Dấu ấn Lê Lựu
Mấy năm nay nhà văn Lê Lựu bị những trận tai biến, phải nằm một chỗ, lúc tỉnh lúc mê. Mới đây, con gái ông đã đón ông về quê hương Hưng Yên để chăm sóc. Vậy là ông đã không còn ở khu Tam Trinh (Hà Nội), nơi đó ông từng dành tâm huyết gây dựng Trung tâm văn hóa doanh nhân với nhiều hoạt động ý nghĩa…
Nhiều năm trước, tôi đã gặp và trò chuyện với nhà văn Lê Lựu nhiều lần. Lúc ông sang NXB Thanh Niên in sách, khi ở bên tạp chí Văn nghệ quân đội – nơi ông công tác. Lần nào gặp cũng đều thấy toát ra ở ông sự xuề xòa, giản dị đến tuềnh toàng. Ở ông không thấy sự khó gần, kẻ cả thậm chí cố làm ra vẻ mình nổi tiếng để tạo khoảng cách với mọi người. Văn Lê Lựu cũng như con người ông, giản dị và sâu sắc…
Các tiểu thuyết “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”… đã làm nên tên tuổi nhà văn Lê Lựu
Khi Lê Lựu còn khỏe, ông đi đó đi đây, ăn nói rổn rảng. Nhưng ba lần tai biến đã khiến sức khỏe ông suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, lần tai biến thứ ba ập đến mấy năm trước khiến ông phải nằm nhiều hơn, bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm.
Cũng khá lâu rồi tôi không gặp nhà văn Lê Lựu. Có lần, tôi đến tìm ông ở ngõ 319 Tam Trinh (Hà Nội). Trung tâm văn hóa doanh nhân nơi ông làm giám đốc đóng đô ở đấy. Chỗ làm việc đồng thời là nơi ở của ông. Ít ai nghĩ tác giả của những tiểu thuyết lừng lẫy trên văn đàn Việt như “Thời xa vắng”, “Hai nhà”, “Sóng ở đáy sông” lại sống giản đơn như thế…
Tuy vậy, những người đã thân, đã quen nhà văn Lê Lựu, sự đơn giản, hồn nhiên trong cuộc sống của ông không có gì lạ. Ông sinh hoạt đơn giản, ăn nhanh, uống nhanh. Thậm chí có chút gì đó như sự vội vàng.
Nhắc tới đời văn của Lê Lựu, không thể không nhắc tới hai cuốn sách nổi tiếng của ông là tiểu thuyết “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông”. Mới đây, cả hai tác phẩm đình đám này được tái bản với hình thức mới.
Nhà văn Lê Lựu viết xong “Thời xa vắng” vào tháng 9/1984, tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Sau khi tiểu thuyết được xuất bản, bạn đọc cả nước nồng nhiệt tìm đọc. “Thời xa vắng” được giới phê bình đánh giá tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới – xu hướng nhận thức lại thực tại.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngay từ khi ra đời cuốn sách đã gây ra một tiếng vang lớn vượt quá sức tưởng tượng của tác giả. Cuốn sách đã để lại một dấu ấn trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20 và trong lòng độc giả. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng, có lẽ “Thời xa vắng” bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, và cả mai sau…
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình cho rằng, nhà văn Lê Lựu viết “Thời xa vắng” khi công cuộc đổi mới đất nước vừa được bắt đầu. Ông viết như viết về mình, kể chuyện mình, nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thời -đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, sống cho cái mình không có, sống chạy theo cái không phải của mình. Giang Minh Sài một kiểu người, một kiểu sống, rất riêng, rất khác với những nhân vật văn học quen thuộc trước đây.
Còn tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của Núi – người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần “không thể kìm hãm trước con ở” khi “đang thời bừng dậy rừng rực”.
Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối. Bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và một thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… “Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa…”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét.
Cả tiểu thuyết “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông” đều đã được chuyển thể thành những bộ phim điện ảnh, truyền hình gây tiếng vang. Lúc còn minh mẫn, nhà văn Lê Lựu có lần tự nhận: “Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi”.
Thế nhưng, ông đã đóng góp cho văn chương Việt Nam nhiều tác phẩm đặc sắc. Cũng vì những tác phẩm khắc dấu văn đàn ấy, Lê Lựu trở thành nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến để “bắc nhịp cầu văn hóa” (năm 1988).
Đã khá lâu, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương, mà hiếm thấy trên các cửa hiệu sách hay các sàn giao dịch trực tuyến. Những độc giả trẻ tuổi, những độc giả ngày nay muốn tìm đọc các tác phẩm của Lê Lựu chỉ có thể lục trên mạng và không đầy đủ. Với mong muốn nối lại các văn bản chữ nghĩa mang đậm ý nghĩa một giai đoạn, qua lăng kính tài ba của nhà văn Lê Lựu, Sbooks đã mời họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa và họa sĩ Linh Giang minh họa, để đưa những tiểu thuyết nổi tiếng này đến với bạn đọc. Nhóm làm sách đã gấp rút thực hiện và làm với tấm lòng tri ân sâu sắc, khi mà trong thời khắc này, nhà văn đang trong giai đoạn tỉnh thức, không còn có thể hiểu được nghe được những lời ngợi ca…
Quả vậy, với Lê Lựu bây giờ, ông không cần nghe thêm những lời ngợi ca nữa. Điều ông mong muốn, có lẽ là sự im lặng vĩnh cửu. Nhưng ngay cả khi điều đó là đúng, thì những tác phẩm văn học sau khi được nhà văn sinh ra, có cuộc sống riêng. Nhà văn sau khi cấp “hộ chiếu” để đứa con tinh thần của mình bước vào đời, nó sẽ sống một đời sống riêng, mà tác giả muốn cũng không được.
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu – Hưng Yên. Tác phẩm của ông từng được trao nhiều giải thưởng: Truyện ngắn “Người cầm súng”, giải Nhì báo Văn nghệ 1968; Tiểu thuyết “Thời xa vắng”, giải A Hội Nhà văn Việt Nam, 1990. Ông cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật đợt 1…
Ông còn là tác giả của: “Mở rừng” (tiểu thuyết), “Mặt trận của người lính” (tập truyện ngắn), “Trở lại nước Mỹ” (tập bút ký), “Đại tá không biết đùa” (tiểu thuyết), “Hai nhà” (tiểu thuyết)…