Vũ Đức Sao Biển – Người đã ra đi với dòng sông
Nhạc sĩ – nhà văn Vũ Đức Sao Biển – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Viết về anh phải đề cập đến khía cạnh nào đây? Là một nhạc sĩ? Vâng, một nhạc sĩ “đóng đinh” vào âm nhạc bằng bài hát Thu, hát cho người. Một nhà văn, một nhà viết trào phúng?
Hay một nhà báo, một thầy giáo, một nhà Kim Dung học, một dịch giả?
Muốn đi sâu vào tâm hồn anh, hãy nghe hết những bài nhạc anh viết; đọc hết những bài báo đòi hỏi công lý cho người dân đang bị oan án tày đình trên báo Pháp Luật TP.HCM; những bài viết trên báo Tuổi Trẻ Cười với nụ cười đầy nước mắt trước những chuyện trái khoáy của xã hội, của một số cơ quan, quan chức nhũng nhiễu thâm lạm.
Là một giáo viên, trước 1975 anh đã dạy ở tận xứ Bạc Liêu, truyền cảm hứng văn học cho những học sinh yêu chữ nghĩa.
Anh say mê tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung rồi luận bàn nhiều khía cạnh của bậc tài hoa chữ nghĩa này từ chuyện pháp luật đến nghệ thuật, đến sự chính danh, chính trực của con người khi đời ta bây giờ gặp quá nhiều bọn ngụy quân tử Nhạc Bất Quần…
Anh là một nhà Kim Dung học dưới khía cạnh xã hội, dưới tâm thế của người đau phận con người chứ không phải chỉ biết kể chuyện “Đại Nã Di Càn Khôn”, “Hấp Tinh Đại Pháp” – mà bọn đàn ông chúng tôi thường đem ra cười đùa, tếu táo…
Nhưng dù sao, trên hết, người yêu nghệ thuật biết anh qua Thu, hát cho người. Tôi cũng vậy. Tôi có hân hạnh gặp anh vào năm 1972, trong một đêm nhạc đấu tranh cho quê hương ở Tổng vụ Thanh niên Phật tử, 294 Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Được anh bắt tay là cũng đủ sướng cho thằng nhỏ được gặp người viết Thu, hát cho người. Lúc đầu tôi cũng những tưởng anh viết về mùa thu. Nhưng sau này, khi trở nên quen biết do công việc, anh có nói vui là “nhờ mê gái hồi trẻ”.
Rồi anh kể tiếp có mê một cô Thu – người cũng là “nữ thần âm nhạc” của nhạc sĩ Đynh Trầm Ca. Với vốn Hán học, anh có những lời nhạc như một bài thơ với những điển tích của thơ Đường. Không biết ông ứng bà hành thế nào mà tôi dám “phê bình nghệ thuật” một câu xanh rờn: “Thôi, anh đừng sáng tác nhạc nữa, chỉ một Thu, hát cho người là đủ cả cuộc đời rồi…”.
Nhưng thực ra, bình tâm trong những đêm yên lặng sâu lắng, ngồi trên chiếc vỏ lãi hay tắc ráng trên dòng sông Hậu mà nghe Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang hay Điệu buồn phương Nam thì ta sẽ đặt câu hỏi tại sao một người Quảng Nam lại chia sẻ thâm tình, thấu cảm cõi giới của người cuối đất đến như vậy?
Có phải những năm ăn gạo, uống nước của vùng đất “dưới sông cá nhảy trên bờ Triều Châu” (?).
Có phải từ một Thu, hát cho người đến Mẹ Cửu Long đã có những biến chuyển khác trong cách nhìn đời của anh. Thu, hát cho người đến Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Mẹ Cửu Long, Hoài niệm Trường Giang… đều có hình ảnh của một dòng sông; từ dòng sông cho người tình đến những con sông mạnh mẽ như bóng cha, dịu dàng như nghĩa mẹ…
Sở dĩ tôi dám nói linh tinh với anh như vậy vì chúng tôi thường gặp nhau để bàn chủ đề cho từng số báo. Anh là một cây viết biếm chủ lực của báo Tuổi Trẻ Cười từ những số báo đầu tiên đến tận bây giờ. Trên lĩnh vực báo trào phúng, anh là một cây bút “đa-gê-năng”.
Anh làm thơ, viết truyện, viết xã luận và bài viết nào cũng là một bài viết tâm huyết. Anh viết nhanh nhưng chất lượng vì những vấn đề tòa soạn yêu cầu đều trúng vào những điều anh đang đau đáu “thương những đời như lục bình trôi…”.
Thời gian anh bạo bệnh, không nói được, anh vẫn cố gắng viết cho Tuổi Trẻ Cười cái gì đó…”Cái gì đó” là lòng của anh mang vào giường bệnh, tận cuối đời. Rồi đây, Tuổi Trẻ Cười sẽ thiếu vắng những bài viết châm biếm sâu cay của Đồ Bì, của Đinh Ba… Văn trường sẽ mất đi một cây bút đầy nhiệt huyết của Vũ Đức Sao Biển.
Viết lan man vào một buổi sáng buồn. Chia tay anh – anh Đồ Bì, như mới chào nhau dưới sân báo Tuổi Trẻ hôm nào. Chép lại ở đây bốn câu kinh bái hỏa giáo từ quyển Úi chao, 60 năm của anh như nói với chính mình và bè bạn: “Chợt đến như dòng nước chảy/ Và tàn như gió qua mau/ Chẳng biết từ đâu mà đến/ Và chẳng biết về nơi đâu”.
Nhà báo Đồ Bì (nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển) tại lễ kỷ niệm 2 năm ra mắt báo Tuổi Trẻ Cười tháng 1-1986 – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Vĩnh biệt nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển – ông Đồ Bì quen thuộc trên Tuổi Trẻ Cười những năm qua – vừa qua đời lúc 23h35 ngày 6-5 tại nhà, sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi và trước đó là bệnh ung thư vòm họng.
Sinh năm 1948 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, tên thật là Võ Hợi, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực: phong trào thanh niên, báo chí, văn thơ, nhạc… tại Sài Gòn và miền Nam trước 1975.
Từ 1975 đến cuối đời, Vũ Đức Sao Biển hoạt động trên lĩnh vực báo chí và sáng tác ca khúc. Trong hơn 60 ca khúc của ông, có những ca khúc đi vào lòng người như Thu, hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang…
Vũ Đức Sao Biển có khoảng 36 đầu sách.
Ông sáng tác đa dạng lĩnh vực. Về tiểu phẩm trào phúng có: Bản báo cáo biết bay, Thỏ thẻ cùng hoa hậu; sách biên khảo có bộ Kim Dung giữa đời tôi 4 tập và Lắng nghe giai điệu Bolero; tiểu thuyết có Sông lạc đường về, Kiếm hoàng hoa, Hoa hồng trên cát; phóng sự có Đi tìm sự thật, Đối thoại với bản án tử hình. Ông có hai tập hồi ký: Úi chao, 60 năm – ra mắt từ năm 2007, và Phượng ca – ra mắt trong những ngày cuối đời nằm bệnh. Ông còn có hai tập bút ký về nghề báo là Phía sau mặt báo và Án lạ phương Nam…
Lễ viếng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bắt đầu từ 15h ngày 7-5 tại nhà riêng (22/7 TTN18, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM), sau đó an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương sáng 10-5.
LAM ĐIỀN
Lời thầy Vũ Đức Sao Biển: ‘Khom lưng kiếm chút hư danh hưởng bổng cao, lộc lớn làm chi?’