Đời thực của “tay sát gái” Casanova
Đứa trẻ bị bỏ rơi
Tên đầy đủ của Casanova là Giacomo Girolamo Casanova (2/4/1725 – 4/6/1798). Ông chào đời tại Venice, Italia, là con trai cặp vợ chồng diễn viên kịch cực kỳ nổi tiếng – Zanetta Farussi và Giuseppe Gaetano Casanova.
Vừa tròn một tuổi, Casanova đã bị cha mẹ gửi cho vú nuôi để theo đuổi sự nghiệp. Kể từ lúc này, cậu hiếm khi gặp mặt phụ mẫu. Thế kỷ 18 ở Ý, ca kịch vẫn bị xem là “xướng ca vô loài”. Những người dám bất chấp theo đuổi nghiệp diễn bị đuổi ra khỏi nhà, không được phép an táng trong nhà thờ. Casanova sớm bị gửi vào nhà thờ vì không có ai chịu chứa chấp.
Venice trong thời Casanova lớn lên là trung tâm ăn chơi trác táng. Nó đầy rẫy các địa điểm đánh bạc, nhà thổ, thú vui phi pháp… thu hút giới thượng lưu châu Âu tới ăn chơi. Đời sống xã hội “loạn” đến nỗi, ngay cả các tu viện thiêng liêng cũng trở thành nơi ẩn giấu “gái điếm hạng sang”.
Lớn lên trong môi trường này, Casanova chỉ “thấm” toàn thói hư tật xấu. Cậu cực ghét học giáo lý, suốt ngày nhăm nhe trốn nghe giảng và đi tán gái. Ngay khi có được chức vị linh mục, Casanova liền lợi dụng tiếp cận phụ nữ. Anh ta quyết tâm trở thành con bạc giỏi, vung tiền ăn chơi và “cua” gái khắp thành Venice.
Đào hoa nhất Venice
Từ nhỏ, Casanova đã luôn ý thức được địa vị xã hội thấp kém của mình. Ông khát khao xóa bỏ thân phận, tiến vào thế giới thượng lưu và nhận thấy lối tắt ngắn nhất: Phụ nữ quý tộc. Ông tự đổi danh xưng thành Chevalier de Seingalt, tìm mọi cách đeo bám các tiểu thư, quý bà quyền thế.
Khi đã “chấm” phụ nữ, Casanova tận lực tán tỉnh. Ông hào phóng tặng quà, buông những lời khen ngợi, nịnh nọt hoa mỹ, bày đủ trò khiến họ thấy vui và rất chân thành lắng nghe.
Trong mắt cánh đàn ông đương thời, Casanova là gã lăng nhăng, diêm dúa, lố bịch. Trái lại trong mắt phụ nữ, ông lại là người nhạy cảm, hấp dẫn. Yêu ai, Casanova cũng dốc hết con tim và túi tiền. Ông không đặt nặng vấn đề chung thủy, nhưng lại yêu toàn tâm toàn trí. Dù đối tượng là “gái làng chơi” hay tiểu thư cao sang, Casanova đều đối xử trân trọng, thật lòng. Với ông, yêu là một kiểu đầu tư cảm xúc không bao giờ lỗ vốn, cho đi một thì nhận về hai.
Đi đến đâu, Casanova cũng kết giao với phụ nữ. Từ Venice cho đến Paris (Pháp), Prague (Séc), London (Anh)… ông đều có “bóng hồng”. Họ thuộc mọi tầng lớp xã hội, có cả đàn bà giang hồ, tay bài bạc, thiếu nữ nhà nông, quý cô thượng lưu, thậm chí là cung nhân trong nội điện của Hoàng đế Louis XV (Pháp).
Phụ nữ là trọng tâm cuộc đời Casanova. Ông luôn tự hào đã “vắt vai” khoảng 124 mối tình. Tuy nhiên, lăng nhăng lắm thì cũng nhiều rủi ro. Casanova bị hoa liễu 11 lần và nhiều dịp bị lừa sạch cả tình lẫn tiền. Ông từng yêu say đắm Henriette, một phụ nữ quý tộc tuyệt sắc nhưng cũng bị chính bà đá ra khỏi cửa, không quên “bố thí” cho 500 đồng louis (tiền Pháp).
Vào tù và vượt ngục
Khỏi phải nói cũng biết, xã hội thượng lưu Venice khinh bỉ và chán ghét Casanova thế nào. Tuy Venice nhiều mảng tối nhưng trên bề mặt, nó vẫn là một thành phố cổ kính, giàu truyền thống văn hóa đạo đức. Cũng trong thời đại này, báo chí phát triển rầm rộ. Casanova rất giỏi sáng tác thơ và viết truyện. Ông mơ ước làm giàu bằng bài bạc, song chủ yếu sống nhờ tiền nhuận bút.
Năm 1755, Casanova có lần tếu táo đọc bài thơ chế nhạo sự ra đời của Thiên Chúa trước Giovanni Manuzzi, đại diện của Tòa án Tối cao Venice. Manuzzi liền chớp cơ hội, tố cáo Casanova tội báng bổ thánh thần. Ông đặc biệt nhấn mạnh ngoài tội này, Casanova còn tội bất chung thủy và quan hệ lưỡng tính.
Sáng ngày 26/7/1755, 40 quân lính có vũ trang đột nhập, bắt giữ và lục soát phòng Casanova. Họ phát hiện một số tác phẩm, sách ảnh đồi trụy. Tòa án phán quyết Casanova có tội dị giáo. Ông bị giải thẳng đến nhà ngục Piombi, nơi nổi tiếng là dễ vào khó ra.
Dẫu kinh hoàng và phẫn uất, Casanova nhanh chóng tiếp nhận thực tế. Ông âm thầm bắt tay với một tù nhân là linh mục phạm tội hoàn tục, đào hầm vượt ngục. Ngày 31/10/1756, Casanova thành công thoát khỏi Piombi, trốn sang Pháp. Venice điên cuồng truy đuổi nhưng bất thành, vô hình trung khiến tên tuổi Casanova càng thêm nổi tiếng. Nhờ trải nghiệm này, Casanova viết cuốn sách bán chạy nhất Cuộc đào thoát của tôi (Ma Fuite).
Từ Pháp, Casanova tiếp tục sự nghiệp chinh phục phụ nữ. Ông may mắn gặp gỡ bà chủ thẩm mỹ viện giàu có, Marquise d’Urfé. Marquise đã 63 tuổi và luôn mơ ước hồi xuân. Bà xiêu đổ trước những lời có cánh của Casanova, không tiếc cho ông mượn tiền bạc. Nhờ hỗ trợ tài chính từ Marquise, Casanova thoải mái du lịch xuyên quốc gia. Ông dừng lại khá lâu ở Nga, hy vọng gặp Nữ hoàng Catherine Đại đế (1729 – 1796) nhưng không có cơ duyên nào.
Văn gia đại tài
Sau “đổ vỡ” với Marquise, Casanova lánh sang Anh, dần dà trôi dạt tới Prague. Tại đây, ông gặp lại người phụ nữ mình yêu thương nhất nhưng chưa bao giờ được hồi đáp là mẹ. Bà Zanetta đã giải nghệ, an hưởng tuổi già. Suốt cả đời, bà không bận tâm đến sống chết của con trai, đối xử với Casanova chẳng khác nào người lạ.
Cũng tại Prague, Casanova kết bạn với 2 vĩ nhân Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791, Áo) và Loreto da Ponte (1749 – 1838, Ý). Mozart và Ponte lấy chính Casanova làm nguyên mẫu cho Don Giovanni, nhân vật hư cấu “sát gái” nổi danh. Trong vở kịch, Don Giovanni là kẻ lừa tình, quyến rũ phụ nữ lấy tiền, cuối cùng nhận kết thúc bi thảm. Casanova bất mãn, đòi Mozart và Ponte phải sửa đổi nhưng bị từ chối.
Ở cuốn hồi ký Chuyện đời tôi (Histoire de ma vie), Casanova từng viết: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”. Ông không bao giờ nghĩ đến chuyện gắn bó cả đời với một người phụ nữ. Nhưng khi tuổi già đuổi đến, xung quanh Casanova chẳng còn một ai. Ông cô đơn đến nỗi bật khóc vì vui sướng khi bị một tên cướp chặn đường.
“Tôi thừa nhận, mọi điều tốt đẹp lẫn khốn nạn trong cuộc đời mình đều do bản thân mà ra cả”, Casanova bộc bạch, “cuộc đời tôi là chủ đề của xã hội, nhưng chủ đề của tôi lại chính là cuộc đời tôi”. Suốt những năm tháng cuối đời, ông viết lách trong cô độc. Casanova sáng tác bằng tiếng Pháp, lưu lại toàn bộ thăng trầm cá nhân, thừa nhận khát khao tình mẫu tử và nỗ lực bám váy phụ nữ, nhờ họ kéo lên khỏi đáy xã hội.
Ngoài tự truyện, Casanova còn viết thơ, kịch, tiểu thuyết, tiểu luận và dịch thuật. Ông phác họa bức tranh hoàn chỉnh về đời sống xã hội châu Âu thế kỷ 18.
Vì tai tiếng cờ bạc, hám gái, Casanova bị thế giới nghệ thuật đương thời tảng lờ. Phải 20 năm sau ngày mất, ông mới được công nhận là nhà văn và chuyển ngữ sang tiếng Anh, Đức.