗ có mấy cái bánh xe phía dưới.
Ban ngày ba mẹ đi làm, ba anh em tôi ở nhà dọn dẹp và tập làm quen với những người hàng xóm. Thời tiết ở Texas thật khắc nghiệt, mùa hè thì nóng vô cùng, mùa đông thì lạnh buốt, cả nhà phải co cụm lại cho “ấm”.
Ở Texas được hơn 3 tháng thì nhà tôi chịu không nổi và quyết định chuyển sang Cali. 5 con người chui vào chiếc xe hơi cà tàng của ba chạy sang Cali, lúc đó “vốn” của gia đình tôi chỉ vỏn vẹn 500 USD.
Khí hậu ở Cali dễ chịu hơn nhiều, chúng tôi thuê một căn phòng nhỏ và ở chung tại đó. Tôi và anh Trực bắt đầu đi làm thêm bằng cách phát tờ rơi tại những khu nhà giàu với giá 2 USD mỗi giờ. Cứ khoảng 15-16h sau khi hai anh em đi học về, ba lại chở chúng tôi đến “chỗ làm”, đạp xe đi phát đến 7 giờ tối thì ba đến đón chúng tôi về.
Ba tôi làm kĩ thuật trong một trường học, còn mẹ thì đổi nghề liên tục: thợ may, bán mĩ phẩm, sau này chuyển qua học về địa ốc. Cuộc sống của gia đình tôi cứ thế bình lặng trôi.
Thời gian đầu qua Mỹ với tôi như một cực hình. Tiếng Anh không biết một chữ, tiếng Việt cũng chưa đọc rõ nên mỗi lần vào lớp tôi toàn nghe “ù ù cạc cạc”. 9 tuổi, tôi mới bắt đầu vào lớp 1.
Để không bị lạc hậu, ba mẹ đăng kí cho mấy anh em tôi học Anh văn bên cạnh đó tập thêm cho tôi cách đánh vần tiếng Việt. Biết mình thua sút bạn bè tôi lao vào học, từ từ tôi tiến bộ thấy rõ, học lực bao giờ cũng vào hàng top của lớp. Năm 1991, tôi tốt nghiệp High school (Trung học phổ thông) khi mới 17 tuổi.
Ở Mỹ, muốn vào một trường nào đó bạn phải làm đơn “xin tuyển” vào bằng cách gửi bản lí lịch học bạ trong những năm trung học. Tôi cực kì mê nghệ thuật nhưng mẹ lại muốn tôi theo học ngành kĩ sư điện tử.
Đang lúc đắn đo có nên xin vô trường University of Santa Babara (một trường có tiếng về điện tử của Mỹ) hay không thì anh Trực xuất hiện.
Phải nói anh Trực và tôi rất hợp nhau về khoản nghệ thuật, lúc học phổ thông hai anh em hay lấy máy cầm tay ra quay phim, cắt ghép đủ trò. Anh Trực “lận đận” hơn tôi, anh học kiến trúc sư nhưng thấy không hợp lại bỏ, sau đó học computer thấy không hợp lại… bỏ tiếp, cuối cùng anh đi học làm phim.
Anh khuyên tôi nên suy nghĩ kĩ trước khi chọn trường, hãy làm theo điều mình thích chứ đừng “bỏ phí” mấy năm giống như anh. Và rồi tôi quyết định bỏ tờ đơn xin vào trường University of Santa Babara.
(Còn tiếp)
(Theo Mực Tím)