Bóng rổ Việt Nam và sứ mệnh mở đường sau SEA Games 31
–
Thứ bảy, 28/05/2022 12:30 (GMT+7)
Với những gì đã làm được tại SEA Games 31, tuyển bóng rổ nam và nữ Việt Nam hứa hẹn sẽ mở ra cánh cửa mới cho môn thể thao đang trong giai đoạn phát triển này.
Bóng rổ Việt Nam hứa hẹn phát triển sau SEA Games 31. Ảnh: T.T
Kỳ SEA Games thành công
Có thể nói, bóng rổ Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công trên nhiều phương diện. Ở nội dung 3×3, dù thua tuyển Thái Lan ở cả 2 trận chung kết nam và nữ nhưng huy chương bạc vẫn là thành tích “vô tiền khoáng hậu” với các vận động viên. Hơn nữa, tuyển bóng rổ nam và nữ Việt Nam cũng đều gây ra vô vàn khó khăn cho đối thủ.
Ở nội dung 5×5, thành tích của toàn đội không tốt như vậy. Chúng ta tiếp tục thua Thái Lan ở 2 trận đấu cuối cùng và để lỡ tấm huy chương đồng. Đáng tiếc nhất là các cô gái vàng để thua với tỉ số 75-78 và không thể lập nên cú đúp huy chương.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất của bóng rổ Việt Nam chính là sự hấp dẫn mà trái bóng cam mang lại cho người hâm mộ. Ở tất cả các ngày tổ chức, Nhà thi đấu Thanh Trì luôn trong tình trạng chật kín. Thậm chí, luôn có từ 1.000 – 2.000 khán giả xếp hàng bên ngoài các cửa kiểm soát với hy vọng may mắn được vào sân.
Nhà thi đấu Thanh Trì luôn trong tình trạng “quá tải” trong những ngày diễn ra môn bóng rổ tại SEA Games 31. Anh: Hải Nguyễn
Điều này đến từ chính màn trình diễn đẳng cấp và giàu cảm xúc của các tuyển thủ. Đặc biệt, tuyển bóng rổ nữ Việt Nam trở thành hiện tượng với sự xuất hiện của các cầu thủ Việt kiều như Mailee Jones, Trần Thị Anh Đào và chị em sinh đôi Trương Thảo Vy, Trương Thảo My. Họ tạo ra sự khác biệt cho đội chủ nhà với trình độ chuyên môn và nỗ lực không biết mệt mỏi vì màu cờ sắc áo.
Ở đội nam, cựu sinh viên Havard Christian Juzang cũng tạo nên cơn sốt riêng với vẻ bề ngoài điển trai và khả năng “gánh team”. Anh liên tục là người ghi điểm nhiều nhất, rebound nhiều nhất cho tuyển bóng rổ nam ở nội dung 5×5. Những ngôi sao khác như Justin Young, Chris Dierker hay Khoa Trần vốn đã là thỏi nam châm hút khán giả từ khi dự VBA.
Sứ mệnh mở đường
Đầu tiên, cần phải nói rằng, chính tinh thần thi đấu của các cầu thủ, không khí tại nhà thi đấu giúp nhiều người có cái nhìn hoàn toàn khác với môn bóng rổ. Nhiều khán giả lớn tuổi đã dành thời gian ngồi trước màn ảnh nhỏ để theo dõi môn thể thao này cùng con, cháu mình khi SEA Games 31 diễn ra.
Thực tế, bóng rổ cũng là một trong những môn được phát triển khá mạnh mẽ ở các trường học tại Việt Nam. Nhưng vì nhiều lý do, bóng rổ chưa thể lan toả đến nhiều tầng lớp khác nhau. SEA Games 31 là đòn bẩy quan trọng để nhiều phụ huynh cởi mở hơn trong việc để con em đến với môn thể thao này.
Nhìn rộng hơn ở cấp độ chuyên nghiệp, bóng rổ Việt Nam chưa thực sự có những cầu thủ “nội binh” đủ tốt. Công bằng mà nói, sức mạnh của đội tuyển đến từ các cầu thủ Việt kiều như Thảo My, Thảo Vy, Anh Đào ở đội nữ hay Juzang, Dierker, Khoa Trần, Young… ở đội nam.
Tuyển bóng rổ nam và nữ VIệt Nam tạo ra sức hút rất lớn tại SEA Games 31. Ảnh: Hải Nguyễn
Bởi vậy, khi những ngôi sao bóng rổ trở nên “viral” trên mạng xã hội, họ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với giới trẻ, vốn là thị trường chính mà bóng rổ hướng tới. Khi đã có thần tượng cho riêng mình, các bạn trẻ sẽ tập luyện bóng rổ chuyên nghiệp nhiều hơn. Giải đấu non trẻ như VBA sẽ là mảnh đất màu mỡ để họ tập luyện, phát triển và “sống” được với đam mê.
Bóng rổ là môn thể thao yêu cầu đặc thù về thể hình. Do vậy, để bóng rổ Việt Nam thực sự vươn mình và sống bằng nội lực hơn là chờ đợi hoàn toàn vào các cầu thủ Việt kiều, sẽ cần một khoảng thời gian rất dài từ 5 – 10 năm, như cách chúng ta đầu tư và phát triển cho bộ môn bóng đá, futsal.
Bên cạnh đó, bóng rổ Việt Nam sẽ cần kết hợp khéo léo giữa các cầu thủ Việt kiều và những đồng nghiệp trong nước. Các nhà quản lý cần đảm bảo thành tích để duy trì sức hút nhưng cũng không thể bỏ quên động lực thi đấu của các “nội binh”.