MV của Sơn Tùng M-TP bị gỡ bỏ: Những bài học từ góc nhìn truyền thông

MV của Sơn Tùng M-TP bị gỡ bỏ: Những bài học từ góc nhìn truyền thông

Sơn Tùng, nghệ danh Sơn Tùng M-TP, là một ca sĩ trẻ thành công, sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, đỗ thủ khoa đầu vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, từng giành nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế, được thanh thiếu niên ái mộ, có tới gần 10 triệu tài khoản (9,91 triệu tài khoản tính tới 4/5/2022) đăng ký theo dõi kênh chính thức của Sơn Tùng trên mạng xã hội YouTube.

MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP bị gỡ bỏ: Những bài học từ góc nhìn truyền thông - Ảnh 1.

Sơn Tùng không phải ngôi sao đầu tiên bị dư luận lên án bởi MV mang tính tiêu cực. (Ảnh: FBNV)

Những bài hát do Sơn Tùng sáng tác và biểu diễn được công chúng đón nhận nồng nhiệt như “Chắc ai đó sẽ về”, “Lạc trôi”, “Nơi này có anh”, dần đưa tên tuổi Sơn Tùng trở thành hiện tượng của phát hành sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội. Báo chí Việt Nam và quốc tế nhận định Sơn Tùng là “hiện tượng nhạc Pop có ảnh hưởng lớn nhất thị trường âm nhạc Việt Nam”, “mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ”, “là một trong những nghệ sĩ Việt Nam cần phải được biết tới”.

Thông tin về Sơn Tùng được coi là một di sản văn hóa đại chúng để truyền dạy cho trí tuệ nhân tạo. Sophia, rô-bốt đầu tiên được cấp quyền công dân, đã phát biểu trong một triển lãm tổ chức tại Việt Nam: “Mục đích sau cùng của những rô-bốt như tôi là giúp con người có thêm nhiều thời gian để theo đuổi đam mê, cho gia đình, con cái, có thêm chút thời gian rảnh. Khi đó, các bạn có thể nghe nhạc Sơn Tùng M-TP bao nhiêu tùy thích”.

Với MV There’s no one at all, Sơn Tùng kỳ vọng sẽ đánh dấu chặng đường mới trong sự nghiệp “chơi” nghệ thuật. Lời bài hát hoàn toàn bằng tiếng Anh và những clip giới thiệu song ngữ Việt-Anh, cho thấy Sơn Tùng đang hướng tới khán giả thế giới. Tuy nhiên, làn sóng phản đối từ trong nước đã khiến Sơn Tùng phải dừng bước tiến ra toàn cầu ngay ở ngày đầu tiên.

Thiếu sự phù hợp với thực tiễn và văn hóa

Về mặt thực tiễn cuộc sống, do Việt Nam từng trải qua nhiều mất mát trong những cuộc chiến nên chúng ta rất trân quý hòa bình, sự ổn định. Thêm vào đó, người Việt sống luôn hướng tới tinh thần lạc quan, yêu đời, chính vì thế, những nội dung mang tính tích cực, xây dựng, đồng thuận, đoàn kết thường được ưa thích và được tạo điều kiện thuận lợi để trở nên phổ biến trong các sản phẩm báo chí, truyền thông, văn hóa chính thống (mainstream media).

Từ đó chúng ta hiểu vì sao những nội dung mang tính ca ngợi, khuyến khích, ví dụ như “Mẹ yên tâm con là công dân tốt; Đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi” (bài hát Mang tiền về cho mẹ – rapper Đen Vâu), dễ được phổ biến hơn là những nội dung tiêu cực như trong bài hát There’s no one at all (tạm dịch là Hoàn toàn không có ai), nhất là khi chúng ta đang cùng nhau vượt khó trong đại dịch Covid-19 với phương châm Không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về mặt văn hóa, Việt Nam là quốc gia có tính tập thể cao, tính cá nhân thấp (theo chỉ số đo lường văn hóa của giáo sư Geert Hofstede, Hà Lan). Tính tập thể cao tạo ra tâm lý mong đợi mỗi cá nhân phải hòa hợp với tập thể, tôn trọng tôn ti thứ bậc, và là một thành viên tốt trong tập thể. Những hành động trong bài hát Hoàn toàn không có ai cho thấy hình ảnh một thiếu niên ngỗ ngược, thích gây gổ, quậy phá, làm tổn thương cộng đồng, rõ ràng không phù hợp với văn hóa tiếp nhận sản phẩm truyền thông của số đông khán giả Việt Nam.

MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP bị gỡ bỏ: Những bài học từ góc nhìn truyền thông - Ảnh 3.

Sơn Tùng M-TP trong MV mới

Công chúng Việt dễ đón nhận hình ảnh “bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan” (bài hát Mang tiền về cho mẹ – ca sĩ Đen Vâu) hơn là hình ảnh “xem các người nói dối, tôi mất trí rồi, ước gì các người chết đi” (Watching you lie, losing my mind oh, wishing you’d die) như trong bài hát Hoàn toàn không có ai của Sơn Tùng.

Không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng

Tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội được xây dựng dựa trên các giá trị phổ quát của con người. Người sử dụng các mạng xã hội phổ biến (như Facebook hay YouTube) đều có thể dùng tính năng báo cáo vi phạm đối với những nội dung xấu, có hại, ngôn ngữ và hành động ác ý, tự tử hoặc hành vi tự gây chấn thương.

Những tiêu chuẩn cộng đồng của mạng xã hội còn phù hợp với mục tiêu số 16 về Hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Đối chiếu với những tiêu chuẩn này, MV There’s no one at all có nhiều nội dung không phù hợp với những giá trị chuẩn mực của cộng đồng, dù là cộng đồng trong nước hay cộng đồng quốc tế.

Các phim ca nhạc nước ngoài cũng phản ánh đề tài bế tắc trong cuộc sống của thanh thiếu niên, nhưng hiếm thể hiện bằng ngôn ngữ và hình ảnh độc hại. Ví dụ, bài Tàn phai (Faded) của Alan Walker với 3,2 tỷ lượt xem, nhà sản xuất âm nhạc người Na Uy, cũng có nhiều cảnh một thiếu niên không hài lòng với thực tại, và cũng nhảy xuống từ mái nhà cũ nát, nhưng sau đó nhân vật tiếp tục hát ở nhiều địa điểm khác. Hay trong MV Cô đơn (Alone), một bài hát cũng của Alan Walker với 1,2 tỷ lượt xem, có cảnh nhiều thiếu niên cùng hẹn nhau lên đỉnh núi, nhưng không có hình ảnh nhảy xuống, và ca từ cũng theo hướng tích cực “Tôi biết mình không cô đơn” (I know I’m not alone).

Rõ ràng là có thể lựa chọn phản ánh sâu sắc cái tôi đơn độc, khó dung hòa với xã hội bằng những hình ảnh và ca từ không có nội dung gây thù hận, phản cảm, hay bạo lực như trong các MV này.

Gieo mầm mống tự gây tổn thương

Lý thuyết truyền thông cultivation (tạm dịch là gieo hạt giống tư duy) do giảng viên người Mỹ George Gerbner đưa ra năm 1969, thời kỳ đầu phát triển thăng hoa của báo chí truyền hình, kết luận rằng: Việc tiếp xúc nhiều với truyền thông, đặc biệt là truyền hình, khiến khán giả nhầm lẫn và đồng nhất giữa thực tế xã hội ngoài đời với xã hội thể hiện trên truyền thông.

Theo lý thuyết này, so với các loại hình sản phẩm truyền thông khác như sách hay báo giấy, sản phẩm truyền thông bằng truyền hình và điện ảnh có tác động vô cùng lớn tới nhận thức của người xem. Người xem có xu hướng tin ngay những gì truyền hình và phim ảnh mô tả, dù có lúc nội dung mô tả có thể sai so với thực tế cuộc sống.

MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP bị gỡ bỏ: Những bài học từ góc nhìn truyền thông - Ảnh 5.

Sơn Tùng M-TP

Phim ca nhạc của Sơn Tùng là sản phẩm ca nhạc truyền hình có tính lan truyền mạnh (viral) trên mạng xã hội, có hơn 8 triệu lượt xem trong vòng 22 giờ phát hành tại Việt Nam, và hơn 9 triệu lượt xem sau 5 ngày phát hành, tính tới ngày 4/5/2022. Bao nhiêu người trong số đó sẽ có suy nghĩ và hành động như trong Hoàn toàn không có ai? Bao nhiêu thiếu niên khi xem xong sẽ nghĩ rằng, bị hắt hủi, bị bỏ rơi, chỉ có thể giải quyết bằng nhảy từ tầng cao xuống?

Liên tưởng tới những vụ việc trẻ em trầm cảm tự sát khi phải hạn chế giao tiếp xã hội trong đại dịch Covid, có bao nhiêu em nhỏ chưa đủ chín chắn về mặt tâm lý và nhận thức sẽ lầm tưởng rằng, chết là cách giải quyết? Bao nhiêu bậc phụ huynh sẽ hoảng hốt lo lắng do con em bị ảnh hưởng và làm theo thần tượng? Phim lan truyền mạnh cũng có nghĩa là sự bất ổn và tổn thương tâm lý mà nó gây ra rất lớn.

Sơn Tùng là một nghệ sĩ thông minh. Thất bại là mẹ thành công. Sản phẩm ca nhạc bị phản đối hôm nay là bài học để thương hiệu Sơn Tùng M-TP tiến xa hơn nữa. Muốn đi tới thị trường quốc tế, nghệ sĩ cần có một lực lượng ủng hộ (fan) mạnh mẽ ở trong nước, hiểu cội nguồn văn hóa, chính trị, cơ chế tiếp nhận sản phẩm truyền thông của công chúng Việt Nam và quốc tế, đừng đi xa quá với sức chịu đựng tâm lý của khán giả. Người hâm mộ rất tin, sau sản phẩm lỗi này, chắc ai đó sẽ sớm quay lại thôi, như lời một bài hát của Sơn Tùng.

Cảm ơn nhạc Sơn Tùng đã đi cùng tôi những đêm 11, 12 giờ đi bộ từ trường về nhà, cắm tai nghe bật nhạc thật to “Nơi này có anh” để đỡ sợ. Bài hát mới đây, xứng đáng bị rút xuống, coi như một tai nạn nghề nghiệp, để sau này có những siêu phẩm không sạn.

Rate this post