Efren Reyes: Ảo thuật gia trên bàn bi “độ”

Efren Reyes: Ảo thuật gia trên bàn bi “độ”

“Điểm chung giữa một cơ thủ chuyên nghiệp và một chiếc pizza cỡ vừa là gì? Cả hai đều không thể nuôi sống một gia đình 4 người”, cơ thủ nổi tiếng thế giới Scott Smith với phát ngôn kinh điển của mình. Nhưng câu nói hài hước của Smith lại là lý do để Efren Reyes đi theo nghiệp billards đánh “độ”, dù là một huyền thoại.

Cả đời chỉ mê tiền

Giống như rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng của những vận động viên  thể thao vĩ đại, Reyes cũng mở đầu sự nghiệp trong sự nghèo đói. Là con thứ 5 trong một gia đình 9 người, tuổi thơ của Reyes gắn liền với sự thiếu thốn triền miên.

Tại Pampanga, Philippines những năm 60 của thế kỷ trước, điện và nước sạch là những thứ xa xỉ. Thế nhưng, niềm đam mê Billards lại là một thứ bình dân. Người dân đảo quốc này mê đắm bộ môn chỉ gồm bàn, bi và gậy, dù rằng họ vốn rất chuộng thể thao thực chiến như boxing.

Lên 5 tuổi, để bớt một miệng ăn trong gia đình, Reyes được cha mẹ gửi đến nhà ông chú ở Manila để… làm việc. Làm việc thật sự.

Efren Reyes: Ảo thuật gia trên bàn bi
Reyes thời trẻ là nỗi khiếp sợ từ châu Á sang châu Mỹ.

“Tôi vẫn nhớ như in những buổi tối ngủ trên bàn billards”, Reyes tâm sự. “Lưng tôi đau nhức vì mặt bàn rất cứng, nhưng thay vì nằm dưới đất với chuột và gián, thì ở bên trên vẫn tốt hơn nhiều. Nhiệm vụ của tôi là lau dọn bàn, xếp lại bóng, gậy, và căn chỉnh những chiếc đồng hồ ở đó. Hồi bé tôi chẳng hiểu sao người ta cứ phải vặn sai đồng hồ làm gì để rồi một đứa trẻ lại phải bắc ghế lên chỉnh lại. Nhưng đấy lại là một mánh của dân chơi “độ” chuyên nghiệp, một thứ giúp tôi kiếm rất nhiều tiền sau này”.

Có trí thông minh thể thao bẩm sinh, Reyes chỉ nhìn theo là học được những kỹ năng để chơi. Có người nói ông vốn đã lĩnh hội hết để trở thành một chuyên gia billards, từ trước khi cầm lấy cây cơ đầu tiên trong đời năm lên 8 tuổi. Đứng trên những cái thùng Coca-cola để có thể đánh, mục tiêu đầu đời của Reyes không phải là để trở thành cơ thủ, mà là để ôm trọn số tiền mà người ta cược trên thành bàn kia.

“Lúc 11 hay 12 tuổi gì đó, tôi đã thắng được 100 USD đầu tiên. Tôi đã gửi 90 USD về cho cha mẹ, đó là số tiền lớn nhất mà một đứa trẻ ở vùng đó có thể kiếm được. Cha mẹ tôi vui lắm, và nụ cười hạnh phúc của họ giống như một lời thúc giục rằng hãy tiếp tục đi, hãy chơi billards đi, hãy kiếm tiền đi”, Reyes nhớ lại.

Kiếm tiền trở thành động lực cho mọi bước đi sau này của Reyes. Để có thể thu về hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD mỗi đêm, Reyes chỉ có thể đi đánh “độ”. Và thế là một thân một mình, Reyes vác gậy đi khắp các tụ điểm billards lớn nhất Philippines để thách đấu. Và cho đến năm 20 tuổi, không còn ai ở đất nước này dám đấu với cãi gã da nâu ăn mặc tuềnh toàng kia.

Chinh phục xong trong nước, Reyes làm một tour châu Á. Ông lấy một quyển sổ và ghi lại tên của tất cả những cơ thủ hàng đầu châu lục, và cố gắng đánh bại từng người một. Reyes đi đến đâu là thắng tới đó. Cả châu Á đặt cho ông biệt danh mà sau này còn vang tới tận bên kia Thái Bình Dương: Ảo thuật gia.

Efren Reyes: Ảo thuật gia trên bàn bi
Reyes với hình ảnh giản dị đặc trưng của mình.

“Tôi chẳng quan tâm người ta gọi tôi là gì, thậm chí tôi còn chẳng thích người ta nhận ra mình bởi nếu thế, họ sẽ không đánh “độ” với tôi nữa. Người ta nói Mỹ là mảnh đất của những giấc mơ hoang dã nhất, và thế là tôi đã đến Mỹ để đối đầu với những người giỏi nhất và hoàn thành giấc mơ kiếm thật nhiều tiền của mình”, Reyes hài hước.

Năm 1985, một người đàn ông tự xưng là Cezar Morales đã đến những quán pool ở Houston, Texas và gạ tất cả những cơ thủ ở đó chơi. Chỉ trong 21 ngày, anh ta bỏ túi 81.000 USD. “Giang hồ” thắc mắc không biết Morales và nhân vật huyền thoại ở Phillipines, Efren Reyes, ai giỏi hơn? Rồi vỡ lẽ ra, Morales và Reyes thực ra chỉ là một người. Cải trang, không cần thân phận, chỉ một cơ là dọn bàn, Reyes đến Mỹ với mục đích kiếm tiền.

Spanish Mike, bạn thân nhất của Reyes trên đất Mỹ, nói về người đồng hành của mình: “Efren là một tên nghèo đúng nghĩa. Tất cả những gì anh ta nói đều là tiền và tiền. Khi Efren chơi vì tiền, mắt anh ta sáng lên như một con rắn. Đó chính là sức mạnh của Efren: Tiền bạc. Đương nhiên, bên cạnh đó là kỹ năng thượng thừa. Đôi khi lúc tôi và cả phòng chẳng nhìn thấy nước đi nào, quay sang Efren và thấy mắt anh ta đảo liên tục. Tôi biết Efren đã nhìn thấy điều gì đó và đó là sự khác biệt giữa thiên tài và người thường. Chỉ là thiên tài này dễ dụ lắm, bạn chỉ cần ra một cái giá thỏa mãn là Efren sẽ có mặt”.

Nhưng không để tiền mua lấy bản chất

Ở thời đỉnh cao, có giải đấu chuyên nghiệp Reyes ẵm tới 160.000 USD tiền thưởng. Nhưng số tiền đó chẳng là gì so với The Derby City Classic (DCC). Đây không phải một giải billards thông thường với những trận đấu mà bạn thấy trên kênh ESPN, với trọng tài mặc tuxedo điệu đà màu đen, với các khán giả lịch sử, thân thiện. DCC là một giải đấu cá cược, nơi người hâm mộ chẳng hề quan tâm tới những trận đấu biểu diễn kết thúc trước nửa đêm, mà chỉ tập trung vào những trận đánh “độ” diễn ra từ 12h giờ đêm cho tới 7h sáng hôm sau.

Efren Reyes: Ảo thuật gia trên bàn bi
Nụ cười luôn thường trực trên môi Reyes mỗi khi ông thi đấu.

Những cơ thủ được mời đến đó đều mang biệt danh đậm chất “giang hồ”, như Shannon the Cannon (Shannon “súng thần công”), the Scorpion (Bọ cạp), Scott the Shot, Kid Delicious, Spanish Mike, Goose, the Hurricane (Cơn bão), Kid Confidence (Đứa trẻ tự tin), the Killer Pixie (Sát nhân Pixie) hay Piggy Banks.

Nếu thắng hết các giải, người chơi có thể mang cả triệu USD về nhà. Như một thế giới ngầm trong thể thao, ở DCC toàn là kỳ nhân dị tướng, chỉ dân trong nghề mới biết được những cơ thủ này giỏi như thế nào. Đấu vì tiền, rất nhiều tiền, có lẽ là thử thách khắc nghiệt nhất. Nó khiến cho trí óc của người chơi bị đẩy đến tận cùng, sự căng thẳng vượt mọi giới hạn bởi chỉ một sai lầm thôi, bạn sẽ mất tất cả. Chính điều này khiến những cơ thủ ở DCC đều chọn những đường cơ thực dụng nhất. Họ thực dụng đến cực đoan, và nó khác xa cái thế giới mà Reyes muốn tận hưởng. Mặc kệ những kẻ xung quanh đang làm tất cả để kết thúc ván đấu nhanh nhất, Reyes vẫn khiến khán giả trầm trồ bằng những đường cơ mang đậm tính biểu diễn.

Efren Reyes: Ảo thuật gia trên bàn bi
Reyes được khán giả Việt Nam vây kín khi tham dự SEA Games 31.

Một trong những lý do đưa tên tuổi Reyes trở thành huyền thoại là vì ông không thích đánh dễ. Chính lối chơi mạo hiểm nhưng ngẫu hứng và đầy tính nghệ thuật đã làm nên thương hiệu của Reyes. Đã từng có thời điểm cách đây hơn 20 năm, ông được xem là người sáng tạo ra cách chơi billiards mới cho thế giới. Là một khán giả không cần biết gì về bi-a, bạn vẫn có thể thích thú với màn trình diễn của Efren Reyes, nhưng đối thủ của ông thì không. Bắt Reyes đánh cơ “ăn chắc mặc bền” thì tuyệt nhiên ông không làm. Không phải vì ông không làm được, mà là không muốn làm. Hay như người ta vẫn nói “Có cho tiền cũng không làm”.

“Tôi thích tiền bạc, nhưng còn thích hơn cái cảm giác được tận hưởng trọn vẹn một trận đấu. Nếu chỉ là cuộc đấu giữa 2 người cầm gậy, tôi đã không đi theo môn thể thao này lâu đến vậy. Tôi sống trong sự hân hoan của khán giả. Một khán phòng đầy ắp người không phải chỉ đến xem những đường cơ mà ai cũng làm được. Tôi không thích sự đơn điệu, nó làm tôi già cỗi hơn mỗi ngày”, Reyes tâm sự.

Và đó có lẽ là lý do Reyes luôn cười rất nhiều trong những trận đấu của mình. Hình ảnh ông hòa mình vào nhịp điệu của khán giả, khiến họ ồ lên, đứng dậy vỗ tay tán thưởng chính là di sản lớn nhất mà một cơ thủ “phủi” muốn người ta nhớ về mình.

Efren Reyes giàu cỡ nào?

Không ai biết chính xác Reyes đã kiếm được bao nhiêu tiền từ billards và những hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, chỉ riêng số tiền giải thưởng từ các giải đấu chính quy của Reyes đã lên tới hơn 2 triệu USD. Khác với những triệu phú thể thao khác, Reyes không khoe mẽ vật chất.

Người hâm mộ không khỏi thắc mắc Reyes đã dùng cả đống tiền của mình vào đâu, để rồi luôn xuất hiện với một bộ dạng tuềnh toàng nhất có thể. Bạn dễ dàng tìm thấy Reyes ở tuổi lục tuần tại các quán bi-a “cỏ” dọc Manila. Nếu không phải vì gương mặt của Reyes quá thương hiệu, sẽ chẳng ai biết “ông già” mặc quần đùi, áo cộc tay, trên người không có một trang sức giá trị nào kia là một triệu phú.

Thời Reyes còn nhỏ, phần đông dân số Phillippines sống trong nghèo khó, hầu như không có hình thức giải trí nào với số tiền kiếm được có khi còn chưa đến 100 peso mỗi ngày.  Điều đặc biệt là Reyes thích kiếm tiền song lại không cố để trở nên giàu có. Ông đưa tiền cho con trai, mua quà tặng vợ, tạo kế sinh nhai cho anh chị em trong gia đình hoặc đơn giản hơn là làm từ thiện. Reyes thậm chí không buồn đi trồng răng sau khi mất chiếc răng cửa, vẫn sử dụng chiếc điện thoại Nokia cổ lỗ, mặc quần soóc, áo phông, đi dép “tông” khi ở nhà. Và nhà của ông không phải dinh thự to lớn.

Rate this post