Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (1948-2020)
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1948 (có nơi ghi 1947) ở làng ven biển miền trung, nay là thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông được sinh vào lúc mẹ của ông chạy tản cư trong kháng chiến chống Pháp.
Ngoài sáng tác nhạc, Vũ Đức Sao Biển còn biết đến với nhiều nghề khác là nhà văn, nhà báo và là nhà giáo.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, nhưng Võ Hợi hiếu học và đọc nhiều sách thi ca thời Đường Tống, thơ lãng mạn Pháp từ những năm trung học. Có lẽ là những vần thơ cô đọng, trữ tình đó đã thấm đẫm vào những ca khúc nổi tiếng của ông lúc đầu đời, nổi tiếng nhất là bài “Thu, Hát Cho Người”, sáng tác năm ông 20 tuổi, viết cho một mối tình đơn phương thời tuổi trẻ. Những bài hát thời kỳ sau đó là Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú, Chiều Mơ… đều là những ca khúc có ca từ đẹp, bay bổng và lãng mạn.
Click để nghe Thu, Hát Cho Người
Bút danh khi sáng tác là Vũ Đức Sao Biển đã có từ những năm đầu sáng tác, được cha của ông đặt, với ý nghĩa là hình ảnh một vì sao long lanh và lẻ loi trên biển. Không biết là bút danh này có vận vào cuộc đởi sáng tác của ông hay không, mà cả trước và sau này, nhạc của Vũ Đức Sao Biển đều buồn man mác. Tuy nhiên lúc sinh thời, ông có nói rằng nhạc của ông càng lúc càng ít buồn hơn, đặc biệt là những ca khúc gần cuối đời đã mang được nhiều nét vui tươi.
Năm 18 tuổi, Vũ Đức Sao Biển vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa. Sau khi tốt nghiệp, ông được cử về dạy văn và triết bậc trung học tại trường Công Lập Bạc Liêu.
Năm 1970 là năm Tổng Động Viên Toàn Phần, tất cả các ngành bác sĩ, kỹ sư, công chức, guaos sư… đều vào trường sĩ quan Thủ Đức. Vũ Đức Sao Biển cũng vào học ở quân trường Thủ Đức một thời gian trước khi trở về lại Bạc Liêu để tiếp tục nghề giáo. Trong thời gian ngắn tại quân trường, ông sáng tác ca khúc Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú, nói về tâm sự của những người lính trẻ tại đây và rất được các thế hệ khoá sinh quân trường Thủ Đức yêu thích.
Sau tháng 4 năm 1975, Vũ Đức Sao Biển bị bắt đi học tập cải tạo 1 thời gian ngắn rồi được thả, ông quay về Sài Gòn xin đi dạy học lại ở Nhà Bè.
Vừa dạy học, ông vừa bắt đầu cộng tác với các báo: Tuổi Trẻ Cười, Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, CATPHCM, báo Pháp luật,… Ông cũng là thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Từ thập niên 1990, Vũ Đức Sao Biển bắt đầu sáng tác trở lại và viết nhiều ca khúc nổi tiếng về miền sông nước Cửu Long, tiêu biểu là Điệu Buồn Phương Nam, Đau Xót Lý Chim Quyên, Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang, Trở Lại Bạc Liêu… Đây là những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, nội dung có nhiều hình ảnh từ ca dao như chim sáo, chim quyên… Vũ Đức Sao Biển cho biết mẹ của ông tuy không được đi học nhiều nhưng lại thuộc hàng ngàn câu ca dao, ảnh hưởng đến tâm hồn sáng tác của ông sau này.
Click để nghe Điệu Buồn Phương Nam
Năm 1999, theo gợi ý của Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Văn Út, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tiến hành phục dựng lại bài Dạ Cổ Hoài Lang của soạn giả Cao Văn Lầu. Từ các chữ đờn trong thanh nhạc cổ như hò, xự, xang, xê, cống, liu, ú, Vũ Đức Sao Biển ký âm lại tác phẩm trên nền thanh nhạc Tây phương với các nốt Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si, như vậy thì ca khúc sẽ dễ dàng quảng bá hoặc truyền dạy hơn.
Ông phát triển từ chất liệu sẵn và giữ được cái hồn dân ca – cổ nhạc. Sau đó, nhiều nhạc sĩ sử dụng bản ký âm này để hòa âm, và ca sĩ Hương Lan cũng rất được yêu thích với bản thu âm Dạ Cổ Hoài Lang dựa trên phiên bản mới này.
Click để nghe Dạ Cổ Hoài Lang
Từ thời điểm đó, Vũ Đức Sao Biển viết thêm các ca khúc Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang, Trở Lại Bạc Liêu, Gửi Về Nơi Cuối Đất… đều mang cung bậc của hò, xự, xang, xê, cống như nối liền mạch cảm xúc với soạn giả Cao Văn Lầu.
Ngoài ra, năm 2018, Vũ Đức Sao Biển còn cùng các cộng sự dịch bản vọng cổ kinh điển Dạ Cổ Hoài Lang này sang tiếng Anh, Pháp, Hoa với mong muốn quảng bá tác phẩm ra thế giới.
Được yêu thích với vai trò là nhạc sĩ, nhiều người còn biết đến Vũ Đức Sao Biển khi ông bình luận các tiểu thuyết võ hiệp, đặc biệt là truyện Kim Dung với bút danh là Mạc Đại. Nhiều người còn phong tặng cho ông danh hiệu là “nhà Kim Dung học”.
Sinh thời, Vũ Đức Sao Biển cho biết ông yêu thích truyện võ hiệp Kim Dung từ năm 1963, chỉ 8 năm sau khi tiểu thuyết gia Kim Dung bắt đầu viết truyện. Khi mới học lớp 10, ông tình cờ đọc được tiểu thuyết Tuyết Sơn Phi Hồ, sau đó có nhiều hứng thú để tìm hiểu thêm các truyện khác.
Những bài viết về truyện võ hiệp của Vũ Đức Sao Biển được đăng rải rác trên các báo trong thập niên 1980, rồi được tập hợp vào một tập sách tên là Kim Dung Giữa Đời Tôi được NXB Trẻ in lần đầu năm 1993 và đã được tái bản nhiều lần. Nhiều bạn đọc yêu mến Phong Vân vẫn còn nhớ lời bình của Vũ Đức Sao Biển sau mỗi tập truyện Phong Vân phiên bản truyện tranh được phát hành ở Việt Nam thập niên 1990. Mời bạn đọc lại đoạn Lời Mở Đầu của loạt truyện nổi tiếng này do Vũ Đức Sao Biển viết:
“Ít nhất trong đời của mỗi người, ai cũng một vài lần mong mình trở lại cái thời tuổi thơ hoặc nhắm mắt nghĩ về những ngày thơ ấu. Thế những tiến trình nghiệt ngã của thời gian cứ bắt con người phải lớn lên, phải già đi. Tiến trình đó là không thể đảo ngược được. Đó là một tiến trình mang tính cách thuần túy sinh học và từ thuần túy sinh học, nó kéo theo sự lão hóa của tâm hồn. Cho nên trở lại tuổi thơ là một mong ước thầm kín và lãnh mạn của mỗi đời người.
Chính vì vậy, Nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh mời các bạn đọc lớn tuổi xem một bộ truyện tranh – một tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp được kể lại bằng hình ảnh, để các bạn đọc có những phút giây quý giá được quay về với thế giới tuổi thơ. Bởi trước nay, người ta vẫn nghĩ rằng truyện tranh là sản phẩm dành cho thiếu nhi nên chúng tôi mạnh dạn cho xuất bản bộ truyện tranh Phong Vân này đã vượt qua cái qua cái suy nghĩ có tính thông lệ đó. Nói đúng hơn, bộ truyện tranh này không kén chọn bạn đọc, từ em thiếu nhi 6 tuổi vừa viết đọc đến cụ già 106 tuổi còn đọc ra chữ đều có thể đọc được. Vâng, lần đầu tiên Nhà xuất bản Trẻ mời các bạn đọc lớn tuổi thưởng ngoạn một sản phẩm văn hóa lạ: truyện tranh dành cho người lớn tuổi…”
Ngoài viết lời bình cho truyện kiếm hiệp, Vũ Đức Sao Biển còn dịch truyện, và được chính nhà văn Kim Dung đề nghị ông chuyển ngữ cho Tiếu Ngạo Giang Hồ năm 2001. Ông đã cùng với 2 cộng sự tốt nghiệp khoa Hán Nôm của Đại học Tổng Hợp hoàn thành bản dịch này.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển được nhiều người nhận xét là có tính cách hài hước, gần gũi, chân chất của một người con xứ Quảng. Trong nghề báo, một thời gian Vũ Đức Sao Biển từng phụ trách tờ Thanh Nguyên Bán Nguyệt San. Tuy là lãnh đạo nhưng ông rất hoà nhã và thân ái với tất cả đồng nghiệp, thường nở nụ cười với ánh mắt có đuôi gây được thiện cảm với mọi người.
Năm 2008, khi tròn 60 tuổi, Vũ Đức Sao Biển bị một cơn đột quỵ phải cấp cứu ở bệnh viện 115.
Năm 2018, ông phát hiện mắc bệnh ung thư vòm họng. Đến năm 2019, ông trở bệnh nặng vì bị di căn.
Vũ Đức Sao Biển là nhà giáo, chuyên làm việc bằng tiếng nói: đi dạy, thuyết trình, giao lưu, talkshow… Cho đến ngoài 70 tuổi, ông vẫn siêng năng làm việc. Tuy nhiên từ đầu năm 2018, ông bị bệnh ung thư vòm họng, không nói được nhiều nữa nên chỉ chuyên tâm để viết sách. Căn bệnh nặng không thể cản trở ông làm việc. Ông miệt mài viết sách, như một liệu pháp tinh thần giúp quên đi đau đớn.
Vũ Đức Sao Biển trút hơi thở vào khuya ngày 6 tháng 5 năm 2020. Buổi tối hôm đó, ông ra hiệu cho vợ và con cháu đến quây quần, ôm hôn vợ rồi lịm dần.
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com